ClockThứ Năm, 26/12/2013 14:06

Bà Đá và dấu tích tín ngưỡng Chăm Pa

TTH - Bà Đá là tên gọi người dân đặt cho bức phù điêu bằng đá được thờ tại một ngôi miếu nằm ở ngã ba Sình, thuộc địa phận làng Thanh Phước, xã Hương Phong, thị xã Hương Trà. Có rất nhiều câu chuyện kỳ bí được thêu dệt thành huyền thoại, nếu gạt bỏ đi các chi tiết ly kỳ sẽ hiển lộ ra dấu tích của văn hóa Chăm Pa trên vùng đất này.

Đây là một kiểu thờ như vô số kiểu thờ Thần đạo của người Việt ta trên khắp cả nước từ xưa tới nay. Nhưng điều đáng nói, tín ngưỡng thờ Bà Đá (còn gọi là Kỳ Thạch phu nhân) được sự thừa nhận của nhà Nguyễn. Sự xuất hiện của bức tượng đá và sự linh ứng của nó được nhắc đến trong sách “Đại Nam nhất thống chí”.

Hộp đựng sắc phong Kỳ Thạch phu nhân tại chùa làng Thanh Phước

Bà Đá còn được nhà Nguyễn nhiều lần ban tặng sắc, bản sắc phong sớm nhất được ban vào ngày 26 tháng 07 năm Minh Mệnh nguyên niên (1820). Sau này triều Nguyễn còn có nhiều lần phong sắc tiếp như thời Thiệu Trị (4 lần sắc), Tự Đức (2 lần sắc), Đồng Khánh (2 lần sắc). Hiện nay các sắc phong này đang được lưu giữ tại chùa làng Thanh Phước. Như vậy, căn cứ vào bản sắc phong sớm nhất cho Kỳ Thạch phu nhân, có thể khẳng định tục thờ “Bà Đá” trong dân gian có từ trước thời Minh Mệnh và được nhà nước phong kiến cho cất đặt thờ tự.

Trong quá trình tiếp cư tại vùng Thuận Hóa xưa của dân tộc Việt, việc thờ nhiều vị thần có tính chất đa nguồn gốc đã thể hiện sự tiếp biến và giao lưu văn hóa giữa người Việt và cư dân bản địa. Kỳ Thạch phu nhân là một trong những vết tích tín ngưỡng, là kết quả của sự giao thoa văn hóa đó. Thần được gắn liền với tính nữ, tức là yếu tố người mẹ, gợi lên sự bảo vệ và che chở, đồng thời dễ liên tưởng đến “Bà Mẹ xứ sở” của dân tộc Chăm Pa.

Từ việc mô tả dạng tượng như trong sách Đại Nam nhất thống chí, các nhà nghiên cứu đã tìm hiểu và cho rằng đây là một bức phù điêu Chăm Pa. Nhà nghiên cứu Huế Nguyễn Xuân Hoa trong một bài phỏng vấn đã cho biết: “Tảng đá được thờ trong miếu Kỳ Thạch phu nhân có màu đen, hình dạng như nửa tấm bửng tròn có đáy 1,2m; cao 0,9m; dày 0,23m có chạm nhiều hình người và con vật. Các hình chạm chia thành 2 nhóm: Phần trên là một hình người hầu như trần truồng, ngồi trên tòa sen, hai chân xếp bằng và tay đặt trên đầu gối, bên phải có một con thú kì lạ và vài hình phác họa về người với nét vẽ non nớt; bên trái có hình khắc đàn ông, đàn bà, con nít, người cầm ly rượu, kẻ thổi sáo. Phần dưới có đám người ăn mặc nửa kín nửa hở. Có khoảng 20 cái tay mà bảy cái đeo vòng, có thể là tay đàn bà, nhưng chân thì chỉ có 4. Cạnh con người kì dị ấy thì bên phải chạm một người có 3 mặt đứng cầm cái chai và bị trói ngồi chồm hỗm, góc trái là một con voi chổng đuôi lên trời”. Cũng theo ông Hoa, nhân vật thể hiện chính trên tấm phù điêu có nhiều đầu, 20 tay có thể là hình ảnh quỷ chúa Ravana liên quan đến tích truyện Ravananugraha-murti trong thần thoại Ấn Độ.

Như vậy, ban đầu người Chăm Pa đã cư ngụ trên vùng đất này, sau đó cộng cư với dân Việt. Sau khi không còn ở đây nữa, họ bỏ lại những đền miếu cũ thì người Việt đã thờ cúng và Việt hóa tính chất thờ cúng. Một trong những biểu hiện của sự Việt hóa đó thể hiện ở chỗ hầu hết những bức tượng Chăm Pa đều không có trang phục, người Việt theo phong tục của mình mà khoác lên thần tượng xiêm y, áo mão đàng hoàng. Với “Bà Đá” làng Thanh Phước cũng không ngoại lệ. Như vậy, có thể thấy việc thờ cúng “Kỳ Thạch phu nhân” đã nói lên được sự trân trọng của người Việt đối với một di tích Chăm đồng thời cũng là sự tỏ lòng biết ơn của mình đối với cư dân Chăm, tiền chủ của xứ Huế ngày nay.

Nguyễn Thị Xuân Hiền
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ngày xuân, thăm Vọng Cảnh

Ra Giêng, tôi chở thằng con là sinh viên lên chơi đồi Vọng Cảnh, thăm lại nơi mà thời nó còn bé xíu, tôi đã từng chở nó đến, chỉ cho nó biết cây sim nó ra làm sao, và để cu cậu tự tay hái ăn những quả sim tím sẫm, mọng căng và ngọt lịm.

Ngày xuân, thăm Vọng Cảnh
Đầm Chuồn mùa đẹp nhất năm

Mùa hè thời điểm được xem là đẹp nhất của đầm Chuồn (xã Phú An, huyện Phú Vang). Khung cảnh bình minh hay hoàng hôn ở nơi đây chẳng khác gì một bức tranh thơ mộng.

Đầm Chuồn mùa đẹp nhất năm
Khám phá thác Kazan:

Thác Kazan là một trong những con thác có nguồn nước mát lành, chắt chiu từ lòng núi, khung cảnh hữu tình, hoang sơ và chưa chịu nhiều tác động của con người ở Nam Đông.

Khám phá thác Kazan

TIN MỚI

Return to top