ClockThứ Tư, 24/06/2020 06:45

Dứa Kaien tái ngộ trên đất Nam Đông

TTH - Với giá bán trung bình 50 - 60 nghìn đồng/quả, dứa đặc sản Nam Đông là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hộ dân khi chuyển đổi sang trồng cây ăn quả.

Hiệu quả nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điệnHTX lâm nghiệp bền vững: Hướng đi trong phát triển kinh tếBảo quản sau thu hoạch

Dứa Kaien có vị ngọt thanh và kích thước lớn hơn so với các loại dứa thông thường

“Hồi sinh” cây dứa

Cuối tuần, tôi được một người chị công tác tại huyện Nam Đông gửi tặng hai quả dứa ăn “lấy thảo”, kèm lời quảng cáo là đặc sản của địa phương, đang được du khách ưa chuộng. Khác với các loại dứa thông thường, quả dứa “vùng cao” có kích thước lớn hơn gấp 2 - 3 lần, với trọng lượng khoảng 4kg và có vị ngọt thanh.

Đem theo sự tò mò về giống dứa đặc sản này, tôi quyết định đến xã Hương Sơn, nơi có diện tích trồng dứa lớn nhất huyện Nam Đông với khoảng 25ha. Theo chân của cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, tôi được nghe nhiều câu chuyện về giống dứa “đặc biệt” với tên gọi Kaien này.

Dừng chân tại gia đình ông Lê Minh Hòa (thôn Ta - rung, xã Hương Sơn), một trong những hộ có diện tích trồng dứa lớn của xã với khoảng 1.000 gốc. Theo lời kể của ông Hòa, giống dứa Kaien thực tế trước đây đã xuất hiện tại xã, nhưng không phổ biến và chỉ còn một vài người dân địa phương lưu giữ. Năm 2018, ông Hòa bỏ công tìm mua giống dứa Kaien chính gốc từ bà con địa phương và “đánh liều” trồng xen canh trên diện tích cam của gia đình.

“Dứa là cây chịu hạn, chịu nắng và dễ trồng, lại ít bị sâu bệnh nên hiệu quả hơn so với trồng các loại cây lâm nghiệp dễ bị gãy đổ khi mưa bão. Sau vụ đầu tiên, cây dứa đã chứng minh được khi mang lại thu nhập tốt hơn hẳn”, ông Hòa lý giải về quyết định của bản thân.

Theo ông Hòa, tính từ khi trồng, dứa Kaien mất chừng 1,5 năm mới bắt đầu cho quả. Tháng 5/2020, vườn dứa của gia đình lần đầu cho thu hoạch khoảng 700 quả với trọng lượng trung bình 3,5 kg, giá bán thị trường từ 50 - 60 nghìn đồng/quả.

“Gia đình chủ yếu bán dứa ngay tại vườn, không có dư để xuất cho tiểu thương. Thông qua kênh quảng bá mạng xã hội, nhiều du khách từ Huế hay Đà Nẵng đến thăm quan vườn dứa và mua về làm quà rất nhiều”, ông Hòa chia sẻ.

Theo ông Trần Công Thành, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Nam Đông, giống dứa Kaien đã xuất hiện tại Nam Đông từ năm 1996. Khi đó có một doanh nghiệp dự định xây dựng nhà máy chế biến dứa trên địa bàn tỉnh nên triển khai xây dựng một số vùng nguyên liệu. Theo đó, giống dứa Kaien dần len lỏi vào các hộ dân, nhưng dần mai một do dự án không thực hiện.

Từ trồng rải rác, năm 2019, cây dứa được huyện Nam Đông xác định là một trong 3 loại cây ăn quả chủ lực bên cạnh cam và chuối đặc sản. Dứa Kaien theo đó mà “hồi sinh” bởi năng suất và chất lượng vượt trội so với các giống dứa thông thường.

