ClockThứ Sáu, 24/11/2017 05:26

Đưa khách vượt lũ bằng xuồng: Tiềm ẩn nguy cơ

TTH - Đi lại bằng xuồng là phương tiện duy nhất đối với các vùng thấp trũng trong những ngày lũ lụt. Hiểm nguy luôn rình rập và tai nạn ập đến bất cứ lúc nào khi hầu hết các chủ đò không trang bị áo phao, phương tiện cứu hộ cho khách.

 "Vượt lũ" không mặc áo phao (trong ảnh: chở khách về xã Quảng Phú, Quảng Điền ngày 22/11)

Đến chiều 23/11, nước trên các sông đang xuống chậm, riêng các vùng thấp trũng ở Hương Trà, Quảng Điền... vẫn còn ngập nặng, các đập tràn như đoạn qua xã Hương Vinh, Hương Toàn, Hương Phong (Hương Trà), đập Thủ Lễ, Quảng Phước (Quảng Điền)... ngập sâu từ 0,5 đến hơn 1m, nước chảy xiết. Mọi hoạt động đi lại tại các điểm này đều bằng xuồng, đò.

Trong những ngày lũ lụt, vì nhiều lý do công việc khác nhau mà người dân phải đi lại như kỵ giỗ, tiệc cưới, vận chuyển hàng hóa... Xuồng, đò là phương tiện không thể thiếu và duy nhất đối với người dân khi đi qua các vùng thấp trũng, nước ngập sâu. Điều đáng lo ngại, hầu hết các chủ đò đưa khách “vượt lũ” đều không trang bị áo phao hay các phương tiện cứu hộ, cứu nạn cho khách.

Chứng kiến nhiều chuyến đò, xuồng nhỏ được chèo chống, chòng chành, bấp bênh giữa “biển nước” mênh mông, chúng tôi thật sự giật mình. Dù tự trang bị cho mình chiếc áo phao khi qua những chuyến đò như thế này, chúng tôi cũng không khỏi lo ngại trước những vùng nước sâu, chảy xiết. Vậy mà nhiều hành khách, trong đó có cả trẻ em vẫn vô tư đi trên những chiếc xuồng, con đò nhỏ khi nước lũ còn dâng cao.

Anh Nguyễn Văn Hóa từ xã Hương Phong lên TP. Huế phải đi qua đập tràn sâu hơn 1 mét, đoạn từ cầu Thanh Phước, xã Hương Phong nối xã Hương Vinh (Hương Trà). “Đi xuồng nhỏ, chồng chành thế này sao không mặc áo phao, không lo sợ à?, tôi hỏi. Anh Hóa thản nhiên: “Có chi mà ngại. Biết bơi mà...”. Một hành khách cạnh bên chủ quan: “Mấy ngày lũ tui đi đò suốt, có chi mô!”.

Anh Nguyễn Khanh, người dân ở gần cầu Thanh Phước cho hay, sinh sống ở đây mấy chục năm nay, chứng kiến nhiều chuyến đò qua lại, vượt lũ, ông không khỏi bàng hoàng. Ông Khanh không nhớ rõ thời điểm cụ thể, nhưng đã từng chứng kiến những vụ tai nạn chìm xuồng tại đây, may mà người dân và các lực lượng ứng cứu kịp thời.

Khách chủ quan đã đành, hầu hết các chủ xuồng, đò còn chủ quan hơn.

Ông Nguyễn T., chủ đò đưa khách qua đập tràn gần chân cầu Thanh Phước nói: “Nếu mua áo phao trang bị cho khách thì không có lời (!?)”. Điều này cho thấy ý thức bảo vệ tính mạng cho bản thân, cũng như khách của các chủ đò rất thấp, đó chưa nói quá xem thường tính mạng.

Tại đoạn đường thấp trũng qua địa bàn xã Hương Toàn đến chiều 23/11 vẫn còn ngập sâu, mọi hoạt động qua lại của người dân đều bằng xuồng, đò. Hầu hết khách đi đò qua các vùng thấp trũng này đều không mặc áo phao, trong khi nước sâu, chảy xiết, chiếc xuồng đưa khách lại nhỏ, chòng chành. Ông Vĩnh, một lái đò chủ quan: “Với tay nghề mấy chục năm chèo đò như tui không dễ chi để chìm mô mà chú lo. Đò chìm, bị tai nạn tui chịu trách nhiệm (!?)”. Điều ông Vĩnh và các chủ đò vượt lũ không hiểu rằng khi tai nạn thương tâm xảy ra thì mọi sự đã rồi.

Theo ông Hoàng Trọng Hiệu, Chủ tịch UBND xã Hương Toàn, đây là vấn đề hết sức nan giải trước tình trạng người dân ngang nhiên, chủ quan khi tham gia đi lại bằng xuồng, đò qua các vùng thấp trũng. Mặc dù chính quyền địa phương đã nhiều lần tuyên truyền, vận động, thậm chí đến nhắc nhở trực tiếp người dân, các chủ đò phải trang bị áo phao, phương tiện cứu hộ, nhưng bà con còn quá chủ quan, liều lĩnh, không chấp hành.

“Chúng tôi tiếp tục cử lực lượng đến kiểm tra, giám sát chặt chẽ, nếu các chủ đò không trang bị các phương tiện phòng hộ, áo phao cho khách thì sẽ cấm hoạt động”, ông Hiệu khẳng định.

Ông Phan Thanh Hùng, Cháng Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh khuyến cáo, hiện nay, nhiều địa phương vùng trũng đều sử dụng ghe, thuyền đi lại, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Tuy nhiên đây là phương tiện cần thiết để đi lại trong mùa lũ lụt. Các địa phương cần tăng cường tuyên truyền vận động người dân, các chủ phương tiện cần trang bị áo phao, phao tròn, phao cứu hộ nhằm đảm bảo an toàn. Lực lượng công an địa phương tăng cường chốt chặn, triển khai kiểm tra tại các vùng xung yếu để nhắc nhở các chủ đò, người tham gia đi lại phải tuân thủ các quy định về an toàn giao thông bằng đò trong mùa mưa lũ.

Bài, ảnh: H Triều- L Minh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhận biết và phòng ngừa dịch cúm gia cầm

Trước diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm (DCGC), ngày 23/4, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh tổ chức hướng dẫn cách nhận biết và các biện pháp phòng trừ DCGC. Mục tiêu là hạn chế thấp nhất vi rút DCGC lây nhiễm và gây tử vong cho người, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và giảm thiểu thiệt hại cho ngành chăn nuôi.

Nhận biết và phòng ngừa dịch cúm gia cầm
Sốt xuất huyết ở Trung và Nam Mỹ có nguy cơ thành đợt bùng phát nghiêm trọng nhất

Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) đang cảnh báo nguy cơ về một đợt bùng phát dịch sốt xuất huyết nghiêm trọng nhất từ trước đến nay ở Trung và Nam Mỹ khi số ca nhiễm sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay ở khu vực này đã vượt quá 3,5 triệu người, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó có hơn 1.000 ca tử vong.

Sốt xuất huyết ở Trung và Nam Mỹ có nguy cơ thành đợt bùng phát nghiêm trọng nhất
Ứng phó nguy cơ dịch bệnh gia súc, gia cầm

Các biện pháp phòng, chống được triển khai đồng bộ, có hiệu quả nên đến thời điểm này, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm (GSGC) chưa xảy ra. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm, tái bùng phát dịch bệnh GSGC.

Ứng phó nguy cơ dịch bệnh gia súc, gia cầm
Return to top