ClockThứ Ba, 28/03/2017 06:41

Đưa khoa học đến với đời sống

TTH - Trường đại học (ĐH) Nông Lâm Huế vừa ký kết chuyển giao một số sản phẩm nghiên cứu với các doanh nghiệp. Việc đẩy mạnh thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu cho thấy, nhiều đề tài nghiên cứu của trường ngày càng có tính thực tiễn và mang lại lợi ích thiết thực. PGS. TS. Lê Văn An, Hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm Huế chia sẻ:

PGS.TS. Lê Văn An, Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm Huế

Tôn chỉ nghiên cứu khoa học của trường phải đạt 2 mục tiêu: Xuất bản được những bài báo khoa học trên tạp chí khoa học quốc tế, bởi đây là một trong các tiêu chí để đánh giá một trường ĐH trên phạm vi quốc tế. Trong 5 năm qua, mỗi năm, trường xuất bản khoảng 150 bài báo khoa học trên các tạp chí khoa học trong nước và 25 - 30 bài báo trên các tạp chí khoa học quốc tế có uy tín. Thứ hai, phải gắn liền đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, địa phương. Muốn vậy, sản phẩm khoa học phải tiếp cận với thị trường, với sản xuất, hay nói cách khác là thương mại hóa sản phẩm khoa học. Đây là một chủ trương được trường chú trọng thực hiện từ năm 2015 đến nay. Cách làm của trường là, sau khi nghiên cứu, tìm được quy trình, tiến bộ kỹ thuật, chúng tôi tìm kiếm các đối tác là các công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Trên cơ sở giữa nhà trường, nhà khoa học với đối tác đó có cùng sở thích, cùng quan tâm, hai bên sẽ thảo luận và đi đến hợp tác phát triển thành quả. Bằng cách làm đó, từ năm 2015 đến nay, một số sản phẩm của trường đã ra được thị trường.

Những sản phẩm khoa học đã được thương mại hóa của nhà trường là gì và đem lại hiệu quả cụ thể như thế nào với đời sống?

Đầu tiên được thương mại hóa là các sản phẩm phân bón: chế phẩm sinh học Pseudomonas putida phòng trừ bệnh chết nhanh ở hồ tiêu (sản phẩm MK8), sản phẩm sinh học Boka-Tricho phòng trừ tuyến trùng hại hồ tiêu, cà phê và một số cây trồng khác của Khoa Nông học. Đây là một loại phân bón sinh học để điều trị một số bệnh trên cây trồng, nhất là cây hồ tiêu, không để lại tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong nông sản và không ảnh hưởng đến sức khoẻ con người và môi trường. Thấy được hiệu quả của sản phẩm, Công ty cổ phần Bình Điền - Mekong, đơn vị cung cấp phân bón lớn ở Việt Nam đã hợp tác để triển khai các mô hình ở Tây Nguyên, Đồng Nai, Quảng Trị, đem lại hiệu quả rất tốt trong phòng trừ các bệnh ở cây hồ tiêu. Trên cơ sở đó, công ty đã ký kết hợp đồng sản xuất và phát triển sản phẩm sinh học Boka-Tricho với nhà trường.

Thứ hai là mô hình chế biến bảo quản nông sản ở Khoa Cơ khí Công nghệ, có hai nhóm sản phẩm là măng và chuối. Măng thường thu hoạch theo mùa nên nhóm nghiên cứu đã nghiên cứu biện pháp chế biến và cất trữ măng lâu dài trong điều kiện môi trường sinh học, không dùng chất hóa học, giúp bảo quản sản phẩm tốt và cung cấp quanh năm. Trên cơ sở đó, nhóm nghiên cứu đã hợp tác với công ty để sản xuất và cung cấp măng cho thị trường. Sản phẩm cùng sử dụng chung thương hiệu Trường ĐH Nông lâm Huế và tên công ty trên sản phẩm với số lượng rất lớn. Một sản phẩm nữa là mô hình bảo quản sản phẩm chuối giúp kéo dài thời gian giữ chuối tươi lâu. Một số công ty đã ký kết với Khoa Cơ khí Công nghệ để ứng dụng mô hình này trên sản phẩm chuối xuất khẩu.

