ClockThứ Hai, 24/10/2016 08:30

Đóng tàu bằng vật liệu mới: Ngư dân chưa mặn mà

TTH - Nhà nước có những chính sách hỗ trợ ngư dân đóng tàu bằng vật liệu mới. Song, họ vẫn còn e ngại khi đóng tàu bằng vật liệu khác ngoài gỗ.

Những con tàu vỏ thép đầu tiên

Ngày 6/10, con tàu vỏ thép đầu tiên của ngư dân Trần Văn Chiến (thôn An Dương 3, xã Phú Thuận, huyện Phú Vang) được hạ thủy tại Hải Phòng. Hiện, tàu đang trong gia đoạn hoàn thiện để đưa vào sử dụng. Con tàu có công suất 822 CV, trị giá gần 18,5 tỉ đồng được ngư dân Chiến đóng cách đây 5 tháng. Ông Chiến cho biết: “Trước khi quyết định đóng tàu vỏ thép, tui đi nhiều nơi để tham khảo. Trước đó, tui khai thác hải sản bằng tàu gỗ công suất 250 CV. Tuy nhiên, để đánh bắt được ở các ngư trường xa cần đầu tư tàu to đảm bảo an toàn lúc gặp thời tiết xấu, đồng thời nâng cao sản lượng đánh bắt”.

Tàu vỏ gỗ vẫn là lựa chọn của đa số ngư dân

Tàu vỏ thép của ông Chiến có chiều rộng 6,7m và dài 28m, được đóng tại Công ty CP Công nghiệp tàu thủy Đông Á. Ngoài vỏ thép, các bộ phận bên trong tàu sử dụng nguyên liệu là gỗ thông. Để đóng tàu, ông Chiến vay ngân hàng BIDV 17 tỉ đồng, thời hạn trả nợ trong vòng 16 năm, số tiền còn lại là vốn tự có. Với thiết kế đẹp, hiện đại và được trang bị những thiết bị có tuổi thọ cao, tàu vỏ thép của ngư dân Chiến có nhiều ưu điểm so với tàu vỏ gỗ truyền thống.

Tại thị trấn Thuận An (huyện Phú Vang), ngư dân Nguyễn Hôi cũng đã hoàn thành các thủ tục và có quyết định đóng tàu vỏ thép. Hiện, ông Hôi đã khăn gói ra Bắc đóng tàu. Dự kiến tàu của ông Hôi có công suất khoảng 800 CV, đóng trong vòng 6-8 tháng.

Ông Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh cho rằng, tàu vỏ thép có độ chắc chắn cao và khả năng chịu va chạm tốt. Nếu tàu vỏ gỗ có giới hạn về công suất thì tàu vỏ thép có thể đóng với công suất thiết kế cao; giá thành ngày càng hạ, bởi thép là vật liệu công nghiệp còn gỗ giá ngày càng đắt vì khan hiếm.

Xây dựng mô hình để thuyết phục

Hiện nay, tại Thừa Thiên Huế, có 3 cơ sở đóng tàu vỏ gỗ tại Phú Vang và Phú Lộc, các nguyên liệu như, thép hay composite chưa có cơ sở đóng tàu nào tiếp cận. Ông Trần Mậu, Giám đốc Công ty TNHH đóng tàu Thuận Mậu cho rằng, muốn đóng tàu vỏ thép trước hết cần nắm chắc công nghệ. lâu nay, ngư dân đã quen với gỗ, vật liệu mới xa lạ với họ về kỹ thuật nên chưa ai mặn mà đóng tàu vỏ thép.

khó khăn đối với ngư dân muốn đóng tàu vỏ thép đó là việc giải ngân vốn vay của ngân hàng. “Từ khi đăng ký đóng đến lúc có quyết định đóng tui phải chờ đợi ở phía ngân hàng đến 8 tháng. Ngoại trừ thủ tục vay vốn ở ngân hàng, các khâu còn lại khá đơn giản”, ông Chiến cho biết.

