ClockThứ Bảy, 29/02/2020 13:45

Đột phá trong phát triển du lịch

TTH - Thành phố Huế đang có những đầu tư mang lại tác động tích cực, góp phần tạo nên sự phát triển mang tính đột phá của ngành du lịch giàu tiềm năng.

Huế sẽ không còn “mang tiếng” là thành phố đi ngủ sớmTP. Huế được trao giải thưởng Du lịch sạch ASEAN 2020

Khai thác tiềm năng du lịch Huế thông qua các lễ hội được UBND TP. Huế đẩy mạnh

Đa dạng hóa sản phẩm du lịch

Theo báo cáo của UBND TP. Huế, năm 2019, tổng lượng khách đến Huế ước đạt 3 triệu lượt, tăng 11,5% so với năm 2018; khách lưu trú ước đạt 2,02 triệu lượt, tăng 5,4% so với cùng kỳ. Doanh thu du lịch ước đạt 3.190 triệu đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2018; ngày khách lưu trú bình quân ước đạt 1,8 khách/ngày (khách quốc tế là 2,1 khách/ngày). Đáng chú ý, bên cạnh thu hút ngày càng nhiều khách có chất lượng cao, khả năng chi tiêu lớn đến từ Mỹ, Hàn Quốc, Anh… còn xuất hiện nhiều du khách ở các nước có thị phần thấp nhưng tốc độ tăng trưởng nhanh, như Canada, Tây Ban Nha…

Sản phẩm du lịch phát triển và đa dạng hóa là ghi nhận đáng chú ý, trong đó Festival Nghề truyền thống Huế (NTTH) 2019 là một điểm nhấn. Bảy ngày diễn ra Festival NTTH 2019 có 400.000 lượt khách, tăng 50% so với Festival NTTH trước đó 2 năm.  Công suất buồng, phòng vào ngày cao điểm đạt 97% và 100% đối với khách sạn 3 - 5 sao. Festival NTTH 2019 thu hút 16 nhóm nghề truyền thống từ 63 làng nghề trong và ngoài tỉnh.

Qua 8 lần tổ chức, Festival NTTH góp phần tôn vinh những giá trị tinh hoa của nghề truyền thống và những tài năng của các nghệ nhân làng nghề truyền thống tiêu biểu trong cả nước; trở thành lễ hội văn hóa - xã hội - du lịch  “đặc trưng” của Huế, góp phần vào tăng trưởng kinh tế - xã hội của thành phố Huế và của tỉnh. Thành công của Festival NTTH 2019 đặt ra vấn đề đáng suy nghĩ về tiếp tục tổ chức một lễ hội quy mô, có chất lượng, hiệu quả, tầm cỡ quốc gia và mang tầm quốc tế, góp phần giới thiệu, quảng bá văn hóa và du lịch Huế.

Cùng với Festival NTTH, cũng trong năm 2019, UBND TP. Huế phối hợp với Sở Du lịch tổ chức lễ hội Hiphop Huế - Urban Jam tại công viên 3/2, lễ hội diều Huế 2019 ở công viên Tứ Tượng, Ngày hội lân Huế 2019 ở Nghinh Lương Đình, góp phần đa dạng hóa các hoạt động du lịch, giới thiệu các hình thức trải nghiệm văn hóa Huế đến người dân và du khách.

Khai thác vẻ đẹp hai bờ sông Hương

Trong dịp Festival NTTH 2019, TP. Huế đã chi 10 tỷ đồng cho hệ thống chiếu sáng nghệ thuật cầu Trường Tiền, đạt tiêu chuẩn châu Âu, thay thế cho hệ thống chiếu sáng cũ lắp đặt cách đây 17 năm, đã xuống cấp. Toàn hệ thống gồm 210 bộ đèn led đổi màu, chiếu sáng toàn bộ cầu (kể cả trụ cầu) nhập khẩu từ hãng Studio Due-Italy. Trước đó, từ Festival Huế năm 2002, cầu Trường Tiền được lắp đặt một hệ thống chiếu sáng đổi màu, điều khiển bằng phần mềm lập trình. Khi chiều buông cũng là lúc cây cầu bắt đầu rực rỡ, huyền ảo trong ánh đèn màu, trở thành biểu tượng đẹp của đất Cố đô.

