ClockThứ Sáu, 07/04/2017 13:46

Đưa điện về bản

TTH - “Từ ngày có điện, dân bản ai nấy đều vui. Mọi người dành dụm tiền mua tivi, sắm máy vi tính và các thiết bị điện, đời sống tinh thần ngày càng khởi sắc, lan tỏa”, già A Mon Khương, dân tộc Katu ở bản Cu Mực- Kăn Hoa, xã Hồng Hạ (A Lưới) phấn khởi.

Kéo điện về xã vùng sâu vùng xa

Vượt núi, băng rừng

Trở lại Cu Mực- Kăn Hoa sau hơn nửa năm điện lưới quốc gia về với dân bản,  những mô hình kinh tế như trồng ngô xen lạc, trồng rừng, nuôi lợn rừng hay dịch vụ cà phê, giải khát bắt đầu phát triển. Con em trong bản đến trường nhiều hơn và buổi tối  còn có cả học xóa mù chữ cho người lớn tuổi.

“Trước đây buồn lắm, không có điện nên tối đến chẳng có gì giải trí, anh em tụ tập uống rượu, hát hò cho đỡ buồn. Sử dụng điện thoại để liên lạc với người thân, nhưng mỗi lần hết pin, phải vượt hơn 10 cây số để sạc nhờ. Không có tivi xem thời sự, không nắm bắt các thông tin về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi. Từ ngày có điện, không những kinh tế phát triển mà đời sống tinh thần sôi nổi và ý nghĩa hơn, anh em trong bản động viên nhau cùng vượt khó làm giàu”, Hồ Văn Thư chia sẻ.

Đưa điện về bản Cu Mực - Kăn Hoa là cả một chặng đường gian truân, vất vả. Với địa hình hiểm trở, đèo dốc quanh co nên toàn bộ công nhân phải băng rừng, vượt suối và ăn ở cùng dân bản. Sau hơn 6 tháng thi công liên tục, công trình với tổng mức đầu tư 3,6 tỷ đồng, bao gồm 3,158km đường dây 35kV trên không, 0,77km đường dây hạ áp, 1 trạm biến áp hoàn thành, cấp điện cho 60 hộ dân.

 Đưa điện về bản Cu Mực- Kăn Hoa

“Hơn 6 tháng bám trụ ở đây, với mục tiêu phải thi công nhanh, đóng điện sớm và đảm bảo an toàn tuyệt đối nên toàn bộ anh em nỗ lực hết mình, có khi phải làm ban đêm, lắp đặt đường dây trên không vài tiếng đồng hồ. Điều chúng tôi vui mừng là chứng kiến niềm vui của dân bản khi điện về”, công nhân Hoàng Văn Minh chia sẻ.

Chủ tịch UBND xã Hồng Hạ, ông Hồ Viết Lương phấn khởi: “Có điện, người dân thay đổi các tập tục lạc hậu, thực hiện tốt các chính sách, pháp luật của Nhà nước thông qua các chương trình truyền hình, qua đó đầu tư các mô hình kinh tế gia trại, phát triển chăn nuôi nên đời sống ổn định hơn trước nhiều. Hiện, chính quyền địa phương đang vận động các hộ gia đình tập trung vào việc đầu tư hoàn thiện nhà cửa, làm hàng rào xanh trên trục đường chính và xây dựng mô hình chăn nuôi gia trại ”.

Rút ngắn khoảng cách

Phó Giám đốc Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế, ông Hoàng Ngọc Hoài Quang khẳng định: “Tính đến thời điểm này, 100% số thôn, bản ở các vùng sâu vùng xa ở hai huyện miền núi Nam Đông và A Lưới có điện lưới quốc gia; tỷ lệ hộ sử dụng điện chiếm 98,66%, nâng tỷ lệ hộ sử dụng điện toàn tỉnh lên 99,98%. Hằng năm, công ty đầu tư trên dưới 10 tỷ đồng sửa chữa lớn và thi công mới hệ thống đường dây với mục đích đảm bảo cấp điện an toàn và ổn định cho người dân.”

