ClockThứ Tư, 29/06/2011 17:53

Câu chuyện về một bức bình phong nổi tiếng ở Huế

TTH - Có thể xem đó là một tác phẩm độc đáo của kiến trúc thời Nguyễn - bức bình phong ở Cơ Mật Viện triều Nguyễn tại cố đô Huế. Điều đáng nói ở đây là tác phẩm ấy đã từng bị phá hủy hoàn toàn rồi lại được phục hồi nguyên vẹn…

Ở Huế, bình phong là biểu trưng của phong thủy, là lá chắn để đảm bảo cho sự bình yên của một gia đình, một ngôi nhà, một vùng đất, thậm chí, cả một kinh đô.

Nếu chỉ kể các bức bình phong được xây dựng kiên cố, Huế cũng có vô số các tác phẩm đẹp, đạt đến trình độ mỹ thuật rất cao. Điển hình là hai bức bình phong ghép bằng đá thanh ở lăng Thiên Thọ Hữu (lăng bà Thuận Thiên Cao hoàng hậu, thân mẫu của vua Minh Mạng) và lăng Hiếu Đông (lăng của Tá Thiên Nhơn hoàng hậu, thân mẫu vua Thiệu Trị). Bình phong xây gạch đắp vôi vữa, sành sứ thì có bức bình phong ở Thiên Thành Cục (lăng của Kiên Thái Vương, thân phụ của 3 vị vua Kiến Phúc, Hàm Nghi và Đồng Khánh), bình phong ở Tư Lăng (lăng vua Đồng Khánh), rồi ở lăng Khiêm Thọ (lăng của Lệ Thiên Anh hoàng hậu, chính thất của vua Tự Đức), lăng Tư Thông (lăng bà Hựu Thiên Thuần hoàng hậu, vợ vua Đồng Khánh)… Trong các cung điện, công sở thời Nguyễn thì nổi bật có bình phong tiền của cung Trường Sanh, bình phong hậu của cung Diên Thọ… Trong “muôn hồng nghìn tía” đó, bức bình phong tiền của Cơ Mật Viện vẫn được xem là một tác phẩm độc đáo, được nhà Huế học nổi tiếng người Pháp Leopold Cardière đánh giá rất cao và cho thể hiện lại rất công phu trong tác phẩm La Art Hué (Nghệ thuật Huế), xuất bản từ năm 1936.
Theo sử liệu triều Nguyễn, bức bình phong tiền (bình phong đặt sau cổng chính) được xây dựng trong khoảng từ năm 1899- 1903, cùng với việc xây cất tòa Cơ Mật Viện mới của triều Nguyễn, sau khi triều đại này bị thực dân Pháp “bảo hộ”. Vị trí của Cơ Mật Viện nằm ở phía đông Hoàng thành, trên nền cũ của chùa Giác Hoàng, một trong các quốc tự của thời Nguyễn tại kinh đô, nhưng trước đó đây từng là nơi tọa lạc của trung tâm Đô thành Phú Xuân thời chúa Nguyễn, kinh đô Phú Xuân thời Tây Sơn và sau cùng là tiềm để (phủ riêng) của hoàng thái tử Nguyễn Phước Đảm (tức vua Minh Mạng sau này). Chốn linh địa ấy chắc chắn là nơi tràn trề vượng khí, nhưng cũng thường là nơi tiềm ẩn nhiều mối hiểm nguy rình rập. Có lẽ vì thế mà khi xây dựng tòa công sở mới cho cơ quan quyền lực cao nhất của triều đại lúc bấy giờ, người ta vẫn không quên dựng một bức bình phong bề thế để giữ yên cho cuộc đất.

Bức bình phong tiền Cơ Mật Viện trên bưu ảnh thời Pháp. Ảnh tư liệu

Cơ Mật Viện là một tòa nhà 2 tầng phong cách kiểu kiến trúc thuộc địa; Hai bên tòa nhà này còn có 2 tòa nhà dài, tạo nên kiểu bố trí mặt bằng hình chữ U (cũng vì thế dân gian Huế mới gọi nó là Tam Tòa). Tổng diện tích toàn khu vực khoảng 3ha. Bức bình phong nằm phía sau cổng chính xây kiểu tam quan. Theo các hình ảnh tư liệu và bản vẽ của L. Cadiere, bình phong kiểu cuốn thư, trang trí tứ linh, chữ thọ và các biểu tượng truyền thống vô cùng tỉ mỉ, công phu, màu sắc lộng lẫy. Chính vì vậy, nó đã được lựa chọn làm bưu ảnh để giới thiệu về kinh đô Huế của triều Nguyễn.
Đáng tiếc thay, sau năm 1945, khi Cơ Mật Viện thay đổi chức năng, không còn là trụ sở của Hội đồng thượng thư Nam triều nữa, người ta đã cải tạo tòa nhà chính và khuôn viên, sân vườn. Bức bình phong tuyệt đẹp trên đã bị đập bỏ, một tác phẩm nghệ thuật bị hủy hoại hoàn toàn chỉ vì sự thiếu hiểu biết!
Năm 2000, tức gần một trăm năm trôi qua kể từ khi Tam Tòa được xây dựng, công trình này được chuyển giao cho Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (gọi tắt là Trung tâm) để quản lý và bảo tồn với tư cách là một di sản cấp Quốc gia. Sau một thời gian dài nghiên cứu, tìm giải pháp, Trung tâm đã quyết định xây dựng dự án phục hồi bức bình phong lịch sử trên. Tháng 9-2009, công tác thám sát khảo cổ học được thực hiện, và kết quả là toàn bộ phần nền móng công trình đã được xuất lộ, cung cấp thêm các thông tin cần thiết cho dự án.
Quá trình nghiên cứu các nguồn tư liệu lịch sử và thám sát khảo cổ học đã đưa lại rất nhiều kết quả thú vị, đặc biệt là cách thiết kế đầy chất phong thủy của bức bình phong Cơ Mật Viện. Bình phong này đặt cách cổng chính chỉ 3 trượng1 nhưng cách tòa Cơ Mật Viện đến 30 trượng. Sau khi đối chiếu tỷ lệ kích thước của chân móng so với tam quan và tòa nhà chính, kích thước của bức bình phong dự kiến được phục hồi có các thông số cực đẹp tính theo cây thước phong thủy và quan niệm truyền thống: tổng chiều dài là 20 thước (7,680m), cao 12 thước (4,608m), dày tại chân đế 2 thước (0,767m)2.

