ClockThứ Tư, 06/02/2019 15:40

Bánh tét nếp than – sự biến tấu cho ẩm thực ngày tết

TTH.VN - Nếp than – loại nông sản được xem là "hạt ngọc" của vùng cao A Lưới được đồng bào chế biến thành món ăn cổ truyền ngày tết.

Bánh tét nếp than thơm, dẻo

Khá bất ngờ khi ngày tết tôi được  thưởng thức bánh tét của đồng bào vùng cao làm ra. Dẫu những đòn bánh tét không tròn trịa như cách gói của người Kinh nhưng hương vị quả đặc biệt vô cùng. Bánh mềm, dẻo thơm và một màu đen tuyền, được người dân vùng cao gói phục vụ cho thị trường tết năm nay.

Nếp than được người dân huyện A Lưới xuống giống vào khoảng tháng 4 dương lich hàng năm trên những triền đồi, nương rẫy có khí hậu đặc trưng. Đến khoảng tháng 12, nếp bắt đầu cho thu hoạch. Không như những loại nông sản khác, nếp than rất khó trồng, mỗi năm chỉ trồng một vụ, lúc bắt đầu “ngậm sữa” màu nếp chuyển đen bóng. Điều đặc biệt, đây là loại nếp có sức chịu hạn rất cao, trồng ở những vùng đất khô cằn sỏi đá, bởi vậy đã tạo nên hương vị đặc trưng của loại nông sản này.

Những đòn bánh thể hiện sự bình di của cư dân vùng cao

Trong nhiều từng ngược núi cùng bà con, tôi thấy và nghe nhiều về loại nếp này. Vào mỗi dịp lễ hội, bên ché rượu cần, nếp than được đồng bào tạo ra một loại bánh có tên gọi là acoat. Có lần, cán bộ Phòng Văn hóa Thông tin huyện A Lưới cầm trên tay acoat rồi giới thiệu với tôi rằng, đó là bánh tình yêu, bởi vào dịp cưới hỏi, đây là lễ vật không thể thiếu. Do vậy, trên gian bếp của mỗi gia đình đồng bào, đều có trữ một ít nếp than để phòng khi có việc cần.

Bây giờ, không chỉ có acoat, nếp than được người A Lưới sử dụng để gói bánh tét, loại bánh không thể thiếu vào dịp Tết Cổ truyền. Có điều, loại nếp này khá ít, đây là loại cây có năng suất thấp, đang trong quá trình bảo tồn nguồn gen nên những đòn bánh tét của người dân làm ra cũng khá hạn chế.

Bánh tét nếp than của người dân A Lưới nếu xem qua không ít người sẽ nhầm lẫn với loại bánh tét được làm bằng nếp cẩm đặc sản ở những địa phương khác, nhưng thực ra hai loại nếp này hoàn toàn khác nhau, có chăng màu sắc chỉ đôi phần tương tự.

Nếp than  được xem như "hạt ngọc" của người dân A Lưới

Trước khi gói bánh, nếp cũng phải được ngâm, vo sạch, để ráo nước. Nhân bánh tùy nhu cầu của từng người mà có thể dùng đậu xanh hoặc cho thêm thịt heo. Bánh sau khi gói được nấu từ 10-12 tiếng. Những chiếc bánh không tròn trịa như thông thường và dường như năm nay, người dân nơi rẻo cao mới dám “liều” gói bánh. “Trước đây, người dân chỉ dùng nếp than để làm bánh acoat. Vài năm trở lại đây, họ mạnh dạn sử dụng để gọi bánh tét. Đây là loại nếp quý của người đồng bào, do hiếm nên giá thành khá đắt, vì vậy, so với thị trường giá bánh cũng đắt hơn chút ít. Tết này, cửa hàng nông sản – đặc sản A Lưới làm cầu nối để đưa loại bánh này đến với thị trường và được thị trường đón nhận. Do số lượng có hạn nên luôn trong tình trạng cháy hàng”, chị Lê Thị Kim Thoa (công tác tại Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện A Lưới), quản lý cửa hàng Nông sản – đặc sản A Lưới chia sẻ.

Dẫu hình thức chưa thật đẹp mắt nhưng sự biến tấu của người đồng bào khiến ngày tết ở Huế có thêm một món ngon. Nó dù bình dị nhưng tôi gọi vui là “đặc sản cổ truyền”. Đặc sản bởi nguyên liệu chính là “hạt ngọc” của vùng cao được gói trong nhưng chiếc lá dong xanh tươi giữa rừng. Còn gì bằng khi đặc sản vùng cao lại hiện hữu trong mâm cỗ người Kinh, giúp ẩm thực ngày tết có thêm những sắc màu tươi mới.

Bài, ảnh: Lê Thọ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bánh tét, bánh chưng & văn hóa làng nghề

Khá bất ngờ và thú vị khi hay tin vào cuối tuần qua, lễ đón bằng công nhận nghề bánh tét, bánh chưng Phú Dương do UBND tỉnh trao tặng đã được tổ chức trọng thể.

Bánh tét, bánh chưng  văn hóa làng nghề
Biến tấu với vườn treo

Gần gũi với thiên nhiên, tạo nên khoảng không gian xanh trong lành mà không chiếm quá nhiều diện tích, vườn treo là sự lựa chọn hợp lý cho không gian trong nhà không chỉ trong những ngày hè nắng nóng.

Biến tấu với vườn treo
Biến tấu cho len, sợi mùa hè

Biến tấu với những cuộn len, sợi đa sắc màu, Lê Hồng Nhật Phương gây dựng cho mình không chỉ cơ ngơi với hàng nghìn sản phẩm len khác nhau mà còn trao gửi tình yêu đan, móc đến các bạn trẻ chung đam mê.

Biến tấu cho len, sợi mùa hè

TIN MỚI

Return to top