ClockThứ Hai, 17/10/2016 14:06

Dự án mây tre keo bền vững (SBARP) – WWF hỗ trợ cấp FSC ở Thừa Thiên Huế

TTH - Vùng sinh cảnh Trung Trường Sơn là một trong những vùng sinh thái ưu tiên can thiệp và bảo tồn theo định hướng chiến lược của WWF Việt Nam nói riêng và WWF Tiểu vùng Mekong nói chung.

Sản xuất kinh doanh rừng bền vững theo chứng chỉ FSC là một trong những chiến lược của WWF Việt Nam đến năm 2020 “Đầu tư, sản xuất và tiêu dùng có trách nhiệm”.  Thông qua Dự án mây tre keo bền vững do WWF thực hiện với sự tài trợ của tập đoàn IKEA trên địa bàn 3 tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Trị và Quảng Nam, việc hỗ trợ các hộ nông dân trồng keo nhằm thúc đẩy việc quản lý rừng bền vững đối với đối tượng rừng trồng sản xuất, từ đó hướng đến một sự thay đổi hành vi trong quản lý lâm nghiệp một cách có trách nhiệm.

Chứng chỉ rừng

Chứng chỉ rừng là tên gọi ngắn gọn của việc cấp chứng chỉ xác nhận bằng văn bản cho quá trình quản lý rừng bền vững theo một số tiêu chí và nguyên tắc nhất định đã được quốc tế và Việt Nam công nhận. Chứng chỉ rừng có nhiều loại và nhiều cấp độ khác nhau, tùy thuộc vào yêu cầu và tiêu chí của từng tổ chức.

Bản chất và ý nghĩa của chứng chỉ rừng là quản lý rừng bền vững và có trách nhiệm. Gỗ được khai thác từ các diện tích rừng được cấp chứng chỉ không những đảm bảo tính pháp lý, mà còn tuân thủ các yêu cầu và quy định có liên quan đến khía cạnh môi trường và xã hội.

Chứng chỉ rừng có ý nghĩa quan trọng về môi trường, xã hội và kinh tế.

Về mặt môi trường, quản lý rừng bền vững sẽ bảo tồn được tính đa dạng sinh học của rừng, bảo vệ được nguồn nước, đất và các hệ sinh thái trong rừng; duy trì được các chức năng của hệ sinh thái cũng như tính toàn vẹn, ổn định của rừng và đất rừng; bảo vệ được các loài động thực vật quý hiếm đang bị đe dọa; giảm thiểu được các thảm họa của thiên nhiên; môi trường và điều kiện làm việc đảm bảo an toàn hơn; cải thiện mối quan hệ hợp tác với các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực môi trường.

Về mặt xã hội, để được cấp chứng chỉ rừng, cộng đồng địa phương và các bên liên quan tham gia đóng góp vào tiến trình lập kế hoạch quản lý rừng bền vững, góp phần làm giảm áp lực lên tài nguyên rừng. Chủ rừng nhận biết và tôn trọng các quyền truyền thống của người dân bản địa đối với tài nguyên rừng và quyền của người lao động, từ đó điều kiện lao động và đời sống  của người lao động được cải thiện. Trình độ nhận thức và năng lực của người lao động được nâng cao. Bên cạnh đó, hình ảnh và vị thế của chủ rừng cũng được nâng cao trong cộng đồng và xã hội.

Về phương diện kinh tế, chứng chỉ rừng tạo điều kiện nâng cao hiệu quả quản lý, kinh doanh và tạo ra những sản phẩm từ quá trình sản xuất kinh doanh bền vững. Hoạt động quản lý rừng của chủ rừng có chứng chỉ được công nhận và tin cậy. Các chủ rừng có chứng chỉ được tiếp cận một cách chuyên nghiệp và bền vững đến các thị trường tiềm năng trong và ngoài nước, đồng thời có điều kiện tiếp cận tốt hơn đến các nhà cung cấp dịch vụ hỗ trợ như dịch vụ tài chính, kỹ thuật,….

Chứng chỉ Fsc

Chứng chỉ FSC là chứng chỉ được cấp bởi Hội đồng quản trị rừng thế giới (FSC), một trong những tổ chức cấp chứng chỉ có uy tín trên thế giới.

