ClockThứ Hai, 23/10/2017 05:58

Dự án Phú Mỹ An: Đền bù, tái định cư chưa hợp lý

TTH - Hộ có sổ đỏ được đền bù thấp hơn hộ không có sổ đỏ, đất liền kề đền bù giá thấp… là phản ánh của một số hộ dân ảnh hưởng dự án giải tỏa tái định cư (TĐC) xây dựng Đô thị mới (ĐTM) Phú Mỹ An ở phường An Đông (TP. Huế).

 Khu vực phải giải toả để thực hiện dự án ĐTM Phú Mỹ An (phía sau tường chắn bằng tôn)

Chưa thỏa đáng

Để thực hiện dự án ĐTM Phú Mỹ An, UBND TP. Huế đã phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ về đất và tài sản trên đất cho các hộ dân ở tổ 3, khu vực 2 phường An Đông (TP. Huế). Theo đó, có 40 hộ, trong đó có 21 hộ chính và 19 hộ phụ bị ảnh hưởng buộc phải di dời. Đến nay, có 16 hộ đã nhận tiền đền bù và nhận đất TĐC để đến nơi ở mới. Trong lần bốc thăm gần đây nhất (đầu tháng 10/2017), có hơn 10 hộ tiếp tục nhận đất và tiền đền bù để bàn giao mặt bằng cho dự án. Số hộ còn lại do chưa thỏa mãn với phương án đền bù nên vẫn chưa nhận đất và tiền đền bù.

Tại kỳ tiếp xúc cử tri với Đoàn ĐBQH tỉnh mới đây, ông Nguyễn Đắc Rô, tổ trưởng tổ 3 nêu lý do khiến một số hộ dân chưa đồng thuận với việc giải tỏa, đền bù là do giá đền bù chưa hợp lý. Đồng thời, phương án hỗ trợ đất TĐC thiếu công bằng giữa người có sổ đỏ và chưa có sổ đỏ.

Theo ông Rô, hai gia đình cùng có diện tích đất bị giải tỏa như nhau, song gia đình có sổ đỏ chỉ được đền bù tương ứng hai lô đất TĐC nhưng gia đình không có sổ đỏ lại được ba lô khiến người dân bức xúc.

Thực tế, những điều người dân phản ánh là có cơ sở, trong đó có trường hợp của gia đình ông L., dù không có sổ đỏ nhưng được bố trí 3 lô đất TĐC, hiện gia đình ông L. đang tiến hành làm nhà tại vị trí mới để ở. Trong khi cùng diện tích đất và tài sản trên đất bị thu hồi như gia đình ông L., khoảng 500m2, song gia đình ông N. chỉ được bố trí 2 lô đất TĐC tương đương.

Chủ tịch UBND phường An Đông Nguyễn Đình Nghị cho hay, thẩm quyền của chính quyền địa phương không thể can thiệp vào chính sách đền bù, song đã ghi nhận những kiến nghị đề xuất của bà con và trình UBND TP. Huế có phương án xem xét để điều chỉnh hỗ trợ đền bù cho người dân phù hợp; tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có kết luận cuối cùng từ phía các cơ quan liên quan.

Trung tâm Phát triển Quỹ đất (PTQĐ) TP. Huế cho biết, việc giải tỏa, đền bù thực hiện đúng theo các quyết định của UBND tỉnh. Sở dĩ có chuyện hộ có sổ đỏ được đền bù thấp hơn hộ không có sổ đỏ là do thời điểm làm sổ đỏ từ trước và sau khi An Đông tách từ xã Thủy An để lên phường. Theo đó, trước khi còn là đơn vị hành chính xã, hạn mức đất ở tối đa được cấp sổ đỏ là 300m2, sau khi được công nhận là phường, hạn mức đất ở chỉ được công nhận là 200m2. Do đó, khi thực hiện TĐC, Nhà nước chỉ áp dụng đền bù TĐC với đất ở, còn đất vườn liền kề được hỗ trợ riêng bằng tiền mặt. Đối với những hộ không có sổ đỏ, Nhà nước áp dụng cơ chế tính theo nhân khẩu, do đó, có hộ được nhận ba lô đất vì hộ chính có nhiều hộ phụ, nhiều nhân khẩu và các hộ phụ đều có nhà riêng. Mỗi nhân khẩu được hỗ trợ tối đa 50m2 đất ở, nên có gia đình được hỗ trợ tới 3 lô đất TĐC. Tuy nhiên, những hộ phụ phải nộp tiền theo giá Nhà nước chứ không phải được hỗ trợ hoàn toàn.

Như trường hợp ông L., được hỗ trợ 3 lô đất TĐC là vì gia đình ông có 11 nhân khẩu, mỗi nhân khẩu được hỗ trợ 50m2 đất ở, tính ra gia đình ông L., được hỗ trợ 550m2 đất ở. Tuy nhiên, chỉ có một lô đất TĐC được hỗ trợ hoàn toàn, các lô còn lại đều phải đóng tiền theo đơn giá của Nhà nước.

Đối với hộ có sổ đỏ nhưng chỉ được đền bù 2 lô đất TĐC là do diện tích đất ở được cấp sổ đỏ là 200m2, trong khi đất TĐC là đất ở nên chỉ đền bù đất ở theo sổ đỏ tương ứng với diện tích đất thu hồi. Riêng đất vườn đều được áp giá đền bù bằng tiền mặt và không hỗ trợ bằng đất tương ứng. Hơn nữa, tuy là tính lô đất TĐC, song diện tích mỗi lô khác nhau, có lô 180m2 nhưng cũng có lô chỉ 90m2, do đó không thể đánh đồng các lô đất TĐC với nhau.

