ClockThứ Hai, 13/01/2014 11:07

Đưa bạn đi thăm Quảng Điền

TTH - Mấy người bạn tôi từ quê hương quan họ Bắc Ninh vào ăn tết Huế và thăm lại chiến trường xưa mà các anh đã tham gia chiến dịch Mậu Thân năm 1968.

Sau khi trở lại vùng đất chiến khu đã sống ở Nam Đông, Khe Tre, tôi đưa bạn đi thăm lăng tẩm, đền đài, chùa Huế, các anh mừng quá. Một anh nói:

- Thì ra vùng đất đồng đội mình đã đổ máu để giữ gìn không uổng một chút nào.

Một bạn hỏi:

- Ngoài Huế có một vùng đất nào đáng đến nữa không? Tôi đọc sách, gặp một cụm từ "Nhất Huế nhì Sịa", cũng giống như ngoài Bắc có cụm từ giống như một thành ngữ: "Nhất Kinh Kỳ nhì Phố Hiến vậy" ?

 

Quốc lộ 49B được đầu tư xây dựng góp phần tích cực giúp các địa phương ven phá Tam Giang của Quảng Điền phát triển. Ảnh: HK

Tôi đáp: "nghĩa của hai cụm từ ấy giống nhau. Huế và Phố Hiến chỉ sự thịnh vượng của phố thị. Sịa thuộc vùng đất Quảng Điền, đó là một vùng đất tôi muốn đưa các bạn tới thăm sau Huế".

Thấy các bạn có vẻ háo hức lắm. Tôi kể tóm tắt cho các bạn tôi nghe: Quảng Điền xưa có tên là Đan Điền. Nếu đọc sách sử gặp danh từ này thì đúng là Quảng Điền đó.

Quảng Điền có thành Hóa Châu, nhà Trần cho xây lại kiên cố để phòng thủ, vì mỗi khi đánh vào miền Trung, giặc Tàu và giặc Chiêm thường nhòm ngó ngõ cửa biển này. Các nhà khảo cổ vẫn đang tiếp tục tìm hiểu về cổ thành này. Khách đến Huế, thường có tour du lịch đến địa chỉ này.

Nói đến Hóa Châu, xin các bạn hãy nhớ tới một nhân vật lịch sử lớn, đó là Huyền Trân công chúa. Nàng đã hy sinh cả tuổi xuân của mình để đổi lấy Châu Ô, Châu Rí. Trên đường vào Chiêm khi đi qua đất Quảng Điền, nàng dừng chân ở đó nghỉ một ngày một đêm, hôm sau mới vào Hóa Châu để vượt biển tới Chiêm. Nơi nàng dừng chân, dân Quảng Điền cho dựng tượng nàng và lập miếu thờ nàng. Đến Quảng Điền không thể bỏ qua vị trí đó. Tấm lòng của Huyền Trân thật tuyệt vời, rất đáng để chúng ta thờ nàng.

Đã nói tới Hóa Châu, nói tới Huyền Trân công chúa, chúng ta không thể quên 2 vị tướng giỏi, đó là Đặng Tất, Đặng Dung. Hai cha con đã bảo vệ cho miền biên ải này. Lẫy lừng nhất là 2 ông đã chống xâm lược Minh ở Hóa Châu và đánh tan mấy cuộc tràn lên phía Bắc của giặc Chiêm khi qua sông Bồ. Những trận đánh ở Bô Cô, Thái Cảng và sông Bồ đã để lại dấu ấn đậm nét trong lịch sử dân tộc. Đặng Dung đã để lại cho chúng ta vần thơ khí khái chống giặc ngoại xâm:

"Nợ nước chưa xong đầu đã bạc

Gươm mài dưới nguyệt biết bao ngày"

Nói tới danh nhân thì Quảng Điền không thiếu. Ngoài Đặng Dung, Đặng Tất, ta cần phải kể tới Đặng Hữu Phổ, Trần Thúc Nhẫn, Nguyễn Đình Tứ, Phan Hữu Dật... và gần đây nhất là Nguyễn Chí Thanh, Tố Hữu. Hai nhà chính trị - văn hóa này thế nào, các anh biết rồi. Khi nào về Quảng Điền tôi sẽ đưa các anh tới thắp hương cho các ông. Mỗi con người ấy là một bài học cho đời.

