ClockThứ Hai, 02/01/2012 13:38

Bắt đầu từ nỗi nhớ Huế…

TTH - Làm báo, lại là dân Huế, nhưng phải thú thực là tôi hơi… “sơ sài” bởi cho đến khi bất ngờ một người bạn gửi tặng tôi mới biết có tập san Nhớ Huế. Cầm cuốn tập san khổ 14,5 x 20,5 cm, dày dễ chừng 200 trang trên tay, tôi háo hức mở đọc và nhanh chóng bị cuốn hút. Bởi đó toàn là những trang viết Huế “ròn”…

Trong cuốn tập san dễ mến ấy thấy xuất hiện rất nhiều những cây bút tên tuổi vốn được nghe danh từ lâu. Đọc xong, tôi gửi biếu bà cô ruột là một nữ tu tại chùa Diệu Viên. Thấy đồng cảm sao đó, cô lại dán tem, gửi sang Canada tặng một người bạn vốn cùng thời nữ sinh Đồng Khánh. Chị này khoái quá, thỉnh thoảng lại hỏi và bà cô tôi lại nhờ tìm, nhờ gửi. Giá bìa hai lăm, ba chục ngàn. Giá cước gửi gần…hai trăm ngàn một cuốn, gấp cả chục lần giá sách. Vậy mà bà cô tôi vẫn thấy vui bởi đã chuyền được chút hơi ấm quê nhà cho bạn phương xa…


Tẩn mẩn mới hay, đó là một ấn phẩm của Tủ sách Nhớ Huế của Hội đồng hương Thừa Thiên Huế tại Tp HCM. Số đầu tiên Nhớ Huế được ấn hành vào tháng 12/1998. Tính đến năm 2012 này, Nhớ Huế đã 14 tuổi. Nhà văn Trần Hữu Lục, Chủ biên thường trực của Tủ sách Nhớ Huế tiết lộ về cơn cớ khiến Nhớ Huế ra đời: “Những người Huế, Thừa Thiên xa quê, tất cả đều khắc khoải trong lòng một nỗi “Nhớ Huế”. Đó là nỗi nhớ da diết, đầm ấm, ngọt ngào, sâu lắng và tự hào. Vì vậy, một nhóm văn nghệ sĩ đã bàn với nhau xin xuất bản một Tủ sách Nhớ Huế để ghi lại những kỷ niệm về Huế thân yêu. Ai cũng có thể viết và ai cũng có thể đọc, nếu đều nhớ Huế...”

Khi Nhớ Huế số 1 phát hành, nhóm chủ biên đã nhận được nhiều ý kiến khác nhau. Người thì nói: Huế mình thì gần Sài Gòn có chi mà phải bày đặt “nhớ Huế”. Kẻ thì lo lấy đâu ra kinh phí để in sách. Rồi còn phải phát hành và phổ biến như thế nào… Nhưng bên cạnh đó, rất nhiều bạn đọc vui mừng vì đã nhận được một món quà đầy “tình Huế”, như là “Ở Ngự Viên mà nhớ Ngự Viên” vậy. Họ cho rằng, đó là một tập sách chứa đựng “niềm thương, nỗi nhớ Huế”, được thực hiện bằng cái tình Huế. Và càng đọc lại càng thêm yêu Huế và nhớ Huế.

Ngoài tập san Nhớ Huế xuất bản định kỳ 3 tháng/1 tập, Tủ sách Nhớ Huế còn liên kết với NXB Trẻ ấn hành trên chục đầu sách khác: Thương lắm Huế ơi! (về lũ lụt), Tượng đài sông Hương (tập bút ký nhiều tác giả), Xa xứ (tập truyện ngắn nhiều tác giả), Sông Hương ngoài biên giới (tập văn của 6 tác giả ở nước ngoài), Chuyện Huế ít người biết (biên soạn), Áo tím - Đồi sim (truyện ký), Tim tím Huế (tập văn), Mối tình màu huyết dụ (tập truyên lịch sử), các tập thơ: Sài Gòn nhớ Huế, Chút tình với Huế, Tự tình với Huế…

 

Chủ biên của Nhớ Huế hiện tại là nhà báo Đinh Phong-nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà báo VN và nhà văn Trần Hữu Lục (thường trực)