Thành phố Huế cũng đã triển khai dự án Quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương và dự án thí điểm có tổng vốn 6 triệu USD do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ không hoàn lại, trong đó dự án thí điểm gần 53 tỷ đồng, bao gồm các hạng mục như xây dựng bến thuyền, sân khấu biểu diễn ngoài trời, đường dạo, bãi đỗ xe… Điểm nhấn của dự án là cầu đi bộ trên sông Hương với kết cấu bằng bê tông cốt thép, sàn lát gỗ lim, lan can bằng đồng. UBND TP. Huế còn đầu tư một số công trình như chỉnh trang hệ thống các công viên Tứ Tượng, Lý Tự Trọng, sân trước Bia Quốc Học, đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, đường dạo bộ dọc bờ sông Hương; thực hiện kết nối với đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, cầu Trường Tiền, bến thuyền du lịch Tòa Khâm, phố đi bộ Phạm Ngũ Lão – Chu Văn An - Võ Thị Sáu.

Sông Hương không thể tách rời TP. Huế. Mục tiêu của những dự án kể trên là tạo điểm nhấn cảnh quang, nghệ thuật và không gian mở để người dân và du khách tiếp cận hơn với vẻ đẹp thơ mộng của dòng Hương, qua đó phát triển du lịch.

Tạo chuyển động để đột phá

Hoàn thiện cơ sở hạ tầng gắn với phát triển sản phẩm du lịch vẫn là những vấn đề đặt ra trong phát triển du lịch Huế. Năm 2020, TP. Huế tiếp tục các dự án đầu tư hoàn thiện, phục vụ du lịch: Chỉnh trang công viên 2 bờ sông Hương, công viên An Hòa; chỉnh trang đồng bộ không gian đôi bờ sông Hương; xây dựng phương án đền bù giải phóng mặt bằng khu vực cồn Dã Viên và khu vực II đàn Nam Giao; đầu tư hệ thống đèn chiếu sáng, bãi đỗ xe, ưu tiên hạ tầng giao thông tĩnh, các bến bờ du lịch dọc bờ sông Hương… nhằm tạo ra địa điểm tham quan, vui chơi giải trí cho người dân và du khách.

Cùng với phát triển dịch vụ du lịch phía nam, thành phố đẩy mạnh khai thác tuyến đường đi bộ cầu Trường Tiền; kết nối với không gian đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu với không gian đi bộ chợ Đông Ba, đường Trần Hưng Đạo, đường Trịnh Công Sơn vào ban đêm, mở rộng phố đi bộ phía nam, khu vực xung quanh Đại Nội để đáp ứng nhu cầu tham quan, vui chơi, giải trí về đêm cho du khách. Cùng với đó là xây dựng phương án quản lý các công viên, điểm xanh sau khi đã đầu tư, chỉnh trang, cải tạo theo hướng không tổ chức dịch vụ trong các công viên.

Bằng những việc làm cụ thể, thiết thực và có tính toán khoa học, TP. Huế đang từng bước góp phần hiện thực hóa nhiệm vụ mà Nghị quyết của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định, đó là chăm lo phát triển văn hóa xã hội, giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống, xây dựng Thừa Thiên Huế thành trung tâm văn hóa đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc và bản sắc văn hóa Huế gắn với phát triển đa dạng các ngành dịch vụ, trong đó, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn thông qua việc nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch.

Bài, ảnh: THANH HƯƠNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mở không gian, tạo động lực phát triển - Kỳ 4: Hướng đến thành phố đáng sống, an toàn và thịnh vượng

Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch tỉnh) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là bước tiến quan trọng. Tỉnh đã nhanh chóng bắt tay vào việc triển khai, thực hiện quy hoạch. Một thành phố trực thuộc Trung ương đang được hình thành, và Huế hứa hẹn sẽ trở thành nơi đáng sống, an toàn và thịnh vượng.

Mở không gian, tạo động lực phát triển - Kỳ 4 Hướng đến thành phố đáng sống, an toàn và thịnh vượng
Mở không gian, tạo động lực phát triển - Kỳ 3: Nhận diện phương án phát triển kinh tế - xã hội

Mặc dù Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch tỉnh) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chưa lâu, song những định hướng của bản quy hoạch dường như đã được tỉnh “thực tiễn hóa” khá sớm, đặc biệt các phương án phát triển kinh tế - xã hội.

Mở không gian, tạo động lực phát triển - Kỳ 3 Nhận diện phương án phát triển kinh tế - xã hội

TIN MỚI

Return to top