Quảng Điền đúng là một vùng đất địa linh nhân kiệt, chẳng thế mà 2 chúa Nguyễn đã dời thủ phủ về Phước Yên và Bác Vọng của đất Quảng Điền này.

Rồi tôi sẽ đưa các anh đi Phá Tam Giang để các anh hiểu thế nào là Hạc Hải.

Các bạn tôi reo lên:

- Thế thì phải đến Quảng Điền thôi.

Không chờ đợi gì thêm, đúng ngày tết, chúng tôi lên xe qua cửa Hậu của Kinh thành Huế, đi vào đường Nguyễn Chí Thanh về Sịa. Thế là chúng tôi đi chơi xuân ở Quảng Điền.

Địa chỉ chúng tôi đến thăm đầu tiên là hội Đu Tiên ở An Gia. Người đông nghịt. Thanh niên nam nữ xếp hàng chờ đến lượt. Bắc Ninh chúng tôi cũng đang giữ truyền thống này, nên gặp đu tiên, chúng tôi như trở về với quê hương mình. Màu sắc xuân rực rỡ trên từng gương mặt, trên từng màu áo màu quần.

Đúng là:

"Bốn mảnh quần hồng bay phất phới

Hai hàng chân ngọc duỗi song song

Trai đu gối hạc khom khom cật

Gái uốn lưng cong ngửa ngửa lòng"

Không ngờ ở hội vật, chúng tôi gặp đồng đội cũ. Đồng đội hạt cơm chia đôi, sống chết chia ba nên không dễ có cái tình nào trong đời so được với tình đồng đội trong chiến tranh. Các anh không cho chúng tôi về Huế nữa, mà ở lại Quảng Điền chơi xuân. Trong mùi thơm của hương, hoa mùa xuân, chúng tôi nhớ lại những ngày xưa.

Những ngày tiếp theo, chúng tôi đi hội vật của làng Thủ Lễ. Ở cái chốn trai đua sức này, chúng tôi như thấy mình trẻ lại. Những tấm lưng trần gân guốc, những bắp chân bắp tay gồng lên đua tài. Tiếng khán giả động viên: "Cố lên! Cố lên!" như những làn sóng tiếp sức cho đô vật. Khi một đô vật bị quật lưng xuống đất, bụng ngửa lên trời thì tiếng reo dậy đất. Những kiệt tác võ dân tộc đúng là bắt đầu từ những cuộc thử sức này.

Chiều, chúng tôi đi hội đua thuyền trên sông Bồ. Mỗi lần nhắc tới sông Bồ, là mỗi lần nhớ tới Đặng Dung, Đặng Tất án ngữ quân bên bờ sông, im lặng đợi cho giặc Chiêm tới gần. Lập tức tên bay tới tấp. Khi quân giặc đang ở thế lúng túng thì thuyền chiến của chúng ta tung ra. Hội đua thuyền để nhớ những ngày ra quân. Nhịp chèo "Ô! Huầy!" như làm cho những mái chèo căng ra đạp nước.

Đến hội chùa Thủ Lễ chúng tôi như gặp lại ở đây một thế giới tâm linh như ở hội Lim quê chúng tôi. Vẫn những bà mẹ già đỏ môi trầu, áo dài phấp phới nghiêm trang trước tượng Phật trong tiếng trống tiếng chiêng âm vang như gọi những lòng người. Tiếng chuông, tiếng mõ và lời tụng "A-Di Đà Phật" loại bỏ "tham, sân, si" ra khỏi cõi mộng, làm cho lòng mình đến gần với nhau hơn. Khói hương chùa như níu lòng người lại. Lời nguyện "Từ, bi, hỉ, xả" sẽ giúp cho con người thư thái. Hội Lim quê tôi giống y hệt hội chùa Thủ Lễ vậy...

