Thế giới

Dự luật an ninh mới- Vũ khí mới của Thủ tướng Abe

ClockThứ Bảy, 18/07/2015 16:06
TTH.VN - Truyền thông Nhật bình luận dự luật an ninh mới là một dấu ấn lớn trong việc thay đổi chính sách an ninh của Nhật kể từ sau Thế chiến thứ 2.

Chiều ngày 16/7, Hạ viện Nhật Bản đã thông qua Dự luật an ninh mới, mở đường cho khả năng được thông qua tại Quốc hội.

du luat an ninh moi- vu khi moi cua thu tuong abe hinh 0
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe (ảnh: Guardian)

Vấp phải sự phản đối

Trước tiên phải nói tới phản ứng của 1 số đảng như đảng Dân chủ, Duy tân, đảng Cộng sản…là những đảng phản đối dự luật. Ngay trong cuộc họp vào chiều qua 16/7, nhiều nghị sĩ của các đảng trên đã không tham gia cuộc họp.

Đại diện của đảng Dân chủ phê phán việc thông qua và hy vọng sẽ có sự “phán quyết cuối cùng” tại cuộc họp của Thượng viện. Trong quá trình thảo luận tại Hạ viện, không chỉ một số đảng mà có nhiều Học giả về pháp luật cũng đã tỏ ý phản đối Luật an ninh mới bởi họ cho rằng dự luật này đã “vi phạm Hiến pháp của Nhật Bản”.

Truyền thông Nhật Bản bình luận đây là một dấu ấn lớn trong việc thay đổi chính sách an ninh của Nhật kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ 2. Theo điều tra dư luận của các phương tiện truyền thông cho thấy, tỷ lệ ủng hộ của nhân dân Nhật Bản đối với dự luật không hề tăng. Điều này cũng được Thủ tướng Abe thừa nhận.

Tuy việc phản đối dự luật mới vẫn tiếp tục, song đây có thể coi là bước tiến gần tới đích của chính quyền Shinzo Abe trong việc thực hiện Quyền phòng vệ tập thể dựa trên việc sửa đổi Hiến pháp.

Nguyên nhân nào dẫn tới sự phản đối

Một bộ phận người dân Nhật và các nghị sĩ của các đảng đối lập phản đối dự luật an ninh của Thủ tướng Shinzo Abe không phải là điều bất ngờ. Thế nhưng vụ náo loạn tại Quốc hội nước này hôm 15/7 khi các nghị sĩ đối lập nổi loạn để phản đối dự luật an ninh cho thấy tính phức tạp của vấn đề, đặc biệt quốc hội Nhật vốn rất trật tự.

Nguyên nhân chủ yếu là do những điểm mới được sửa đổi trong Dự luật an ninh lần này.

Điểm mới trong dự Luật an ninh lần này có thêm điều khoản quy định đối phó trực tiếp với những hành động tấn công từ bên ngoài đe dọa an ninh Nhật Bản, đồng thời cũng cho phép Nhật Bản sẽ có quyền thực hiện Quyền phòng vệ tập thể dưới những yêu cầu cụ thể khi sử dụng lực lượng phòng vệ ở nước ngoài. 

Hơn thế nữa Luật an ninh mới lần này bổ sung điều khoản mở rộng quyền hạn thực hiện nhiệm vụ và sử dụng vũ khí của lực lượng phòng vệ. Tuy nhiên, điều khoản này cũng nhấn mạnh thêm điều kiện phái cử lực lượng phòng vệ ra nước ngoài cần được Quốc hội thông qua.

Như vậy, quân đội Nhật Bản sẽ tham gia hoạt động nằm ngoài Nhật Bản. Điều này khiến cho nhiều đảng, phái, tổ chức và một bộ phận người dân lo ngại rằng Nhật Bản sẽ lún sâu vào chiến tranh. Hơn thế nữa các đảng như đảng Dân chủ, đảng Duy tân... cho rằng chính quyền Abe đã không giải thích rõ ràng và đầy đủ cho nhân dân về nội dung của dự luật

Khả năng Quốc hội Nhật Bản thông qua là rất lớn

Dự luật này ngoài việc được gửi lên Thượng viện cũng sẽ được đệ trình lên Quốc hội vào kỳ họp dự định được tiến vào ngày 27/9 tới. 