Hình ảnh bức bình phong Cơ Mật Viện mới được phục hồi năm 2010
Việc nghiên cứu phục hồi các họa tiết trang trí được tiến hành hết sức cẩn trọng, công phu, và việc thi công chỉ được tiến hành sau khi dự án được Hội đồng Khoa học Nghệ thuật của Trung tâm (cấp cơ sở) và Hội đồng Khoa học của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, phê duyệt. Đội ngũ nghệ nhân trẻ của Công ty Cổ phần Tu bổ Di tích được giao nhiệm vụ thực hiện. Sau gần 6 tháng thi công, công trình đã chính thức được khánh thành vào tháng 8/2010, đánh dấu sự hồi sinh của một tác phẩm nghệ thuật đặc biệt, và còn hơn thế, đó là sự hồi sinh của một di sản tưởng đã mất đi vĩnh viễn.
Điều đáng nói nữa là sau khi phục hồi công trình này, Trung tâm đã “đòi” lại được và trả về đúng vị trí cũ chiếc đỉnh đồng đúc thời Thành Thái3 vốn được triều Nguyễn cho đặt ngay sau bức bình phong. Bình-đỉnh lại thành đôi để hợp lực cùng nhau giữ yên cho cuộc đất. Đối với di sản Huế, đó thật là sự kiện “song hỉ lâm môn”!
TS. Phan Thanh Hải
--------------------------
1. Một trượng thời Nguyễn, theo hệ thước đo thông thường (Quan mộc xích), bằng 10 thước, tương đương 4,24m. Từ năm 1898 trở đi, ở miền Bắc, một trượng chỉ còn 4m, nhưng tại miền Trung vẫn giữ nguyên kích thước cũ.
2. Thời Nguyễn, ngoài sử dụng hệ thước mộc (Quan mộc xích), thước may (Quan phùng xích) còn có thước Lỗ Ban (hay thước phong thủy, mỗi thước tương đương 386mm). Việc xây dựng các công trình kiến trúc thường có sự kết hợp giữa hai loại thước: thước mộc để đo các kích thước chung, thước Lỗ Ban để điều chỉnh các kích thước quan trọng cho phù hợp với vận mạng, tuổi tác và nguyện vọng của gia chủ (như làm bình phong, mở cổng, cửa nhà…).
3. Chiếc đỉnh này là 1 trong 2 chiếc đỉnh được đúc năm 1899 thời vua Thành Thái. Cả hai gần như giống nhau về kích thước, kiểu dáng. Hiện 1 chiếc được đặt trước nhà hát Duyệt Thị Đường, còn chiếc đỉnh đã nói được đặt trước toà Thị chính Thành phố Huế (UBND Thành phố Huế). Gần phía miệng đỉnh cả 2 chiếc đều có khắc 2 dòng chữ “ Thành Thái thập nhất niên trọng xuân chi cát” (Ngày tốt tháng Hai năm Thành Thái thứ 11, tức năm 1899) và “Công Bộ phụng giám chú” (Bộ Công phụng mệnh vua giám sát việc đúc đỉnh). Tuy nhiên không có dòng chữ nào cho biết trọng lượng của 2 chiếc đỉnh này. Chiếc đỉnh đặt trước nhà hát Duyệt Thị Đường cao 174cm kể cả quai, trong đó chân cao 76cm; chu vi vòng thân là 320cm. Chiếc đỉnh đặt trước tòa Thị chính Huế, nay đã được chuyển về đặt sau bức bình phong ở Cơ Mật Viện, thì cao 176cm, trong đó chân cao 78cm; chu vi vòng thân là 322cm.
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Cụ” bàng trong trường học được công nhận cây Di sản

Sáng 17/2, thầy giáo Nguyễn Văn Tuân, Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Phú Lộc (huyện Phú Lộc) cho biết, cây bàng cổ thụ trong trường vừa được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây Di sản Việt Nam.

“Cụ” bàng trong trường học được công nhận cây Di sản
Báo cáo nghiên cứu đầu tư dự án phục hồi di tích điện Cần Chánh

Chiều 12/1, tại Nhà hát Duyệt Thị Đường, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế tổ chức Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư dự án Tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích điện Cần Chánh. Tham dự, có các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hoá - lịch sử cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Báo cáo nghiên cứu đầu tư dự án phục hồi di tích điện Cần Chánh
Núi Bân & lễ hội Quang Trung tại Huế

Cùng với Hà Nội và Bình Định, Huế tự hào có khu tưởng niệm và lễ hội Quang Trung gắn với sự kiện Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế, xuất quân ra Bắc Hà, đánh tan 29 vạn quân Thanh xâm lược.

Núi Bân  lễ hội Quang Trung tại Huế
Return to top