ClockThứ Năm, 24/07/2014 14:33

Cần tạo nhận thức chung về trách nhiệm bảo tồn

TTH - Bảo tồn Cố đô Huế hay bảo tồn một Cố đô lịch sử, một thành phố lịch sử là một công việc khổng lồ, không phải là chuyện của một vài thập niên mà là chuyện của muôn đời. Chúng ta đã làm và sẽ tiếp tục làm trong bối cảnh Thừa Thiên Huế đang có những bước phát triển khả quan về kinh tế - xã hội. Nhưng để bảo tồn được, nhiều vấn đề cần đặt ra.

Lễ dựng Nêu ngày Tết ở Đại Nội. Ảnh: Trương Vững

Di sản văn hóa nói chung, di sản văn hóa Huế đang đứng trước những thử thách khốc liệt của cơ chế kinh tế thị trường, của quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa. Vấn đề xử lý hài hòa, thỏa đáng những mối quan hệ phức tạp trong quá trình hội nhập và phát triển như: kinh tế và văn hóa, phát triển và bảo tồn, truyền thống và hiện đại, kế thừa và giao lưu… cần được giải quyết thỏa đáng, không nên có sự “hy sinh” một chiều, dù đó là chiều của bảo tồn hay phát triển. Mặc dù vậy, có một cách nói về sự mất mát “một đi không trở lại” của di sản văn hóa nên việc ưu tiên cho bảo tồn, lấy bảo tồn làm nền tảng rất cần trở thành một quan điểm xuyên suốt việc xây dựng và thực thi các chiến lược của đất nước, của một địa phương. Đương nhiên, điều đó không có nghĩa thực thi việc bảo tồn một cách cứng nhắc theo kiểu giữ nguyên trạng tất cả, vì nếu như vậy thì làm sao có sự phát triển.

Kể từ khi Cố đô Huế được UNESCO vinh danh, hơn 20 năm đã trôi qua, việc bảo tồn di sản Cố đô Huế đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Một chuyên gia của UNESCO theo dõi khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã ví von những nỗ lực bảo tồn của Việt Nam đã giúp Cố đô Huế trở thành “viên ngọc sáng lung linh trên bầu trời di sản văn hóa thế giới”.

Bảo tồn Cố đô Huế hay bảo tồn một Cố đô lịch sử, một thành phố lịch sử là một công việc khổng lồ, không phải là chuyện của một vài thập niên mà là chuyện của muôn đời. Chúng ta đã làm và sẽ tiếp tục làm trong bối cảnh Thừa Thiên Huế đang có những bước phát triển khả quan về kinh tế - xã hội. Nhưng để bảo tồn được, nhiều vấn đề cần đặt ra:

Thứ nhất, cần tạo nên một nhận thức chung về trách nhiệm bảo tồn di sản đô thị lịch sử trong mỗi người dân và cấp ủy, chính quyền các cấp, việc bảo tồn di sản đô thị phải trở thành mối quan tâm chung và có sự tham gia mạnh mẽ của người dân vào việc hoạch định và thực thi các chính sách, các kế hoạch…

Thứ hai, việc xây dựng các chiến lược phát triển, các quy hoạch, đề án, dự án ở bất cứ lĩnh vực nào cũng cần xem xét đồng hành với việc bảo tồn di sản, xác định việc bảo tồn… “là một bộ phận hữu cơ của hệ thống cố kết các chính sách phát triển kinh tế và xã hội…” (Hiến chương về bảo vệ thành phố và đô thị lịch sử của UNESCO).

Doanh thu từ du lịch tại Thừa Thiên Huế đạt 2.500 tỷ đồng/năm. Đặt một giả thiết, tỉnh Thừa Thiên Huế không có di tích Cố đô Huế thì số lượng khách du lịch so với hiện nay là bao nhiêu, diện mạo, cơ cấu kinh tế… của địa phương sẽ như thế nào. Bảo tồn di tích đương nhiên là một nhiệm vụ nặng nề nhưng có phải là một gánh nặng?

Thứ ba, từ việc nhận diện đầy đủ các yếu tố cấu thành di sản đô thị bằng mọi phương pháp khoa học đa ngành (chỉ từ góc độ người làm bảo tồn, người nghiên cứu lịch sử cũng nhận thấy việc khai quật khảo cổ hay kinh tế học du lịch chẳng hạn chưa được nghiên cứu đầy đủ), cần trở thành yêu cầu cơ bản để xây dựng kế hoạch bảo tồn, phát triển và điều chỉnh kế hoạch đó.