Trong trường hợp dự luật không được thông quạ tại Thượng viện, nhưng dự luật đã được Hạ viện thông qua qua thời hạn 60 ngày, do vậy khả năng Dự luật được thông qua tại Quốc hội Nhật Bản là rất lớn.
Theo nhận định của các nhà nghiên cứu chính trị Nhật Bản, với việc liên minh cầm quyền kiểm soát đa số ghế tại hai viện của quốc hội, việc chính quyền Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhận được sự ủng hộ của các nghị sỹ quốc hội đối với các điều luật trên là tương đối đơn giản. 

Tuy nhiên, điểm gai góc nhất chính là việc lý giải cho người dân sự cần thiết của việc ban hành các điều luật này bởi đến thời điểm hiện tại, rất nhiều người dân Nhật Bản vẫn còn tỏ ra hoài nghi về việc Nhật Bản cần áp dụng biện pháp phòng vệ tập thể. Do vậy, theo tôi việc diễn giải lại Hiến pháp cho phép Nhật Bản thực thi quyền phòng vệ tập thể tuy nhiều khả năng được thông qua, nhưng sẽ khiến cho nhân dân Nhật Bản không thực sự hài lòng. 

Tác động đến an ninh khu vực

Chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe khẳng định thay đổi trong chính sách an ninh đó là yếu tố then chốt để đối phó với thách thức an ninh mới. Nếu được thông qua, dự luật này sẽ có tác động tới an ninh khu vực.

Phát biểu với báo chí ngay sau Dự luật an ninh mới được Hạ viện thông qua, Thủ tướng Shinzo Abe nhấn mạnh: “Môi trường an ninh của Nhật Bản đang đối mặt với những tình hình phức tạp ngày càng gia tăng. Trong bối cảnh đó, Luật an ninh mới là văn bản cần thiết nhằm bảo vệ sinh mệnh của người dân Nhật Bản cũng như ngăn ngừa chiến tranh”.

Ông Abe cũng cho biết thêm rằng Luật an ninh mới cũng sẽ được tranh biện tại Thượng viện, và trong thời gian này Chính phủ Nhật Bản tiếp tục giải thích rõ ràng hơn với nhân dân về mục đích của dự luật.

Như vậy mục đích chính của dự luật là nhằm bảo vệ an ninh trong nước. Tuy nhiên, sau vụ hai con tin người Nhật Bản bị tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” hành quyết vào hồi tháng 1/2015, đặc biệt tình hình an ninh khu vực có những biến đổi phức tạp như Trung Quốc gia tăng xây dựng, quân sự hóa hoạt động trên Biển Đông, tiếp tục lắp đặt giàn khoan trên khu vực lãnh hải tiếp giáp giữa Trung Quốc và Nhật Bản...khiến cho Nhật Bản không thể không cảnh giác.

Đồng thời, nếu dự luật được thông qua tại Quốc hội sẽ khiến cho một số nước vốn không “mặn mà” với Nhật Bản sẽ gia tăng “cảnh giác”, lấy cớ để mở rộng những dự án quân sự mới. Hơn thế nữa, Dự luật an ninh mới cũng không nằm ngoài mục tiêu tăng cường mối quan hệ đồng minh Nhật-Mỹ-mối quan hệ khiến nhiều nước tỏ ra e ngại. Như vậy, dự luật sẽ ảnh hưởng ít nhiều tới an ninh khu vực.

Bùi Hùng (Theo VOV)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Biến đổi khí hậu có thể khiến GDP toàn cầu năm 2050 giảm gần 20%

Một nghiên cứu do chính phủ Đức hỗ trợ cho thấy đến giữa thế kỷ này, thiệt hại đối với nông nghiệp, cơ sở hạ tầng, năng suất và sức khỏe con người do biến đổi khí hậu ước tính có thể lên đến khoảng 38.000 tỷ USD/năm, tức gần 1/5 GDP toàn cầu, bất kể nhân loại có cắt giảm khí carbon gây ô nhiễm mạnh mẽ đến đâu.

Biến đổi khí hậu có thể khiến GDP toàn cầu năm 2050 giảm gần 20
'Nóng' chủ đề Trung Đông tại Hội nghị Ngoại trưởng G7

Rạng sáng 18/4 (giờ Việt Nam), Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã khai mạc trên đảo Capri của Italy, với trọng tâm thảo luận là tình hình căng thẳng hiện nay ở Trung Đông.

Nóng chủ đề Trung Đông tại Hội nghị Ngoại trưởng G7
Return to top