ClockThứ Sáu, 15/02/2019 14:02
Hội nghị “Phát triển du lịch miền Trung - Tây Nguyên”:

Cơ hội quảng bá di sản văn hóa Huế

TTH - TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế nhấn mạnh điều đó, khi trao đổi về cơ hội cho di sản văn hóa Huế trước Hội nghị “Phát triển du lịch miền Trung - Tây Nguyên”, được tổ chức tại TP. Huế trong hai ngày 15 và 16/2.

Cơ hội để du lịch Huế có những phát triển mới

Dạ tiệc hoàng cung tại nhà hát Duyệt Thị Đường. Ảnh: P. Thành

TS. Phan Thanh Hải nói: Hội nghị “Phát triển du lịch miền Trung - Tây Nguyên” vinh dự được đón Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và hơn 500 đại biểu bao gồm lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương..., đem lại nhiều cơ hội cho không chỉ riêng Quần thể di tích Cố đô Huế mà là các ngành dịch vụ nói chung của Thừa Thiên Huế. Đây cũng là cơ hội lớn để các nhà đầu tư thấy được tiềm năng dịch vụ du lịch của Thừa Thiên Huế. Trong đó, khu di sản Huế có vai trò quan trọng được xác định là thế mạnh then chốt của tỉnh. Nếu chúng ta có sự quảng bá phù hợp và lôi kéo được sự quan tâm chú ý của các doanh nghiệp, thì sự kiện này chính là cơ hội tốt, hiếm có để thu hút họ trực tiếp đầu tư cho ngành dịch vụ du lịch Huế nói chung và việc khai thác dịch vụ khu vực địa bàn di sản hoặc các khu vực lân cận nói riêng.

Dịp này, khu di sản Huế sẽ được giới thiệu như thế nào?

Đợt này, chúng tôi có một số hoạt động quan trọng. Thứ nhất là trung tâm được giao chủ trì đêm Gala dinner với chủ đề “Huế - Kinh đô ẩm thực”. Chương trình này được tổ chức tại sân điện Cần Chánh – Đại Nội vào tối 15/2, có sự tham gia của 500 khách mời tham dự hội nghị. Hoạt động này nhằm tăng cường sự gặp gỡ, giao lưu văn hóa, quảng bá, giới thiệu ẩm thực cung đình Huế. Đây là cơ hội tốt để quảng bá ẩm thực cung đình – một trong những di sản độc đáo của Huế.

Thứ hai, chúng tôi tổ chức lễ khởi công trùng tu phục hồi điện Kiến Trung và rất hy vọng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có thể tham dự. Điện Kiến Trung là công trình đặc biệt quan trọng trong hệ thống quần thể kiến trúc cung đình Huế. Nó gần như là kết tinh của dòng kiến trúc tân cổ điển mang phong cách phương Tây, nhưng sử dụng toàn bộ cách thức trang trí và giá trị tinh thần của văn hóa truyền thống của Huế, của Việt Nam.

Ngoài Đại Nội, những điểm đến nào được quan tâm, thưa ông?

Trong 3 tour du lịch được chúng tôi phối hợp với ngành du lịch tổ chức để các đại biểu, khách mời tham quan tìm hiểu và khám phá các tiềm năng thế mạnh du lịch Huế, có 2 tour liên quan trực tiếp đến di sản. Một tour du ngoạn lên thượng nguồn sông Hương và thăm các di tích 2 bên bờ sông, như: lăng vua Gia Long, lăng vua Minh Mạng, điện Hòn Chén, Văn Thánh - Võ Thánh, chùa Thiên Mụ… Tour thứ hai tham quan chùa Thiên Mụ và Đại Nội. Tuy thời gian ngắn nhưng chúng tôi coi đây là cơ hội tốt để quảng bá giá trị quý báu và phong phú của di sản văn hóa Huế, cũng như cách chúng ta đang bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa ấy như thế nào.

