ClockThứ Sáu, 31/08/2018 16:10

Đưa khởi nghiệp vào chương trình đào tạo đại học

TTH - Hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, đưa khởi nghiệp vào chương trình đào tạo là chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), song theo các trường, đây là vấn đề không dễ thực hiện trong “một sớm, một chiều”.

Workshop về khởi nghiệp dành cho sinh viên Đại học HuếCác trường đại học phải đào tạo cho sinh viên về khởi nghiệp

 Sinh viên trường ĐH Sư phạm Huế tìm hiểu thông tin việc làm tại ngày hội tuyển dụng của trường

Còn nhiều khó khăn

Ngày 8/5/2018, Bộ GD&ĐT có công văn gửi các ĐH, học viện, các trường ĐH, trường cao đẳng sư phạm và trung cấp sư phạm về việc triển khai Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”, trong đó đề nghị các trường nghiên cứu xây dựng các chuyên đề khởi nghiệp đưa vào chương trình đào tạo bắt buộc hoặc tự chọn phù hợp với thực tiễn của nhà trường. ĐH Huế cũng có công văn liên quan gửi đến các trường thành viên, khoa, phân hiệu trực thuộc, song hiện tại các cơ sở giáo dục vẫn chưa thể thực hiện được trong năm học này, thậm chí là một vài năm tiếp theo. Ông Phan Thanh Tiến, Phó trưởng phòng đào tạo ĐH, Trường ĐH Ngoại ngữ, thẳng thắn: “Hoạt động khởi nghiệp của sinh viên còn mang tính tự phát, vai trò đào tạo của nhà trường hiện tại chưa nhiều nên để đưa khởi nghiệp vào chương trình đào tạo chính thức không đơn giản”.

Theo ông Tiến, hiện nay các trường còn thiếu chuyên gia đủ khả năng đào tạo về khởi nghiệp. Đào tạo lĩnh vực này cần tính thực tiễn nhiều, trái lại các giảng viên chủ yếu học tập và nghiên cứu qua lý thuyết, khó mang lại hiệu quả thực tế cho người học.

Việc xây dựng chương trình, học phần về khởi nghiệp cũng là điều khiến các trường băn khoăn. Lý do là, mỗi cơ sở giáo dục có đặc thù ngành, nghề khác nhau, vì thế không thể áp dụng chương trình chung. Việc nghiên cứu xây dựng chương trình như thế nào để sát thực tiễn, phù hợp từng ngành, nghề đào tạo không đơn giản, cần quá trình khảo sát thực tế và nhiều công việc khác. TS. Phan Thanh Hoàn, Trưởng phòng Đào tạo ĐH, Trường ĐH Kinh tế, ĐH Huế cho rằng, cần khá nhiều thời gian cho công việc trên. Thông thường, chương trình 2 năm rà soát lại một lần và sau 1 khóa mới đánh giá, không thể xây dựng học phần mới rồi đưa ngay vào chương trình. Để xây dựng chương trình cũng phải bắt đầu từ các khoa chuyên môn. Đồng quan điểm, PGS. TS. Võ Thanh Tùng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học, ĐH Huế khẳng định cần phải có lộ trình để đưa khởi nghiệp vào chương trình giảng dạy. Việc thay đổi, bổ sung chương trình là vấn đề lớn, nếu không nghiên cứu kỹ sẽ khó mang lại hiệu quả.

Tài liệu, nghiên cứu chuyên sâu để phục vụ công tác giảng dạy khởi nghiệp cũng là vấn đề các trường quan tâm. Đại diện Khoa Du lịch - ĐH Huế trăn trở, những kiến thức, lý thuyết chung chung rất khó đáp ứng giảng dạy hiệu quả bởi vấn đề khởi nghiệp vốn rất khó, cần tính cụ thể cho từng ngành nghề nhưng đến nay chưa có tài liệu hay giáo trình đáp ứng việc đào tạo.

Theo một cán bộ Ban Đào tạo ĐH Huế, xây dựng các chuyên đề khởi nghiệp đưa vào chương trình đào tạo khả năng sẽ làm tăng thêm khung chương trình nhưng vẫn nằm trong giới hạn quy định của Bộ GD&ĐT. Tuy nhiên, thông thường quy trình để mở các học phần mới cần có thời gian và cần các trường nghiên cứu kỹ, vì thế đưa khởi nghiệp vào chương trình đào tạo không thể trong một sớm, một chiều.

