ClockChủ Nhật, 29/05/2022 19:41

Đưa văn hóa truyền thống hòa nhập vào cuộc sống đương đại

TTH.VN - Diễn ra trong hai ngày 28-29/5, ngày hội công nghiệp văn hóa Vietnam Summer Fair 2022 do Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh tổ chức quy tụ những đơn vị gắn bó chặt chẽ với các lĩnh vực đặc trưng của văn hóa Việt Nam đến từ ba miền đất nước. Đây là sân chơi tạo ra sự kết nối, góp phần thúc đẩy nền công nghiệp văn hóa phát triển.

Ngày hội công nghiệp văn hóa lần đầu tiên diễn ra tại HuếKể chuyện văn hóa qua sản phẩm

Hoa văn Đại Việt, đơn vị tiên phong trong việc khôi phục các hoa văn truyền thống của người Việt

Sản phẩm từ văn hóa truyền thống

Với sự góp mặt của nhiều doanh nghiệp, không gian trưng bày của Vietnam Summer Fair 2022 giới thiệu đến công chúng những sản phẩm văn hóa đề cao giá trị thẩm mỹ, phù hợp với thị hiếu đương thời, bám sát nhu cầu thực tiễn cuộc sống, như: áo dài, cổ phục, phục sức, pháp lam, gốm, hoa giấy, hoa văn… Nhiều sản phẩm đã vươn tầm thế giới, đáp ứng xu hướng quan tâm đến văn hóa Đông Á ngày càng tăng của thị trường quốc tế.

Là đơn vị tiên phong trong việc khôi phục các hoa văn truyền thống của người Việt, Hoa văn Đại Việt cho ra đời một thư viện với hàng trăm vector hoa văn Việt Nam cổ trải dài qua các triều đại phong kiến lịch sử. Từ hoa văn đơn giản, hoa văn chi tiết đến hoa văn phức tạp… đều mang tính thẩm mỹ và có tính ứng dụng cao. Các sản phẩm của Hoa văn Đại Việt mang đậm chất Việt cổ nhưng vẫn bắt kịp thời đại và phù hợp với xu hướng của giới trẻ, góp phần giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc.

Ở gian hàng của Bleu de Hue, những người yêu thích sản phẩm gốm có thể tìm thấy sắc men xanh kinh điển của gốm sứ Việt. Tại ngày hội Vietnam Summer Fair 2022, ba dòng tinh hoa của gốm sứ Việt: Bát Tràng – Phù Lãng – Biên Hòa được Bleu de Hue giới thiệu đến mọi người. Tiếc nuối, níu giữ một quá khứ vàng son của gốm sứ Việt, Bleu de Hue đã cố gắng phục hồi bằng nhân lực, nguyên liệu và phương thức cổ truyền, kết hợp đất và lửa để có thể nung lại ánh tinh hoa, làm mới lại quá khứ vàng son một thuở của gốm sứ Việt thủ công.

Một gương mặt từ Huế, thương hiệu Maypaperflower cũng tạo ấn tượng với khách tham quan với những sản phẩm hoa giấy hiện đại nhưng không kém phần tinh tế, nhã nhặn. Được lấy cảm hứng từ làng nghề hoa giấy Thanh Tiên, Maypaperflower không ngừng cải tiến, tạo ra nhiều mẫu mã các loại hoa mới, kết hợp cách làm hoa thủ công với nghệ thuật hiện đại. Qua đó, cung cấp cho khách hàng nhiều dòng sản phẩm chứa đựng nhiều tâm huyết và tỉ mỉ như: hoa cành, hoa cắm bình, khung tranh hoa... Sản phẩm của Maypaperflower đã vươn ra nhiều nước trên thế giới.

Với Vietnam Summer Fair 2022, các doanh nghiệp, đơn vị ở Huế, TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội rất hào hứng tham gia sự kiện lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam. Đại diện đơn vị Nam Ngọc Hiên chia sẻ: “Cảm ơn Huế và những người tổ chức đã tạo ra sân chơi bổ ích này cho những người làm trong lĩnh vực sáng tạo văn hóa nghệ thuật. Đến với ngày hội, chúng tôi rất vui vì không còn đơn độc như xưa mà hiện có rất nhiều bạn trẻ làm công việc này, để cùng đem những giá trị của cha ông tạo thành những sản phẩm tinh túy”.

Theo Bí thư Thành ủy Huế Phan Thiên Định, Vietnam Summer Fair 2022 là sự kiện quan trọng quy tụ các lực lượng hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo. Điều này rất có ý nghĩa trong bối cảnh chúng ta đang hướng đến việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa. Đây cũng là hướng đi tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung và TP. Huế nói riêng đang hướng tới. Cách tốt nhất để các giá trị văn hóa được bảo tồn, phát huy là biến nó thành giá trị vật chất có thể tiếp cận được.

Những sản phẩm của  Bleu de Hue

Phát triển công nghiệp văn hóa 

Theo những người sáng lập của các đơn vị tham gia Vietnam Summer Fair 2022, tiềm năng của khởi nghiệp sáng tạo từ chất liệu văn hóa truyền thống rất phong phú và đa dạng. Anh Đinh Việt Phương, nhà sáng lập Công ty 3D Art cho rằng, nguồn tư liệu về dữ liệu truyền thống của Việt Nam rất lớn, gần như không giới hạn. Việt Nam có 54 dân tộc với lịch sử lâu đời, nhiều giá trị đặc sắc là chất liệu, cảm hứng để các đơn vị khởi nghiệp tạo ra các kế hoạch kinh doanh dựa trên các sản phẩm truyền thống.