Mùa xuân còn dài nhưng ngày xuân thì rất ngắn. Biết là Quảng Điền còn nhiều hội xuân nữa, song chúng tôi xin hẹn một dịp sau. Và chúng tôi đã dành ngày cuối ở Quảng Điền để đi thăm nhà lưu niệm Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và nhà của nhà thơ Tố Hữu.

Ngôi nhà cũ của Nguyễn Chí Thanh đang còn lợp tranh kia, còn khu lưu niệm thì khá hoành tráng. Chúng tôi nhớ lúc vào chiến trường học lời dặn chí tình của ông "Bám thắt lưng địch mà đánh". Nhà nhà thơ Tố Hữu, đang còn 3 gian ngói đơn sơ, khu lưu niệm của ông đang nằm trong kế hoạch, tuy vậy vẫn không quên lời ông day: "Ai chiến thắng mà không hề chiến bại. Ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần". Cầm thơ ông vào chiến trường, như khoác cho trái tim mình một vũ khí đầy sức mạnh.

Chỉ mấy ngày thôi, chúng tôi đã đi lướt qua Quảng Điền. Bạn tôi nói:

- Đúng là đến Huế mà không đi Quảng Điền thì thiếu sót. Quả thật lịch sử, đất đai, văn hóa của Quảng Điền rất xứng đáng là một địa chỉ du lịch, song Quảng Điền cần đầu tư để xứng đáng với tiềm năng của nó, được vậy chắc chắn Quảng Điền sẽ hút được đông đảo du khách trong nước và nước ngoài.

Tôi đồng ý với suy nghĩ của bạn tôi. Ví như du khách được nhìn tận mắt thành Hóa Châu, phủ Bác Vọng và phủ Phước Yên của chúa Nguyễn thì thú vị biết bao.

Nguyễn Quang Hà
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tạo động lực thúc đẩy hợp tác xã phát triển

Những năm gần đây, Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh đã phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ các HTX. Trong đó, hoạt động ký kết thi đua do Liên minh HTX phát động là động lực giúp các HTX nâng cao hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần để HTX phát triển bền vững.

Tạo động lực thúc đẩy hợp tác xã phát triển
Ứng phó hạn, mặn

Diễn biến thời tiết phức tạp, nắng nóng dự báo gay gắt kéo dài khiến nguy cơ thiếu nước sản xuất nông nghiệp và xâm nhập mặn.

Ứng phó hạn, mặn
Xung kích trên mặt trận kinh tế

Phát huy vai trò xung kích, các cấp bộ Đoàn ở Hương Trà đã có nhiều hoạt động tích cực tham gia xây dựng thị xã, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển. Nổi bật trong đó là phong trào phát triển các mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ...

Xung kích trên mặt trận kinh tế
Ứng phó nguy cơ dịch bệnh gia súc, gia cầm

Các biện pháp phòng, chống được triển khai đồng bộ, có hiệu quả nên đến thời điểm này, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm (GSGC) chưa xảy ra. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm, tái bùng phát dịch bệnh GSGC.

Ứng phó nguy cơ dịch bệnh gia súc, gia cầm
Chủ động ứng phó nguy cơ cháy rừng

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, ông Lê Ngọc Tuấn trao đổi, mùa nắng nóng được dự báo bắt đầu từ những ngày cuối tháng 3 này. Cơ quan khí tượng thủy văn cảnh báo nắng nóng diễn ra gay gắt, diễn biến phức tạp khiến rủi ro, nguy cơ cháy rừng cấp độ cao. Hầu hết các cánh rừng trên địa bàn tỉnh, nhất là rừng thông cảnh quan, đặc dụng, rừng phòng hộ, keo tràm, kể cả dương liễu vùng cát đều có nguy cơ cháy.

Chủ động ứng phó nguy cơ cháy rừng
Return to top