ClockThứ Ba, 02/01/2018 12:31

Chạm vào trái tim du khách

TTH - Nhận thấy du lịch Thừa Thiên Huế có nhiều giá trị độc đáo, Nguyễn Đình Ân, Giám đốc Công ty cổ phần du lịch Huế Của Ta, chọn cách “chạm vào trái tim của du khách” bằng những sản phẩm dịch vụ trải nghiệm gắn với yếu tố cung đình.

An toàn cho du khách trong mùa mưa bãoĐưa du khách đến Huế bằng đường sắtDu khách đến bãi tắm Thuận An tăng đột biếnĐảm bảo an toàn cho du kháchHuế sẽ khác trong lòng du khách

Từ năm 2016, Huế Của Ta cung cấp dịch vụ ăn tối ở ngự thuyền (Royal Dinner Cruise) cao cấp trên sông Hương, gắn với ngự thuyền Long Quang (Emperor Dragon Boat). Royal Dinner Cruise bắt đầu cung cấp dịch vụ từ việc giúp khách mặc “trang phục hoàng cung” ngay tại sảnh khách sạn và đón rước đến ngự thuyền ở bến Nghinh Lương Đình bằng xích lô. Quãng đường đón rước cũng là trải nghiệm thú vị. “Trước đây, rất khó để thuyết phục khách mặc trang phục cung đình từ khách sạn. Nhưng khi thuyết phục được rồi thì nhiều đoàn khách lại rất vui. Họ thích thú khi mình trở nên khác lạ”, Nguyễn Đình Ân chia sẻ.

Phục vụ Royal Dinner trên ngự thuyền. Ảnh: Phan Thành

Đến từ đất nước Mặt trời mọc, những vị khách Nhật lớn tuổi trở nên gần gũi khi khoác thêm trang phục Hoàng cung. Người trẻ tuổi hơn giúp người già chỉnh áo. Cụ ông tình cảm đứng sát hơn vào cụ bà để cô cháu gái lưu giữ khoảnh khắc “hóa” thành vua và hoàng hậu. Đoàn khách xuống đến ngự thuyền, cũng là lúc bữa tối đã được sửa soạn tươm tất. Mọi người sẽ dùng bữa trong tiếng ca tiếng nhạc reo vui của ca Huế và Long Quang từ từ lướt nhẹ trên sông Hương, xuôi về Vỹ Dạ. Hành trình của Royal Dinner Cruise kết thúc bằng việc trở lại Nghinh Lương Đình. Yamada Tarosan phấn khởi: “Chúng tôi rời khỏi du thuyền xinh đẹp cùng những khoảnh khắc hạnh phúc và niềm vui được thưởng thức âm nhạc. Cảm ơn các bạn đã chia sẻ cho gia đình chúng tôi những nét truyền thống đẹp của Huế”.

Chỉ là dịch vụ cung cấp bữa tối cho du khách, nhưng thực đơn đạt “đẳng cấp Hoàng cung” chưa phải là mục tiêu cuối cùng mà Huế Của Ta hướng đến. Điều quan trọng nhất được chú trọng xây dựng là tạo cho du khách có những trải nghiệm thú vị, khác lạ. Với thế mạnh riêng có của ngự thuyền Long Quang, những ngày thời tiết mát mẻ, du khách có thể vừa dập dìu giữa dòng Hương vừa ngắm đêm Huế lung linh từ trên boong tàu. “Tôi đã đi đến nhiều nơi trên thế giới nhưng đến với Huế của các bạn, tôi thực sự phấn khích khi đứng trên con thuyền này và chạm tay trực tiếp vào gầm cầu Trường Tiền. Cây cầu rất nổi tiếng và tôi vui vì được “đánh dấu” mình vào đó”, anh Marchie Sanchez – du khách Anh, thích thú.

