ClockThứ Năm, 21/07/2011 05:24

Đưa giao hưởng đến với công chúng trẻ

TTH - Lắng đọng, thú vị là cảm nhận của nhiều người sau khi thưởng thức chương trình hòa nhạc Toyota xuyên Việt vào tối 13/7 tại Trung tâm Văn hóa thông tin tỉnh với những giai điệu tuyệt vời của các bản nhạc nổi tiếng thế giới.

Giao hưởng là thể loại âm nhạc hàn lâm, kén khán giả. Ở Việt Nam, nhạc giao hưởng còn xa lạ với số đông. Trước buổi hòa nhạc, tôi cứ ngỡ sẽ ít khán giả đến thưởng thức. Trái lại, đêm hòa nhạc Toyota xuyên Việt thu hút rất đông khán giả. Họ ngồi im lặng, nghe say mê. Những tràng pháo tay tán thưởng sau mỗi tác phẩm đã tạo cảm hứng cho người nghệ sĩ.

Chương trình hòa nhạc Toyota xuyên Việt 2011 được tổ chức do Quỹ Toyota Việt Nam thực hiện trong khuôn khổ hoạt động hỗ trợ Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam nâng cao chất lượng và trình độ biểu diễn chuẩn khu vực và quốc tế. Khác với các chương trình nhạc cổ điển khác, chương trình này đặc biệt chú trọng đến việc mở rộng và trẻ hóa đối tượng yêu nhạc cổ điển nhằm góp phần giúp cho thế hệ trẻ của Việt Nam tiếp cận sớm với nền âm nhạc bác học thế giới.  


Chương trình hòa nhạc Toyota xuyên Việt giúp khán giả gần gũi hơn với nhạc giao hưởng. Ảnh: Ryusei Kojima

 
Đêm nhạc được trình diễn bởi Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng người Nhật Honna Tetsuji. Tham gia đêm diễn, những người yêu nhạc cổ điển được dự một buổi “đại nhạc tiệc” của các nhạc sĩ vĩ đại như Goerges Bizet, Johann Strauss, Leroy Anderson... Mở đầu chương trình, tiết tấu rộn ràng của trích đoạn Prelude trong vở Carmen của Goesges Bizet đưa người nghe bước vào không khí lễ hội và vui tươi của âm nhạc Paris. Được biết đến là một trong những vở opera nổi tiếng nhất thế giới, được tôn vinh là tác phẩm có giai điệu mê hoặc, Carmen là vở opera được công diễn nhiều nhất trên thế giới. Người nghe còn được thưởng thức vũ khúc sôi động qua bản polka Thunder & Lightning của Johann Strauss II. Xuyên suốt tác phẩm là tiếng sấm sét rền vang do trống timpani và cymbal mô phỏng. Điểm đặc biệt nhất của tác phẩm chính là sự tham gia của các nhạc cụ gõ. Khán giả thích thú khi cảm nhận chủ ý tạo sự giải trí vui nhộn của Strauss trong tác phẩm này.
 

Một em bé chỉ huy dàn nhạc trong phần chơi tập làm chỉ huy. Ảnh: Ryusei Kojima
 
Một số bản nhạc giao hưởng sử dụng tiếng động một cách hóm hỉnh, bình dân khi trình diễn búa và máy chữ đã đem lại sự thú vị cho khán giả. Trong polka Feuerfest của Johann Strauss II, hai chiếc búa cùng hai thanh sắt được đem lên sân khấu chơi cùng dàn nhạc. Người chơi nhạc cụ này mang trang phục của thợ rèn. Kéo dàikhoảngba phút, Feuerfest được cất lên với âm điệu vui tươi, nhẹ nhàng. Âm sắc mạnh dần lên bởi những nhịp chuông mạnh mẽ, ngân vang. Đây được coi là một trong những tác phẩm sinh động, mang màu sắc lễ hội nhất của tác giả. Nếu búa có thể thành nhạc cụ thì máy chữ càng đảm nhiệm tốt vai trò “lĩnh xướng” cùng dàn nhạc trong bản Typewriter của Leroy Anderson. Tiếng lạch xạch đều đặn của máy chữ được phối hợp rất ăn ý với dàn nhạc cũng tạo hiệu ứng âm nhạc thú vị.
 
