Miếu Mệ Môn (thôn Nghi Giang, xã Vinh Giang, huyện Phú Lộc) xưa kia qua lời kể của các cụ cao niên trong làng là một nơi hoang vu và rất linh thiêng, người dân địa phương ít qua lại. Tương truyền, hằng trăm năm về trước, có một phụ nữ nghèo khổ, vô gia cư, lang thang xin ăn khắp nơi. Một hôm, do bụng đói cồn cào, người phụ nữ lẻn vào một gia đình lấy cắp khoai môn, không may bị chủ nhà phát hiện, lỡ tay một gậy đánh chết, sau đó đưa bỏ trên cồn. Người dân thương tình huy động dân làng đem chôn. Dân trong làng cùng nhau đóng góp công sức, tiền bạc xây một ngôi miếu nhỏ thờ phụng người phụ nữ xấu số, đặt tên là Miếu Mệ Môn.
|
Căn hầm bí mật được đào cạnh Miếu Mệ Môn
|
Tháng 6/1942, đồng chí Nguyễn Chí Thanh bị giặc Pháp bắt giam tại nhà tù Buôn Mê Thuột, ít lâu sau ông vượt ngục thành công, bắt liên lạc với tổ chức cách mạng Phong Điền, sau về Phú Lộc ở tại nhà ông Nguyễn Đình Đài (anh ruột đồng chí Nguyễn Đình Sản, người đầu tiên giác ngộ cách mạng ở khu 3), một cơ sở cách mạng tại Vinh Giang. Đồng chí Nguyễn Chí Thanh được Trung ương giao nhiệm vụ làm Bí thư Tỉnh uỷ lâm thời Thừa Thiên, trụ sở ban đầu đóng tại nhà đồng chí Phan Duệ, sau chuyển về chính thức tại nhà đồng chí Lê Tư Minh. Để tiện cho việc hoạt động, chỉ đạo phong trào cách mạng, cán bộ và nhân dân xã Vinh Giang chọn Miếu Mệ Môn, nơi được cho là linh thiêng, ít người qua lại để đào một căn hầm bí mật, làm nơi ẩn nấu an toàn cho đồng chí Nguyễn Chí Thanh. Tại đây, đồng chí Nguyễn Chí Thanh được anh em đồng chí Nguyễn Đình Sản cùng bà con nhân dân xóm Phường nuôi dưỡng, tiếp tế lương thực hàng ngày.
Theo ký ức cụ Phan Thế Dĩnh, 93 tuổi, một cán bộ lão thành tham gia hoạt động cách mạng tại Vinh Giang, cùng thời đồng chí Nguyễn Chí Thanh nhớ lại: “Lâu lâu thấy một người đàn ông trung niên, không rõ từ đâu đến, mặc áo bà ba màu đà, đầu đội nón cũ, tay cầm sào đuổi vịt, đi khắp nơi trong thôn. Có lúc thấy ông nông dân này cầm cuốc đi xem ruộng”, cho đến lúc được giác ngộ cách mạng, cụ mới biết đó là đồng chí Nguyễn Chí Thanh cải trang để nắm tình hình.
“Được nhân dân che chở, ban ngày đồng chí Nguyễn Chí Thanh phần lớn ở hầm bí mật Miếu Mệ Môn, ban đêm hoạt động xây dựng phong trào cách mạng”, ông Lê Như Đát, Chủ tịch UBND xã Vinh Giang, cháu ngoại đồng chí Nguyễn Đình Đài nhớ lại lời kể của ông ngoại.
Miếu Mệ Môn không rõ năm xây dựng, nhưng được nhân dân tu bổ hai lần vào năm 1966 và năm 2008. Bên trái miếu là ngôi mộ của mệ Môn được đắp khá lớn, phía sau mộ khoảng 2m là căn hầm bí mật của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, hiện không còn dấu tích. Ngoài căn hầm bí mật, trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, đồng chí Nguyễn Chí Thanh còn chọn ngôi miếu này làm nơi hội họp, địa điểm huấn luyện đội ngũ cán bộ, nơi liên lạc của các đồng chí lãnh đạo Tỉnh uỷ lúc bấy giờ. Tại đây, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã xây dựng phong trào cách mạng, gây dựng cơ sở đảng bị địch đánh phá ở nhiều huyện trong tỉnh như Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang...
Với cương vị Bí thư Tỉnh uỷ Thừa Thiên, đồng chí đã trực tiếp và gián tiếp tổ chức nhiều hội nghị quan trọng, trong đó có hội nghị đầm Cầu Hai, quyết định khởi nghĩa giành chính quyền ở Thừa Thiên Huế ngày 23 tháng 8 năm 1945.
Khoảng thời gian ở đây là những năm tháng đầy thử thách, nhưng cũng là thời gian quyết định sự trưởng thành vượt bậc của đồng chí Nguyễn Chí Thanh, để sau này trở thành vị tướng tài ba, học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một tấm gương “sáng trong như ngọc” để mỗi chúng ta học tập và noi theo.