ClockThứ Năm, 23/10/2014 13:12

“Đưa” con đi tù

TTH - Bị hại là cha ruột. Bị cáo là con. Sáng xét xử, vợ và những đứa con ngồi lặng lẽ trên những dãy ghế còn trống trải. Bị hại bồn chồn, thấp thỏm ra sân ngóng chiếc xe tù sẽ chở bị cáo từ trại tạm giam đến, mặc màn mưa mỗi lúc một nặng hơn.

Con mượn xe mô tô của cha đi chơi. Cha cho mượn với điều kiện con không được mang xe đi bán hoặc cầm cố. Con hứa. Cha trao xe cho con. Con mang xe đi cầm lấy 5 triệu đồng, tiêu xài hết. Cha “tố” với công an. Con bị bắt. Cuối tháng 9-2014, con bị TAND TP Huế xét xử về tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Giằng xé

Chiếc xe tù dừng lại. Người cha bước những bước thảng thốt về phía đứa con hai tay bị còng. Những bước chân run run chựng lại. Rồi ông nặng nhọc trở vào phòng xét xử. Bị cáo mặt buồn so, thỉnh thoảng lại nhìn về phía cha mẹ và các em đang ngồi như những chiếc bóng lặng lẽ. Sau hồi chuông báo hiệu, bị cáo lủi thủi ra trước vành móng ngựa.

Vị đại diện Viện Kiểm sát công bố xong cáo trạng, nhiều ánh mắt đổ dồn về phía người cha như những dấu hỏi. Chẳng lẽ chỉ vì mất chiếc xe giá trị vài triệu bạc, cha lại nhẫn tâm “đẩy” con vào vòng lao lý? Bất giác, người cha gục mặt xuống bàn dường như để giấu nỗi đau.

Tòa hỏi: “Vì sao bị cáo lấy xe của cha đem cầm?” Bị cáo: “Dạ thưa tòa, vì bị cáo thiếu tiền uống cà phê?”. Chủ tọa nghiêm giọng: “Chỉ vì thiếu tiền uống cà phê mà bị cáo lại phạm tội?” Bị cáo cúi mặt lí nhí: “Vì bị cáo nghĩ xe là của ba thì sẽ không phạm tội. Cùng lắm là bị ba la mắng”.

Nỗi giằng xé khiến gương mặt của người cha thêm khắc khổ. Ông buồn bã giãi bày, đứa con vốn hiền lành, chăm chỉ, làm việc gì cũng đến nơi đến chốn, không ngờ lại dính vào ma túy. Phát hiện ra điều này vợ chồng ông rã rời. Cố nén hoang mang, gia đình ông tìm mọi cách để con cai nghiện. Nhưng ma lực của “nàng tiên nâu” thật kinh khủng. Con ông vẫn không thể nào dứt ra được. Trước đây nó từng đi tù vì đem xe người khác đi cầm để có tiền mua ma túy. Nó đi tù, vợ chồng ông đau lắm chứ. Lần này con lại đi tù vì cha tố cáo, đau như dao cắt ruột.

Tuy nhiên, ông phải dằn lòng đi báo công an. Làm như vậy không phải hại mà là để cứu con. May ra vào trại giam, cách ly với đám bạn bè xấu, với ma túy, cũng là cơ hội để con ông cai nghiện, bắt đầu lại cuộc sống của một người bình thường. Không khí phòng xét xử giãn ra như một tiếng thở dài.

Hy vọng

Bị cáo nhìn về phía cha mẹ, cái nhìn không gợn chút oán trách. Rơm rớm. Ân hận. Tòa tuyên bố nghị án. Cha mẹ và các em đến cạnh bị cáo. Vài câu trò chuyện rất ngắn, giọng nói rất nhỏ. Chỉ những ánh mắt đầy tâm trạng. Bởi cha mẹ đã từng phân tích sai trái, khuyên nhủ thậm chí van lơn con rời bỏ “cái chết trắng”. Con không bỏ được nên ra nông nỗi. Tòa tuyên án, phạt bị cáo 12 tháng tù giam. Từ giã cha mẹ, anh chị em bằng ánh mắt, bị cáo lầm lũi theo công an ra chiếc xe tù.

Vẫn đứng như bị chôn chân xuống đất, khi chiếc xe chở đứa con mất dạng dưới màn mưa dày đặc, người cha mới thẫn thờ lê chân ra khỏi phòng xét xử. Vị kiểm sát viên an ủi: “Con bác nhờ chuyển lời mong bác tha thứ. Bác đừng buồn nữa, chắc chắn anh ấy hiểu tấm lòng của bác và cũng đoạn tuyệt được với những cơn nghiện”. Người cha đau khổ gục mặt xuống. Không biết ông khóc hay cơn gió tạt những giọt nước mưa lạnh buốt làm ướt nhòa gương mặt khắc khổ.

