1. Làng Văn Xá, tính từ ngày 5 vị khai canh gồm hai vị họ Lê, hai vị họ Trần và một vị họ Cao đến đất này mở đất lập làng đến nay, đã có truyền thống hơn 600 năm tuổi. Các vị đều là những chức sắc quan lại của triều đình, đặc biệt hai vị khai canh họ Lê và Trần đều là hai anh em ruột. Về tên gọi, nghiên cứu Hương phả của làng viết vào năm Khải Định thứ 2 (1917) có ghi: Nguyên tiền chư tộc thủy tổ quán tại Thanh Hóa tuần tự nhi lập, sáng lập thôn xã, hiệu viết Võ Xá; tài chí Gia Long niên gian, chiếu kiến xã nội văn võ kiêm toàn, cải hiệu viết Văn Xá xã, lưu truyền chí tư” có nghĩa là: “Nguyên trước kia, ngài thủy tổ các họ đều ở Thanh Hóa, lần lượt vào sáng lập xã thôn, đặt tên Võ Xá. Đến khoảng đời Gia Long, xét thấy trong xã văn võ đều có đủ cả, nên đổi tên gọi là Văn Xá, lưu truyền đến nay”. Sách Ô Châu cận lục có ghi tên xã Võ (Vũ) Xá trong danh sách xã thôn thuộc huyện Đan Điền. Mãi đến đầu đời Gia Long, làng mới đổi tên như hiện nay. Như vậy, làng Văn Xá muộn lắm cũng đã được khai canh vào thời Mạc, khá lâu trước khi Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa. Đây còn là quê hương của bà Thuận Thiên Cao Hoàng hậu Trần Thị Đang, con của Thái sư Thọ Quốc Công Trần Hưng Đạt, vợ vua Gia Long và là thân mẫu của vua Minh Mạng.
“Nơi đây phát sáng”- bức hoành phi do vua Minh Mạng ban tặng
Văn Xá hiện thuộc phường Hương Văn, thị xã Hương Trà, cách TP Huế khoảng 13km về phía Bắc. Làng như một thị trấn nhỏ, nhà cửa còn lưu lại nhiều nét xưa. Ngày trước, cả làng có 28 họ, đến nay, đã lên đến 74 họ, dân số vào khoảng trên 9 ngàn người. Với địa hình khá thuận lợi, hài hòa giữa vùng đồi núi và đồng bằng, làng đã hình thành hai nghề chính là làm nông và săn bắn. Mặc dù đất đai kém phì nhiêu, nhưng do “bên ngoại” của vua nên hàng năm dân làng đều được giảm tô giảm thuế, miễn đi phu đi lính, có được đời sống no ấm yên vui. Bài minh của ngài Trần Hưng Đạt- một trong hai vị nhân thần có công đức với làng ghi rằng: “Văn Xá làng ta/ Họ hàng nhà nước/ Đức hiếu bao la/ Dồi dào ơn phước… Sưu dịch khoan thư/ Điền tô miễn cả/ Kho nước nghìn vàng/ Giúp vào hương hỏa”…
Điều tự hào, từ thời xa xưa, con cháu làng Văn Xá đã có truyền thống hiếu học, đỗ đạt cao và nắm giữ các chức quan trọng trong triều đình. Trong phong trào Tây Sơn, rồi Cần Vương, đến phong trào chống Nhật, chống Pháp, chống Mỹ, dân làng Văn Xá đã đóng góp sức người sức của làm nên chiến thắng chung của dân tộc.
2. Theo những vị cao niên trong làng, vì Văn Xá là “nhất làng nhất xã”, nên qua bao thăng trầm lịch sử vẫn bảo lưu khá tốt nhiều nề nếp, nổi tiếng là vùng quê luôn biết cách giữ được nếp nhà. Đồng thời, người làng vẫn gìn giữ được khá trọn vẹn hệ thống di tích văn hóa, đặc biệt là di tích đình làng – nơi được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia, chốn thiêng liêng đoàn tụ những người đã xây dựng và giữ gìn làng xã.
