ClockThứ Hai, 12/09/2016 09:39

Dự thảo phương án thi THPT quốc gia 2017: Nhìn đâu cũng... rối

Chỉ còn 9 tháng nữa kỳ thi THPT quốc gia sẽ diễn ra, nhưng thời điểm này tranh cãi về những bất cập trong cách thức tổ chức thi mới vẫn chưa kết thúc. Hầu hết giáo viên và học sinh cuối cấp đều cảm thấy hoang mang, lo lắng vì những thay đổi này.

Nhiều điểm bất cập

Dự thảo phương án thi THPT quốc gia 2017 mới được Bộ GDĐT công bố vài ngày trước nhưng đã trở thành chủ đề tranh cãi nhiều nhất tại các trường THPT. Em Nguyễn Thị Dung, học sinh Trường THPT Phụ Dực (Quỳnh Phụ, Thái Bình) cho biết: “Mấy ngày nay giờ ra chơi nào cũng thấy các bạn túm tụm lại bàn luận về phương án thi mới. Giờ sinh hoạt lớp thành buổi hỏi đáp về cách thi. Các thầy cô cũng lo lắng không kém, nhiều câu học sinh hỏi thầy cô cũng không biết trả lời thế nào, chỉ biết động viên chúng em bình tĩnh ôn tập và chờ quyết định chính thức từ Bộ GDĐT”.

Thí sinh xét tuyển tại ĐH Quốc gia. Ảnh: Tùng Anh

Theo phân tích từ nhiều giáo viên và các chuyên gia giáo dục, đề án thi mới có rất nhiều điểm bất cập và gây khó khăn cho thí sinh. Cô Nguyễn Thị Trang – giáo viên THPT tại Gia Lộc (Hải Dương) cho biết, phương án thi có nhiều điểm tưởng là giảm nhẹ áp lực cho thí sinh nhưng thực ra là ngược lại. Theo cô Trang, năm tới, đối với thí sinh chọn thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT thay vì phải thi 4 môn như trước thì số môn sẽ tăng thêm là 6 môn là văn, toán, ngoại ngữ và 1 tổ hợp môn gồm lý, hóa, sinh hoặc sử, địa, giáo dục công dân.

“Để xét tuyển ĐH, CĐ lại phức tạp hơn, thí sinh sẽ phải xem trường ĐH, CĐ xét tuyển tổ hợp môn thi hay tổ hợp bài thi để tập trung ôn luyện. Nếu các trường chọn tổ hợp bài thi thì “quá khổ” vì các em sẽ phải ôn thi những môn mà các em không thích và chưa có định hướng từ trước đến nay như giáo dục công dân” – cô Trang nói. Cũng theo cô Trang, dự thảo phương án thi đưa ra thời gian dự thi là trong tháng 6, như vậy, so với các năm trước, thời gian ôn tập giảm, thí sinh sẽ chịu áp lực lớn hơn rất nhiều.

Đối với môn toán, lần đầu tiên thực hiện việc thi trắc nghiệm, cô Vũ Thị Hồng – giáo viên toán tại Trường THPT Marie Curie Hà Nội cho rằng, phương pháp trắc nghiệm chỉ  phù hợp với việc kiểm tra kiến thức cơ bản, khó có thể thực hiện được những bài đánh giá khó để phân loại học sinh. Cô Hồng cho rằng, năm đầu thí điểm Bộ chỉ nên cho làm trắc nghiệm 30 – 40% bài thi để thí sinh làm quen và các em thí sinh năm tới có thời gian chuẩn bị.

Xét tuyển ĐH, CĐ kiểu gì?

Phương án thi THPT quốc gia không chỉ khiến thí sinh rối bời trong khi xác định hình thức thi, công nhận tốt nghiệp mà còn hết sức hoang mang trong việc xét tuyển ĐH, CĐ. Đến thời điểm này, các trường ĐH, CĐ cũng chưa biết đưa ra phương án xét tuyển trong năm tới như thế nào cho phù hợp với cách thi mới.