 “Huế - Kinh đô ẩm thực” được tổ chức tại sân điện Cần Chánh, liệu đây có phải là địa điểm phù hợp nhất?

Thực ra, các chương trình dạ tiệc Hoàng cung vẫn được tổ chức thường xuyên ở Duyệt Thị Đường, nhưng quy mô chỉ nhỏ theo các tour du lịch đặt, gắn với biểu diễn Nhã nhạc. Đối với những đoàn lớn với quy mô khoảng 500 khách trở lên thì mới được tổ chức như đại tiệc ở sân điện Cần Chánh. Không gian này đẹp, thoáng đãng nhưng có hạn chế là phụ thuộc thời tiết. Chúng tôi vẫn kiến nghị làm sao có một không gian phù hợp để có thể tổ chức được các sự kiện lớn, không phụ thuộc thời tiết và có sự đầu tư lâu dài cho âm thanh, ánh sáng. Ngay cả các nhà đầu tư cũng mong điều đó. Nhân Hội nghị “Phát triển du lịch miền Trung - Tây Nguyên”, chúng tôi hy vọng có thể mời gọi được những nhà đầu tư xứng tầm phối hợp làm việc này.

Nhưng việc này sẽ không đơn giản khi có liên quan đến khu di sản Huế?

Đúng vậy. Việc xây dựng những hạ tầng thiết yếu trong khu di sản luôn gặp nhiều vấn đề. Không chỉ là những vấn đề liên quan đến luật pháp, mà còn là dư luận xã hội và sự thống nhất của cộng đồng. Đương nhiên, khi muốn làm gì liên quan đến khu di sản Huế, việc đầu tiên là phải tuân thủ đúng các quy định pháp luật, tiếp đến là tính toán sự hài hòa với không gian kiến trúc đô thị Huế, màu sắc Huế và tính cách Huế… Đồng thời, phải tính toán lượng khách phù hợp. Những yếu tố đó yêu cầu chúng tôi cân nhắc kỹ khi lựa chọn không gian thích hợp và không xung đột với những vấn đề khác.

Ngành dịch vụ du lịch của Huế đang có cơ hội phát triển. Lượng khách tham quan khu di sản Huế cũng tăng đều. Tôi nghĩ, quan trọng hơn hết là chúng ta phải có giải pháp để khai thác và bảo tồn di sản văn hóa Huế một cách bền vững. Nếu nóng vội hoặc đơn thuần giao cho doanh nghiệp, không có cơ chế quản lý tốt thì di sản văn hóa Huế rất dễ bị thương mại hóa và phá hỏng giá trị bền vững nhưng cũng rất mong manh của nó.

Xin cảm ơn ông!

ĐỒNG VĂN

(Thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững

Tiếp tục phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững, TP. Huế triển khai nhiều giải pháp nhằm phát triển toàn diện và đồng bộ các hoạt động quản lý, bảo vệ, trồng rừng, khai thác, chế biến lâm sản... trên cơ sở huy động mọi nguồn lực xã hội, góp phần tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường.

Phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững
Du lịch và lữ hành sẽ phá vỡ mọi kỷ lục trong năm 2024

Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC) vừa dự báo một năm phá vỡ kỷ lục đối với lĩnh vực du lịch và lữ hành trong năm 2024, với mức đóng góp cho nền kinh tế toàn cầu sẽ đạt mức cao nhất mọi thời đại là 11,1 nghìn tỷ USD.

Du lịch và lữ hành sẽ phá vỡ mọi kỷ lục trong năm 2024
Giúp nhau phát triển kinh tế từ nghề truyền thống

Thành lập các câu lạc bộ (CLB), tổ liên kết (TLK) để cùng chia sẻ kinh nghiệm, thị trường, giúp đỡ vốn... đó là cách Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Hương Toàn (TX. Hương Trà) giúp hội viên phát triển kinh tế từ nghề truyền thống của địa phương.

Giúp nhau phát triển kinh tế từ nghề truyền thống
Return to top