ClockThứ Sáu, 06/12/2019 16:50

Dữ liệu mở phải “mở” về tư duy

TTH.VN - Ngày 6/12, Hội Truyền thông số Việt Nam cùng Trung tâm Công nghệ thông tin (CNTT) tỉnh phối hợp với Hội Công nghiệp phần mềm tỉnh tổ chức Hội thảo về giải pháp dữ liệu mở trong xây dựng Chính quyền điện tử (CQĐT) và Đô thị thông minh (ĐTTM), nhằm đánh giá thực trạng và mức độ sẵn sàng chuyển đổi số trong CQĐP, phân tích các xu hướng và kinh nghiệm thực tiễn.

Đã “kéo” được người giỏiĐiều kiện nhập khẩu sản phẩm CNTT đã qua sử dụng cấm nhập khẩu để nghiên cứu khoa họcĐào tạo lập trình viên tại Huế: Giải bài toán nhân lực cho địa phươngTập đoàn IBM quan tâm đến nguồn nhân lực công nghệ thông tin của tỉnh21 lập trình viên chuyên nghiệp có việc làm sau đào tạoCIO miền Trung - Tây Nguyên bàn giải pháp triển khai dịch vụ đô thị thông minhTrao chứng nhận mức độ ứng dụng công nghệ thông tin

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thiên Định phát biểu tại hội thảo

Tạo hệ sinh thái khởi nghiệp

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thiên Định nhấn mạnh, việc tích hợp các nguồn dữ liệu về một đầu mối làm cơ sở dữ liệu dùng chung hoàn chỉnh là rất quan trọng để các sở, ban, ngành, doanh nghiệp, người dân tham khảo một cách thống nhất.

“Hội thảo là dịp để chính quyền tỉnh đánh giá thực trạng và mức độ sẵn sàng chuyển đổi số, phân tích các xu hướng và kinh nghiệm thực tiễn để góp phần định hướng giải pháp công nghệ, thúc đẩy hơn nữa quá trình xây dựng và hình thành hệ sinh thái dữ liệu mở (DLM) của tỉnh, chuyển đổi số trong CQĐT, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI)”- Phó chủ tịch UBND tỉnh Phan Thiên Định nói.

Tham luận mở đầu hội thảo, Giám đốc Trung tâm CNTT tỉnh Lê Vĩnh Chiến khẳng định, DLM là nền tảng cốt lõi của Chính phủ số, giải pháp DLM nhằm thúc đẩy nền hành chính công trở nên công khai, minh bạch hơn, và là nguồn lực linh hoạt đem lại cho doanh nghiệp, người tiêu dùng và nền kinh tế. Đây cũng là động lực để các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tham gia vào nền kinh tế số.

Ông Lê Vĩnh Chiến thông tin, đến nay DLM của Thừa Thiên Huế  đã cập nhật, cung cấp một số dữ liệu trên các lĩnh vực: hành chính, y tế, thương mại, dịch vụ, du lịch, đầu tư xây dựng, công nghiệp, giáo dục đào tạo, dân cư lao động, an toàn xã hội… Nhưng cũng còn băn khoăn về những hạn chế trong xây dựng DLM hiện nay như: thiếu về cơ chế, quy định, an toàn - an ninh chưa đảm bảo, dữ liệu chuyên ngành còn rời rạc, chưa tách biệt dữ liệu riêng tư cá nhân, chưa có hướng dẫn trong quyền và nghĩa vụ trong mở dữ liệu…

“Việc xây dựng DLM đòi hỏi chính quyền các cấp phải “mở” về tư duy. Việc này đã được Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Thông tin & Truyền thông xây dựng các chính sách tạo dựng nền kinh tế số, trong đó có xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia và các cơ sở dữ liệu khác”- ông Lê Vĩnh Chiến nói.