Em Trần Văn Cường, học sinh Trường THPT Vân Nội (Đông Anh, Hà Nội) cho biết: “Bài thi tổ hợp bằng hình thức trắc nghiệm không biết sẽ phân bổ điểm như thế nào để xét tuyển. Nếu em thi khối A1, phải thi toán, Anh bắt buộc còn môn lý trong tổ hợp môn thi sẽ lấy điểm như thế nào? Muốn có điểm môn lý em có phải làm cả bài thi 3 môn toán, lý, sinh không?”.

Nói về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GDĐT Bùi Văn Ga cho biết: Bài thi tổ hợp gồm 60 câu trắc nghiệm sẽ được chia làm 3 phần riêng biệt, mỗi môn trong tổ hợp có 20 câu hỏi. Điểm khi chấm sẽ có cả điểm tổng hợp của bài và điểm của từng môn cấu phần: “Để xét tốt nghiệp sẽ tính điểm cả bài thi tổ hợp. Còn để xét tuyển ĐH, CĐ, các trường có thể tổ hợp các điểm thành phần của từng môn cấu phần hoặc điểm của cả bài thi, kết hợp với các môn thi khác để xây dựng tổ hợp xét tuyển. Việc này sẽ do các trường tự chủ” -  ông Ga nói.

Cũng theo ông Ga, việc xét tuyển ĐH sẽ phụ thuộc vào quyết định của từng trường, thí sinh cần theo dõi để biết yêu cầu của các trường như thế nào. Nếu trường yêu cầu sử dụng điểm cả bài thi Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội thì thí sinh phải làm hết và ngược lại nếu chỉ dùng các phần riêng biệt của từng môn thi các em chỉ cần làm bài thi môn đó. Ông Ga cũng cho biết thêm, điểm liệt sẽ tính theo toàn bài thi chứ không tính theo môn thi.

Nói về việc thay đổi “gấp gáp” khiến học sinh không đủ thời gian ôn tập, ông Ga cho rằng cách thi theo bài thi tổ hợp đã được tiến hành từ 3 năm nay, Trường ĐH Quốc gia Hà Nội cũng làm rất tốt mấy năm nay vì vậy năm tới thay đổi là đúng theo lộ trình với mục đích giúp các em ngày càng học nhẹ nhàng  hơn và quyền lợi các em cao hơn khi xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ.

"Tất cả những đổi mới mà Bộ đang tiến hành này là theo một lộ trình khoa học. Bộ hoàn toàn chủ động trong việc thiết kế các bước đi để các em không bị sốc. Vì vậy, các em cứ yên tâm ôn tập bình thường vì nội dung thi vẫn nằm trong chương trình phổ thông và đặc biệt ở lớp 12” – ông Ga nói.

Theo Dân việt

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khi người học được “chấm điểm” người dạy

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT (Thông tư 01) về chuẩn cơ sở giáo dục đại học; trong đó, có một tiêu chí rất được quan tâm là tỷ lệ người học hài lòng với giảng viên về chất lượng và hiệu quả giảng dạy không thấp hơn 70%.

Khi người học được “chấm điểm” người dạy
Nếu không thay đổi, chúng ta sẽ tụt lại phía sau

Chuyên gia giáo dục toàn cầu Tô Thụy Diễm Quyên (1 trong 20 người đầu tiên trên thế giới được Microsoft công nhận là chuyên gia giáo dục toàn cầu - người sáng lập Diễn đàn Giáo dục sáng tạo Việt Nam) mới đây đã có cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Thừa Thiên Huế xung quanh những vấn đề về giáo dục hiện nay. Bà chia sẻ về áp lực của giáo viên, học sinh cùng trách nhiệm của cộng đồng, xã hội trong bối cảnh chương trình giáo dục liên tục thay đổi.

Nếu không thay đổi, chúng ta sẽ tụt lại phía sau
“Học sử để sống với người đã chết”

“Học sử làm gì? Học địa làm gì? Học địa để sống với non sông đất nước. Học sử để sống với người đã chết”. Đó là câu hỏi và trả lời của cụ Huỳnh Thúc Kháng, đăng trên báo Tiếng Dân do chính cụ làm chủ bút, đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự.

“Học sử để sống với người đã chết”
Return to top