“Thời điểm đó, giống dứa Kaien chỉ còn sót lại trong vườn của số ít hộ dân nên không đủ cung cấp cho cả huyện. Anh em phải tìm tòi và liên hệ mua giống từ tận Ninh Bình để đảm bảo nguồn cung. Sau khi thu hoạch, một gốc dứa sẽ cho 3 - 4 chồi giống và có thể đem đi trồng lại ngay, nhờ đó vấn đề thiếu giống sẽ được giải quyết triệt để trong thời gian tới”, ông Thành kể.

Hiệu quả kinh tế cao

Theo thông tin từ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Nam Đông, trên địa bàn huyện Nam Đông có khoảng 40ha diện tích dứa Kaien, tập trung tại các xã Hương Sơn, Hương Xuân, Hương Phú.

Với đặc trưng mắt cạn, thơm ngon và quả to, dứa Kaien có thể đáp ứng nhu cầu chế biến nguyên liệu thành cô đặc nếu quy mô đủ lớn, hiện nay do sản lượng chưa cao nên chủ yếu người dân thường ăn trực tiếp. Mùa thu hoạch năm nay, 1ha dứa Kaien thu hoạch được từ 7 - 10 nghìn quả. Với giá bán trung bình 20 nghìn đồng/kg, mỗi gia đình có thể lãi từ 150 - 200 triệu đồng/ha/vụ.

Ông Trần Công Thành chia sẻ, giống dứa Kaien không cần nhiều nước tưới, quy trình kỹ thuật chăm sóc không quá phức tạp và đòi hỏi nhiều công sức nên hoàn toàn phù hợp với tập quán canh tác của bà con vùng cao. Hiện toàn huyện có 16 ha diện tích dứa Kaien nằm trong dự án của huyện hỗ trợ người dân phát triển thâm canh, mỗi hộ tham gia sẽ được hỗ trợ 70% tiền giống và 50% tiền phân bón. Những hộ tham gia dự án sẽ được cán bộ của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Nam Đông thường xuyên theo sát hướng dẫn kỹ thuật trồng theo kiểu “cầm tay chỉ việc” nhằm đảm bảo cây dứa phát triển tốt, cho năng suất cao.

“Với lợi thế chiết chồi trồng lại sau khi thu hoạch, bà con có thể tự chủ động nguồn giống cho vụ sau, số còn dư đem bán hoặc hỗ trợ cho những người xung quanh”, ông Thành cho hay.

Ông Lê Thanh Hồ, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đông cho biết, nhằm tiếp tục phát huy hiệu quả từ cây dứa, huyện đã tập trung chỉ đạo các xã có tiềm năng về diên tích đất và thổ nhưỡng phù hợp trồng dứa cần chủ động nguồn giống, tiếp tục làm đất để kịp thời triển khai theo khung lịch thời vụ, đạt kế hoạch của huyện đề ra. Hiện nay, dứa Kaien được đông đảo người dân và khách du lịch ưa chuộng nên luôn trong tình trạng thu hoạch đến đâu, bán đến đấy. Về lâu dài, nếu diện tích dứa trên địa bàn mở rộng, huyện mong muốn tìm kiếm được doanh nghiệp đủ khả năng để thu mua, sơ chế và bảo quản để dễ dàng tiếp cận với khách hàng ở các tỉnh khác.

Bài, ảnh: Minh Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bộ Tư lệnh Quân khu 4:
Kiểm tra tiến độ thi công tuyến đường 74

Ngày 17/4, Đoàn công tác Bộ Tư lệnh Quân khu 4, do Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tư lệnh Quân khu làm trưởng đoàn đã tiến hành kiểm tra tiến độ thi công tuyến đường 74 Nam Đông - A Lưới.

Kiểm tra tiến độ thi công tuyến đường 74
Trao tặng 100 thẻ bảo hiểm y tế cho người dân huyện Nam Đông

Hoạt động trên vừa được Chi đoàn Viện kiểm sát nhân dân tỉnh phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh tổ chức nhằm chào mừng 93 năm Ngày thành lập Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và 49 năm Ngày giải phóng quê hương Thừa Thiên Huế.

Trao tặng 100 thẻ bảo hiểm y tế cho người dân huyện Nam Đông
Return to top