ClockThứ Năm, 20/11/2014 10:26

Dự giờ

TTH - Lưng chiều. Sau những ngày mưa, nắng thu vàng dịu trải trên hoa lá sân trường, vương trên vai áo. Tóc dài, eo thon, trái tim hồi hộp, Thanh bước vội lên cầu thang. Chỉ còn 10 phút nữa là vào bài dạy, cô muốn đến lớp sớm hơn một chút. Bà Quý Đông từ đâu mải mốt đi xuống. Bất giác Thanh nhoẻn miệng cười:

- Cô ơi, chút nữa dự giờ em, cô nhớ cười tươi tươi nha cô! – Thanh nói thay lời chào.

Bà giáo Đông cười. Thanh thấy nụ cười trong im lặng ấy thật hiền mà cũng thật xa vắng. Nửa như động viên, nửa như khoảng cách.

Ở một góc riêng biệt, bà giáo Đông lặng lẽ dõi theo bài dạy của Thanh. Nghiêm túc ghi chép, lắng nghe. Đôi lúc Thanh thoáng thấy mắt bà sáng lên rồi lại nghĩ ngợi xa xôi. Có gì như nắng chiều chợt tắt…

Bài thơ “Qua đèo Ngang” của Bà Huyện Thanh Quan, dù đã rất nỗ lực, Thanh đã không thể nào dắt bầy trẻ nhỏ lớp 7, đi hết con đèo hùng vĩ, đẹp đến nao lòng ấy.

Cái cách bà giáo Đông cúi đầu, đi nhanh ra khỏi lớp học cứ ám ảnh cô. Những bàn tay nắm không chặt. Những cái nhìn chia sẻ cùng với những lời khen tặng khác cũng không làm cho cô thấy ấm lòng. Mất cả một đêm thao thức soạn bài, đem cả niềm thao thiết vào bài dạy. Cứ ngỡ… Thế mà giờ đây chỉ còn nỗi buồn choáng hết cả tâm trí. Chao ôi, giờ dạy trong chiều nay để lại trong lòng cô bao trống trải, hẫng hụt…

Là một ngôi sao của trường huyện. Sau nhiều năm phấn đấu miệt mài với tấm bằng thạc sĩ chính hiệu, cô bước chân vào ngôi trường chuyên nổi tiếng của tỉnh nhà. Được dạy học sinh giỏi là một hạnh phúc! Mang theo lòng tự hào, tự tin, lòng say mê nghề nghiệp, năm nay cô gia nhập “giáo tịch” ở nơi đây. “Là thạc sĩ, cùng với lời vàng trong bản lý lịch này, có tiếng thơm trong ngành, hy vọng cô giáo Thanh sẽ là điểm tựa của trường ta trong tương lai!”. Lời thầy hiệu trưởng nói trong buổi gặp gỡ ban đầu âm vọng. Thanh còn nhớ là mình đã xúc động như thế nào, khát khao làm gì khi nghe những lời ấy. Một ngọn lửa, lặng lẽ cháy.

Hơn hai tháng ở đây, hôm nay là ngày Thanh thao giảng đầu tiên. Không phải là bài thao giảng bình thường mà còn là buổi ra mắt mọi người. Làm thế nào để xứng tầm? Cô đã chọn tác phẩm “Qua đèo Ngang”, bài thơ hay nhất của một người phụ nữ thiết tha với gia đình, quê hương, đất nước và cả nỗi cô đơn kiêu hãnh đồng điệu, để làm nơi bắt đầu cho sự nghiệp. Vậy mà sau bao nhiêu cố gắng Thanh chỉ thấy còn lại “Một mảnh tình riêng ta với ta”, như một ám ảnh.

