ClockThứ Tư, 30/11/2011 05:15

Bài 2: Nỗi âu lo hữu lý và câu trả lời từ người có trách nhiệm

TTH - Trong khoảng thời gian gần chục năm trở lại đây, nhiều triển lãm cổ vật của Huế đã được tổ chức rất thành công tại một số nơi trong và ngoài nước, góp phần quảng bá hình ảnh, nâng cao vị thế và thu hút du khách đến Huế. Tuy nhiên, những cuộc triển lãm như vậy cũng khiến không ít người cảm thấy… hồi hộp. Người ta lo không biết cổ vật mang đi có bị… "hư hao sứt mẻ" gì không?...

Từ chuyện kiểm kê…

Có lẽ câu chuyện lưu lạc, thất tán của cổ vật Huế cho phép chúng tôi được dừng lại ở bài viết trước. Bởi lẽ, đó là cả một câu chuyện dài kỳ với nhiều ẩn ức, nhiều giai thoại, nhiều sương khói ảo huyền mà một số khảo cứu, một số bài viết đã đề cập. Vấn đề mà công chúng quan tâm bây giờ là với những gì còn lại của cổ vật Huế, chúng được giữ gìn, được phát huy như thế nào? Được làm giàu có thêm hay lại tiếp tục bị thất thoát? Câu chuyện một số cổ vật trưng bày tại lăng Khải Định bị kẻ gian đột nhập đánh cắp xảy ra cách đây chưa lâu một lần nữa khiến nhiều người không khỏi “nóng gan nóng ruột” với kho tàng bảo vật của Huế đô, của đất nước…
 
 
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân trong một cuộc chuyện trò với chúng tôi đã nói chuyện xưa rồi bất chợt hỏi chuyện nay: Ngày trước, cuối mỗi năm, trước khi nghỉ tết triều đình đều cử một hội đồng để lau chùi, kiểm kê tất cả những bảo tỷ, kim sách, kim bài, phù tín…là những bảo vật của triều đình. Nay, những bảo vật của quốc gia còn lưu lại có được quản lý, có được kiểm kê như vậy không? Rồi ở xứ người ta, khi đưa một bức tranh quý, một cổ vật… đi triển lãm, trưng bày, có cả phi đội để bảo vệ. Bảo hiểm rất lớn. Ta thời gian qua cũng có đưa cổ vật đi “giao lưu”, vậy thì có bảo vệ, bảo hiểm không?... Vân vân và vân vân. Những câu hỏi của NNC Nguyễn Đắc Xuân như “giọt nước tràn ly” khiến chúng tôi không thể không cất công tìm hiểu.
 
Không văn phòng với giấy má, bàn bureau trang trọng, ông Nguyễn Phước Hải Trung, Giám đốc Bảo tàng cổ vật cung đình (CVCĐ) Huế hẹn tôi tại một quán cà phê bên dòng Hương Giang thơ mộng. Có lẽ không gian mở, nên câu chuyện giữa chúng tôi cũng do vậy mà hết sức thoải mái, cởi mở và thẳng thắn.
 
 
“Đó là tài sản chung, cho nên bất kỳ ai cũng có quyền quan tâm, có quyền được biết…”- Ông Hải Trung mở đầu cuộc trao đổi như vậy. Ông Trung cho biết, kể từ ngày thống nhất đất nước cho đến tận năm 1995, nghĩa là mãi 20 năm sau ngày giải phóng, kho cổ vật của Bảo tàng CVCĐ Huế mới được làm một cuộc tổng kiểm kê một cách bài bản, khoa học. Cuộc kiểm kê này hội đủ đại diện tất cả các ban ngành hữu quan cấp tỉnh, do một vị Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Chủ tịch hội đồng; Giám đốc Trung tâm BTDTCĐ Huế làm Phó Chủ tịch hội đồng. Tất cả các cổ vật được kiểm kê đều được ghi chép, lập biên bản, sổ sách rất cụ thể. Bên cạnh đó, 100% hiện vật của Bảo tàng cũng đã được kiểm kê khoa học và lưu trữ thông tin trên một phần mềm do Bảo tàng xây dựng (phần mềm này đã được Tỉnh trao giải thưởng khoa học công nghệ năm 2007). Đó chính là sự bảo đảm cho tính khách quan của kho cổ vật Huế. Ngoài ra, theo những gì chúng tôi được tiết lộ, thì kho cổ vật Huế còn được sự quản lý, giám sát lẫn nhau một cách hết sức “chằng chịt” giữa các bộ phận hữu trách, cho nên việc đánh tráo, thất thoát là điều gần như không thể. Yêu cầu kiểm kê hàng năm, do vậy-theo ông Hải Trung-là điều không thật cần thiết bởi hết sức phức tạp, hết sức tốn kém và… thừa.
 