Đặc biệt, khán giả rất hứng thú với phần độc tấu vĩ cầm của Đỗ Phương Nhi, một tài năng violin đầy triển vọng mới 13 tuổi. Dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Honna Tetsuji, Phương Nhi đã biểu diễn thành công tác phẩm kinh điển Introduction and Rondo Capriccioso Op.28 của nhà soạn nhạc người Pháp Saint Saens. Đây là tác phẩm với ý đồ rõ ràng về đẳng cấp kỹ thuật và được xem như là một thách thức cả với những nghệ sĩ bậc thầy về violin. Thế mà, cô bé 13 tuổi cùng cây vĩ cầm của mình đã chơi chững chạc, ấn tượng trước dàn nhạc lớn dày dạn kinh nghiệm như Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam.
 


Đỗ Phương Nhi bên cây vĩ cầm và nhạc trưởng Honna Tetsuji. Ảnh: Ryusei Kojima

Đỗ Phương Nhi sinh năm 1998 trong một gia đình có cả bố và mẹ đều là nghệ sĩ chơi đàn violin. Ngay từ khi còn rất nhỏ, em đã có niềm say mê âm nhạc đặc biệt. Bắt đầu học chơi đàn từ năm lên 4 tuổi, năm 11 tuổi, em đã biểu diễn cùng Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam. Đỗ Phương Nhi được xem là một nghệ sĩ chơi violin tài năng trẻ nhất vào thời điểm này. Giao lưu với khán giả, Nhi chia sẻ: “Em học đàn từ nhỏ và rất say mê đàn. Ngoài thời gian học văn hóa, em dành hết thời gian cho việc luyện tập đàn. Mỗi khi cầm đàn, em thấy rất vui và tâm hồn mình như được bay bổng”. Không phải là một tiếng đàn nhiều trải nghiệm nhưng khi Nhi đàn, ở em toát lên vẻ trong sáng, dịu dàng nhưng không kém phần kĩ thuật, thể hiện tư duy của một người theo đuổi sự nghiệp âm nhạc chuyên nghiệp.
 
Tham dự chương trình, khán giả có cơ hội trở thành người chỉ huy qua phần chơi tập làm chỉ huy. Những cái vung tay lóng ngóng của những chỉ huy không chuyên tạo nên không khí vui nhộn và sôi động cho đêm diễn. Đây là một sáng tạo của đêm hòa nhạc gây háo hức cho nhiều khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ tuổi. Ngay cả trẻ con cũng có thể bước lên bục chỉ huy để vung tay điều khiển dàn nhạc tấu lên những giai điệu kỳ diệu. Bạn Hoài Phương chia sẻ: “Xem chương trình này, mình bỗng thấy dòng nhạc giao hưởng trở nên gần gũi. Các tác phẩm được biểu diễn đã chứng tỏ được hiệu quả trong việc mang lại những phút giây thư giãn với âm nhạc đỉnh cao. Âm nhạc không lời đã phát huy sức mạnh của nó, gợi mở sức tưởng tượng và mang đến cho mình sự yên bình trong tâm hồn”.
 

Trang Hiền

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nặng lòng với nghiệp diễn

Với nhiều nghệ sĩ, việc được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) là dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp hoạt động nghệ thuật và với nghệ sĩ trẻ danh hiệu ấy trở nên cao quý, thiêng liêng hơn trong hành trình chinh phục, cống hiến, tiếp tục theo đuổi đam mê.

Nặng lòng với nghiệp diễn
23 năm nhớ Trịnh Công Sơn

Kỷ niệm 23 năm ngày mất nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (1/4), nhiều hoạt động âm nhạc được tổ chức để tưởng nhớ người nhạc sĩ tài hoa. Ngoài âm nhạc, gia đình cố nhạc sĩ chuyển hướng sang các hoạt động tưởng nhớ thiết thực, ý nghĩa hơn.

23 năm nhớ Trịnh Công Sơn
Đón Tết muộn

Dịp tết Nguyên đán, nhiều chương trình nghệ thuật được tổ chức để mang đến cho mọi người không khí vui tươi của năm mới; trong đó, không thể không nói đến sự cống hiến của các nghệ sĩ. Biểu diễn xuyên Tết phục vụ khán giả, năm nào họ cũng đón Tết muộn.

Đón Tết muộn
Sỹ Thiên và niềm đam mê nhạc cụ truyền thống

Yêu thích và đam mê thổi sáo từ những ngày còn bé, chàng trai trẻ Đào Bá Sỹ Thiên (sinh năm 1999) đã miệt mài gắn bó với loại nhạc cụ truyền thống này của dân tộc hơn 5 năm nay. Tiếng sáo du dương, bay bổng của Thiên đã để lại nhiều dấu ấn ngọt ngào trong cảm xúc người nghe.

Sỹ Thiên và niềm đam mê nhạc cụ truyền thống

TIN MỚI

Return to top