Cũng vì thế mà từ chỗ chẳng có chút vốn “lận lưng”, Nhớ Huế đã nhận được sự hỗ trợ của một số nhà hảo tâm yêu Huế, sự cộng tác nhiệt tình của giới văn nghệ sĩ gốc Thừa Thiên Huế, người yêu Huế tại TP.HCM, các tỉnh thành trong nước, ở nước ngoài. Chính sự tiếp sức ấy mà Nhớ Huế số 2 với chuyên đề “Người xa Huế” đã đến với bạn đọc vào tháng 4 -1999. Từ đó cho đến nay, 14 năm, 52 tập Nhớ Huế đã đều đặn được phát hành 3 tháng một tập. Ban chủ biên và những người thực hiện xây dựng Nhớ Huế theo từng chuyên đề về Huế: Người xa Huế, Hương sen Huế, Áo dài Huế, Trường Huế, Bài thơ đô thị, Festival Huế, Tím Huế… Và tập gần nhất- tập 52 là chuyên đề “Huế Xuân 2012”.
 
Gọi là tập san của hội đồng hương, nhưng điều làm không ít người ngạc nhiên và thú vị là Nhớ Huế được thực hiện khá chuyên nghiệp, từ cách tổ chức bài vở, chọn vấn đề, cho đến công tác cộng tác viên, phát hành… Hiện Nhớ Huế đã có mặt và có đại diện ở 17 tỉnh thành khắp cả nước. Số lượng bản in dao động từ 1.200 - 1.500 cuốn/ số. Thỉnh thoảng có số lên đến 2.000 cuốn. “Bộ máy điều hành” của Nhớ Huế là những nhà báo, nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu, nhà biên kịch, bác sĩ, dược sĩ, kỹ sư, nhạc sĩ, họa sĩ, nhà doanh nghiệp..., mỗi người một công việc, vừa viết bài, đặt bài, vừa trình bày, đi nhà in, phổ biến - phát hành, vận động tài chính…. Và điều hết sức quý là tất cả họ đều tham gia với tinh thần tự giác và tự nguyện. Tất cả đều xuất phát từ lòng yêu Huế, hướng về Huế và mong đóng góp một cái gì đó cho Huế.
 
Ghi nhận tình cảm và những đóng góp miệt mài của Nhớ Huế, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã tặng Ban Chủ biên tám chữ “Đoàn kết đồng hương - Kết nối quê hương”. Và đó cũng chính là tinh thần, là mục tiêu mà những người thực hiện Nhớ Huế dặn lòng, trân trọng.
 
Diên Thống
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khai trương đoàn tàu du lịch Huế - Đà Nẵng

Sáng 26/3, Tổng công ty Đường Sắt Việt Nam, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và UBND TP. Đà Nẵng phối hợp tổ chức khai trương đoàn tàu chạy chuyên khu đoạn Huế - Đà Nẵng và ngược lại với tên gọi “Kết nối di sản miền Trung”.

Khai trương đoàn tàu du lịch Huế - Đà Nẵng
Thêm dịch vụ bổ trợ cho du lịch biển

Tuy tiềm năng du lịch biển Việt Nam nói chung, Thừa Thiên Huế nói riêng rất lớn, nhưng hiện vẫn đang chủ yếu được khai thác ở mức độ đơn giản với các hoạt động tắm biển và ăn uống thông thường. Du lịch biển cần thêm các hoạt động, dịch vụ bổ trợ.

Thêm dịch vụ bổ trợ cho du lịch biển
Phát triển du lịch, quan trọng là phát triển nguồn nhân lực

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đang là thách thức đối với du lịch Việt Nam trước yêu cầu hội nhập quốc tế. Thừa Thiên Huế xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, để phát triển du lịch, phải đặc biệt quan tâm phát triển nguồn nhân lực.

Phát triển du lịch, quan trọng là phát triển nguồn nhân lực
Khai thác hiệu quả giá trị các danh hiệu UNESCO

Với 65 danh hiệu được UNESCO ghi danh, trải rộng trên tất cả 63 tỉnh, thành phố, Việt Nam tiếp tục thể hiện đóng góp có trách nhiệm vào việc làm phong phú, bảo vệ và phát huy kho tàng văn hóa nhân loại.

Khai thác hiệu quả giá trị các danh hiệu UNESCO
Du lịch không thể phát triển một mình

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính từng khẳng định: “Du lịch không thể phát triển một mình”. Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn và để phát triển được du lịch phải có sự đồng hành của nhiều ngành, nhiều người.

Du lịch không thể phát triển một mình
Return to top