Một số hộ nhận tiền, đất đền bù đợt đầu đã làm nhà ở tại khu tái định cư

Tạo cơ chế chính sách hợp lý

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm PTQĐ TP. Huế cho rằng, quá trình triển khai công tác giải phóng mặt bằng, đơn vị thực hiện đều có sự phối hợp của chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan như Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP. Huế. Các chính sách, văn bản áp giá đền bù đều được Phòng TN&MT TP. Huế thẩm định và trình lãnh đạo TP. Huế phê duyệt thông qua. Nghĩa là các chính sách đền bù đều theo quy định của Nhà nước và công khai với người dân, không có chuyện áp giá thiên vị khiến hộ này chịu thiệt hoặc hộ kia được lợi.

Lãnh đạo Phòng TN&MT TP. Huế thông tin, dù là đơn vị thẩm định, song phương án đền bù, áp giá là do Trung tâm PTQĐ TP. Huế thực hiện. Đơn vị chỉ có vai trò kiểm tra xem Trung tâm PTQĐ TP. Huế đã áp dụng đúng các văn bản, quyết định của UBND tỉnh trong việc đền bù cho người dân hay chưa.

Ông Hoàng Khánh Huy, Trưởng phòng TN&MT TP. Huế khẳng định, Trung tâm PTQĐ TP. Huế đã thực hiện đầy đủ các quy định của UBND tỉnh trong việc đền bù, TĐC cho người dân bị ảnh hưởng của dự án ĐTM Phú Mỹ An.

Dù thực hiện đúng các quy định, song theo người dân, thực tế việc đền bù, TĐC vẫn chưa đảm bảo công bằng cho một số hộ dân bị ảnh hưởng của dự án ĐTM Phú Mỹ An. Đó là chưa kể, giá đền bù đất vườn liền kề quá thấp, chỉ được hỗ trợ một lần và bằng 50% hạn mức đất ở, trong khi đất vườn liền kề đô thị của người dân ở tổ 3, khu vực 2 phường An Đông có giá trị về mặt kinh tế và thị trường. Ngoài ra, giá đền bù đất nông nghiệp chỉ 23.300 đồng/m2 theo người dân là khá thấp khiến họ chưa đồng tình.

Phó Chủ tịch UBND TP. Huế Võ Lê Nhật cho biết, đã có công văn gửi UBND tỉnh kiến nghị sửa đổi một số nội dung và thay thế Quyết định 46 của UBND tỉnh. Theo đó, ngoài kiến nghị hỗ trợ 50% đất liền kề gắn liền với nhà ở không được công nhận là đất ở với mức hỗ trợ một lần hạn mức đất ở 200m2 và hỗ trợ một khoản tương ứng 3 lần hạn mức đất ở đối với phần diện tích đất nông nghiệp gắn liền với thửa đất còn lại, TP. Huế còn đề xuất hỗ trợ tiền thuê nhà cho 1 hộ gia đình di chuyển chỗ ở là 2 triệu đồng/tháng, với thời gian được hỗ trợ là 6 tháng.

Để thực hiện dự án ĐTM Phú Mỹ An, UBND TP. Huế đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ về đất, tài sản cho các hộ dân bị ảnh hưởng, với tổng giá trị đền bù hơn 16,8 tỷ đồng. Theo đó, tổng diện tích phải thu hồi để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng hơn 166.000m2, trong đó, đất ở gần 7.000m2, với 21 hộ chính và 19 hộ phụ; còn lại là đất nông nghiệp trồng lúa nước của 68 hộ. Người dân bị giải toả được bố trí TĐC tại chỗ, với hạ tầng được đầu tư đầy đủ, đường giao thông chính rộng 36m.

Bài, ảnh: Tâm Huệ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khảo sát mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn

Chiều 15/4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh cùng các đơn vị liên quan đã có buổi khảo sát nhằm phục vụ công tác chuẩn bị đầu tư Dự án (DA) mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn.

Khảo sát mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn
Nhiều dự án sinh kế từ Quỹ Hỗ trợ nông dân

Từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND), Hội Nông dân (HND) các cấp đã giải ngân, tổ chức nhiều dự án (DA) sinh kế mang lại hiệu quả thiết thực cho hội viên, nông dân (HVND).

Nhiều dự án sinh kế từ Quỹ Hỗ trợ nông dân
Dự án Khu du lịch Suối Voi: Yêu cầu nhà đầu tư cam kết về tiến độ thực hiện dự án

Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh yêu cầu Công ty TNHH Đầu tư Thương mại và Dịch vụ Hoa Lư - Huế (Công ty Hoa Lư - Huế) chủ đầu tư Dự án (DA) Khu du lịch Suối Voi (Phú Lộc) phải có văn bản cam kết về tiến độ thực hiện DA, trong đó nêu rõ cam kết chấm dứt hoạt động một phần DA nếu giai đoạn 1, 2 không hoàn thành theo đúng tiến độ.

Dự án Khu du lịch Suối Voi Yêu cầu nhà đầu tư cam kết về tiến độ thực hiện dự án

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top