ClockThứ Sáu, 03/12/2021 14:56

Du học sinh thời COVID-19

TTH - Dịch COVID-19 phức tạp gây không ít khó khăn, trong đó, có việc học của các du học sinh. Tuy nhiên, họ đã có những trải nghiệm quý giá và những thay đổi tích cực trong giai đoạn dịch bệnh này.

Nỗi lòng du học sinh ở nơi có dịch COVID-19

Gặp nhiều khó khăn trong dịch bệnh nhưng du học sinh vẫn nỗ lực học tập, rèn luyện để theo đuổi ước mơ. Ảnh: NVCC

Khó khăn nhưng không từ bỏ

Tự lập, trải nghiệm bản thân khi sống một mình ở nước ngoài; có môi trường tốt để phát triển về kỹ năng lẫn học thức; có cơ hội làm việc trong môi trường quốc tế… Đó là những lý do khiến ngày càng có nhiều học sinh lựa chọn đi du học sau khi hoàn thành chương trình học trung học phổ thông.

Thế nhưng, tình hình đại dịch COVID-19 bùng phát trong hai năm qua đã làm cho việc sinh sống và học tập ở nước ngoài trở thành một thách thức đối với các du học sinh. Họ phải tìm cách xoay xở để vừa tự bảo vệ giữa tâm dịch, vừa dành thời gian để tiếp tục duy trì việc học.

Lần đầu xa nhà, Nguyễn Linh Chi (19 tuổi, cựu học sinh Trường THPT Hai Bà Trưng), du học sinh tại Toulouse (Pháp) không khỏi háo hức, mong đợi vào cuộc sống ở đất nước hình lục lăng. Nhưng vào thời điểm Linh Chi lên đường (tháng 10/2020), mặc dù đã có rất nhiều biện pháp chống dịch nghiêm ngặt, nhưng Pháp vẫn là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19.

Thế là, thay vì đặt chân lên giảng đường, làm quen với những người bạn mới, Linh Chi lại trải qua năm đầu tiên học tập tại Toulouse theo hình thức trực tuyến. Điều này khiến em tiếc nuối. Bên cạnh việc học online, Linh Chi còn làm tình nguyện viên tại Trung tâm Tiêm phòng vắc-xin thành phố Toulouse. Linh Chi trải lòng: “Ngoài việc học, mình chỉ làm tình nguyện viên tại trung tâm y tế. Cũng nhờ vậy mà mình đã được tiêm phòng 2 mũi vắc-xin. Thời điểm này, ngoài thời gian học và tham gia tình nguyện, mình cũng hiếm khi đi chơi mà chỉ sinh hoạt trong nhà để tự bảo vệ bản thân”.

Có sự chuẩn bị tương đối kỹ càng cho chuyến du học của mình, nhưng Nguyễn Kiều Chi (20 tuổi, cựu học sinh Trường THPT chuyên Quốc Học) vẫn không khỏi bỡ ngỡ trong lần đầu xa nhà. Do dịch bệnh nên trước đó cô đã học một học kỳ học của Trường đại học châu Á Thái Bình Dương Ritsumeikan (tỉnh Oita, Nhật Bản) theo hình thức trực tuyến. Vì đã xác định mục tiêu du học tại Nhật từ năm lớp 12 nên ngay khi hoàn thành các thủ tục xin visa, Kiều Chi lập tức chuẩn bị lên đường. May mắn, phía trường đại học đã hỗ trợ chi trả chi phí khách sạn trong thời gian cô thực hiện cách ly tại Nhật Bản và hoàn tất các thủ tục nhập học.

Kiều Chi cho biết, trong quá trình chuẩn bị hồ sơ gặp khá nhiều rắc rối, vì việc xin visa sang Nhật tương đối rườm rà. Các kỳ thi đánh giá năng lực ngoại ngữ tại Việt Nam cũng liên tục bị hủy do dịch, khiến nhiều bạn có nguyện vọng đi du học gặp khó. Các hoạt động, sự kiện cũng liên tục bị hủy khiến các bạn mất đi cơ hội bổ sung thêm các chứng nhận, chứng chỉ vào hồ sơ du học của mình. Kiều Chi thông tin: “Mình may mắn khi được trường tạo điều kiện, liên hệ với đại sứ quán để giúp đỡ sinh viên sang nhập học vào tháng 12/2020 và tháng 1/2021. Có nhiều bạn lựa chọn không đi vào thời điểm đó đến giờ vẫn chưa sang được Nhật. Nhiều người đã vì vậy mà từ bỏ dự định du học của mình”.

Không có may mắn như Linh Chi, Kiều Chi, nhiều học sinh đang chờ đợi tình hình khả quan hơn để có thể lên đường đến Okayama (Nhật Bản) theo đuổi ước mơ của mình. Tình hình dịch phức tạp, cộng với việc vào thời điểm nộp hồ sơ các em vẫn chưa được tiêm vắc-xin phòng bệnh nên không thể sang Nhật. Thế nên một năm qua nhiều học sinh đành theo học chương trình dự bị của Trường đại học Quốc tế Kibi bằng hình thức trực tuyến. Học một ngoại ngữ mới mà không được tiếp xúc trực tiếp với môi trường thực tế nên nhiều học sinh gặp khó khăn. Chưa kể, đường truyền mạng lắm lúc không ổn định, chênh lệch múi giờ giữa Việt Nam và Nhật Bản cũng phần nào gây xáo trộn giờ giấc sinh hoạt của các em. Vấn đề học phí cũng là trở ngại lớn, nếu sang Nhật du học thì nhiều em có thể làm thêm để trang trải kinh phí với gia đình.

