ClockThứ Bảy, 01/07/2017 12:59

Dư thừa lao động có trình độ

TTH - Thực ra mà nói thì đây cũng là một câu chuyện chưa có gì mới mẻ hơn. Việc dư thừa lao động có trình độ là điều vẫn đang tiếp diễn.

Đằng sau niềm vui tốt nghiệp sẽ là những băn khoăn về việc làm của không ít bạn trẻ. Ảnh: FB lớp QTH - K10

Chuẩn bị 20 hồ sơ xin việc và gửi đi tất cả những nơi nào có thông tin tuyển người là điều đầu tiên mà N. làm ngay sau khi nhận bằng tốt nghiệp đại học. Hai trong số đó (và cũng đúng chuyên ngành mà N được đào tạo) đã gọi N. đến phỏng vấn. Một đề nghị về bổ sung hồ sơ. Một lắc đầu ngay và luôn khi hỏi thật thà, ba mẹ em làm nông à? Chắc không có tiền đúng không? Không phải là người ta đòi phí, đơn giản chỉ vì công việc đòi hỏi phải huy động sớm nguồn tiền để làm tín dụng sau khi vào làm.

Hôm rồi gặp tôi, N. nói thứ hai tới con đi làm. Không phải là ở một ngân hàng nào đó mà làm nhân viên thị trường cho một công ty đứng chân trên địa bàn. Lương cơ bản tháng 4 triệu đồng và có thưởng trên doanh số. Nghề chả liên quan đến những gì đã học nhưng N đã nhận việc. Thực tâm, tôi không biết N. sẽ gắn với công việc ấy được bao lâu vì sản phẩm của công ty đó không phải là mặt hàng mới, việc len chân vào thị phần đã được phân định, ít có đột biến là điều không dễ, và chắc chắn sẽ rất vất vả với một người còn thiếu kinh nghiệm.

N. trong câu chuyện mà tôi vừa kể cũng chỉ là một trong số hàng trăm sinh viên vừa mới tốt nghiệp ra trường. Phần lớn trong số này tạm chấp nhận bất cứ công việc gì để bắt đầu tự nuôi sống mình. Sẽ có khoảng 200.000 cử nhân thất nghiệp trong năm 2017 là dự báo đến từ Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội ngay từ đầu năm. Một con số tham khảo khác là trong tổng số 1.088 triệu người lao động trong độ tuổi bị thất nghiệp vào quý 2 năm 2016 thì số có chuyên môn kỹ thuật là 418.2000, chiếm 40%, trong đó có 191.300 có trình độ đại học, 94.800 có trình độ cao đẳng chuyên nghiệp.

Thực ra mà nói thì đây cũng là một câu chuyện chưa có gì mới mẻ hơn. Việc dư thừa lao động có trình độ là điều vẫn đang tiếp diễn. Phân tích từ tỷ lệ đào tạo chung cho thấy, cứ 1 người được đào tạo đại học thì chỉ có 0,36% là cao đẳng, 0,68% là trung cấp và 0,86% là sơ cấp. Điều này giải thích cho việc hơn 100.000 cử nhân đang làm những công việc đơn giản, không yêu cầu bằng cấp là thực tế của thị trường lao động hiện nay. Việc các cử nhân, thạc sĩ giấu bằng cấp để đầu quân làm công nhân cho các công ty dệt may trên địa bàn tỉnh có thể xem là một ví dụ. Một phần của việc giấu bằng cấp còn vì các công ty muốn có nguồn nhân lực ổn định chứ không phải là những người tìm việc tạm thời. Cũng chưa biết có bao nhiêu % trong số 10.000 cử nhân tốt nghiệp các trường đại học thuộc Đại học Huế mỗi năm sẽ tìm được việc, chưa kể thêm 5.000 nhân lực khác bổ sung từ các trường đại học dân lập, cao đẳng và trung cấp.

Khá nhiều sinh viên ra trường vẫn đang chật vật tìm việc làm

Lâu nay, người ta vẫn nói nhiều đến công tác hướng nghiệp và tư vấn hướng nghiệp cho học sinh phổ thông. Tuy nhiên, xem ra chất lượng của công tác này còn chưa thực sự có chất lượng vì nhiều nguyên nhân khác nhau: tâm lý của số đông khi muốn có bằng đại học để tìm việc làm trong các cơ quan Nhà nước, thị trường lao động chưa kết nối được cung và cầu, các trường đại học đều tuyển sinh ở các ngành nghề được phép và ít có sự điều chỉnh dựa trên nghiên cứu thị trường – mà nếu có, cũng chỉ là tăng thêm một số ngành nghề mới chứ ít giảm đi...

Bây giờ, nhiều người sẽ ngạc nhiên nếu con em của một ai đó không trúng tuyển đại học, đơn giản chỉ vì không vào trường top trên thì sẽ vào trường top dưới, dưới nữa còn có dân lập, tư thục... và việc tiếp thị, đón đầu hoặc thậm chí là đón lõng học sinh vào đại học xem ra cũng là điều đang được cạnh tranh, nhất là các trường top dưới. Điều đó giải quyết được việc làm cho các trường này nhưng đồng thời, cũng gia tăng áp lực thừa nhân lực được đào tạo hệ đại học lên mặt bằng đã võng xuống do dư thừa, cũng như gia tăng sự lãng phí thời gian, tiền lực và vật lực của xã hội nói chung.

Có một yếu tố cần được bàn đến ở đây là bắt đầu từ năm 2016, Bộ Giáo dục & Đào tạo đã yêu cầu các trường đại học phải công bố tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp. Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học thì đây là cách để các trường xây dựng thương hiệu, tạo sự cạnh tranh, giúp nâng cao tỷ lệ sinh viên có việc làm. Nhưng xem ra, đây là điều khó vì vừa chưa được tạo thành tiền lệ, vừa thiếu kết nối, lại có vẻ quá tế nhị nên chưa mấy đơn vị nào thực hiện hoặc công bố...

Lao động có trình độ do vậy, vẫn đang tiếp tục dư thừa.

Bài: MINH HÀ - Ảnh: VÕ NHÂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Xây dựng môi trường lao động an toàn

Đảm bảo an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trong lao động, sản xuất được doanh nghiệp (DN), các cấp công đoàn chủ động thực hiện nhằm hạn chế tối đa mọi rủi ro gây ra.

Xây dựng môi trường lao động an toàn
Giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm bền vững

Đó là chủ đề hội thảo sẽ diễn ra vào ngày 15/3 do UBND tỉnh phối hợp với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Cục Việc làm, Cục Quản lý lao động ngoài nước, Trung tâm Lao động ngoài nước, thuộc Bộ Lao động Thương binh và xã hội, cùng các sở, ban, ngành, đơn vị, doanh nghiệp... liên quan trên địa bàn tổ chức.

Giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm bền vững

TIN MỚI

Return to top