ClockThứ Tư, 11/01/2012 13:51

Một ngày với thôn Dỗi

TTH - Những ai đã lên thăm thôn Dỗi, xã Thượng Lộ (Nam Đông), hẳn sẽ bị cuốn hút với cảnh sắc miền quê vùng núi hiền hòa, trong lành đẹp như tranh vẽ.

Từ thị trấn Khe Tre, ngược lên hướng Bắc khoảng 100 mét, chúng tôi rẽ trái vào tuyến đường đang nâng cấp, mở rộng tiến về trung tâm xã Thượng Lộ. Từ đây thong dong độ năm phút trên xe máy, thôn Dỗi, một không gian xanh hiện ra trước mắt. “Thôn Dỗi thật đẹp và bình yên”, Phượng - cô gái duy nhất trong đoàn công tác ở Trung tâm Dân số huyện Nam Đông đồng hành với chúng tôi chia sẻ. Phượng cho biết, em đã sống ở Nam Đông gần hai năm và cũng không ít lần theo bạn bè, người thân về thôn Dỗi. Thế nhưng dịp này, Phượng cũng như chúng tôi, bị mê hoặc trước vẻ đẹp của thiên nhiên xanh, mộc mạc, thuần khiết ở làng quê nghèo miền núi.

Dừng góc đường ở đầu thôn, chúng tôi vào thăm ngôi nhà truyền thống - một địa chỉ mà theo người dẫn đường giới thiệu là nơi sinh hoạt cộng đồng của người dân trong vùng vào dịp cuối tuần hay ngày lễ, Tết. Ngôi nhà khá đẹp, bề thế được hình thành theo lối kiến trúc bản địa khoảng 5 năm nay hiện đang còn thơm mùi gỗ. Bên trong nhà được móc treo, lưu giữ các hình ảnh, các sản vật đặc trưng mang phong tục tập quán của đồng bào thiểu số, các dụng cụ lao động đã qua tay nhiều thế hệ. Phía trước ngôi nhà là khoảng sân rộng chính là sân khấu chính thường để cho du khách muốn thưởng thức những điệu nhảy múa hát hò của chiêng trống hoang dã của đội văn nghệ không chuyên ở địa phương. 

Sau những phút chuyện trò giữa khách và chủ tại ngôi nhà truyền thống, chúng tôi tiếp tục trải nghiệm ở thôn Dỗi theo kế hoạch. Lúc này, một đồng nghiệp đưa chúng tôi đến thăm ngôi nhà bác Hồ Văn Thiết, một ngôi nhà khá xinh xắn ở thôn Dỗi mà như lời anh nói cách chừng bốn năm trước anh đã đến thăm, giao lưu cùng các thành viên trong nhà. Thật ngạc nhiên, ngôi nhà bác Thiết khá giống một quán cà phê vườn xứ Huế. Lối đi vào có hai hàng cau xanh cao vút và giàn hoa giấy che mát khoảng sân đã điểm những nụ hoa trắng đỏ rất lạ. Ngay trước hiên nhà được che đầy bởi các giò lan rừng rất đặc trưng. Không rành rọt về lan rừng nhưng với hình dáng, sắc màu của những nụ hoa lan, cùng mùi hương thơm của nó đã chúng tôi mê mẩn. Bác Thiết hôm ấy đi vắng. Nghe đâu cô con gái bảo bố ra chợ thị trấn Khe Tre mua mấy tấm lợp về sửa lại cái chuồng gà... Anh bạn đồng nghiệp tôi kể, bác Thiết này rất vui tính, hiếu khách, nếu gặp được bác dịp đó sẽ khó từ chối những bữa cơm rau vườn, cá suối do chính tay bác chế biến. Nếu khách chịu khó “trải bụng” sẽ dễ “quên” đường về...

Tạm chia tay ngôi nhà bác Thiết, chúng tôi theo lời giới thiệu từ anh Hồ Văn Tiến-Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Lộ đến thăm thác Kazan. Thác Kazan nằm về phía đông nam của thôn, giáp ranh với địa phận núi rừng huyện Nam Giang (Quảng Nam) mà lâu nay sách báo không hết lời miêu tả vẻ đẹp hiền hòa và kỳ bí của nó. Đây chính là điểm nhấn không thể bỏ qua của du khách khi đến thôn Dỗi. Từ nhà bác Thiết đến thác Kazan không xa, chỉ theo con đường nhựa cong cong mất 15 phút ngồi xe máy. Trong cung đường ngắn ấy, nhìn hai bên chúng tôi bắt gặp không ít ngôi nhà vườn, những hàng cau xanh cao vượt quá đầu người. Có đoạn lại hiện ra trước mắt chúng tôi những ngôi nhà sàn bằng gỗ kiên cố, xen bên cạnh là vườn ngô, đám ruộng đang được bà con lên luống trồng cây màu trái vụ đã lên xanh tạo nên bức tranh hiền hòa.