Niềm vui của du khách. Ảnh: Đồng Văn

Bên cạnh Royal Dinner Cruise, Huế Của Ta cũng kết nối với vợ chồng nghệ sĩ Camille Huyền, ông Trương Đình Ngộ để có thể đưa khách cập Bến Xuân. Tham gia hành trình này, du khách được ngắm cảnh sông Hương, chiêm ngưỡng nhà vườn Bến Xuân thơ mộng và được thưởng thức nghệ thuật do nghệ sĩ Camille Huyền biểu diễn. Giá mỗi tour hơn 800.000đ/người, khá cao so với mặt bằng chung ở Huế nhưng được nhiều du khách chọn lựa. Điều đó càng củng cố niềm tin thành công cho dòng sản phẩm đáp ứng đúng thị hiếu của một bộ phận du khách.

Chọn cách làm du lịch gắn với hai dòng sản phẩm dịch vụ cung đình Huế và văn hóa dân gian, Nguyễn Đình Ân đã là gương mặt quen thuộc trong thị trường du lịch Huế. Anh từng say sưa với dịch vụ ở cung Trường Sanh và Nhà lưu niệm Hoàng Thái hậu Từ Cung. Biết sẽ còn rất lâu để có thể thu lãi, nhưng Ân vẫn mê và luôn tin về một ngày thành công hơn, bởi đó đều hàm chứa nhiều giá trị đặc thù của Huế. Trong mỗi dịch vụ, Ân luôn tâm niệm đặt hết sự cố gắng, lòng nhiệt thành của mình vào đó để thực sự là người bạn đồng hành với du khách. “Một người bạn đồng hành thực sự chứ không phải chỉ là người cung cấp dịch vụ”, Nguyễn Đình Ân nhấn mạnh. Anh nghiệm ra sau nhiều năm rong ruổi cùng khách ở vai trò hướng dẫn viên du lịch. Một kinh nghiệm dễ nói, khó làm nhưng vô cùng cần thiết, thậm chí là yếu tố quyết định sự sống còn của một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ du lịch.

Du khách chụp ảnh lưu niệm trong trang phục truyền thống cung đình Ảnh: Phan Thành

“Chỉ cần nói với chúng tôi mong muốn của quý vị là gì, phần còn lại chúng tôi lo” - Nguyễn Đình Ân tự tin trên con đường xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp. Anh chia sẻ: “Huế Của Ta chỉ là một doanh nghiệp nhỏ và không thể làm được gì nếu chỉ có một mình. Tôi luôn muốn được kết nối với nhiều đơn vị khác, cũng như nhận sự hỗ trợ từ doanh nghiệp đồng chí hướng và các cơ quan chính quyền. Hướng đến của chúng tôi là một trong những nhà cung ứng dịch vụ du lịch chuyên nghiệp. Bằng sự kết nối ấy, chắc chắn chúng tôi sẽ cung cấp các dịch vụ của mình ngày càng tốt hơn”.

ĐỒNG VĂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mang trái tim đất liền đến với Trường Sa - Kỳ 8: Trái tim của huyện đảo Trường Sa

Rất nhiều người Việt Nam yêu và thuộc bài hát “Gần lắm Trường Sa” của nhạc sĩ Huỳnh Phước Long. Bài hát có những câu khi hát lên thật bồi hồi, xúc động “Không xa đâu Trường Sa ơi, không xa đâu Trường Sa ơi! Vẫn gần bên em vì Trường Sa luôn bên anh. Vẫn gần bên anh vì Trường Sa luôn bên em…”. Là người Việt Nam, ai cũng có ao ước được một lần đặt chân lên đảo Trường Sa, chúng tôi thật may mắn cùng Đoàn công tác số 5 đặt chân lên đảo.

Mang trái tim đất liền đến với Trường Sa - Kỳ 8 Trái tim của huyện đảo Trường Sa
Mang trái tim đất liền đến với Trường Sa - Kỳ 1: Những chuyến tàu nặng tình yêu Tổ quốc

Đầu tháng 4/2024, Báo Thừa Thiên Huế có dịp cùng đoàn công tác đến với Quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1. Giữa trùng khơi sóng vỗ, giữa tất bật cuộc lữ hành và cùng đoàn công tác thăm hỏi, động viên cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân nơi đảo xa, những dòng ghi chép nóng hổi của Báo đã kịp gửi về đất liền.

Mang trái tim đất liền đến với Trường Sa - Kỳ 1 Những chuyến tàu nặng tình yêu Tổ quốc
Return to top