Gia đình bị cáo sống trong ngôi nhà khá đơn sơ ở khu tái định cư. Đồ đạc ngăn nắp, nhưng không khí nhuốm màu buồn bã. Người cha tâm sự, kể từ ngày con dính vào ma túy, mãi không cai nghiện được, nhà chưa có một phút nào vui. Điều đó như một vết đau cứ lở loét. Sâu mãi. Vợ chồng ông đã rất kỳ vọng vào đứa con vốn tình nghĩa, hiếu thảo này. “Hắn là đứa thứ hai, sau còn 5 em nữa. Hoàn cảnh khó khăn nên học chưa hết cấp III hắn nghỉ, theo cha với nghề xe cẩu chở gỗ mưu sinh, phụ kiếm tiền nuôi các em ăn học”. 

Trong những ngày theo cha phụ lái, những công việc nặng nhọc chốn rừng sâu núi thẳm, đứa con đều giành làm, nhường phần nhẹ cho cha. Miếng ăn ngon cũng dành phần cha. Đối với những người thân khác trong gia đình, người con này tình cảm, trách nhiệm chẳng kém. Giọng người cha đau đớn: “Nghĩ đến những tình cảm đó của con, lại nghĩ đến việc chính mình sẽ đi báo công an bắt con đi tù tui đau khổ, dằn vặt, giằng xé lắm. Nhưng chỉ còn cách đó mới mong cứu con thoát khỏi ngày càng sa xuống bùn”.

Suốt câu chuyện, người cha nói về con với tình cảm thương yêu nặng trĩu, dù không ít lần ông trách cứ. Ông trách sao con nhẹ dạ nghe lời rủ rê của bạn bè, thử ma túy một lần cho biết. Thế là từ đó trượt. Trượt dài. Ông trách con chưa đủ bản lĩnh để đứng dậy từ chỗ trượt ngã. Để đến nỗi cuộc đời ngày càng xám xịt. Từng đi tù. Từng có một cô gái sắp cưới xin nhưng cũng “bỏ chạy” vì không khuyên được người yêu dứt khỏi ma túy. Đến nỗi đã gần 40 tuổi mà cuộc đời con ông vẫn lông bông, bết bát.

Người mẹ mặt buồn rười rượi cứ lui cui dưới bếp. Không nói không rằng. Lúc lâu sau, bà mới thổ lộ, trong những ngày dài con bị bắt tạm giam, bà cũng không lần nào đến thăm. Việc thăm nuôi và gửi đồ ăn thức uống, bà giao hết cho mấy đứa em. Nhớ con, thương con lắm. Nghĩ đến cảnh con sống trong trại giam, đêm đêm khóc thầm, nhưng lần này bà phải tỏ thái độ “cứng rắn”. Vả lại, để “hắn” thấy cảnh mấy đứa em lặn lội đến chốn tù tội thăm nuôi, đứa làm anh có lúc phải giật mình. Nhất là một đứa tình cảm, từng có trách nhiệm như “hắn”.

Buồn. Lo. Nhưng lần này “đưa” con đi tù, cả cha và mẹ đều hy vọng con sẽ tỉnh ngộ. 12 tháng ở trong trại giam cũng là liều thuốc thời gian quý báu. “Có thể sẽ vật vã, khó khăn, nhưng trong quá trình thi hành bản án, cải tạo, tui hi vọng hắn cắt được cơn nghiện, như lời hắn nhắn gửi cha mẹ qua vị kiểm sát viên trong buổi sáng mưa ấy.”

Quỳnh Anh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trả giá đắt vì giúp bạn trả thù

1 án tử hình, 1 chung thân và 9 bị cáo còn lại nhận mức án từ 2,5 - 14 năm tù là bản án nghiêm khắc dành cho 11 thanh niên trong vụ hỗn chiến kinh hoàng dưới chân đèo Hải Vân (thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc) làm 2 người chết, 3 người trọng thương.

Trả giá đắt vì giúp bạn trả thù
Mất tình ruột thịt

Bất kể vụ tranh chấp nào phải “mang đến” chốn pháp đình cũng phức tạp. Nhưng phức tạp và đau lòng nhất vẫn là những vụ án mà đương sự là người thân ruột thịt trong một gia đình.

Mất tình ruột thịt
Bi kịch do sử dụng ma túy

Học đến lớp 11 thì bỏ học nửa chừng vì bị chúng bạn lôi kéo sử dụng chất ma túy, Lê Ngọc Phú Thịnh (SN 1995, trú phường Kim Long, TP. Huế) trở thành kẻ sát nhân máu lạnh. Đau đớn hơn khi mà nạn nhân lại chính là bà nội của y.

Bi kịch do sử dụng ma túy
Lời cảnh tỉnh

Thiếu cẩn trọng khi tham gia giao thông, người thiệt mạng, người còn vị thành niên bị pháp luật xử lý.

Lời cảnh tỉnh
Vận chuyển gần 5kg ma túy, lãnh 2 án tử hình, 1 án chung thân

Theo đó, tuyên mức án tử hình đối với Phan Văn Bá (SN 1976) và Lê Kim Huân (SN 1990), cùng trú TP. Đà Nẵng; đồng thời tuyên án chung thân đối với Phạm Đăng Huy (SN 1981), trú tỉnh Bình Thuận, trong vụ vận chuyển 14 bánh heroin (gần 5kg) từ Hà Tĩnh vào phía nam, bị bắt giữ tại thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc.

Vận chuyển gần 5kg ma túy, lãnh 2 án tử hình, 1 án chung thân
Return to top