Bằng công nhận di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia
Không ai rõ thời điểm khởi dựng đình làng Văn Xá, ước vào khoảng thế kỷ XVII đã có rồi. Nhưng “gặp hồi binh lửa” nên bị đổ nát hết, đến năm Tự Đức thứ 18 (1865) thì dời đình ra chỗ hiện nay. Cũng nhờ vào vị thế của bà Thuận Thiên Cao Hoàng hậu, mà đình làng được xây dựng uy nghi, bề thế và trang trí lộng lẫy hơn các làng khác. Là nơi thờ vọng Thành hoàng và năm vị tiền hiền khai canh cùng hai vị nhân thần có công đức với làng, với xã. Trong đình có bức hoành phi (được phục chế) chạm nổi sơn son thếp vàng bốn đại tự bằng chữ Hán do vua Minh Mạng ban “Sở tại sinh huy” (Nơi đây phát sáng, ý nói quê ngoại của nhà vua) và nhiều cặp liễn đối treo ở các cột, đều nguyên cũ…
3. Ngày tôi đến Hương Văn để tìm tư liệu cho bài viết, may mắn gặp được anh Nguyễn Văn Quốc, là cán bộ văn hóa của phường. “Tự hào với chức trách đang đảm nhiệm, và tự hào hơn vì mình đã góp phần nhỏ bé trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của làng”, anh chia sẻ về công việc của mình như vậy. Dọc theo những câu chuyện của anh, tôi tìm đến ông Lê Đình Hiên- Trưởng hội đồng tộc biểu của làng.
Ông Lê Đình Hiên lần giở bản phổ định của làng
Tuổi đã gần 80 nhưng ông vẫn còn mạnh và minh mẫn lắm. Ngồi dưới mái hiên của ngôi đình lịch sử, ông say sưa kể cho tôi nghe về chuyện làng, chuyện họ. Tâm nguyện của ông là muốn con cháu luôn nhớ, dù cuộc sống có như thế nào vẫn phải ý thức được sâu sắc cội nguồn tổ tiên của mình. Quy ước làng cũng đã nhấn mạnh: “phải kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống cao đẹp của tiền nhân”. Ở tuổi “xưa nay hiếm” nhưng ông vẫn còn nhiều tâm huyết muốn được góp sức bảo lưu những giá trị văn hóa của làng để cho con cháu đời sau. Ông Hiên trăn trở:
- Trong hơn 17 năm chấp lệnh việc làng, ôn cùng các bác trong Hội đồng tộc biểu (gồm 21 người) vận động bà con đồng lòng loại bỏ các hủ tục, giữ gìn các tập tục tốt đẹp. Vận động con cháu nêu cao tinh thần đoàn kết, đại đoàn kết. Mà bây chừ lên phường, thành thị dân cả rồi, càng cần lắm việc giữ gìn cái tình làng nghĩa xóm, tôn ti trật tự, nề nếp gia phong của gia đình bên cạnh việc xây dựng nếp sống văn minh đô thị.
Bằng những cứ liệu có được, ông đã khái quát sự hình thành và phát triển của làng thành văn bản cụ thể để cho con cháu đọc và biết “nâng niu, gìn giữ và tô bồi cái bản sắc văn hóa quý báu của người Văn Xá”. Bây giờ, không chỉ “lớp già”, mà những người trẻ thế hệ 8X, 9X và các em bé “lên năm, lên ba” đều được hiểu, biết về lịch sử làng “tùy theo sức của mình”. Thầy Võ Văn Thảo, Hiệu trưởng Trường tiểu học số 1 Hương Văn chia sẻ: “Từ mẫu giáo đến cấp phổ thông, vào giờ học ngoại khóa, các em được giáo dục truyền thống lịch sử của địa phương bằng những hình ảnh, thông tin và việc làm cụ thể. Qua đó, đã hun đúc cho các em ý thức tự hào quê hương, dân tộc”.
Từ những nền tảng được gây dựng, với thái độ trân trọng, giữ gìn và biết phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống, còn cả một hành trình phía trước để xây dựng Văn Xá ngày càng giàu đẹp, văn minh hơn. Nhưng tin nhiều lắm từ điều ông Hiên chắc nịch: “Văn Xá đủ nội lực để thành công. Điều đó cũng hợp với ý nguyện của các Ngài tiền hiền khai canh khi mở đất xây dựng nên làng Văn Xá này”.
Liên Minh