Chứng chỉ FSC đảm bảo rằng các sản phẩm đến từ những cánh rừng được quản lý tốt và đem lại các lợi ích về mặt môi trường, xã hội và kinh tế.

Các chủ rừng và nhà quản lý muốn có được chứng nhận FSC để chứng minh rằng họ đang quản lý rừng của mình một cách có trách nhiệm. Xuyên suốt theo chuỗi cung ứng, chứng chỉ FSC có thể mang lại nhiều lợi ích như tiếp cận được nhiều thị trường mới trong nước và quốc tế.

Các nhà quản lý hoặc chủ rừng muốn đạt được Chứng chỉ quản lý rừng FSC sẽ hợp đồng với một tổ chức đánh giá cấp chứng chỉ FSC (được FSC ủy quyền) để tiến hành đánh giá. Tổ chức đánh giá cấp chứng chỉ sẽ kiểm tra sự vận hành và quản lý của đối tượng được đánh giá có tuân thủ với tất cả các yêu cầu liên quan của FSC không. Nếu đạt yêu cầu, chứng chỉ quản lý rừng FSC sẽ được cấp với giá trị trong vòng 5 năm và được kiểm tra giám sát hàng năm để đảm bảo chủ rừng vẫn tiếp tục tuân thủ các yêu cầu của tiểu chuẩn FSC. Nếu các chủ rừng hoặc nhà quản lý muốn bán các sản phẩm có chứng chỉ FSC, họ cần có chứng chỉ chuỗi hành trình sản phẩm (CoC).

Chuỗi hành trình sản phẩm (CoC) áp dụng cho các nhà sản xuất, chế biến và thương mại liên quan đến các sản phẩm từ rừng có chứng chỉ FSC. CoC xác nhận các sản phẩm từ rừng có chứng chỉ FSC theo chuỗi sản xuất. Tại mỗi giai đoạn trong chuỗi chế biến, chứng chỉ CoC cần phải có để chứng thực rằng các sản phẩm từ gỗ FSC phải được lưu giữ tách biệt với gỗ không có chứng chỉ FSC hoặc gỗ pha trộn được phép.

Chứng chỉ FSC về Chuỗi hành trình sản phẩm (FSC/CoC) cho phép các công ty dán nhãn sản phẩm FSC và từ đó, tạo điều kiện cho khách hàng xác định và chọn lựa tiêu dùng các sản phẩm mà từ đó có đóng góp cho việc quản lý rừng có trách nhiệm.

Hiện nay, SBARP đang hỗ trợ Công ty TNHHNNLN 1 TV Tiền Phong tiến hành công việc chuẩn bị cho quy mô khoảng 2.000 ha và 259 hộ gia đình với gần 1.000 ha rừng sản xuất ở Thừa Thiên Huế triển khai các bước đánh giá để được cấp FSC trong năm 2016.

Nguyễn Vũ

Giám đốc Dự án mây tre keo bền vững – Hợp phần Keo/WWF

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quốc lộ 1A qua Thừa Thiên Huế đang quá tải

Tuyến Quốc lộ (QL) 1A đi qua địa bàn Thừa Thiên Huế hiện đang quá tải trước sự gia tăng của các phương tiện tham gia giao thông. Áp lực này càng gia tăng hơn kể từ ngày 4/4 vừa qua, cao tốc Cam Lộ - La Sơn phân luồng không cho xe khách trên 30 chỗ và xe tải từ 6 trục trở lên, xe rơ-mooc, sơ mi rơ-mooc vào.

Quốc lộ 1A qua Thừa Thiên Huế đang quá tải
Gắn hoạt động tín dụng chính sách với thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội

Đó là yêu cầu của UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện HĐQT Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh, ông Nguyễn Thanh Bình tại phiên họp Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh nhằm đánh giá kết quả hoạt động quý I/2024 và triển khai nhiệm vụ các tháng còn lại năm 2024, tổ chức chiều 17/4.

Gắn hoạt động tín dụng chính sách với thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội
Khảo sát mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn

Chiều 15/4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh cùng các đơn vị liên quan đã có buổi khảo sát nhằm phục vụ công tác chuẩn bị đầu tư Dự án (DA) mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn.

Khảo sát mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn
Return to top