ClockThứ Sáu, 10/05/2013 13:52

Hương gốm

TTH - Dễ dàng nhận thấy tại Festival nghề truyền thống 2013, các sản phẩm gốm tinh xảo của nghệ các làng gốm đã nhận được sự yêu thích của số đông khách tham quan. Không ngớt những tiếng xuýt xoa, trầm trồ bởi vì chúng quá đa dạng và quá đẹp từ cách tạo hình cho đến màu men và đặc biệt là những hoa văn rất ấn tượng đặc trưng của mỗi nơi sản xuất…

Gốm Bát Tràng, gốm Phước Tích hay gốm Bầu Trúc..., đều là những làng gốm truyền thống lâu đời nổi tiếng trong cả nước; không chỉ thế nơi đây còn hội tụ rất nhiều nghệ nhân với đôi bàn tay tài hoa, khéo léo. Từ chính những đôi bàn tay này những sản phẩm gốm đầy tính thẩm mỹ mang đậm âm sắc Việt Nam đã được gọt giũa nên không chỉ có giá trị hàng hoá mà còn có giá trị về mặt văn hoá và lịch sử.

 

Thường để có được một tác phẩm gốm hoàn chỉnh, người thợ gốm đều phải qua các khâu chọn đất, xử lý và pha chế đất, tạo dáng, tạo hoa văn, phủ men và cuối cùng là nung sản phẩm. Tuy nhiên, mỗi người thợ cũng sẽ có những bí quyết, kinh nghiệm riêng để tạo ra sản phẩm mang đặc trưng riêng của mình.

 

Với gốm Bát Tràng thì người thợ sử dụng đất sét trắng, cao lanh để làm ra sản phẩm có tráng men và được vẽ hoa văn từ đơn giản đến phức tạp. Kinh nghiệm truyền đời của dân làng gốm Bát Tràng là đất làm gốm phải được nén chặt, để đảm bảo độ rắn chắc cho sản phẩm. Kế đó là kỹ thuật tạo lớp men phủ và cuối cùng là kỹ thuật nung lò để có được sản phẩm hoàn chỉnh.

 

Nguồn nguyên liệu để làm ra các sản phẩm gốm Phước Tích lại rất khác lạ, đó là màu sắc của đất làm gốm là màu sắc tự nhiên, không cần pha chế thêm màu. Đất sau khi đem về, được cho vào bể đánh tan ra với nước, rồi lọc, lắng, đem phơi khô... Sau đó mới được nhào, nặn hình sản phẩm, trang trí hoa văn và sau đó đem nung sản phẩm.

 

Còn nguyên liệu làm gốm Bầu Trúc (Ninh Phước, Ninh Thuận) lại là đất sét mịn, có độ dẻo cao được làm sạch, đập nhuyễn, ngâm nước. Theo nghệ nhân Đàng Xem của làng gốm Bầu Trúc, loại đất này đặc biệt ở chỗ chỉ có thể tạo hình bằng tay, mà không thể dùng bàn xoay như các làng nghề gốm khác trong nước vẫn làm.

 

Có thể nói rằng, đến với Festival nghề truyền thống 2013 vừa qua, công chúng và du khách đã thực sự được cảm nhận và trân trọng những bàn tay tài hoa của các nghệ nhân, những người thợ điêu luyện của nghề gốm trong cả nước; bởi mỗi sản phẩm làm ra đã thể hiện rõ sự điêu luyện của những đôi tay, một tinh thần tỉ mẫn cùng nhiệt huyết với nghề. Và qua những gì thể hiện, các nghệ nhân đã mang đến cho lễ hội một hệ thống màu sắc thật sống động và sắc nét.

Phúc Bảo
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ngày xuân, thăm Vọng Cảnh

Ra Giêng, tôi chở thằng con là sinh viên lên chơi đồi Vọng Cảnh, thăm lại nơi mà thời nó còn bé xíu, tôi đã từng chở nó đến, chỉ cho nó biết cây sim nó ra làm sao, và để cu cậu tự tay hái ăn những quả sim tím sẫm, mọng căng và ngọt lịm.

Ngày xuân, thăm Vọng Cảnh

TIN MỚI

Return to top