Khách đến thôn Dỗi, có thể vào thăm ngôi nhà truyền thống, được chào đón bằng những tiết mục múa, hát, thổi nhạc cụ... đặc sắc của đồng bào dân tộc. Nếu hào hứng, khách có thể cùng nhún nhảy với các điệu múa, hòa trong tiếng cồng chiêng điệu nhạc dân tộc của những chàng trai cô gái miền sơn cước. Sau chương trình nhạc, du khách có thể đi thăm làng, giao lưu, làm rẫy, hái cau, làm vườn cùng với người dân, cùng đi chơi thác Kazan và có thể cùng nấu ăn chung với người dân bản địa với những món ăn đặc sản. Cũng tại đây, du khách sẽ được mua các sản vật địa phương đặc sản “thứ thiệt” như: mật ong rừng, thổ cẩm, hàng đan lát chính hiệu của người Tà Ôi.

Khi đến điểm đầu thác Kazan, không còn cách nào khác phải rời những chiếc xe máy, băng trên lối mòn gồ ghề, có đoạn trồi lên vắt qua vắt lại như yên ngựa để ngược lên về phía đầu thác. Càng tiến vào sâu, chúng tôi bất ngờ trước những vách đá dựng đứng, những khe hẹp dốc ngược, đôi lúc phải nhảy lên mớp đá lớn, bám vào rễ, thân cây cổ thụ để len vào. Lúc này, những tia nắng ban trưa len lỏi qua những tầng lá, thân dây leo, hắt xuống mặt thác. Nhìn chung quanh, chúng tôi như lọt vào thế giới lạ, giữa không gian bình yên, chỉ có tiếng nước thác chảy rì rào... Quen sống cảnh ồn ào giữa phố thị nhưng với những thời khắc ở giữa núi rừng, giữa bầu không khí trong lành, yên ắng khiến mình có cảm giác như mơ, như thực.

Tạm biệt thác Kazan, trên đường trở về trung tâm xã, anh Hồ Văn Tiến chân tình, năm 2004, thôn Dỗi được du khách gần xa biết đến khi Sở Du lịch, nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiến hành khảo sát, hướng dẫn bảo trợ để làm du lịch sinh thái cộng đồng. Họ đã đầu tư một số kinh phí chủ yếu để tập huấn cho người dân các kỹ năng giao tiếp, đón khách, quảng bá hình ảnh cảnh quan, văn hóa bản địa, giáo dục việc bảo vệ môi trường ở địa phương... Từ đó, thôn Dỗi có nhiều du khách gần xa lên thăm, tìm hiểu đời sống của người dân trong vùng. Thời gian đầu chỉ một vài chục lượt khách đến thăm thôn Dỗi nhưng gần đây đã tăng lên số hàng trăm lượt khách mỗi năm, tạo cơ hội cho người dân khai thác lợi thế, bán sản vật và từng bước phục hồi các di sản văn hóa truyền thống ở địa phương. Anh Hồ Văn Tiến thực tình, đây là mô hình mới, tạo cho người dân thôn Dỗi có cơ hội mới để thoát nghèo bền vững. Nhưng thực tế bà con thôn Dỗi chưa tự chủ lắm để mạnh dạn làm mô hình du lịch cộng đồng. Hỏi lý do. Anh Tiến cười nhẹ: “Khó quá. Bà con ở đây còn nghèo, ý thức người dân chưa cao. Làm gì cũng phải bắt tay chỉ việc anh ơi”. Tuy nhiên theo lời anh Tiến, nếu bây giờ nhận thêm sự giúp đỡ, hỗ trợ của ban ngành chức năng cũng như chính quyền sở tại, người dân thôn Dỗi sẽ có cách làm bài bản, biết khai thác thế mạnh tiềm năng ở địa phương để làm du lịch cộng đồng theo hướng bền vững...

Chỉ thời gian ngắn đến với thôn Dỗi, chúng tôi lưu lại nhiều kỷ niệm đẹp. Nơi đây có những con người hiền lành, mến khách, có cảnh quan thiên nhiên lý thú và những nét văn hóa đặc trưng của người dân Tà ôi mộc mạc chất phác. Chúng tôi mong rằng, những ngày sắp đến, thôn Dỗi khá lên thông qua mô hình làm du lịch cộng đồng ở địa phương...

Khánh Quan

Một điểm tắm thư giản lý thú ở thác Kazan

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ngày xuân, thăm Vọng Cảnh

Ra Giêng, tôi chở thằng con là sinh viên lên chơi đồi Vọng Cảnh, thăm lại nơi mà thời nó còn bé xíu, tôi đã từng chở nó đến, chỉ cho nó biết cây sim nó ra làm sao, và để cu cậu tự tay hái ăn những quả sim tím sẫm, mọng căng và ngọt lịm.

Ngày xuân, thăm Vọng Cảnh

TIN MỚI

Return to top