ClockChủ Nhật, 06/01/2019 10:02

Dựa vào truyền thống là cách truyền dạy tốt nhất

TTH - Đó là chia sẻ của nghệ nhân Trần Thảo khi nói về phương pháp bảo tồn Nhã nhạc và cách lan tỏa di sản văn hóa phi vật thể này trong cộng đồng hiện nay. Qua câu chuyện đậm “chất Huế, hơi Ngự” của mình, Nghệ nhân Trần Thảo mong muốn Nhã nhạc luôn được bảo tồn đúng với giá trị lịch sử, qua cách truyền dạy cũng như các hoạt động biểu diễn, thực hành trong đời sống hiện đại.

“Cần xác định đúng loại hình âm nhạc của Nhã nhạc”“Đường đến tuần lễ vàng”: Trân quý bài học gìn giữ di sản văn hóa

Nghệ nhân Trần Thảo

Nghệ nhân Trần Thảo là con trai của cố nghệ nhân Trần Kích - người từng được nước Pháp phong tặng danh hiệu Hiệp sĩ Văn học nghệ thuật. Ông từng trực tiếp tham gia giảng dạy Nhã nhạc tại Nhà hát Nghệ thuật truyền thống cung đình Huế. Ngoài vai trò Chủ nhiệm CLB Nhã nhạc và ca Huế Phú Xuân, ông còn tham gia thỉnh giảng Nhã nhạc tại Học viện Âm nhạc Huế từ năm 1996 đến nay. Ông nói: Từ sau năm 1945, triều đình Huế không còn nhưng không phải vì thế mà Nhã nhạc cung đình Huế mất theo. Bởi lẽ, từ nhiều năm trước đó, nhiều nghệ nhân trong các đội nhạc cung đình đã có những hoạt động giao lưu với các nghệ nhân ngoài dân gian. Qua sự giao lưu ấy, nhiều bài bản chốn cung đình được theo chân các nghệ nhân lan tỏa ra ngoài. Thêm vào đó, sau năm 1945, môi trường diễn xướng cung đình không còn, nhiều nghệ nhân lại trở về với cuộc sống đời thường, làm nghề kiếm sống trong các đám hiếu hoặc đám chay ở các am, chùa. Trong số những nghệ nhân ấy, có cả cha tôi – nghệ nhân Trần Kích.

Nghệ nhân Trần Kích là người tiên phong ký âm và ứng dụng vào việc ghi chép các bài bản Nhã nhạc. Theo ông, việc này có ý nghĩa như thế nào?

Khác với nhiều nghệ nhân khác, ngoài hướng dẫn học trò cách nhấn nhá, rung, vỗ, luyến láy, cha tôi còn sử dụng bài bản ký âm để truyền dạy nhạc truyền thống Huế. Bản thân tôi, sau nhiều năm tham gia công tác giảng dạy, thấy rằng đó là phương pháp hay và chỉ có cách đó mới chuyển hết được cái hồn của âm nhạc dân tộc Việt vào trong cách biểu diễn.

Biểu diễn Nhã nhạc tại Hội nghị Di sản văn hóa phi vật thể châu Á - Thái Bình Dương 2018

Trước năm 1975, đa số các trường học ở Huế đều truyền dạy nhịp điệu âm nhạc theo các nốt cơ bản của âm nhạc phương Tây, gồm: Đồ, rê, mi, fa, son. Đây là cách dạy khoa học, người học dễ hiểu, dễ nắm bắt nhưng thực tế lại “cứng như ngôi nhà chỉ mới xây xong phần thô”. Không diễn tả hết được sự mềm mại, rung nhấn, vỗ của nhạc cổ dân tộc Việt. Cha tôi đã ký âm các bài bản Nhã nhạc theo các chữ tương đương, gồm: Họ, xự, xàng, xê, cống. Tuy nhiên, để “ngôi nhà mới xây phần thô” ấy mềm mại đúng điệu âm nhạc truyền thống của Việt Nam, bản nhạc có phần hồn thì nhất định người học phải được truyền dạy trực tiếp bởi các nghệ nhân. Chỉ bằng cách truyền khẩu, truyền ngón trực tiếp, các nghệ nhân mới truyền dạy được người học kỹ thuật vỗ, rung, luyến láy đúng nốt nhạc. Xưa, tôi học ở trường theo lối ký âm phương Tây, về nhà được cha dạy thêm cách tạo nốt rung, luyến láy theo chữ nhạc cổ. Hai cách học này bổ trợ cho nhau rất tốt. Sau này, tôi cũng áp dụng cách này trong truyền dạy cho học trò.