 
Tuy vậy, một số người vẫn cảm thấy không thỏa mãn. Họ đặt câu hỏi, mà chính xác hơn là đặt yêu cầu, rằng kiểm kê xong thì cần phải công bố-công bố chi tiết chứ không phải là một con số chung chung. Để làm gì? Để nhân dân-chủ nhân của kho cổ vật đó- biết được gia sản của mình đang có những thứ gì mà trân quý, mà tự hào, mà có cơ sở để giám sát, gìn giữ…Vậy nhưng, hình như việc công bố này vẫn chưa được thực hiện. Hoặc việc làm ấy là không được phép vì vi phạm nguyên tắc an ninh chăng(?) Nếu thế thì cũng rất cần một lời thưa để người dân mãn nguyện…
 

Điện Long An-nơi đứng chân Bảo tàng CVCĐ Huế hiện nay

 
…đến vấn đề bảo hiểm cho cổ vật
 
Trong khoảng thời gian gần chục năm trở lại đây, thông qua các cuộc triển lãm ra bên ngoài, cổ vật Huế đã đóng vai trò tích cực trong việc quảng bá hình ảnh văn hóa Huế; góp phần nhất định vào việc nâng cao vị thế và thu hút du khách đến Huế. Tính từ năm 2003 đến giữa năm 2011, Bảo tàng CVCĐ Huế đã tổ chức nhiều triển lãm cổ vật rất thành công tại Áo, Bỉ (9/2003-10/2004), Nhật Bản (9/2005), Hà Nội (11/2008), Hoa Kỳ (8/2009-5/2010), Hàn Quốc (11/2010-5/2011)... Tuy nhiên, những cuộc triển lãm như vậy cũng khiến không ít người cảm thấy… hồi hộp. Người ta lo không biết cổ vật mang đi có bị… “hư hao sứt mẻ” gì không? Và nói… dại, nếu nhỡ ra bị hư, bị vỡ, thậm chí cả bị đánh cắp thì có được bồi thường không? Ai bồi thường?...
 
 
“Quốc gia nhận hiện vật của Huế để triển lãm, theo chúng tôi thấy, người ta trân trọng như đó chính là hiện vật của họ. Công tác bảo quản, công tác đóng gói đều do các đơn vị chuyên nghiệp của thế giới thực hiện. Chẳng hạn như đợt đưa cổ vật đi triển lãm tại Áo, Mỹ trước đây, người ta mời hãng Tiger - một hãng đóng gói hàng đầu của châu Âu. Còn đi Hàn Quốc thì bạn lại cử đến một chuyên gia hàng đầu cùng đơn vị đóng gói hàng đầu của Hàn Quốc là Dongbu Art. Bạn đưa tất cả công nghệ, phương tiện, thiết bị đóng gói… sang để đóng gói hiện vật. Và cứ mỗi lần đóng gói như thế, trước đó phải có ít nhất 5 cuộc khảo sát, chụp ảnh, đo đạc… rất kỹ lưỡng để thiết kế những chiếc thùng chuyên dụng cùng đệm mút v.v... trùng khít với kích cỡ hiện vật nhằm đảm bảo cho việc đóng gói, vận chuyển một cách an toàn nhất - Ông Hải Trung giảng giải - Ngoài ra, công tác bảo hiểm cho hiện vật cũng được xem là “việc đương nhiên”. Giá mua bảo hiểm là 300% so với giá trị thật của hiện vật được mang đi”.
 