PGS.TS Hoàng Hữu Hạnh, chuyên gia Học viện Bưu chính viễn thông nhấn mạnh: Dữ liệu mở là dữ liệu bất kỳ ai cũng có thể truy cập, sử dụng và chia sẻ. DLM trở nên hữu dụng khi được tạo ra sẵn sàng, theo định dạng chung và máy tính có thể đọc được. DLM có thể mang đến nhiều lợi ích cho cơ quan chính phủ, chính quyền địa phương, cho doanh nghiệp và cho cả xã hội dân sự, nó có tiềm năng to lớn, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Ví dụ các doanh nghiệp thông qua DLM sẽ mở ra nhiều cơ hội kinh doanh mới; chính quyền sẽ minh bạch hơn trong các thủ tục hành chính, các khoản đầu tư…

Nâng cao chỉ số CPI

 

Chính quyền điện tử và Đô thị thông minh đã được Thừa Thiên Huế triển khai và đạt được nhiều hiệu quả tích cực

Các ý kiến, thảo luận của lãnh đạo ngành, các chuyên gia xoay quanh mong muốn thúc đẩy xây dựng thành công Hệ thống dữ liệu mở tỉnh Thừa Thiên Huế, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả hệ thống thông tin phục vụ CQĐT, ĐTTM và phát triển công nghiệp CNTT của tỉnh.

Ông Hoàng Bảo Hùng, Hiệu trưởng Trường cao đẳng CNTT Hữu nghị Việt – Hàn đề xuất lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở ngành, đặc biệt là Sở Thông tin & Truyền thông nên quyết liệt trong định hướng và triển khai. Trong đó chú trọng việc khai mở, khai thông nguồn lực; xây dựng chiến lược, lựa chọn tập trung vào dữ liệu những ngành trọng điểm trước; làm sao để kết hợp và huy động được nguồn lực cộng đồng, tiếp lửa cho các ý tưởng khởi nghiệp.

Ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Sở Thông tin & Truyền thông cũng cho biết, sự quyết tâm của chính quyền, trên cơ sở những kết quả mà tỉnh Thừa Thiên Huế đạt được về CQĐT, về ĐTTM đã phần nào khẳng định được điều đó. Đơn vị sẽ cùng với Trung tâm CNTT tỉnh sớm xây dựng cơ chế chính sách, lựa chọn các lĩnh vực trọng tâm, trình UBND tỉnh ban hành để sớm đưa Hệ thống dữ liệu mở tỉnh Thừa Thiên Huế vào ứng dụng cho cộng đồng, người dân và doanh nghiệp.

Các thảo luận thống nhất rằng, song song với việc xây dựng các thể chế, cần tập trung hoàn thiện xây dựng các cơ sở dữ liệu nền tảng, nhất là cơ sở dữ liệu cho CQĐT về dân cư, đất đai, ... Để bảo đảm hiệu quả sử dụng của các DLM này cần tiến hành xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin ở tỉnh đến địa phương; hệ thống liên thông gửi, nhận văn bản điện tử; hệ thống xác thực định danh điện tử; liên thông giữa các hệ thống chứng thực chữ ký số chuyên dùng của CQĐT và chữ ký số công cộng;… để bảo đảm dữ liệu, thông tin được thông suốt giữa các cấp.

Kết luận tại hội nghị, Chủ tịch Hội truyền thông số Việt Nam Nguyễn Minh Hồng cho biết, chuyển đổi số đang trở thành một xu thế phát triển có sức lan tỏa mạnh mẽ và ảnh hưởng to lớn đến mọi quốc gia, Chính phủ, doanh nghiệp và mọi ngưởi dân trên toàn thế giới. Đây là cơ hội lớn nhưng cũng là thách thức không nhỏ để Việt Nam tham gia hiệu quả chuỗi giá trị toàn cầu và đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, là cơ hội để các địa phương nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (CPI).

“Thừa Thiên Huế đang hướng đến xây dựng CQĐT và ĐTTM thì nhu cầu giới thiệu và hoạt động DLM của tổ chức hành chính, người dân và doanh nghiệp trở nên bức thiết. Thông qua DLM sẽ giúp cho tỉnh phát triển trên tất cả các lĩnh vực và quan trọng hơn cả là nâng cao chất lượng đời sống cho người dân” - ông Nguyễn Minh Hồng chia sẻ.

Bài, ảnh: Thái Bình

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

80% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý trực tuyến

Là một trong những mục tiêu đề ra với phát triển chính quyền số trong Kế hoạch chuyển đổi số tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2024 vừa được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành tại kế hoạch số 424/KH-UBND ngày 26 tháng 12 năm 2023.

80 hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý trực tuyến

TIN MỚI

Return to top