Trước đây, từ TP. Huế lên A Lưới chỉ có duy nhất đường dây 35kV độc đạo từ trạm biến áp 220kV E6, trong quá trình vận hành bị sự cố toàn huyện A Lưới bị mất điện. Trong khi đó, công tác khắc phục sự cố gặp nhiều khó khăn và mất nhiều thời gian do tuyến đường dây đi qua địa hình đồi núi hiểm trở như đèo Tà Lương, A Co…, phải mất hơn 24 giờ mới khắc phục xong.

Để đảm bảo cấp điện an toàn và ổn định, Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế đầu tư 3,3 tỷ đồng xây dựng trạm biến áp trung gian Hồng Thủy, gồm đường dây 35kV và trạm biến áp 35/22kV- 1x3200kVA. Công trình có vai trò hết sức quan trọng trong việc đảm bảo cung cấp điện liên tục, ổn định, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện cho hơn 10.000 khách hàng trên địa bàn huyện A Lưới.

Giám đốc điện lực A Lưới, ông Hồ Đăng Phước thông tin: “Hệ thống lưới điện ở các xã, thị trấn trên địa bàn huyện giờ không khác gì địa bàn TP.Huế, trong đó tỷ lệ hộ sử dụng điện chiếm trên 98%. Có điện, nhiều hộ dân đã đóng góp xây dựng hệ thống điện đường, mang lại ánh sáng cho các thôn bản. Đơn vị đã hoàn thành công trình cải tạo hệ thống điện sau công tơ cho trên 5 ngàn hộ dân, tiếp tục đầu tư các dự án nâng cao độ tin cậy cung cấp điện cho người dân các khu vực vùng sâu vùng xa của huyện với mục đích không chỉ cấp điện mà phải cấp điện ổn định và liên tục”.

Theo lãnh đạo Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế, đưa điện về phục vụ người dân ở các khu tái định cư, bản vùng sâu vùng xa là nhiệm vụ chính trị, góp phần an sinh xã hội và phát triển kinh tế, nhằm rút ngắn khoảng cách giữa miền núi và đồng bằng. Với suất đầu tư từ 40 - 60 triệu đồng/hộ cùng công tác quản lý khó khăn, ngành điện sẽ khó thu hồi vốn. Tuy nhiên, đây là công việc quan trọng nhằm từng bước hoàn thiện mạng lưới điện nông thôn và vùng sâu, vùng xa của tỉnh.

Công ty đã phân bổ vốn đầu tư công trình hoàn thiện lưới và nâng cao độ tin cậy cung cấp điện tại địa bàn huyện Nam Đông với tổng kinh phí gần 1,3 tỷ đồng; địa bàn A Lưới sẽ đầu tư trên 2,6 tỷ đồng xây dựng các công trình cung cấp điện với mục đích nâng cao chất lượng cung cấp điện, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân.

Bài, ảnh: Thanh Hương

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ô tô về bản

Khi các tuyến đường trọng yếu lên vùng cao A Lưới, Nam Đông thông suốt; mạng lưới giao thông liên xã, liên thôn được láng nhựa, ô tô đã về tận các làng bản của bà con dân tộc Pa Cô, Vân Kiều, Cơ Tu…

Ô tô về bản
Cuối năm 2017, Hải Cát sẽ được dùng điện lưới

Hàng chục hộ dân ở thôn Hải Cát 1 (Hương Thọ, Hương Trà) đang sống chật vật, sản xuất khó khăn do thiếu điện. Nguyên nhân do đường dây chính chưa “vươn” tới được một bộ phận dân cư của thôn.

Cuối năm 2017, Hải Cát sẽ được dùng điện lưới
Về bản làm chứng minh nhân dân giúp đồng bào

Tại những bản làng xa xôi trên tuyến biên giới huyện A Lưới hiện vẫn còn nhiều người chưa có giấy chứng minh nhân dân (CMND) vì nhiều lý do khác nhau. Hiểu được nỗi khó khăn của người dân về điều kiện đi lại xa xôi, tốn công sức, tiền của, thời gian, Công an huyện A Lưới đã tổ chức các tổ công tác đến từng nhà để cấp CMND cho đồng bào.

Về bản làm chứng minh nhân dân giúp đồng bào

TIN MỚI

Return to top