ClockThứ Sáu, 11/08/2017 08:03

Đủ người, đúng việc

TTH - Tỷ lệ công chức lãnh đạo giữ chức danh lãnh đạo từ cấp phó phòng trở lên/tổng số công chức ở Bộ Công thương là 3/4; Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ là 3/5…

Thông tin trên được nêu tại dự thảo báo cáo kết quả việc thực hiện chính sách pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016 của Đoàn Giám sát của Quốc hội tại buổi làm việc với Chính phủ ngày 7/8 để hoàn thiện dự thảo báo cáo kết quả giám sát.

Câu chuyện “lãnh đạo nhiều hơn chuyên viên” ở các cấp, các ngành vốn đã râm ran lâu nay. Tại Thừa Thiên Huế, một số đơn vị cũng có tình trạng trên. Chẳng hạn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có tỷ lệ cán bộ lãnh đạo khá cao, có phòng chuyên môn lãnh đạo nhiều hơn hoặc bằng nhân viên; có phòng có đến 3 lãnh đạo (1 trưởng, 2 phó) nhưng chỉ có 1 nhân viên. Tất nhiên chuyện này có nhiều nguyên nhân, cả chủ quan lẫn khách quan. Đó là do việc sắp xếp, sáp nhập các phòng ban, do lịch sử để lại, do tính chất, yêu cầu công việc; tạo điều kiện để cán bộ làm việc thuận lợi hơn…

Chỉ riêng chuyện “lịch sử để lại” đã là một vấn đề vừa tế nhị, vừa nhức nhối. Đó là tình trạng bổ nhiệm ồ ạt cuối nhiệm kỳ mà dư luận thời gian qua lên tiếng, khiến người kế nhiệm nan giải trong việc sắp xếp bộ máy, nhân sự. Bởi, cán bộ được bổ nhiệm nếu không có vi phạm thì không thể giáng chức, vậy là đành tìm cách sắp xếp cho hài hòa. Trong khi đó, biên chế cơ quan quản lý nhà nước ngày càng thu hẹp, và chưa có quy định cụ thể về số lượng lãnh đạo/tổng số biên chế ở từng cấp nên tỷ lệ lãnh đạo cao là điều khó tránh khỏi.

Trong bối cảnh cả nước đang thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, nâng cao hiệu quả công việc thì vấn đề bổ nhiệm cán bộ càng thu hút sự quan tâm của dư luận. Theo dự thảo báo cáo của Đoàn Giám sát của Quốc hội, tổ chức bộ máy bên trong các bộ, cơ quan ngang bộ còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian, số đầu mối đơn vị hành chính tăng lên. Chính cơ cấu có quá nhiều đầu mối như trên đã làm cho số lượng công chức giữ vị trí lãnh đạo từ cấp phó phòng trở lên rất lớn, dẫn đến mất cân đối giữa số lượng người giữ chức danh lãnh đạo với số công chức tham mưu. Việc có nhiều tầng nấc trung gian cũng làm ảnh hưởng đến tiến độ xử lý công việc, thậm chí đùn đẩy trách nhiệm cho nhau.

Để xử lý triệt để tình trạng “lạm phát” cán bộ quản lý, cần có quy định cụ thể hơn về cơ cấu bộ máy từng ngành, từng cấp; tỷ lệ cán bộ quản lý/biên chế và chính sách đối với những cán bộ “lỡ” bổ nhiệm, dôi dư. Tất nhiên, với một cuộc “đại phẫu” về tổ chức, nhân sự không tránh khỏi đụng chạm, tâm tư, nhưng khi đã công khai, minh bạch và thực hiện đồng bộ, tin rằng mọi chuyện không phải quá khó.

Minh Hoàng

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top