 
Ông Hải Trung cũng trấn an bạn đọc về khả năng “đánh tráo” hiện vật mỗi khi được mang đi, mang về. Theo tiết lộ, cổ vật trước khi được mang đi đều được cơ quan khoa học hình sự của phía công an tiến hành “đánh dấu” mã hóa định vị (còn đánh như thế nào, đánh ở đâu…thì không ai có quyền được biết, kể cả Giám đốc BTCVCĐ Huế – người được giao trách nhiệm trực tiếp quản lý hiện vật đó). Khi hiện vật được trả về, người ta sẽ đối chiếu với những “dấu hiệu” đã đánh để xác định có đúng là “nó” hay không. Tuy nhiên, đó là về mặt kỹ thuật, còn “cảm giác” và kinh nghiệm nữa. “Nó cũng giống như con cái, áo quần, hay những vật dụng quen thuộc hàng ngày của mình vậy. Thứ gì lạ tráo vào là biết ngay. Nhất là cổ vật Huế thường lại mang tính độc bản. Người quản lý, người giữ kho “sống” với nó hàng ngày, không dễ gì tráo đồ giả vào mà không phát hiện”- Ông Trung khẳng định.
 
 

Thông tin liên quan:

>> Bài 1: Thất tán cổ vật - nỗi xót xa có thật

Trở lại với câu chuyện an toàn cho cổ vật hiện được trưng bày tại các di tích, ông Nguyễn Phước Hải Trung cho hay, tuy số cổ vật được trưng bày tại các điểm di tích và ngay tại điện Long An hiện nay mới là một tỷ lệ chưa lớn so với tổng số cổ vật đang được bảo tàng lưu giữ. Nếu sau này Quốc Tử Giám (Bảo tàng Lịch sử cách mạng hiện nay) cũng được giao lại cho Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế để làm nơi trưng bày thì số hiện vật được mang ra giới thiệu cho du khách và công chúng thưởng ngoạn sẽ lên khỏang 2.000-2.100 món, chiếm chừng 1/5 tổng số hiện vật mà Bảo tàng CVCĐ Huế đang có.
 
Tuy nhiên, chỉ với con số như hiện tại cũng đã là một khối lượng công việc nặng nhọc cho lực lượng bảo vệ di tích. Ông Trung cho hay, sau vụ mất cắp tại lăng Khải Định (tháng 12/2010), cơ quan di tích đã lập dự án lắp camera an ninh. Nhưng cổ vật có an toàn hay không quan trọng vẫn là con người. Bởi “có camera mà không có người… quan sát camera thì cũng như không”-ông Trung nói vui. Chúng tôi hiểu đằng sau câu nói là cả nỗi lo về tinh thần trách nhiệm, về chế độ thế nào cho thỏa đáng đối với lực lượng bảo vệ. Bởi nghe nói, thời gian làm việc thực tế của lực lượng bảo vệ Trung tâm BTDTCĐ Huế thường là 170%, thậm chí đến hơn 200%, nhưng chế độ làm thêm cho họ thì không đáng kể do bị khống chế bởi luật định. Ông Trung so sánh: “Thời gian và công việc căng thẳng, nhưng thực tế thu nhập của bảo vệ di tích còn thua bảo vệ của một khách sạn…”. Không diễn giải thì ai cũng hiểu, điều này đã ảnh hưởng không ít đến tâm lý và tinh thần trách nhiệm của anh em...

Diên Thống

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Cụ” bàng trong trường học được công nhận cây Di sản

Sáng 17/2, thầy giáo Nguyễn Văn Tuân, Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Phú Lộc (huyện Phú Lộc) cho biết, cây bàng cổ thụ trong trường vừa được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây Di sản Việt Nam.

“Cụ” bàng trong trường học được công nhận cây Di sản
Báo cáo nghiên cứu đầu tư dự án phục hồi di tích điện Cần Chánh

Chiều 12/1, tại Nhà hát Duyệt Thị Đường, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế tổ chức Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư dự án Tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích điện Cần Chánh. Tham dự, có các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hoá - lịch sử cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Báo cáo nghiên cứu đầu tư dự án phục hồi di tích điện Cần Chánh
Núi Bân & lễ hội Quang Trung tại Huế

Cùng với Hà Nội và Bình Định, Huế tự hào có khu tưởng niệm và lễ hội Quang Trung gắn với sự kiện Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế, xuất quân ra Bắc Hà, đánh tan 29 vạn quân Thanh xâm lược.

Núi Bân  lễ hội Quang Trung tại Huế
Return to top