Tuy vậy, việc khởi nghiệp trong lĩnh vực này gặp rất nhiều khó khăn. Anh Lương Hoài Trọng Tính, nhà sáng lập Đại Nam Hội quán chia sẻ, hiện nay, vẫn chưa có sự kết hợp chặt chẽ giữa những cơ sở nghiên cứu văn hóa chuẩn mực và những người thực hành văn hóa. Công việc nghiên cứu và thực hành văn hóa vẫn còn riêng biệt. Vì thế, chúng tôi phải bỏ công tìm kiếm, sưu tầm, học hỏi cũng như chọn ra được những đặc trưng đặc biệt của văn hóa để áp dụng vào sản phẩm. Hoạt động nghiên cứu có giá trị rất lớn trong việc phát triển cộng đồng công nghiệp văn hóa. Nếu có thể kết hợp được giữa việc nghiên cứu và áp dụng nó vào trong các sản phẩm của đời sống sẽ tạo nên những sản phẩm văn hóa đặc trưng.

Để vượt qua khó khăn, những người hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo văn hóa phải có nội lực, sự kiên trì, đặc biệt là niềm đam mê. “Những giá trị, dữ liệu văn hóa truyền thống tạo ra sự kết nối, sức mạnh để chúng tôi vượt qua khó khăn. Nhiều người vì tình yêu với lịch sử văn hóa đã giúp đỡ chúng tôi vô điều kiện để tạo ra sản phẩm quảng bá lịch sử văn hóa của Việt Nam. Lịch sử văn hóa là chất liệu tạo ra nguồn cảm hứng, sự sáng tạo và gắn kết những người đam mê”, anh Đinh Việt Phương khẳng định.

Ở Thừa Thiên Huế, thời gian gần đây xuất hiện nhiều bạn trẻ khởi nghiệp từ văn hóa truyền thống. Đây là hướng đi đúng để đưa văn hóa truyền thống hòa nhập vào cuộc sống đương đại, nhất là trong bối cảnh tỉnh đang phát triển dựa trên nền tảng văn hóa và di sản theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.

Ông Cung Trọng Cường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh nói: “Sắp tới, Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh sẽ có những hỗ trợ cụ thể cho lĩnh vực sáng tạo văn hóa nghệ thuật. Trước mắt, tập trung vào việc tạo môi trường kết nối với hai đầu đất nước để cùng với sự sáng tạo của những người khởi nghiệp tạo ra những giá trị riêng cho Huế. Tiếp đó là có chiến lược đưa sản phẩm từ nền tảng văn hóa Huế ra với thế giới”.

Ông Phan Thiên Định cho hay, TP. Huế đang hướng đến xây dựng không gian “Ngôi nhà Huế” trên tuyến đường Lê Lợi. Đây là nơi gặp gỡ của những người làm nghiên cứu và thực hành văn hóa, nơi trưng bày miễn phí cho các đơn vị khởi nghiệp trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ, văn hóa, nghệ thuật… tạo nên sự hỗ trợ thiết thực cho sự phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn TP. Huế.  

Bài, ảnh: Minh Hiền

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đến bảo tàng để thêm yêu văn hóa truyền thống

Bảo tàng Mỹ thuật Huế không chỉ là không gian trưng bày các triển lãm thu hút công chúng tham quan, mà những năm qua, nơi này đã trở thành điểm đến như một trường học trải nghiệm cho các em học sinh. Không chỉ hiểu thêm về nghệ thuật như hội họa, sắp đặt…, các em còn được nhập vai để cho ra tác phẩm theo cách của riêng mình.

Đến bảo tàng để thêm yêu văn hóa truyền thống
Khởi nghiệp với mô hình nuôi thỏ và chuột lang

Viết tiếp ước mơ thuở nhỏ khi chọn trở về quê hương nuôi thỏ, chuột lang nhà, với Nguyễn Duy Lanh, chàng trai Hương Xuân (Hương Trà), tuy gian nan, khó khăn song những thành quả thu được lại vô cùng quý giá.

Khởi nghiệp với mô hình nuôi thỏ và chuột lang
Khơi nguồn các ý tưởng, dự án khởi nghiệp

Nhằm khơi nguồn và phát triển những ý tưởng, sản phẩm sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh, phát huy động lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của giới trẻ, cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) huyện Quảng Điền lần thứ I năm 2023” đã thu hút đông đảo đoàn viên, thanh niên trong toàn huyện tham gia và thu được những kết quả tốt đẹp.

Khơi nguồn các ý tưởng, dự án khởi nghiệp
Chị Hà làm kinh tế

Từ miền Bắc xa xôi, theo chồng, chị Lê Việt Hà (sinh năm 1982) đã đến phường Phú Bài, TX. Hương Thủy để lập nghiệp. Gặp vô vàn khó khăn trong quá trình khởi nghiệp, nhưng chẳng nản lòng, chị Hà đã từng bước gầy dựng và phát triển kinh tế từ mô hình vườn ươm cây giống và vườn ao chuồng (VAC).

Chị Hà làm kinh tế
Return to top