ClockThứ Tư, 02/11/2016 13:46

Chiều Kazik

TTH - Tự nhiên tôi lại nghĩ đến người đàn ông râu quai nón, nụ cười hiền trên vóc dáng dềnh dàng.

Khi ấy, những ngọn cổ tháp ở Mỹ Sơn vẫn lặng lẽ, trầm tư dưới mênh mang nắng vàng cuối một ngày thu. Tôi cứ hình dung ông đang đứng ở đâu đó, có thể là dõi theo những bước chân du khách và trìu mến nhìn cách mà họ trò chuyện, chụp ảnh hoặc ríu rít “selfie”, nhưng nhiều hơn, vẫn là cách mà ông cùng các đồng sự của mình lúi húi bên các ngọn tháp để đo, vẽ, tính toán và bàn cách lựa chọn phương án tốt nhất để chống đỡ, gia cường và phục dựng một hạng mục của nhóm tháp nào đó.

Dĩ nhiên là tôi đang muốn nói đến Kazimierz Kwiatkowski – vị kiến trúc sư đến từ Ba Lan – người “nặng nợ” với những di tích ở Thánh địa Mỹ Sơn, Hội An và Huế. Ở những nơi này, người ta đã quen và luôn nhớ tới ông với cái tên gần gũi là Kazik. Có lẽ trước khi đến Mỹ Sơn vào năm 1980, Kazik đã không biết trước rằng, cuộc đời, và cả sự nghiệp của ông nữa rồi sẽ gắn bó với mảnh đất này, bất kể sự khác biệt về điều kiện sống, khí hậu, thổ nhưỡng và cả khó khăn, thiếu thốn phương tiện, thiết bị làm việc. Tôi cũng không biết điều gì đã mang đến cho ông – không chỉ là tình yêu, sự đam mê mà nhiều hơn nữa – sự dấn thân để cứu nguy cho những di tích đang có nguy cơ sụp đổ. Còn cả điều gì đó, hấp lực đến mức vượt lên cả cái chết khi có những đồng nghiệp của ông đã dừng chân mãi mãi ở chốn này vì bom đạn chiến tranh còn sót lại, vì bệnh tật và cả vì không thể nào thích ứng được với môi trường, cuộc sống quá sức kham khổ. Ngay cả khi dự án đã mang ông đến nơi này kết thúc, Kazik vẫn quyết định bám trụ bằng cách tự tìm nguồn quỹ để duy trì công việc mà theo ông, hãy còn dang dở và chấp nhận mọi thứ, chỉ để “miễn sao được sống vì những ngôi tháp” và để rồi sau đó, trái tim ông đã ngừng đập trên bản vẽ một công trình hãy còn dở dang khác của dự án trùng tu Thế tổ miếu (Đại Nội Huế).

Giữa hai cơn mưa, Mỹ Sơn (Duy Xuyên, Quảng Nam) đã dành cho chúng tôi một khoảng thời gian thật đẹp khi trời trong và nắng quá nhẹ. Rất nhiều bước chân đã dừng lại bên những bức tường cổ, những bức thành cổ. Vài người rụt rè chạm tay vào các hiện vật trong lòng tháp, vào các linh vật. Có người lại tần ngần mãi bên những bức phù điêu như một cách cảm nhận và ghi dấu về một di sản văn hóa của thế giới nhưng cho đến bây giờ, vẫn còn ẩn chứa trong nó không ít những điều huyền bí về thời gian, nguyên vật liệu, chất kết dính và kỹ thuật xây dựng. Tôi nhìn vào những cột thép bê tông chống đỡ cho những mái, đỉnh hay tường tháp và trông thấy dấu ấn của Kazik và các đồng nghiệp khác của ông vẫn còn ở đây, trong những mảng gạch còn mới, như một cách đặt vấn đề về sự cứu vãn và có thể là tiếp nối khác cho tương lai của những ngôi đền tháp. Cứ nghĩ là ông vừa mới loanh quanh đâu đó để xem xét, ghi chép và lượng giá cho công việc những ngày sắp tới.

Trong mùi cỏ và mùi thơm ngây ngây của vệt lá ven đường vừa được dọn dẹp, đồng nghiệp của tôi bảo, Mỹ Sơn lần này đã khác hơn trước rất nhiều khi anh trở lại. Những con đường đã được đẹp hơn và không còn bụi đất. Cây đã lên xanh và thảm cây bụi đã được chăm chút, chặt tỉa. Khu di sản có cả một đội xe điện chở khách với những người lái xe niềm nở. Tôi lúc ấy lại cứ nghĩ đến dòng suối trong veo chảy giữa những hàng cây và các con đường nhỏ mình vừa qua. Chúng trìu mến như nụ cười của Kazik mà tôi gặp những lúc lọ mọ ở Thế tổ miếu để tìm tư liệu cho bài viết của mình, nụ cười mà ông đôn hậu trao đi.

Và tôi biết, mình đã có một chiều Kazik...

Hạ Nhi

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bitcoin & vỡ hụi

Chỉ sau một ngày khi hợp đồng tương lai Bitcoin chính thức được tung lên sàn CME, sàn giao dịch hàng hóa lớn nhất thế giới, Bitcoin đang được giao dịch ở mức 19.056 USD, tăng 1,77%.

Bitcoin  vỡ hụi
Return to top