Chiều 15/11, tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán, Tạp chí Sông Hương tổ chức buổi nói chuyện của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân với chủ đề “Hành trình đi tìm dấu tích Cung điện Đan Dương thời Quang Trung ở Huế”. Đây là hoạt động trong khuôn khổ chương trình Phát triển Không gian văn hóa của Tạp chí Sông Hương.
Ông Nguyễn Đắc Xuân (đội mũ đen) đưa các nhà nghiên cứu đi khảo sát thực địa tại chùa Thuyền Lâm. Ảnh: Minh Hiền
Nhà nghiên cứu (NNC) Nguyễn Đắc Xuân đã thuyết trình về hành trình 30 năm đi tìm Cung điện Đan Dương. Qua việc dày công khảo tìm trong thơ văn, sách sử, địa chí, phong thủy kết hợp với thực địa, ông đã đưa ra những dấu tích quan trọng.
Dựa trên nguồn tài liệu là ghi chép của những người Pháp, như: Jean Koffler, Pierre Poivre, John Barrown, La Batette vào thời điểm vua Quang Trung đang ở kinh đô Phú Xuân, tư liệu trong nước có Bùi Dương Lịch trong sách Lê quý dật sử cho là sau chiến thắng quân Thanh (1789), vua Quang Trung có đắp thêm thành quách, mở rộng cung điện..., NNC Nguyễn Đắc Xuân cho rằng cung điện này ở phía Nam sông Hương, phía bắc đàn Nam Giao và gần chùa Thiền Lâm.
Nguồn tư liệu nữa là căn cứ vào các bài thơ của hai vị cận thần của vua Quang Trung là Ngô Thì Nhậm và Phan Huy Ích. Từ một chú thích trong bài thơ “Cảm hoài”, Ngô Thì Nhậm cho biết “Cung điện Đan Dương là sơn lăng phụng chứa bảo y tiên hoàng ta”. Từ tài liệu này, NNC Nguyễn Đắc Xuân nhận định Đan Dương là tên của một cung điện tương ứng với cung điện được nhiều người trước đó nhắc đến.
Ông Xuân cho biết, từ những đặc điểm mà các tư liệu mô tả, ông đã tiến hành khảo sát thực địa tại khu vực ngày nay có ngôi chùa tên Thuyền Lâm (150 Điện Biên Phủ, TP. Huế) và khu vực chung quanh ấp Bình An. Tại đây, ông đã tìm thấy nhiều hiện vật, gồm: bia đá, đá táng, đá lát sàn, gạch vồ và nhiều tảng đá lạ khác thường; những địa danh liên quan đến thời “binh loạn”, như: giếng được gọi là “giếng loạn”, các ngôi mộ được gọi là “mả loạn”… nên rất có khả năng đây là khu di tích quan trọng của vương triều Tây Sơn.
Kết nối từ những bí ẩn của lịch sử, NNC Nguyễn Đắc Xuân cho rằng: có một cung điện tên là Đan Dương của Quang Trung vốn là cung điện mùa đông, tức là phủ Dương Xuân của chúa Nguyễn. Phủ Dương Xuân dưới thời chúa Nguyễn Phúc Khoát qua thời “binh loạn” bị “mất tích” là vì Tây Sơn chọn làm cung điện đặt tên là Đan Dương. Sau khi vua Quang Trung qua đời, được triều Quang Toản giữ bí mật táng vua ngay trong cung điện, từ đó Cung điện Đan Dương trở thành lăng Đan Dương.
Tuy nhiên, NNC Nguyễn Anh Huy đã đưa ra những cứ liệu phản biện quan điểm của ông Xuân. Sau khi khảo tả các văn bản chữ Hán của Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích cùng một số trước tác khác có đề cập về hai chữ Đan Dương, NNC Nguyễn Anh Huy cho rằng, cả hai bài thơ của Ngô Thì Nhậm và Phan Huy Ích mà ông Xuân đã tham khảo đều là văn bản không chuẩn. Xem nguyên tác chữ Hán, cho thấy đây không phải là thủ bút của Ngô Thì Nhậm và Phan Huy Ích mà có thể do người sau này chép lại và các chú thích ấy có thể đã bị chép sai nên không có giá trị như một chứng cứ khoa học.
Ông Nguyễn Anh Huy còn cho biết thêm, chùa Thiền Lâm vào đầu thế kỷ XIX được trùng tu khang trang, nên những di vật của ngôi chùa cổ này la liệt khắp nơi là do chùa bị triệt phá vào cuối thế kỷ XIX khi mở Nam Giao tân lộ (nay là đường Điện Biên Phủ).