Thứ tư, từ thực tiễn và những bài học có tính phổ quát trên phạm vi toàn thế giới, UNESCO, ICOMOS đã ban hành nhiều công ước, hiến chương trong đó có nêu những nguyên tắc cơ bản để giải quyết mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển: “Những chức năng mới và các mạng kết cấu hạ tầng do đời sống đương đại đòi hỏi phải thích hợp với đặc trưng của thành phố lịch sử”; bảo vệ di tích không có nghĩa bảo vệ một cách bất di bất dịch, Hiến chương về bảo vệ thành phố và đô thị lịch sử cũng nêu rõ: “Việc đưa các yếu tố đương đại vào mà hài hòa được với tổng thể khung cảnh là có thể chấp nhận, bởi vì các yếu tố mới đó có thể góp phần làm cho khu vực thêm phong phú”. Thế hệ sau nhất định phải có sự tiếp nối, điều chỉnh, nhưng cũng không phải phá dỡ mọi cái cũ để làm mới, sự “làm mới” đôi khi được diễn đạt bằng những tình cảm, những mong muốn để di sản văn hóa được “xứng tầm” hay nhân danh ưu tiên phát triển đã làm biến dạng, hủy hoại di sản. Như vậy, những nguyên tắc cơ bản phù hợp với đặc điểm riêng của địa phương cần được nghiên cứu, ban hành.

Thứ năm, những giá trị bền vững của di sản văn hóa Huế chỉ thực sự hấp dẫn và trở thành những sản phẩm văn hóa độc đáo, sản phẩm du lịch bền vững, nếu chúng ta biết phát huy những giá trị đích thực, những thế mạnh, mà không bị lôi cuốn vào xu thế thương mại hóa đơn thuần. Bảo tồn di sản văn hóa để những giá trị tốt đẹp vĩnh hằng của di sản truyền vào tâm thức từ thế hệ này sang thế hệ khác, giữ gìn những dấu ấn vật chất của quá khứ, mà hầu hết là sản phẩm đỉnh cao về nghệ thuật là một vế quan trọng.

Nhưng vế còn lại chính là phát huy, khai thác mang lại nguồn thu cho bảo tồn, cho sự phát triển bền vững cũng quan trọng không kém. Đó mới là biện pháp bảo đảm sự tồn tại cho chính di sản văn hóa, đồng thời cũng là giải pháp hữu hiệu để bảo vệ di sản văn hóa trước những ảnh hưởng tiêu cực của nền kinh tế thị trường. Bảo tồn di sản văn hóa cần đi đôi với phát triển du lịch bền vững. Tại Công ước quốc tế về du lịch văn hóa, một số mục tiêu, nguyên tắc đáng chú ý:

+ Tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích ngành kinh doanh du lịch đẩy mạnh và quản lý du lịch theo hướng tôn trọng và phát huy di sản và các văn hóa đang tồn tại…

+ Tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích đối thoại giữa những người chịu trách nhiệm về di sản và những người kinh doanh du lịch nhằm làm họ hiểu rõ hơn tầm quan trọng và tính chất mỏng manh dễ hỏng của các tổng thể di sản, các sưu tập, các văn hóa đang tồn tại, kể cả sự cần thiết phải đảm bảo một tương lai bền vững cho những di sản đó.

+ Mối quan hệ giữa các địa điểm di sản và du lịch là có tính động và có thể có giá trị xung đột nhau. Phải quản lý mối quan hệ đó một cách bền vững cho hôm nay vì các thế hệ mai sau.

+ Hoạt động du lịch và bảo vệ phải có lợi cho cộng đồng chủ nhà.

+ Các chương trình xúc tiến du lịch phải bảo vệ và phát huy các đặc trưng của di sản thiên nhiên và văn hóa.

Một đô thị lịch sử như Huế, và các huyện bao quanh hiện nay đương nhiên phải là một đô thị có thế mạnh tuyệt đối về du lịch văn hóa bền vững nên cần có hệ thống hạ tầng giao thông tốt, có hệ thống dịch vụ văn minh, tiện lợi và rất nhiều yêu cầu khác. Cố đô Huế gắn chặt với địa hình tự nhiên, địa hình tự nhiên là yếu tố cấu thành di sản có cảnh quan tuyệt đẹp. Bảo tồn tất cả những giá trị đó để có một thành phố lịch sử là một nhiệm vụ khó nhưng không phải bất khả thi.

TS. Nguyễn Thế Hùng (Cục Di sản Văn hóa)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Cụ” bàng trong trường học được công nhận cây Di sản

Sáng 17/2, thầy giáo Nguyễn Văn Tuân, Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Phú Lộc (huyện Phú Lộc) cho biết, cây bàng cổ thụ trong trường vừa được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây Di sản Việt Nam.

“Cụ” bàng trong trường học được công nhận cây Di sản
Báo cáo nghiên cứu đầu tư dự án phục hồi di tích điện Cần Chánh

Chiều 12/1, tại Nhà hát Duyệt Thị Đường, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế tổ chức Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư dự án Tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích điện Cần Chánh. Tham dự, có các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hoá - lịch sử cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Báo cáo nghiên cứu đầu tư dự án phục hồi di tích điện Cần Chánh
Núi Bân & lễ hội Quang Trung tại Huế

Cùng với Hà Nội và Bình Định, Huế tự hào có khu tưởng niệm và lễ hội Quang Trung gắn với sự kiện Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế, xuất quân ra Bắc Hà, đánh tan 29 vạn quân Thanh xâm lược.

Núi Bân  lễ hội Quang Trung tại Huế

TIN MỚI

Return to top