Sản phẩm thứ ba đang xây dựng là nghiên cứu nuôi trồng các giống hoa, các giống cây ăn quả ở Khoa Nông học. Các giống hoa và cây ăn quả được nghiên cứu và chuyển giao cho các công ty, doanh nghiệp không chỉ trong địa bàn tỉnh mà ở các tỉnh khác, như Sơn La, Lai Châu… Sản phẩm thứ tư là bước đầu nhân giống cá có giá trị, như cá dìa của Khoa Thủy sản. Nhóm nghiên cứu kết hợp với Công ty cổ phần Huetronics để tạo ra con giống có chất lượng, sạch bệnh, từ đó có thể chủ động cung cấp con giống, chủ động sản xuất. Đây cũng là một trong những hướng mà tỉnh tập trung hướng đến, đó là phát triển mạnh nuôi trồng thủy sản trên phá Tam Giang.

Từ những thành công bước đầu, hướng đi tiếp theo của trường là gì, thưa ông?

Ngoài hỗ trợ những đề tài có khả năng tạo những sản phẩm có thể thương mại hóa, thời gian tới trường đang có kế hoạch phát triển thêm 3 sản phẩm từ năm 2017 trở đi, đó là nhân giống cá rô đầu vuông để tăng nguồn cá giống và chủ động cung cấp cho người dân địa phương. Sản phẩm thứ hai là trà hoa sen và sản phẩm thứ ba là một số loại nấm ăn và nấm dược liệu có giá trị kinh tế cao.

Định hướng tiếp theo là trường mong muốn tạo ra sản phẩm nông nghiệp sạch, những mô hình sản xuất hữu cơ. Sinh viên cùng với giáo viên sẽ tạo ra những mô hình sản xuất như vậy. Sinh viên sẽ có một buổi học ở trường kết hợp với học trên các cơ sở nghiên cứu và trên thực tế. Trường tạo điều kiện về cơ sở vật chất và phương tiện đi lại.

Nhà trường rất khuyến khích các giảng viên, nhà khoa học tận dụng nguồn lực cơ sở vật chất của nhà trường để tạo ra những sản phẩm nông nghiệp sạch, tiến tới tạo ra một "chợ" nông sản ở trường. "Chợ" này sẽ bán những sản phẩm có nguồn gốc và được kiểm duyệt quá trình sản xuất. Quan điểm của trường là muốn sản xuất sản phẩm sạch phải nghiên cứu, quản lý từ chất đất, nguồn nước tưới, thức ăn sạch, quản lý vấn đề ô nhiễm...

Nông nghiệp công nghệ cao, nuôi trồng thủy sản và an toàn thực phẩm là 3 vấn đề mấu chốt và nóng bỏng hiện nay trong phát triển nông nghiệp rất được Thủ tướng Chính phủ quan tâm và đều thuộc lĩnh vực trường. Nhà nước quan tâm như vậy mình phải có chính sách tốt, đó là chính sách về con người, chính sách sử dụng kinh phí nghiên cứu khoa học, tìm nguồn để khuyến khích được hàng ngũ khoa học, nhất là lớp trẻ, kể cả những nghiên cứu của sinh viên để khơi dậy những ý tưởng mới. Hy vọng sắp tới, trường sẽ có thêm nhiều những sản phẩm khoa học thiết thực phục vụ đắc lực cho đời sống.

Xin cảm ơn ông!

Ngọc Hà (thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Học sinh nghiên cứu khoa học

Phong trào nghiên cứu khoa học trong học sinh với nhiều đề tài có tính ứng dụng cao đã góp phần đổi mới hình thức tổ chức dạy học, phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh, nâng cao chất lượng dạy học trong các cơ sở giáo dục trung học.

Học sinh nghiên cứu khoa học
Canh chua lá me đất

Sống trong lòng xứ Huế, thật đáng tiếc nếu thờ ơ không để ý tới thứ sắc màu tim tím mọc ven bờ sông Hương hoặc bất kỳ trong mảnh vườn nào đó. Thứ tôi muốn kể với thế giới liên quan đến sắc màu tim tím đời thường, gần gũi ấy đơn giản là một tô canh chua lá me đất. Mà nấu canh chua thì có nhiều kiểu chế biến lắm. Kiểu truyền thống, tùy theo vùng miền, mỗi nơi lại có một kiểu gây hứng thú riêng.

Canh chua lá me đất
Return to top