ClockThứ Hai, 09/05/2011 17:57

Ẩm thực Huế trở thành di sản văn hoá của nhân loại : Một đề xuất đáng được lưu tâm

TTH - Tại buổi tọa đàm “Phong vị ẩm thực Việt” trong khuôn khổ Festival Nghề truyền thống 2011, Tiến sĩ Nguyễn Nhã, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ẩm thực Việt Nam đề xuất ý kiến rất đáng lưu tâm, đó là Huế nên nghĩ ngay đến việc lập hồ sơ để đệ trình lên UNESCO, công nhận ẩm thực Huế, đại diện tiêu biểu của nền ẩm thực Việt trở thành di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Xứng đáng được vinh danh

Văn hóa ẩm thực nước ta có rất nhiều lợi thế để trở thành di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Trước hết, khi nói đến ẩm thực Việt Nam, đặc biệt là ẩm thực Huế, không chỉ người dân Việt Nam mà tất cả các du khách đến từ các nước trên thế giới đều phải thừa nhận Việt Nam là một cường quốc về ẩm thực và Huế chính là địa phương đại diện, còn bảo lưu được nhiều nhất những giá trị văn hóa ẩm thực, thể hiện nét đặc trưng riêng có vừa là sự tổng hợp, kế thừa phát triển từ các nét văn hóa ẩm thực độc đáo, đặc sắc của các vùng miền khác trên đất nước. Ẩm thực Huế thể hiện tính chất đa dạng, phong phú, không chỉ trong dân gian mà cả của giới quý tộc, cung đình, và một lĩnh vực thể hiện bản sắc rất riêng là ẩm thực chay phục vụ giới tăng ni, phật tử. Hơn thế, do là Cố đô của triều đại phong kiến cuối cùng, kết thúc cách nay chưa lâu nên các giá trị văn hóa, trong đó có nghệ thuật ẩm thực vẫn còn hiện diện rõ nét trong đời sống của người dân Huế, đặc biệt là trong những người hoàng tộc. Bên cạnh đó, hiện còn có những đầu bếp – hay còn gọi là nghệ nhân ẩm thực được thừa hưởng sự truyền nghề tiếp nối từ thế hệ đi trước.

Một góc ẩm thực Huế tại Festival nghề truyền thông Huế 2011 - ảnh từ internet
Phải làm gì?
 Việt Nam có khoảng 1700 món ăn, trong đó chỉ riêng Huế đã có 1300 món, một số ý kiến khác còn cho rằng, số món ăn ở Huế có thể lớn hơn con số 1300 rất nhiều (có ý kiến cho rằng, Huế có đến gần 3000 món ăn). Tuy nhiên, thực tế cho thấy số lượng các món ăn còn hiện diện trong các bữa ăn, đám tiệc, thực đơn khách sạn ở Huế… không còn nhiều như con số thống kê đưa ra. Nhiều món trong số đó chỉ còn nghe đến tên và không còn giữ được cách thức chế biến, thậm chí không ít đã bị thất truyền. Những cuốn sách mang tính sử liệu về loại hình văn hóa này tuy còn nhưng không nhiều, ví như cuốn “Thực phổ bách thiên” rất nổi tiếng của bà Trương Đăng Thị Bích cũng chỉ mới đưa ra cách thức chế biến của 100 món ăn; Cuốn “Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ” của triều Nguyễn cũng không thể kể hết những món ngon cung đình của các triều vua. Đã đến lúc, chúng ta cần nghiên cứu, sưu tầm, phục hồi cách thức chế biến các món ăn đã từng có trước đây, nhất là các món ăn trong thực đơn bữa ăn, yến tiệc của cung đình triều Nguyễn với hàng trăm món ăn. Việc giáo dục, đào tạo, truyền nghề từ các nghệ nhân ẩm thực cho các thế hệ tiếp theo cần được quan tâm nhiều hơn, trước hết là phục hồi bộ môn nữ công gia chánh ở một số trường học bậc phổ thông. Các ý tưởng, như xây dựng chợ ẩm thực, bảo tàng ẩm thực tại Huế cũng cần được lưu tâm. Đối với công việc làm hồ sơ đệ trình di sản thì chúng ta đã có không ít kinh nghiệm nhất là trong quá trình làm hồ sơ cho quần thể di tích cố đô Huế và nhã nhạc cung đình, nghĩa là chúng ta biết phải thực hiện như thế nào để hồ sơ theo đúng trình tự, thủ tục, cách thức với sự kỳ công cần phải có.
Hy vọng, không xa, với sự tâm huyết cũng như sự kỳ vọng, ẩm thực Việt Nam nói chung và ẩm thực Huế nói riêng sẽ được thế giới sớm vinh danh Di sản văn hóa thế giới, để trở thành một thương hiệu mang tính quốc gia, là một phần của “quốc hồn, quốc túy” Việt Nam.
Quang Phong
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Bùng nổ vị giác” với bánh canh cá lóc

Từ bé, tôi đã ngưỡng mộ kỹ thuật xắt bột điêu nghệ của các o, các dì hàng bánh canh cá lóc. Họ cán dẹt bột bằng một tấm trụ tròn, sau đó dùng dao xắt trực tiếp vào nồi nước dùng đang nghi ngút khói, từng sợi bánh canh bay như thoi đưa, rất khéo léo và chính xác. Bột chín rồi thì được vớt ra tô, rưới nước dùng lên và cho thêm trứng cút, cá lóc và hành lá. Nồi thịt cá lóc đã được ráy sẵn đỏ au là điểm nhấn bắt mắt của hàng bánh canh.

“Bùng nổ vị giác” với bánh canh cá lóc
Xây dựng thương hiệu thành phố sáng tạo từ cơ sở văn hóa ẩm thực Huế

Thừa Thiên Huế đang tập trung xây dựng để gia nhập vào Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO với tôn chỉ hướng tới là thúc đẩy nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị bền vững. Có 7 lĩnh vực sáng tạo được xác định để UNESCO xét ghi danh, tham gia mạng lưới, gồm: thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian, thiết kế, điện ảnh, ẩm thực, văn học, nghệ thuật truyền thông đa phương tiện và âm nhạc. Trong những lĩnh vực đó, Thừa Thiên Huế chọn ưu thế về tiêu chí Ẩm thực để tiến hành điều nghiên, lập hồ sơ trình xét trong năm 2024.

Xây dựng thương hiệu thành phố sáng tạo từ cơ sở văn hóa ẩm thực Huế
Bánh cuốn tôm chua, mỹ vị cung đình dần rơi vào quên lãng

Huế vốn được coi là kinh đô ẩm thực, là cái nôi sản sinh ra những món ăn đậm chất kỳ công, tinh tế mà hài hòa của ẩm thực cung đình. Cùng với đó là sự đa dạng, thẩm mỹ cũng như cầu kỳ của ẩm thực dân gian. Và bánh cuốn tôm chua chính là sự giao thoa kết hợp hoàn hảo giữa hai nền ẩm thực đó.

Bánh cuốn tôm chua, mỹ vị cung đình dần rơi vào quên lãng
Vang danh ẩm thực Huế

Sau khi Huế lọt top những thành phố có đồ ăn ngon nhất thế giới 2023 - Best Food Cities in the World, đến lượt cơm hến và mè xửng được xác lập kỷ lục châu Á năm 2023 - 2024. Trên bước đường xây dựng Huế - Kinh đô ẩm thực, ẩm thực Huế đang tiếp tục vang tiếng gần xa.

Vang danh ẩm thực Huế

TIN MỚI

Return to top