Thích nghi với cuộc sống “bình thường mới”

Sang Phần Lan du học từ tháng 9/2019, Lê Nguyễn Châu Nhi (20 tuổi, cựu học sinh Trường THPT chuyên Quốc Học) đã phần nào có những trải nghiệm tuyệt vời tại nơi được mệnh danh là “đất nước hạnh phúc nhất thế giới”. Tuy vậy, niềm vui “ngắn chẳng tày gang”, nửa năm sau thì dịch bùng phát. “Những ngày đầu bùng phát dịch COVID-19, em cũng rất lo về nguy cơ bị lây nhiễm và rất muốn về nhà. Tuy vậy, gặp khó trong các thủ tục để kiếm chuyến bay về Việt Nam nên em đành ở lại Phần Lan”, Châu Nhi chia sẻ.

Tình hình dịch COVID-19 khiến thời gian học bị kéo dài ra hơn so với dự kiến. Tuy nhiên, giữa làn sóng du học sinh trở về, Châu Nhi lại chọn ở lại, biến những khó khăn thành trải nghiệm mới như mỗi ngày học nấu một món ăn mới, học thêm những kỹ năng mềm qua các khóa học trực tuyến, học thêm một loại nhạc cụ mới và trò chuyện nhiều hơn với gia đình. “Khi tình hình dịch tại Phần Lan dần ổn định, mọi người được tiêm vắc-xin phòng bệnh đầy đủ, cuộc sống lại dần trở lại vòng quay bình thường như trước. Bây giờ, em có thể vừa đi học tại giảng đường, vừa đi làm thêm lúc rảnh để kiếm thêm thu nhập, dành dụm tiền để về thăm nhà”, Châu Nhi vui vẻ.

Trở về nhà vào đêm muộn sau giờ làm thêm, Trương Như Quỳnh (22 tuổi, cựu học sinh Trường THPT Nguyễn Chí Thanh, huyện Quảng Điền), du học sinh tại tỉnh Fukuoka (Nhật Bản) trải lòng, không ít lần có cảm giác nhớ nhà da diết. Tình hình dịch COVID-19 phức tạp khiến hai năm qua, Quỳnh không thể về Việt Nam thăm gia đình. Quỳnh tính mỗi năm dành dụm tiền về thăm nhà một lần, nhưng tình hình dịch bệnh bùng phát nên không có chuyến bay về Việt Nam. Do vậy, cô đành ở lại Nhật, thích nghi với điều kiện “bình thường mới” .

Do đã được hỗ trợ tiêm vắc-xin phòng COVID-19 nên Quỳnh có thể tiếp tục vừa học, vừa làm thêm để trang trải chi phí sinh hoạt. Bước vào những ngày cuối năm và đầu năm mới, Quỳnh lắm lúc chạnh lòng ở nơi đất khách quê người. “Chuẩn bị đón thêm một cái tết xa nhà nữa. Dù không phải lần đầu tiên, nhưng cũng khiến những người con xa xứ như mình cảm thấy nhớ nhà. Không được đón tết trực tiếp cùng gia đình thì mình sẽ gọi điện về để đón tết online. Năm mới chỉ mong bố mẹ ở nhà được khỏe mạnh, vậy là mình vui rồi. Đến hè nếu tình hình dịch ổn hơn, nhất định mình sẽ về với bố mẹ cho thỏa nỗi nhớ”, Quỳnh cho biết.

Dịch COVID-19 dù gây ra rất nhiều xáo trộn cho cuộc sống nhưng không làm giảm nhiệt huyết và niềm đam mê của các bạn du học sinh Việt Nam. Hy vọng, tình hình dịch bệnh sẽ sớm có dấu hiệu khả quan, để các bạn có thể yên tâm theo đuổi đam mê, ước vọng của bản thân mình.

Đăng Trình - An Nhiên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trao học bổng hiếu học cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó

Ngày 14/4, tại Công viên Tứ Tượng (TP. Huế), Quỹ Giáo dục Huế hiếu học (Quỹ) tổ chức trao học bổng học kỳ 2 năm học 2023 – 2024 cho các sinh viên, học sinh nghèo, vượt khó vươn lên trong học tập. Đến dự có UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Ái Vân.

Trao học bổng hiếu học cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó
“Ngôi nhà 5.000 đồng”

Bằng việc huy động đóng góp của mỗi sinh viên chỉ 5.000 đồng và từ đó, “Ngôi nhà 5.000 đồng” đầu tiên đã được hình thành, giúp sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vững niềm tin với giấc mơ đại học của mình.

“Ngôi nhà 5 000 đồng”
Giúp người dân hình thành các hành vi sức khoẻ

Sáng 10/4, tại Trạm Y tế phường Thuỷ Biều, TP. Huế, Trường đại học Y - Dược, Đại học Huế phối hợp với Tổ chức Arpan Global, Hoa Kỳ tổ chức ngày hội sức khoẻ (Health Fair) năm 2024.

Giúp người dân hình thành các hành vi sức khoẻ
Khi người học được “chấm điểm” người dạy

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT (Thông tư 01) về chuẩn cơ sở giáo dục đại học; trong đó, có một tiêu chí rất được quan tâm là tỷ lệ người học hài lòng với giảng viên về chất lượng và hiệu quả giảng dạy không thấp hơn 70%.

Khi người học được “chấm điểm” người dạy

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top