Nỗi buồn ấy khó mà dứt ra được. Con trai đã ngủ. Trăng mùa thu vằng vặc. Một mình Thanh thẫn thờ trên lan can vắng. Những giọt trăng trong vắt. Xuyên qua giàn tiêu nương thành những đóa hoa trăng lung linh, hư ảo dưới chân người. Bất chợt Thanh lại nhớ đến nét cười xa cách của bà giáo già trong buổi họp chuyên môn tuần trước, lúc cô nhận xét giờ dạy của Thùy. Cái gì nhỉ? “Tuổi trẻ như sông đầy. Việc một người trẻ chịu đọc và khao khát đem cái hay, cái đẹp vào bài giảng là một điều đáng mừng. Theo thời gian, kiến thức ấy sẽ tự lắng lại. Kinh nghiệm sẽ giúp cho họ có sự lựa chọn tinh tế hơn. Sự tích lũy khi ấy sẽ thành phù sa lắng nơi đáy sông. Làm sao có thể nói “Đọc gì mà đọc lắm thế” cho được ? Giảng văn là một nghề khó mà!”

Ừ nhỉ! Có phải những năm tháng làm át chủ bài ở một trường phổ huyện cùng tấm bằng thạc sĩ đã khiến cho mình quá tự tin khi gieo lời phán xét đồng nghiệp không? Cái gì khiến mình chỉ biết chê chứ không biết khen Thùy, cũng thạc sĩ, lại trẻ hơn mình? Sau khi dự giờ, biết nhìn vào điểm tốt của người khác để khen tặng chân thành cũng chính là lòng tốt, cô vẫn ý thức rõ điều này mà. Thanh giật mình hiểu ra nét cười của bà Quý Đông. Nhưng mà đừng trăn trở nữa. Dù sao thì mình cũng đã nói thật những ý nghĩ của mình! Bài viết số 2 vẫn nằm chờ trên bàn. Thanh bước vào nhà, cố mãi vẫn chẳng chấm được bài nào cả. Thôi thì đi ngủ vậy! Lời động viên, thúc giục của thầy hiệu trưởng hôm nào giờ cứ nghe như tiếng chùm bong bóng màu nổ lốp bốp… Thanh bịt tai lại. Tự dằn vặt mình: Cứ tưởng mình khẳng định được tầm vóc, nào ngờ. Bài giảng ban chiều lại hiện về luẩn quẩn trong trí. Không biết mọi người sẽ phán xét như thế nào?

Mưa. Gió như những tiếng thở dài…

Thứ bảy. Họp tổ. Chiều nay không biết vì sao mọi người nghỉ họp quá nhiều! Tổ trưởng, bà giáo già, thạc sĩ Đinh Phan Châu Hóa tuyên bố dành mười lăm phút cuối giờ cho việc nhận xét, góp ý giờ dạy của Thanh.

Cô giáo Bích, một người chân thật, vội vã đứng lên:

- Em xin về ! Hôm nay là ngày kỷ niệm sinh nhật lần thứ mười bốn của con trai em!

Tiếng bà Quý Đông:

- Thì em hãy nán lại, góp ý cho Thanh đôi chút rồi hãy về!

- Muộn rồi chị ơi!

Bích bết bải ra về. Mang thêm cái cái nhìn trong im lặng của bà giáo Đông…

Đến lượt Từ Vân, cô ngập ngừng đôi chút. Rồi nói nhanh:

Bài giảng này nhìn chung là tốt. Giáo viên đã cố gắng truyền đạt được khá phong phú về nội dung và nghệ thuật của bài thơ, dù chỉ trong một tiết dạy. Vân giảng cũng không được như thế đâu!

Đến lượt mình, bà giáo thạc sĩ Châu Hóa, năm sau về hưu, người ngày xửa, ngày xưa từng dạy khá thành công bài thơ “Qua đèo Ngang”, dắng giọng nhận xét:

- Bài dạy của em có nhiều điều hay, tốt. Nhưng chưa sâu!

Có đến mấy phút im lặng.

Tiếng bà giáo Quý Đông:

 -Thế nào là chưa sâu? Nhận xét như thế thì chẳng khác nào như khi chúng ta nhận xét bài viết của học sinh là “bài nhạt”, các em biết làm cách nào mà khắc phục? Bạn có con đường nào giúp cho Thanh dạy bài ấy sâu hơn không? Cái Thanh cần là chỗ đó.