Triển khai từng bước

Tại hội nghị “Phổ biến, quán triệt nội dung triển khai thực hiện Quyết định số 1655/QĐ-TTg ngày 30/10/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án Hỗ trợ học sinh sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” được tổ chức tại ĐH Huế vào giữa tháng 8/2018, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa nhấn mạnh, trường ĐH có vai trò quan trọng trong các giai đoạn chính của khởi nghiệp. Đó là nơi trang bị cho người học kiến thức, kỹ năng và trải nghiệm để sinh viên sẵn sàng khởi nghiệp. Đào tạo không chỉ để sinh viên xin được việc làm mà phải tự tạo được việc làm, vì vậy Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa khẳng định việc đưa khởi nghiệp vào chương trình đào tạo là cần thiết và các trường cần nghiên cứu để triển khai sớm.

Tuy gặp khó khăn, song ĐH Huế và các trường có thể xây dựng lộ trình sớm và thực hiện từng bước. Bước đầu tiên và quan trọng nhất là chuẩn bị nguồn nhân lực và khảo sát, nghiên cứu để xây dựng chương trình. Hiện nay, ĐH Huế đã tổ chức lớp đào tạo giảng viên nguồn về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho 29 cán bộ ở các trường, khoa, phân hiệu trực thuộc và thời gian tới sẽ mở rộng thêm số lượng. Song, để giảng dạy, các giảng viên này cần được bồi dưỡng thêm các khóa đào tạo chuyên sâu, sát với từng chuyên ngành đào tạo ở các trường.

Một trong những hướng đi các trường cần làm là tăng cường liên kết doanh nghiệp để mời các chuyên gia từ phía họ về hỗ trợ đào tạo. Lợi thế hiện nay của các trường là đã liên kết được nhiều doanh nghiệp, trong khi đó các doanh nhân giỏi không chỉ có kinh nghiệm khởi nghiệp mà còn có khả năng truyền lửa. Việc phối hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp về vấn đề hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp cần được triển khai sớm.

TS. Hoàng Kim Toản, Trưởng ban Công tác học sinh, sinh viên ĐH Huế cho biết, ĐH Huế đang tăng cường các chương trình talk show, hội thảo về khởi nghiệp đồng thời đẩy mạnh truyền thông cho giảng viên, sinh viên thay đổi nhận thức về khởi nghiệp. Trong tháng 9/2018 sẽ khánh thành và đi vào hoạt động Trung tâm Khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, tạo ra không gian làm việc chung cho cán bộ, giảng viên, sinh viên trong vấn đề khởi nghiệp. Đây sẽ là các nền tảng rất tốt để các trường đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp và chuẩn bị triển khai các hoạt động liên quan đến khởi nghiệp, trong đó có đào tạo.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phẫu thuật tim miễn phí cho 13 trẻ em Gia Lai

Chiều 28/3, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Trung ương Huế tiến hành phẫu thuật cho nhóm bệnh nhi Gia Lai. Đây là các trường hợp được Quỹ Friedens Kinder (Đức) tài trợ chi phí mổ.

Phẫu thuật tim miễn phí cho 13 trẻ em Gia Lai
Gần 1.000 sinh viên Trường đại học Luật tham dự phiên tòa xét xử lưu động

Ngày 28/3, tại hội trường của Trường đại học Luật, Đại học Huế, Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh tổ chức phiên tòa lưu động xét xử phúc thẩm hai vụ án hình sự về tội danh “Trộm cắp tài sản” và “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” dưới sự tham dự của gần 1.000 sinh viên của trường.

Gần 1 000 sinh viên Trường đại học Luật tham dự phiên tòa xét xử lưu động
Hàn Quốc sẽ mở rộng hỗ trợ tài chính cho các nước đang phát triển

Theo Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hàn Quốc (FSC), Hàn Quốc sẽ mở rộng các hoạt động của hội đồng hợp tác tài chính quốc tế của quốc gia này nhằm hỗ trợ tốt hơn cho việc mở rộng ra nước ngoài của các doanh nghiệp địa phương, cũng như giúp phát triển lĩnh vực tài chính của các quốc gia khác.

Hàn Quốc sẽ mở rộng hỗ trợ tài chính cho các nước đang phát triển

TIN MỚI

Return to top