Theo ông Chiến, trong quá trình đóng tàu vỏ thép, ngư dân bị động, phụ thuộc hoàn toàn vào phía ngân hàng cũng như cơ sở đóng tàu. “Tàu được thiết kế trên một bản vẽ có sẵn từ phía cơ sở đóng tàu. Nếu thay đổi theo yêu cầu thì phát sinh những chi phí mới. Tui không biết chi về thép nên các công đoạn về kỹ thuật cũng như thiết kế các hạng mục đều phải theo phía công ty, thậm chí không biết sai đúng thế nào. Về tài chính, ngân hàng và công ty đóng tàu tự giao dịch với nhau, ngư dân không được cầm tiền. chính điều này khiến ai cũng ngại khi đóng tàu vỏ thép”, ông Chiến nói.

Ông Cái Trọng Như, Chủ tịch UBND xã Lộc Trì cho rằng, hiện ngư dân chưa quen với tàu vỏ thép hay copusite nên chưa mặn mà. Nếu ngư dân thấy các tàu vỏ thép làm ăn khấm khá thì họ sẽ học hỏi làm theo.

ông Ngô Văn Đủ, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Thuận An đề xuất: “Vì còn mới, nên hiện chưa có mô hình tàu sắt nào tại Thừa Thiên Huế thật sự có hiệu quả nên việc tuyên truyền, khuyến khích ngư dân đóng tàu vỏ thép còn khó. Nhà nước cần có cơ chế thử nghiệm rồi chuyển giao công nghệ”.

Ông Nguyễn Quang Vinh Bình cho biết: “Các chính sách của Nhà nước đều khuyến khích ngư dân đóng tàu bằng nguyên liệu mới. Chúng tôi sẽ hỗ trợ, hướng dẫn ngư dân các quy trình, thủ tục vay vốn, chính sách pháp luật để đóng tàu nhưng việc đóng hay không là do họ tự nguyện. Ngoài ra, chúng tôi đã có quyết định trang cấp, dành sẵn mỗi tàu một phao bè cứu sinh và 5 phao tròng cứu sinh cho những dự án tàu vỏ thép đầu tiên”.

Theo Nghị định 89 (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 67) của Chính phủ, ngư dân đóng mới tàu vỏ thép, vỏ vật liệu mới có tổng công suất máy chính từ 400 CV đến dưới 800 CV, chủ tàu được vay vốn ngân hàng tối đa 90% tổng giá trị đầu tư đóng mới tàu với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 2%/năm, ngân sách Nhà nước cấp bù 5%/năm. Trường hợp đóng mới tàu vỏ thép, vỏ vật liệu mới có tổng công suất máy chính từ 800 CV trở lên, chủ tàu được vay vốn ngân hàng thương mại tối đa 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới tàu với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 1%/năm, ngân sách nhà nước cấp bù 6%/năm.

Lê Thọ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Gắn hoạt động tín dụng chính sách với thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội

Đó là yêu cầu của UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện HĐQT Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh, ông Nguyễn Thanh Bình tại phiên họp Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh nhằm đánh giá kết quả hoạt động quý I/2024 và triển khai nhiệm vụ các tháng còn lại năm 2024, tổ chức chiều 17/4.

Gắn hoạt động tín dụng chính sách với thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội
Hiệp ước đại dịch - Niềm tin về hỗ trợ sự sống

Các nước trên toàn thế giới đã dành 2 năm qua để soạn thảo một hiệp ước quốc tế về phòng ngừa, chuẩn bị và ứng phó với đại dịch. Nhưng hiện vẫn còn khá xa để đạt được đồng thuận về các vấn đề quan trọng như công bằng vaccine và giám sát mầm bệnh.

Hiệp ước đại dịch - Niềm tin về hỗ trợ sự sống
Nhặt “lộc biển”

Từ sau tháng Giêng đến nay, sứa biển đã bắt đầu xuất hiện. Tùy theo con nước, sứa thường bị sóng đánh dạt vào bờ. Đây cũng là thời điểm nhiều người đi biển thử vận may với việc nhặt sứa.

Nhặt “lộc biển”

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top