Vẫn im lặng... Cả tổ văn cứ như một tổ chim bị mưa làm ướt.

Thanh nhìn bà giáo Đông: Con chờ ý kiến vàng của cô! - Thanh cũng không biết mình nói thực lòng hay ngoại giao nữa. Một giây im lặng. Bà giáo Đông lại cất tiếng, giọng bình thản nhưng rõ ràng là được nghĩ ngợi rất sâu:

Thì em hãy trình bài mục đích yêu cầu bài dạy và tự xét xem bản thân đã làm được những gì? Và những gì chưa làm được?

Thanh im lặng. Cô không muốn trình bày vì theo cô có vẻ như thừa, không cần thiết.Bà giáo Đông lấy giọng trầm tĩnh mà rằng:

Em đã rất cố gắng khi giảng dạy bài này. Nhìn cái cách em đặt toàn bộ sức lực vào bài giảng, tôi như thấy lại hình ảnh mình còn trẻ. Cũng từng thao thiết để dạy “Qua đèo Ngang”, cũng từng thất bại, buồn bã lắm lần. Dự giờ của em ra tự nhiên tôi thấy thương đồng nghiệp, thương mình. Em đã lao tâm khổ tứ mà chẳng nhận lại được bao nhiêu. Đúng không? Nhưng dẫu có thất bại, em cũng đừng buồn! Điều cốt chính là em đã nỗ lực.

Dạ, em thức đến hơn một giờ sáng. Kiến thức bề bộn, không biết làm sao gói gọn trong một giờ, cô ạ!

Được chia sẻ Thanh thấy lòng mình vơi đi ít nhiều phiền muộn. Lắng đi một lúc, giọng bà giáo Đông chùng xuống:

- Với cái cách đặt cả trái tim mình trong công việc, em sẽ thành công trong tương lai. Trong tương lai chứ không phải là bây giờ! Vì sao ư? Con đường truyền thụ kiến thức là những vòng tròn đồng tâm, theo năm tháng sẽ rộng mở dần. Người dạy phải xuất phát từ nhu cầu của trẻ thơ mà xác định giới hạn của bài dạy. Và em cũng nên trao đổi với đồng nghiệp dạy cùng khối để tham khảo ý kiến, chọn ra những ý hay, ý đẹp. Khi ấy việc chọn được con đường ngắn nhất, có thể đi tới tâm hồn con trẻ nhanh nhất, sẽ không khó đâu. Với học sinh lớp 7, theo tôi, em chỉ cần dạy cho học sinh nắm bắt sơ lược về thể thơ, cách gieo vần, giọng điệu, âm hưởng, cảm nhận tấm lòng của thi nhân. Kết hợp với tìm hiểu thêm vài nét đặc sắc riêng trong nghệ thuật… Một tiết chỉ có được 45 phút, tham thì thâm! Và em ạ, chúng ta dạy cho trẻ thơ chứ không phải cho người dự giờ. Đừng sợ họ chê rằng thiếu ý này, ý nọ. Nhớ rằng một khi quá coi trọng điều đó thì người giáo viên sẽ biến sở trường của mình thành sở đoản. Hãy giữ cho tâm hồn có được sự thuần khiết cần thiết, để mỗi một giờ thao giảng là một dịp trao tặng.

Đã mười lăm phút trôi qua. Họ không biết tổ trưởng về tự bao giờ…

Những mái đầu già trẻ vẫn chụm lại. Bà giáo nhìn lên tường thoáng mỉm cười với hình ảnh của nhà văn Xéc-văn-téc và cùng nhân vật Đôn-ki-hô- tê bất hủ của ông. Dẫu đã biết trước, bà giáo vẫn chạnh lòng khi nhìn cái dáng cô đơn, buồn khổ của Thanh. Nhưng ngày mai, tại mái trường này, Thanh, Thùy… Lớp trẻ lớn lên, sẽ lại thay thế bà cùng đồng nghiệp, họ sẽ là người giữ lửa cho môn văn. Rồi sẽ nhấp lại vị ngọt ngào lẫn đắng cay mà người đi trước đã trải. Chỉ có cách nói thật, sống thật, một nhà giáo mới có mặt ở tương lai.

