ClockThứ Bảy, 04/07/2020 14:33

Chuẩn bị đón khách quốc tế

TTH - Dự kiến trong tháng 9, khi được cho phép, các hãng hàng không sẽ mở lại đường bay đi và đến một số thị trường khách quốc tế đầu tiên. Huế đang có những bước chuẩn bị để đón khách quốc tế trở lại.

Ưu tiên nội địa, không quên quốc tếNhận diện nhu cầu của khách du lịch

Du khách tham quan di tích Huế trước thời điểm COVID-19. Ảnh: BẢO CHÂU

Tuân thủ các quy định

Theo chỉ đạo của Chính phủ, các đường bay quốc tế có thể mở trở lại từ tháng 7/2020, ở một số thị trường khách có kết quả phòng, chống dịch bệnh COVID-19 hiệu quả tương tự như Việt Nam.

Từ chỉ đạo này, riêng với khai thác khách du lịch, Tổng cục Du lịch cũng đã đưa ra kịch bản đón khách quốc tế. Dự kiến đến tháng 9/2020, dịch bệnh được khống chế ở một số thị trường du lịch trọng điểm của Việt Nam, có thể xem xét kiến nghị với Chính phủ để nới lỏng các hạn chế và khai thác. Với kịch bản mà Tổng cục Du lịch đưa ra, những thị trường gần, trong khu vực ASEAN và Đông Bắc Á sẽ là những thị trường được khai thác trở lại đầu tiên.

Mong muốn sớm đón khách quốc tế trở lại là tâm lý chung của nhiều điểm đến, không riêng Huế. Dù có thể mở cửa đón khách từ tháng 9, hay có thể kéo dài hơn, có một điều được khẳng định là phải dựa trên các tiêu chí an toàn về dịch bệnh.

Theo nhận định của lãnh đạo Sở Du lịch, thời gian đón khách trở lại đến nay vẫn chưa thể khẳng định, bởi hiện nay, dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp trên thế giới, nhất là ở một số thị trường dự kiến mở lại đường bay khai thác du lịch đang có dấu hiệu bùng phát dịch bệnh trở lại.

Huế là điểm đến thu hút khách quốc tế

Mới đây, tại cuộc bàn giải pháp đón khách quốc tế trở lại do Tổng cục Du lịch tổ chức, các bộ, ngành liên quan cho rằng, chỉ nên khai thác các thị trường khách nằm trong số những quốc gia đã thiết lập mối quan hệ hợp tác toàn diện với Việt Nam; không có người nào nhiễm bệnh trong vòng 30 ngày và có sự kiểm soát dịch bệnh tốt như ở nước ta; có đường dây nóng để xử lý những phát sinh trong quá trình đi lại của công dân 2 nước, xử lý các sự vụ phát sinh dựa trên quan điểm tôn trọng quan hệ song phương, không kỳ thị.

Sở Du lịch cho biết, Huế là điểm đến được đánh giá cao về khả năng phòng chống dịch và đảm bảo an toàn cho khách du lịch. Đây là kinh nghiệm để Huế triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn khi đón khách trở lại tốt hơn.

Dù thế, khi chuyển sang một giai đoạn, hình thức đón khách mới, có thể nhiều khách hơn so với trước sẽ khiến mọi công tác trở nên bỡ ngỡ. Do đó, cần bộ thủ tục chuẩn để đón du khách quốc tế khi trở lại, tránh sự lúng túng, thiếu đồng bộ và mỗi địa phương mỗi kiểu. Ngành du lịch Huế sẽ kiến nghị với Tổng cục Du lịch, sau đó sẽ dựa trên thực tế, kinh nghiệm sẵn có để có một quy trình đón, phục vu khách an toàn, thân thiện.

Quảng bá các thị trường tiềm năng

Ông Nguyễn Châu Tuấn, Giám đốc Công ty CP Du lịch Hương Giang thông tin, những ngày qua, qua trao đổi với phía đối tác lữ hành ở Thái Lan, đã lên kế hoạch và có lượng khách nhất định lựa chọn đến Huế ngay khi hai nước cho phép du lịch hoạt động trở lại. Phía đối tác thông tin, du khách tin tưởng Việt Nam nói chung và Huế nói riêng - là điểm đến lý tưởng về an toàn. Về hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp nào cũng muốn nối lại hoạt động để sớm phục hồi, song an toàn của điểm đến, của du khách là vấn đề đặt ra lúc này.

Hiện, các doanh nghiệp đã có những bước chuẩn bị bằng xây dựng các gói nghỉ dưỡng trọn gói, biệt lập, an toàn, thỏa mãn các tiêu chí khai thác an toàn cho các nhóm du khách riêng lẻ.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Du lịch khẳng định, quảng bá sẽ là giải pháp quan trọng, đi đầu và phải được đẩy mạnh ngay từ bây giờ. Chỉ khi quảng bá tốt, khẳng định được điểm đến an toàn và có những sản phẩm phù hợp nhu cầu với khách mới có thể giúp Huế thu hút khách.

“Sở Du lịch đang phối hợp với ngành du lịch hai địa phương Đà Nẵng và Quảng Nam để quảng bá điểm đến, tour tuyến chung thông qua kênh ngoại giao, kết hợp truyền thông điểm đến an toàn theo Tổng cục Du lịch; đồng thời, tận dụng các kênh quảng bá e-marketing, truyền thông số… để tiếp cận đến các thị trường khách. Trước mắt là các thị trường có khả năng đến Việt Nam trước, sau đó lần lượt sẽ đến các thị trường xa hơn”, ông Phúc cho biết.

Theo ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch, Việt Nam đang có nhiều lợi thế thu hút khách khi là một trong những quốc gia kiểm soát thành công dịch COVID-19 sớm nhất, được truyền thông quốc tế thường xuyên nhắc tới và đánh giá cao. Vì thế, trước mắt ngành du lịch sẽ tranh thủ hiệu ứng truyền thông để nâng cao vị thế và khẳng định hình ảnh du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn. Theo đó, sẽ có một một chương trình quảng bá thương hiệu Việt Nam – “Một thiên đường an toàn” được triển khai.

Bài, ảnh: QUANG SANG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Doanh nghiệp du lịch 'khóa sổ' tour đi Điện Biên

Theo đại diện các công ty du lịch tại TP Hồ Chí Minh, nhu cầu đi du lịch Điện Biên trong dịp Lễ 30/4 và 1/5 nhân kỉ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024) đang tăng cao và các đường tour du lịch đến Điện Biên hiện đã kín chỗ. Vì vậy, hầu hết các công ty du lịch đã có thông báo ngưng nhận khách.

Doanh nghiệp du lịch khóa sổ tour đi Điện Biên
Phát triển du lịch nghỉ dưỡng

Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu sống hưởng thụ và chi tiêu cho trải nghiệm của con người ngày càng cao, chính vì vậy thay vì du lịch đơn thuần, nhiều người lựa chọn hình thức du lịch nghỉ dưỡng kết hợp cùng các hoạt động chăm sóc sức khỏe. Đây là cơ hội cho du lịch Huế.

Phát triển du lịch nghỉ dưỡng
Đầu tư dịch vụ để hút khách quốc tế

Thu hút khách quốc tế và đầu tư dịch vụ trong nhiều trường hợp như vướng vào bài toán “con gà, quả trứng”. Nhưng để phát triển du lịch, thu hút khách quốc tế, chuyện đầu tư dịch vụ xứng tầm vô cùng quan trọng.

Đầu tư dịch vụ để hút khách quốc tế
Return to top