ClockThứ Năm, 20/02/2014 11:13

Hòa Duân hay Hòa Thược?

TTH - Thừa Thiên Huế, tức Hóa Châu xưa, có một làng cổ rất nổi tiếng, ở bờ nam của một cửa sông nổi tiếng, đó là làng Hòa Duân - Phú Thuận (Phú Vang). Phần đất phía bắc của làng cứ bồi lở không ít lần trên dưới 500 năm, tính từ khi làng có tên gọi Hòa Duân.

Sự bồi lở ở đây rất “bi tráng” vì sau một đợt lụt lớn thì phần đất phía bắc của làng trở thành cửa sông rộng, thiệt hại về người và của không nhỏ. Thiên nhiên mở cửa nhanh, rồi cũng thiên nhiên đưa cát biển trộn với phù sa để vá cửa, cư dân sở tại và có khi nhà nước huy động dân binh lấp cửa; làng Hòa Duân lại tái lập cụm dân cư phía bắc của làng, gọi là xóm Eo, khi mở cửa biển thì xóm Eo trở thành cửa Eo, tên chữ Hán là Yêu Hải môn (腰 海 門), Noãn Hải môn (卵 海 門), Nhuyễn Hải môn (耎 海 門), Nộn môn (嫩 門)… Trận lụt lớn năm 1999, xóm Eo làng Hòa Duân đã bị xóa, mở thành cửa biển rộng khoảng 600m, gây thiệt hại người và của; sau đó nhà nước đã đắp đập Hòa Duân, hiện nay cửa Hòa Duân lại được bồi tạo dần dần. Sau sự kiện ấy làng Hòa Duân lại nổi tiếng trên các phương tiện truyền thông.

Thế kỷ 14, khi Ô châu về Đại Việt, làng Hòa Duân được thành lập bởi những người Việt di dân ở lẫn với người Chăm sở tại, cùng nhau sinh cơ lập nghiệp bằng nghề đánh bắt và nuôi trồng thủy sản. Làng chài bên bờ biển, bờ phá (Tam Giang), cửa sông, với những rào, sáo đan bằng cật tre để ví cá, tôm,… gây ấn tượng mạnh cho khách đi thuyền dọc phá hay ra biển. Một vị quan trấn nhậm nào đó thấy hàng rào, sáo tre giăng 卵giăng, đều đặn đã đặt tên chữ cho làng là HÒA DUÂN (和勻) với ý nghĩa làng đầy rào, sáo bằng cật tre giăng giăng đều đặn, đẹp mắt. Chữ DUÂN (勻) có khi đọc là QUÂN, quân ở đây không có tự dạng chữ QUÂN (君) có nghĩa là VUA, nhưng khi phát âm HÒA QUÂN đôi khi cũng bất tiện, nên người đời quen gọi là HÒA DUÂN. Khi viết Ô Châu cận lục vào năm 1553, các tác giả đã liệt kê tên làng là 和勻 (HÒA DUÂN) và tất nhiên khi chép về bà phi của vua Lê Thánh Tông cùng vị Triệu vương con trai của bà thì sách cũng ghi quê quán bà phi là 和勻(HÒA DUÂN) vậy.

Sách Đại Việt thông sử, tác giả Lê Quí Đôn, bản dịch quốc ngữ (Bùi Việt Bắc, Phạm Ngọc Luật, Nguyễn Văn Nhật, Phạm Minh Thao, Phương Hào, NXB VHTT, năm 2007) dựa vào các bản chép tay, khi dịch hai đoạn chép về Nguyễn Kính phi và Triệu Vương Thoan lại cho biết tên làng nguyên quán của hai mẹ con là HÒA THƯỢC (和勺). Xin trích dẫn nguyên văn:

 “Nguyễn Kính phi (vợ Thánh Tông). Bà là người xã Hòa Thược huyện Kim Trà. Khi vua Thánh Tông dừng lại ở xã này, thấy bà gánh nước qua, thấy bà có nhan sắc, vua đem lòng yêu, bèn cho vào cung, được nhà vua quí mến. Lần lần phong đến bậc phi, về sau sinh ra Triệu vương” (sđd, tr 163). “Triệu vương Thoan: Triệu vương Thoan là con thứ 13 của Thánh Tông. Mẹ là người xã Hòa Thược huyện Kim Trà. Chữ THƯỢC (勺) trong hai đoạn trích trên có nghĩa là cái môi múc canh (?). Thư tịch cổ cũng như dân gian đã khẳng định danh xưng HÒA DUÂN, vậy một nhà thông thái như Lê Quí Đôn khó có thể nhầm một tên làng nổi tiếng của Thuận Hóa, nơi họ Lê từng làm quan Hiệp trấn gần nửa năm. Phải chăng, do tự dạng chữ DUÂN và chữ THƯỢC rất giống nhau, chỉ khác nhau một nét giữa với chữ THƯỢC (勺) và hai nét giữa với chữ DUÂN (勻). Chữ DUÂN có khi đọc là QUÂN (勻) (cật tre) đồng âm với chữ QUÂN (君) (vua), người viết sách hoặc người chép sách đã kiêng húy, kiểu kiêng “âm”, đã bỏ bớt một nét ngang của chữ DUÂN (勻) hay QUÂN (勻) và các dịch giả của sách Đại Việt thông sử (2007) đã dịch tên làng Hòa Duân thành Hòa Thược.

Danh xưng của một làng nổi tiếng như Hòa Duân, tiếc thay bị biến cải thành Hòa Thược, do sơ sót của các dịch giả sách Đại Viêt thông sử. Hậu quả một số bài viết trên thông tin đại chúng về vua Lê Thánh Tông cùng thân thuộc nhà vua, đã biến làng Hòa Duân thành Hòa Thược, là một sai lầm cần đính chính. Mong rằng nếu sách Đại Việt thông sử trong những lần tái bản thì nên chỉnh sửa sơ sót nêu trên.

Lãng Điền
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ngày xuân, thăm Vọng Cảnh

Ra Giêng, tôi chở thằng con là sinh viên lên chơi đồi Vọng Cảnh, thăm lại nơi mà thời nó còn bé xíu, tôi đã từng chở nó đến, chỉ cho nó biết cây sim nó ra làm sao, và để cu cậu tự tay hái ăn những quả sim tím sẫm, mọng căng và ngọt lịm.

Ngày xuân, thăm Vọng Cảnh
Return to top