Thanh cũng thấy bình yên. Dù tiếng vọng : “Sẽ thành công trong tương lai, trong tương lai chứ không phải là bây giờ…” khiến cô buồn bã. Cô không dám nhìn vào mặt bà giáo già, dù vẫn biết nụ cười của bà giờ chắc đã bớt phần xa vắng. Trong những giây phút ấy, cô thấy mình có cái cảm giác của đứa con gái phải nghe cả lời yêu thương, chia sẻ lẫn trách cứ thẳng thắn của người mẹ nghiêm khắc. Lòng vừa buồn vừa giận. May mà, sau cùng, cô còn kịp nhận ra chính những lời nói thật lòng của bà giáo đã gieo cho cô niềm tin và hi vọng. Gọi cô ra khỏi nỗi buồn - nỗi buồn khổ âm thầm mà chỉ có những người yêu người, yêu nghề, yêu trẻ mới hiểu thấu.

“Cảm ơn mẹ!”- Thanh nói thầm. Tiếng gió đuổi nhau trên những vòm lá nghe như tiếng cười con trẻ. Có một vài đám mây xám đang mải miết bay ngang qua sân trường. Ngày mai trời có tạnh mưa?

Triền Thảo
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chiêm ngưỡng tác phẩm của họa sĩ trẻ Cố đô

Chiều 28/3 tại Trường đại học Nghệ Thuật, Đại học Huế, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế, Chi hội Mỹ Thuật Việt Nam tại Thừa Thiên Huế, Hội Mỹ thuật Thừa Thiên Huế phối hợp Trường Đại học Nghệ thuật tổ chức lễ khai mạc Triển lãm Mỹ thuật trẻ lần thứ VII - Huế 2024.

Chiêm ngưỡng tác phẩm của họa sĩ trẻ Cố đô
Học sinh Huế và Nhật Bản tham gia giao lưu văn hóa

Chương trình giao lưu văn hóa Việt Nam – Nhật Bản với sự tham gia của hàng trăm học sinh đến từ Nhật Bản và Huế do Hội Hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức, khai mạc sáng 28/3 tại 16 Lâm Hoằng, TP. Huế.

Học sinh Huế và Nhật Bản tham gia giao lưu văn hóa
Giải thưởng Cống hiến 2024: Tôn vinh sự cống hiến và thành tích xuất sắc trong Thể thao và Âm nhạc

Tối ngày 27/3, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, sự kiện lễ trao giải "Cống hiến lần thứ 18" đã diễn ra. Sự kiện do báo Thể thao và Văn hóa phối hợp cùng Truyền hình Thông tấn (VNews) và Công ty TNHH Ngọc Việt Corporation tổ chức nhằm tôn vinh những gương mặt xuất sắc nhất trong lĩnh vực thể thao và âm nhạc Việt Nam.

Giải thưởng Cống hiến 2024 Tôn vinh sự cống hiến và thành tích xuất sắc trong Thể thao và Âm nhạc
Đưa di sản đến gần hơn với công chúng

Thời gian qua, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế thực hiện nhiều chương trình nhằm đưa giá trị của Quần thể di tích Huế đến gần hơn với công chúng bằng các hình thức khác nhau.

Đưa di sản đến gần hơn với công chúng
Hàng ngàn sách giảm giá tại Hội sách Alpha Books Huế 2024

Hội sách Alpha Books Huế 2024 do Công ty Cổ phần sách Alpha tổ chức vừa khai mạc phục vụ mọi người vào sáng 27/3 tại Vincom Plaza Huế (ngã 6 trung tâm TP. Huế) với đa dạng các đầu sách đến từ nhiều NXB, mức chiết khấu cao.

Hàng ngàn sách giảm giá tại Hội sách Alpha Books Huế 2024
Return to top