Tuy cấp độ được vinh danh khác nhau, nhưng cả Nhã nhạc và ca Huế đều là di sản văn hóa phi vật thể xứ Cố đô. Theo ông, có sự liên quan nào giữa hai di sản này?

Nhã nhạc không có lời, chỉ có âm nhạc. Trong khi các bài bản ca Huế thì có lời. Như Nhã nhạc, ca Huế cũng khởi nguồn từ chốn cung vua, phủ chúa. Ca Huế được định hình với một số bài bản, như: “Long ngâm”, “Ngũ đối thượng”, “Ngũ đối hạ”, “Đăng đàn cung” và các bài bản trong hệ thống “Mười bài ngự” (Phẩm tuyết, Nguyên tiêu, Hồ quảng, Liên hoàn, Bình bán, Tây mai, Kim tiền, Xuân phong, Long hổ, Tẩu mã… Đây là những giai điệu của Nhã nhạc được các quan, các nghệ nhân nghe quá quen, quá thích và đặt lời, tạo thành những bài ca Huế. Điều này tạo nên sự đặc biệt cho Nhã nhạc và có thể hiểu Nhã nhạc là âm nhạc cung đình nhưng có chức năng kép.

Nhiều năm gắn bó với công tác truyền dạy Nhã nhạc, ông có thể chia sẻ một kỷ niệm ấn tượng của mình?

Tham gia giảng dạy nhiều năm, có nhiều cơ hội được biểu diễn Nhã nhạc ở nhiều nước trên thế giới, nhưng đến nay tôi vẫn rất ấn tượng về một nhóm nhạc tự phát ở tận miền Tây Nam bộ.

Hơn 12 năm trước, nhóm nhạc ấy đã ra Huế mời các nghệ nhân nghệ thuật truyền thống, trong đó có tôi vào miền Tây dạy họ cách thực hành. Ông chủ nhóm nhạc là một nhạc công, vô cùng đam mê âm nhạc truyền thống. Trước khi tìm đến chúng tôi, các thành viên trong nhóm đã được gửi học nhạc tại một tòa thánh. Tuy nhiên, khi được tin Nhã nhạc – Âm nhạc cung đình Việt Nam được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, họ biết đây chính là cội nguồn âm nhạc dân tộc nên quyết theo học. Nhóm nhạc khoảng 40 người, nhỏ tuổi nhất 12, lớn nhất 30 tuổi. Điều khiến tôi thương cảm mãi là nhóm nhạc đến với nhau hoàn toàn bằng niềm đam mê. Nhóm phí không nhất thiết là tiền mà hoàn toàn có thể là sản phẩm cây nhà lá vườn. Cứ thế, vì chung một niềm đam mê mà họ nương tựa vào nhau. Đến nay, nhóm vẫn tồn tại và làm nghề bằng tất cả niềm đam mê của họ. 

Là Chủ nhiệm CLB Nhã nhạc và ca Huế Phú Xuân, điều ông vẫn trăn trở là gì?

Mùa hè năm 1992, sau khi được UBND TP. Huế tập trung để làm một chương trình Nhã nhạc tham gia liên hoan văn hóa Việt – Pháp, các nghệ nhân thế hệ trước, như: cụ Nguyễn Mạnh Cẩm, cụ Nguyễn Kế, cụ Trần Kích… đã cùng nhau thành lập CLB Nhã nhạc và ca Huế Phú Xuân và từ đó đến nay, CLB thường xuyên có mặt tại các hoạt động văn hóa nghệ thuật của thành phố. CLB không có kinh phí để hoạt động, chúng tôi cũng không bỏ cuộc. Hàng tháng, chúng tôi đều gặp nhau một lần để sinh hoạt, hoặc chuẩn bị cho chương trình nào đó. Nhưng thú thật, hội viên của CLB đang ngày càng ít. Trước đây, có thời điểm CLB có gần 30 hội viên, nhưng nay chỉ còn khoảng 15. Không phải không có người trẻ tiếp nối, mà có thể nói là người đáp ứng được yêu cầu “chuẩn nghề” của CLB không có nhiều, trong khi các nghệ nhân có tuổi lại “không thể đợi”. 

