ClockThứ Bảy, 22/10/2016 14:21
CHI TRẢ TIỀN BỒI THƯỜNG SỰ CỐ MÔI TRƯỜNG BIỂN:

Đồng thuận giữa chủ và người lao động

TTH - Trên cơ sở bàn bạc, thỏa thuận giữa chủ tàu, cơ sở nuôi trồng thủy sản (NTTS) và người lao động sẽ có biện pháp “ăn chia” hợp lý, đảm bảo công bằng cho cả chủ và người làm thuê.

Bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển: Công bằng, không để sót đối tượng

 Các tàu cá sẽ có biện pháp “ăn chia” hợp lý, đảm bảo công bằng cho cả chủ và người làm thuê

Bộ Tài chính đã có văn bản hướng dẫn việc quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển. Liên quan đến phương thức chi trả tiền bồi thường, Bộ quy định bằng hình thức chuyển khoản (nếu có tài khoản), hoặc tiền mặt. Khi thanh toán chi trả phải lập bảng kê khai có ký nhận của các đối tượng nhận tiền.

Riêng đối với 3 đối tượng, là khai thác hải sản trên tàu có công suất máy chính từ 90 CV trở lên, cơ sở NTTS được quy định: Người lao động bị mất thu nhập được tính chung trong định mức bồi thường thiệt hại của chủ tàu, hoặc chủ cơ sở NTTS. Các địa phương hướng dẫn các chủ tàu, cơ sở NTTS và người lao động về phương thức “ăn chia” phù hợp, đảm bảo sự đồng thuận. Khi nhận tiền, các chủ tàu, cơ sở NTTS phải nộp cho tổ chi trả bảng thỏa thuận với người lao động để chuyển cho Phòng Tài chính-Kế hoạch các huyện, thị xã lập hồ sơ quyết toán. Bảng thỏa thuận theo mẫu quy định tại Công văn số 5996/UBND-NN ngày 4/10/2016 của UBND tỉnh.

Các chủ tàu và người lao động sẽ thỏa thuận phương án “ăn chia” hợp lý

Trên cơ sở hướng dẫn của các cấp, ngành, các địa phương tổ chức họp dân, bàn phương án, thỏa thuận trong việc chi trả tiền bồi thường giữa các chủ tàu, chủ cơ sở NTTS với người lao động. Ông Nguyễn Quang Dân, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Thuận (huyện Phú Vang) cho biết, chính quyền địa phương chỉ làm khâu trung gian, chứng nhận, còn việc “ăn chia” đều do các chủ tàu, cơ sở NTTS và người lao động thỏa thuận với nhau. Tại các cuộc họp, qua nắm bắt thông tin từ phía người dân, họ đều thống nhất, thỏa thuận theo phương thức “ăn chia truyền thống” giữa chủ tàu và người lao động, từ nguồn thu nhập sau mỗi chuyến khai thác hải sản.

Ông Ngô Đức Xuyên, chủ tàu cá có công suất trên 500 CV ở xã Phú Thuận chia sẻ: “Từ khi có quy định định mức, phương thức bồi thường, tôi cũng như nhiều chủ tàu cũng đã tính đến phương án chi trả cho người lao động. Chúng tôi đều thống nhất, thỏa thuận cách chi trả tiền bồi thường thiệt hại cho bạn thuyền sẽ thực hiện theo “cách ăn chia” sau mỗi chuyến đánh bắt như thường lệ. Tỷ lệ chia từ nguồn thu nhập sau chuyến khai thác là “2-1”, có nghĩa chủ tàu hai phần, một phần còn lại chia đều cho các bạn thuyền. Đây là cách tính toán chi trả hợp lý nhất, đảm bảo công bằng, không thiệt thòi cho người lao động, cũng như các chủ tàu”.

Ông Hoàng Phước, Chủ tịch UBND thị trấn Thuận An (Phú Vang) cũng có chung quan điểm, cách chỉ trả tiền bồi thường với xã Phú Thuận. Ông Phước cho rằng, cách chia tỷ lệ “2-1” trong chi trả tiền bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển là hoàn toàn hợp lý, tạo sự đồng thuận trong dân. Ngư dân Võ Dũng ở thị trấn Thuận An bày tỏ: “Người lao động trên tàu như chúng tôi hoàn toàn thống nhất với cách chi trả theo tỷ lệ “2-1”. Cách chia này đảm bảo sự công bằng cho cả chủ tàu và người lao động. Tôi mong sớm được nhận tiền bồi thường để trang trải cuộc sống, nuôi con ăn học”.

Cách chi trả cho người lao động tại các cơ sở NTTS cơ bản giống với các chủ tàu. Theo ông Trần Tăng, chủ cơ sở nuôi tôm trên cát ven biển ở xã Điền Hương (Phong Điền), cách chi trả tiền bồi thường cho người lao động do sự cố môi trường biển cũng khá đơn giản. Căn cứ vào thỏa thuận, hợp đồng trả lương hàng tháng, các cơ sở chi trả mức bồi thường tương ứng cho người lao động. Chẳng hạn, mỗi tháng các lao động được trả lương 4 triệu đồng, thì đợt chi trả bồi thường thiệt hại cũng được nhận 4 triệu đồng/tháng, không để lao động thiệt thòi.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phong Điền thông tin, đến nay, hầu hết các chủ hộ NTTS và người lao động trên địa bàn cơ bản thống nhất, thỏa thuận phương án chi trả tiền bồi thường thiệt hại sự cố môi trường biển. Hội đồng chi trả bồi thường huyện, phối hợp với các địa phương tiếp tục theo dõi, hướng dẫn người dân cách “ăn chia”, đồng thời nắm bắt tình hình, giải quyết kịp thời những vướng mắc, thắc mắc của người dân trong quá trình chi trả tiền bồi thường thiệt hại.

Triều Thọ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thái Lan triển khai chương trình bảo hiểm mới cho du khách nước ngoài

Theo nội dung của chiến dịch mới của chính phủ Thái Lan nhằm đảm bảo an toàn cho khách du lịch nước ngoài khi họ đến nước này du lịch, du khách sẽ nhận được bảo hiểm y tế lên đến 500.000 Bath (hơn 13.800 USD) nếu xảy ra tai nạn ở Thái Lan và được bồi thường lên tới 1 triệu Bath (hơn 27.700 USD) trong trường hợp tử vong.

Thái Lan triển khai chương trình bảo hiểm mới cho du khách nước ngoài
Return to top