ClockChủ Nhật, 01/05/2011 14:24

Ẩm thực chay ở Huế

TTH - Khác với không khí ồn áo, náo nhiệt như các nhà hàng thông thường, khi bước chân vào các nhà hàng, quán ăn phục vụ ẩm thực chay thực khách sẽ cảm thấy thật thanh tịnh và thư thái.

Các con phố lớn ở Huế, như Đinh Tiên Hoàng, Hàn Thuyên, Bến Nghé, Chu Văn An, Lê Qúy Đôn, Lê Lợi..., hàng chục quán chay thuộc các DN, nhà chùa hay hộ tư nhân mọc lên khắp nơi đã tạo thêm sự phong phú và đa dạng cho ẩm thực Huế. Từ những cái tên quen thuộc như Bồ Đề của Công ty CP Du lịch Hương Giang, Liên Hoa thuộc Tuệ Tĩnh đường Liên Hoa đến các quán chay của các hộ tư nhân như Tịnh Tâm, Thiền Tâm, Thiên Phú, Bồ Đề Quán, Cát Tịnh... Cũng từ đó, ẩm thực chay đã trở thành một trong những hương vị không thiếu trong đời sống của người dân Huế cũng như khách du lịch.

Từ các quán chay tư nhân...
 
Tọa lạc trên một khu đất rộng 1.500m2 ở 110A Lê Ngô Cát, TP Huế với lối kiến trúc nhà rường Huế, Nhà hàng chay Thiền Tâm mặc dù mới khai trương chưa đầy 2 tháng, song đã trở thành một trong những địa chỉ thưởng thức ẩm thực chay quen thuộc của người dân Huế và khách du lịch. Tốt nghiệp Trường đại học Mỹ thuật Huế, cả hai vợ chồng họa sĩ Hoàng Thanh Phong và Nguyễn Thị Huệ quyết định đầu tư 4 tỷ đồng để xây dựng nhà hàng chuyên phục vụ ẩm thực chay và Trung tâm triển lãm mỹ thuật (Galery) Gakka phục vụ du khách. Với công suất trên 200 chỗ, nhà hàng bao gồm khu dành riêng cho quý tăng ni và hai gian nhà rường dành riêng để phục vụ khách. Với trên 100 món ăn được chế biến từ những bàn tay khéo léo và các chuyên gia ẩm thực Huế, bên cạnh những món chay cung đình, như nem công, chả phượng là những món ăn chay dân dã như các loại bánh Huế, cháo nấm, cơm chiên thập cẩm, chả bắp, mít trộn, lẩu nấm... Đặc biệt, một số món ăn chay của nhà hàng có một đặc điểm chung đó là có lợi cho sức khỏe được chế biến từ gạo lứt hay các món ăn chế biến từ mè đen, dầu phụng... nên đã thu hút khá đông du khách và người dân Huế thưởng thức.
 
 
Anh Hoàng Thanh Phong, chủ nhà hàng chay Thiền Tâm cho biết: “Với mong muốn tạo ra một địa điểm phục vụ ẩm thực chay mang đậm bản sắc văn hóa Huế, văn hóa Việt Nam để phục vụ khách du lịch, nhà hàng được thiết kế theo lối kiến trúc nhà rường Huế cùng với không gian thoáng đãng nằm trên tuyến du lịch thăm các lăng tẩm, chùa chiền ở Huế. Cùng với ẩm thực chay, thực khách sẽ có cơ hội thưởng thức các công đoạn vẽ tranh, vẽ chân dung, mua sắm các sản phẩm lưu niệm độc đáo do nhiều họa sĩ ở Huế tự tay thiết kế.”
 
Nằm khuất sâu ở cuối đường Hàn Thuyên, Bồ Đề quán cũng là một điểm đến quen thuộc và gần gũi với những ai thích thưởng thức ẩm thực chay. Quy mô hộ gia đình, song quán chay này đã thu hút được nhiều thực khách với các món chay được chế biến từ các loại đậu đỗ, rau sạch có xuất xứ từ địa phương. Không cầu kỳ, sang trọng, các món ăn ở đây có giá vừa phải, hợp với túi tiền của những người thu nhập thấp, chỉ dao động từ 7.000- 30.000đ/món nên số lượng khách đến thưởng thức khá đông. “Ăn chay là một sở thích chung của cả gia đình, từ ông bà nội đã lớn tuổi đến các con nhỏ. Vậy nên, cứ cuối tuần hay vào các dịp lễ, thay vì đến các nhà hàng mặn để thư giãn thì cả gia đình tôi chọn các quán chay bình dân để sum họp và ăn uống. Các món chay ở Huế khá phong phú và nhiều chủng loại nên rất phù hợp với mọi lứa tuổi”. Chị Hoài Anh trú tại phường Thuận Thành, Huế cho biết. 
 
…đến nhà chùa
 

Chế biến các món ăn chay rất cần sự khéo léo và tỉ mỉ

 
Nhắc đến ẩm thực chay ở Huế thì không thể không nhắc đến quán cơm chay dưỡng sinh Liên Hoa thuộc Tuệ Tĩnh đường Liên Hoa, do nhà sư Tuệ Tâm xây dựng cách đây 4 năm tại số 3 Lê Qúy Đôn, TP Huế. Tọa lạc trong khuôn viên Tuệ Tĩnh đường Liên Hoa với những gian nhà được làm bằng tre và các nguyên vật liệu quen thuộc của người dân Huế, từ lâu, nơi đây đã trở thành điểm đến của không chỉ những người ăn trường chay mà cả người dân và khách du lịch. Với khoảng 150 món ăn chay có giá dao động từ 5.000- 50.000đ/món, trong đó có những món dành riêng cho khách du lịch nước ngoài như cà ri bánh mì, mỳ sandwics sốt mayonnase cùng với các món chay dân dã như phở khô, cơm chiên, chè lục tàu xá, chè sen, gỏi thập cẩm nhân duyên, gỏi vấn vương thương nhớ...
 