Ông từng nói một học viên Nhã nhạc sau khi được đào tạo bài bản vẫn cần đến 2 năm lăn lộn thực tế mới đáp ứng được yêu cầu công việc. Nguyên nhân do đâu?

Đây là thực trạng chung của nhiều ngành nghề, không riêng âm nhạc truyền thống. Vấn đề ở chỗ trường nghề không có nhiều môi trường thực tế như trường đời, nên thời gian đầu ra nghề, các em cần phải được trường đời bổ sung thêm phần thực hành ấy. Thực tế, di sản Nhã nhạc để lại một khối lượng bài bản rất lớn, theo hai hệ thống: Đại nhạc và tiểu nhạc. Ngoài những bài bản độc lập, đại nhạc còn được sử dụng để làm nhạc nền cho tuồng cung đình, múa cung đình, thậm chí còn được sử dụng trong âm nhạc tôn giáo như đám hiếu, đám chay, cầu siêu, hầu văn… Do đó, trường đời có nhiều cơ hội để thực hành nghề biểu diễn âm nhạc truyền thống, thông qua các hoạt động nghi lễ ở các am miếu, chùa chiền và các hoạt động đời sống tinh thần của người dân.

“Đừng chần chừ với chế độ đãi ngộ nghệ nhân” là vấn đề được nói nhiều, nhưng vẫn rất đáng suy nghĩ. Là thành viên “gia đình nghệ nhân”, ông nghĩ gì về câu chuyện này?

Để có kinh phí lo cho hết các nghệ nhân là chuyện khó. Và đây là câu chuyện không riêng đối với nghệ nhân âm nhạc truyền thống dân tộc, mà cả nghệ nhân của các ngành nghề khác cũng vậy. Nhưng âm nhạc truyền thống dân tộc là lĩnh vực đặc thù, cần thiết có sự truyền dạy trực tiếp giữa nghệ nhân và người học. Tôi lo, nếu không có những chế độ đãi ngộ và khai thác phù hợp, các nghệ nhân có tuổi ngày càng mất đi nhiều thì chúng ta sẽ bị mất phần di sản sống rất đáng quý này. Hơn nữa, nghệ nhân là những người đã dành trọn cuộc đời để cống hiến cho những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Nếu về già ít được quan tâm, chắc chắn họ sẽ ít nhiều tủi thân.

Xin cảm ơn nghệ nhân!

ĐỒNG VĂN (thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quy ước của các “trộ” đua thuyền truyền thống

Đối với cư dân Đông Nam Á nói chung, gắn với đời sống sông nước và truyền thống nông nghiệp lúa nước, lễ hội đua thuyền là một sinh hoạt văn hóa phổ biến, có lịch sử lâu đời, được thực hiện với mục đích chính là cầu ngư, cầu mưa, cầu an và thể hiện tinh thần thượng võ, vui chơi giải trí.

Quy ước của các “trộ” đua thuyền truyền thống
Tuổi trẻ với sứ mệnh bảo tồn động vật hoang dã

Ngày 7/4, Dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC) phối hợp với Trường đại học Nông Lâm (Đại học Huế) tổ chức buổi tọa đàm: Sinh viên với hành động vì động vật hoang dã.

Tuổi trẻ với sứ mệnh bảo tồn động vật hoang dã
Tìm hướng bảo tồn di sản nghệ thuật bài chòi

Sau 5 năm triển khai, Đề án Bảo vệ và phát huy giá trị di sản nghệ thuật bài chòi trên địa bàn tỉnh dù đạt nhiều thành quả nhưng vẫn đối mặt rất nhiều khó khăn. Trong đó phải kể đến môi trường diễn xướng cho loại hình di sản này vẫn chưa nhiều và có nhiều thay đổi theo chiều hướng hiện đại, chương trình quảng bá chưa rộng rãi nên chưa thu hút người tham gia…

Tìm hướng bảo tồn di sản nghệ thuật bài chòi
Giáo dục truyền thống cho chiến sĩ mới

Ngày 30/3, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh tổ chức cho 115 chiến sĩ mới dâng hoa, dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và tham quan Phòng Truyền thống BĐBP tỉnh. Đây là một trong những hoạt động giáo dục truyền thống cho cán bộ, chiến sĩ; đặc biệt là chiến sĩ mới (CSM) nhập ngũ năm 2024.

Giáo dục truyền thống cho chiến sĩ mới
Return to top