ClockChủ Nhật, 21/03/2021 16:03

An nhiên nơi chùa xưa Đông Thuyền

TTH - Một ngày đầu năm Tân Sửu, tôi đến thăm chùa Đông Thuyền, tọa lạc ở một vị trí cách trung tâm thành phố khoảng 5km về phía nam. Đến đàn Nam Giao, rẽ phải lên đường Lê Ngô Cát, bạn sẽ thấy một chiếc bảng hiệu chỉ đường với dòng chữ màu đỏ đã bạc màu, leo một con dốc thoai thoải là đến chùa. Tuy nằm trong phố thị, nhưng nhờ địa thế cao ráo, chùa Đông Thuyền vẫn giữ được vẻ tĩnh mịch và an yên.

An lạc chốn Huyền Không Sơn Thượng

Chùa xưa Đông Thuyền

Một vị ni sư đang phơi lá tùng làm hương giữa sân chùa, thấy tôi liền mở cổng và hoan hỉ đón tiếp. Một vườn hoa xinh đẹp và đầy sức sống hiện ra trước mắt tôi. Những chậu cây hoa cúc, hoa sống đời, hoa bát tiên… khoe sắc rực rỡ. Dọc lối đi bên trái, bụi hoa hồng đỏ được các sư cô chăm sóc như đang dang tay chào khách viễn xứ. Màu đỏ, màu vàng, màu tím, màu xanh hài hòa tạo nên bức tranh thiên nhiên thật đáng yêu.

Phía bên phải là một vườn rau xanh mướt: rau khoai, rau mùng tơi, xà lách,… đủ cho các ni sư ở đây chuẩn bị cho mình một bữa chay đạm bạc. Khi tôi đến, các sư cô đang làm cỏ và thu hoạch rau, các sư cô chuyện trò vui vẻ và thân thiện, kể cho tôi nghe về sự tích chùa Đông Thuyền cũng như cuộc sống hàng ngày nơi đây. Đông Thuyền trước đây là chùa tăng, sau thời công chúa Ngọc Cơ (con vua Gia Long) thì đổi thành chùa ni, chỉ nhận người nữ xuất gia.

Giữa sân chùa là bức tượng Phật Quan Âm bằng đá trắng, bên dưới là tượng rồng được mạ vàng, bao quanh một hồ cá nhỏ. Tôi vào trong điện dâng hương lên Phật. Ở đây có nhiều tranh, câu đối, thơ, thư pháp, sách vở về Phật pháp. Đặc biệt là bức tranh về khoảnh khắc giác ngộ của Đức phật được vẽ bằng chất liệu màu nước rất tinh tế. Khách đến đây không quá đông đúc, tấp nập như những ngôi chùa Huế nổi tiếng khác.

Được biết đến với cái tên “Linh sơn Đông Thuyền cổ tự”, ngôi chùa này có sự gắn bó mật thiết với hoàng thất triều Nguyễn, đặc biệt là công chúa Ngọc Cơ, hoàng nữ thứ 13 của vua Gia Long. Năm 22 tuổi, công chúa được gả cho vệ úy Nguyễn Huỳnh Thành và sinh được hai người con. Bất hạnh thay, đến năm 1832, chồng và hai con trai công chúa lần lượt qua đời.

Giác ngộ được sự vô thường của của cuộc đời, công chúa đã đi tu tại đây, xuất tiền riêng mua đất và sửa chùa, thỉnh danh tăng Đạo Tâm Trung Hậu ở chùa Thuyền Tôn làm tọa chủ. Phía sau chánh điện, công chúa xây dựng từ đường cho gia đình mình và xây thêm khu lăng mộ ở ngọn đồi khác. Bà mua ruộng của người dân hai xã Dương Xuân thượng, Dương Xuân hạ canh tác lấy hoa lợi lo việc thờ cúng của bà và gia đình phò mã. Năm 1856, công chúa qua đời và được vua Tự Đức truy tặng tước hiệu Định Thái Hòa Trưởng công chúa, thụy là Đoan Nhàn.

Hai vị nữ nhân khác cũng có dấu ấn đặc biệt nơi đây là bà Bùi Mộng Điệp và ni sư Viên Thông. Bà Bùi Mộng Điệp là vợ thứ của vua Bảo Đại. Bà được tổ chức lễ nhập tự trong ngôi từ đường của công chúa Ngọc Cơ. Ni sư Viên Thông vốn là vị công nữ con gái ngài Kiến An Vương, đã cùng tu học với cô ruột là công chúa Ngọc Cơ. Ni sư cũng có đường tình duyên lận đận, người chồng đã hứa hôn với bà không may qua đời trước lễ cưới.

Chùa Đông Thuyền tuy không phải là ngôi chùa lớn ở Huế, nhưng mang nhiều dấu ấn lịch sử, chứng kiến nhiều cuộc thay đổi, thịnh suy. Là một trung tâm tu học dành riêng cho nữ giới, đến thăm chùa Đông Thuyền, bạn sẽ có cảm giác nơi đây thật gần gũi và thân quen!

Bài, ảnh: LÊ THỤC ĐAN

ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cơm nhà lam Huế

Huế có hàng trăm ngôi chùa. Vậy nên, vấn đề ẩm thực nhà chùa hay gọi nôm na là cơm nhà lam xứ Huế có rất nhiều chuyện thú vị. Cứ nghĩ đến cảnh mỗi khi mặt trời đứng bóng, các thầy chùa, ni sư ngồi vào bàn ăn gọi là Ngọ trai, đó đã là một cách thức ẩm thực khác hẳn với người thường...

Cơm nhà lam Huế
Chùa Tra Am - chốn tiêu diêu

Tra Am là ngôi chùa mà tôi biết sớm nhất ở Huế. Đó là khi tôi vừa tròn 7 tuổi. Đám tang bà nội tôi sau khi di chuyển rất khó khăn trên con đường đất ngoằn ngoèo, nay là đường Nguyễn Khoa Chiêm, dưới trời mưa tầm tã, thì đến chùa Tra Am.

Chùa Tra Am - chốn tiêu diêu
Tìm dấu tích đàn Nam Giao thời Tây Sơn

Sau hai đợt khai quật khảo cổ học Di tích quốc gia núi Bân (phường An Tây, TP. Huế) các chuyên gia đã phát hiện một số dấu tích, di vật góp phần khẳng định đây xưa kia là đàn Nam Giao - nơi Nguyễn Huệ lập đàn tế cáo trời đất, lên ngôi hoàng đế. Cũng từ những thông tin khảo cổ mới nhất, các chuyên gia kiến nghị tiến hành xây dựng di tích này trở thành Di tích quốc gia đặc biệt.

Tìm dấu tích đàn Nam Giao thời Tây Sơn
Dưới bóng cây hạnh phúc

Mỗi lần về thăm chùa làng, việc đầu tiên của tôi là đứng trước chùa, ngước lên nhìn những tán xanh của mấy cây phượng tròn trước sân chùa. Bao nhiêu ký ức về ngôi chùa cũ và những người thân ùa về trong vòm lá xanh lao xao cổ thụ. Tôi gọi đó là bóng cây hạnh phúc như tựa đề một bộ phim vừa chiếu trên truyền hình Việt Nam.

Dưới bóng cây hạnh phúc
Mùa Phật đản về

Là xứ sở của hơn 300 ngôi chùa và niệm phật đường lớn nhỏ, thật không quá khi người ta bảo mùa Phật đản là một trong những mùa đẹp nhất trong năm ở Huế.

Mùa Phật đản về

TIN MỚI

Return to top