Chị Nguyễn Phương Mai, Trưởng Phòng Nghiệp vụ du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: “Khác với các năm trước, năm nay sở sẽ tiến hành thẩm định các điểm phục vụ ẩm thực chay trên địa bàn TP Huế với các tiêu chí về diện tích kinh doanh, có giấy chứng nhận VSATTP, vệ sinh môi trường, giấy khám sức khỏe của nhân viên và phòng chống cháy nổ, có bãi đổ xe ôtô... để công nhận và gắn biển cho các điểm dịch vụ này. Dự kiến, công tác thẩm định và gắn biển Dịch vụ du lịch đạt chuẩn (DVDLĐC) sẽ kết thúc trước khi Festival nghề truyền thống Huế 2011 khai mạc để du khách và người dân Huế có thể yên tâm lựa chọn các điểm ăn uống đạt chuẩn để thưởng thức”.

Cô Trần Thị Hồng Mai, quản lý quán cơm chay Liên Hoa cho biết: “Ngay từ tên quán là cơm chay dưỡng sinh nên các món ăn ở đây chế biến nhằm vào mục đích đầu tiên đó là chữa bệnh. Vì vậy, đa số các món ăn đều được chế biến từ các thực phẩm rau củ quả sạch và có nguồn gốc rõ ràng, không pha chế các phụ gia độc hại và hạn chế tối đa việc sử dụng bột ngọt. Vì thế nên từ khi khai trương đến nay, quán luôn thu hút khá đông khách, đặc biệt là các ngày 30, 1 và 14, 15 âm lịch hằng tháng, quán phục vụ từ 300-400 lượt khách/ngày.”
 
Festival nghề truyền thống Huế năm nay có chủ đề “Bếp Việt trong vườn Huế” đang diễn ra với sự chuẩn bị khá chu đáo và công phu của UBND TP Huế và các ban, ngành liên quan. Ẩm thực chay sẽ là một trong những điểm đến hấp dẫn và mới lạ để du khách thưởng thức và khám phá nét độc đáo trong cách chế biến cũng như những rét riêng của loại ẩm thực này.
 
Bài, ảnh: Thanh Hương
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Bùng nổ vị giác” với bánh canh cá lóc

Từ bé, tôi đã ngưỡng mộ kỹ thuật xắt bột điêu nghệ của các o, các dì hàng bánh canh cá lóc. Họ cán dẹt bột bằng một tấm trụ tròn, sau đó dùng dao xắt trực tiếp vào nồi nước dùng đang nghi ngút khói, từng sợi bánh canh bay như thoi đưa, rất khéo léo và chính xác. Bột chín rồi thì được vớt ra tô, rưới nước dùng lên và cho thêm trứng cút, cá lóc và hành lá. Nồi thịt cá lóc đã được ráy sẵn đỏ au là điểm nhấn bắt mắt của hàng bánh canh.

“Bùng nổ vị giác” với bánh canh cá lóc
Xây dựng thương hiệu thành phố sáng tạo từ cơ sở văn hóa ẩm thực Huế

Thừa Thiên Huế đang tập trung xây dựng để gia nhập vào Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO với tôn chỉ hướng tới là thúc đẩy nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị bền vững. Có 7 lĩnh vực sáng tạo được xác định để UNESCO xét ghi danh, tham gia mạng lưới, gồm: thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian, thiết kế, điện ảnh, ẩm thực, văn học, nghệ thuật truyền thông đa phương tiện và âm nhạc. Trong những lĩnh vực đó, Thừa Thiên Huế chọn ưu thế về tiêu chí Ẩm thực để tiến hành điều nghiên, lập hồ sơ trình xét trong năm 2024.

Xây dựng thương hiệu thành phố sáng tạo từ cơ sở văn hóa ẩm thực Huế
Bánh cuốn tôm chua, mỹ vị cung đình dần rơi vào quên lãng

Huế vốn được coi là kinh đô ẩm thực, là cái nôi sản sinh ra những món ăn đậm chất kỳ công, tinh tế mà hài hòa của ẩm thực cung đình. Cùng với đó là sự đa dạng, thẩm mỹ cũng như cầu kỳ của ẩm thực dân gian. Và bánh cuốn tôm chua chính là sự giao thoa kết hợp hoàn hảo giữa hai nền ẩm thực đó.

Bánh cuốn tôm chua, mỹ vị cung đình dần rơi vào quên lãng
Vang danh ẩm thực Huế

Sau khi Huế lọt top những thành phố có đồ ăn ngon nhất thế giới 2023 - Best Food Cities in the World, đến lượt cơm hến và mè xửng được xác lập kỷ lục châu Á năm 2023 - 2024. Trên bước đường xây dựng Huế - Kinh đô ẩm thực, ẩm thực Huế đang tiếp tục vang tiếng gần xa.

Vang danh ẩm thực Huế

TIN MỚI

Return to top