ClockThứ Ba, 01/05/2018 07:43

Côn Đảo, tháng tư...

TTH - Tháng Tư ở Côn Đảo. Tôi nhìn thấy những tia nắng rạng ngời niềm tin trong ánh mắt của những người bạn mới quen.

Sau cái rung lắc nhẹ hạ độ cao, chiếc ATR 72 đưa tôi lần đầu tiên tới Côn Đảo. Sân bay Côn Đảo hiện ra sau những rặng dày cỏ ống, đúng như tên gọi trước 1975 của nó: “Phi trường Cỏ Ống”. Một tia nắng hắt nóng ngay khi chạm vào Côn Đảo để bắt đầu hành trình ước mơ. Mùa này, nắng chiều thường lấp ló vì trời có khi nhiều mây bất chợt nhưng một khi lọt qua được tầng mây, tia nắng ấy sẽ khá gắt. Không hiểu sao tôi lại suy nghĩ nhiều về “cái nắng” khi nghĩ về Côn Đảo. Có lẽ nó bắt nguồn từ những câu chuyện kể từ thưở ấu thơ của ông ngoại và cha tôi, những cựu tù chính trị Côn Đảo. “Phòng tắm nắng” (hình thức đày đọa tù nhân khi nhốt họ trong những phòng giam không mái che)... “Nắng đau nhức mắt” - cảm giác đau đớn tột cùng của tù nhân sau nhiều tháng bị giam cầm trong hầm đá tối... Không ít người đã không còn thấy lại nắng.

Côn Đảo hôm nay

Cầm tấm sơ đồ hệ thống nhà lao Côn Đảo do cha tôi vẽ tay cẩn thận trên hai mặt giấy vở học trò, tôi lần tìm thực địa theo những dấu chấm đỏ ghi chính xác ngày tháng cha tôi nằm, giai đoạn 1969 -1974, ở các trại 1, 6 và 7. “Con cố gắng chụp cho ba một tấm hình ở phòng 5, trại 1” - lời cha tôi trước lúc đi. Lòng vòng dưới nắng gần cả tiếng. Phòng 5 trại 1 đây rồi! Cánh cửa sắt đã hoen gỉ. Mái đã tốc hơn nửa. Ngói vỡ đổ xuống nền xi măng giờ đã bị cỏ phủ kín. Tôi bần thần đứng giữa gian xà lim cha tôi đã từng ở tháng 5 năm 1971. “Đó là nơi ba gặp ông ngoại con sau đợt tuyệt thực dài ngày. Ông ngoại con hứa: Tôi có đứa con gái, sau này hòa bình, đất nước thống nhất, hai ta còn sống, trai chưa vợ, gái chưa chồng, hai đứa yêu nhau thì ông gả”. Lời hứa đó đã được thực hiện sau ngày 30/4/1975. Ông ngoại tôi đã ở Côn Đảo 20 năm.

Nước mắt tuôn trào khi tôi hình dung cả một thời tuổi trẻ của họ nơi “địa ngục trần gian” này. Toan bước ra khỏi phòng 5 trại 1 thì bất ngờ một cảm giác nhói đau ở bàn chân. Một nhúm bông cỏ mật gai rơi xuống giày từ lúc nào xuyên vào da như một sự níu giữ sâu sắc từ quá khứ. Ngẩng nhìn lên, một tia nắng hắt mạnh qua tán lá bàng và mái ngói vỡ. “Ngày xưa ông ngoại và ba con thường nhìn qua ô thông gió đó để ngắm nắng và vững tin” - lời ông tôi kể hồi còn sống.

26 độ C. Độ ẩm 89%. Gió nhẹ. Một điều kiện lý tưởng để thực hiện cự ly 6 cây số chạy bộ dọc biển và để đắm đuối với thị trấn Côn Đảo sạch và xanh mướt. Cùng tham gia lúc bình minh với tôi là Nhà thơ Võ Quê - cựu tù chính trị Côn Đảo giai đoạn 1972 -1973 và họa sĩ Đặng Mậu Triết - người thực hiện cuộc triển lãm tranh “Ký họa Côn Đảo” tại Bảo tàng Côn Đảo dịp kỷ niệm 30 tháng Tư năm nay. Nếu như 12 bức bút sắt vẽ các cổng nhà lao Côn Đảo của họa sĩ Đặng Mậu Triết chứa đựng khát vọng bứt phá gông cùm “mạnh mẽ như nắng Côn Sơn” thì nhà thơ Võ Quê đến với đảo lần thứ bảy để sống lại lần nữa với cảm xúc mà ông đã viết trong tập “Lục Bát Côn Đảo”:“Chênh vênh đá tắm máu người. Biển xao sóng vỗ trao lời nước non. Đường vào địa ngục trần gian. Dẫu trong nỗi chết giữ tròn hiếu trung” (Cầu Tàu - 1972). Tại cầu tàu 914 (đặt theo con số tù nhân khổ sai bỏ mạng để dựng cầu tàu), bộ ba chúng tôi cùng chụp những bức ảnh ngược sáng để tôn vinh nắng bình minh Côn Đảo.

Tháng Tư ở Côn Đảo. Tôi nhìn thấy những tia nắng rạng ngời niềm tin trong ánh mắt của những người bạn mới quen. Đó là thầy giáo Tuyến, quê làng La Chữ, Thừa Thiên Huế, người đã có 8 năm gắn bó với mái trường Võ Thị Sáu. Đó là anh Dũng, nhà trong Thành nội, ra đảo đã 25 năm, hiện đang thành công với nghề kinh doanh sinh vật cảnh. Cả hai tâm sự chưa từng có hai chữ “Côn Đảo” trong bộ nhớ nhưng những ngã rẽ cuộc đời lại đưa họ đến với hòn đảo giàu trầm tích này để xây dựng tương lai cho chính mình và cho cộng đồng hơn 8 ngàn người dân ở đảo. Đặc biệt hơn cả là trường hợp của Liên, cô chủ Khách sạn Sài Gòn 68, quê miền Tây, đã vực dậy sự nghiệp kinh doanh xuống cấp của gia đình tại TP. HCM sau những lần ra Nghĩa trang Hàng Dương viếng mộ “cô Sáu” (Anh hùng LLVTND Võ Thị Sáu). 37 tuổi, Liên chọn Côn Đảo lập nghiệp lâu dài với dự định phát triển “du lịch xanh bền vững” để tri ân “cô Sáu”.

Buổi chiều cuối cùng ở Côn Đảo, tôi được Liên rủ đi chụp hình ở Vịnh Cá Mập. Mặt trời hạ dần sau Hòn Bà, thả chùm nắng xuống Vịnh làm biến sắc màu nước. Không biết nước có ấm không, riêng ống kính của tôi thì nóng lên khi một lần nữa quyết định chụp ngược sáng. Cô chủ khách sạn trẻ lần đầu tiên mặc áo dài ở Côn Đảo, đang đứng tạo dáng trên mỏm đá tỏa nắng tháng tư.

Bài, ảnh: BÙI XUÂN HÒA

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

THÔNG TIN DOANH NGHIỆP:
Khám phá mũi Cá Mập Côn Đảo với những vẻ đẹp hùng vĩ

Mũi Cá Mập Côn Đảo luôn là địa điểm có số lượng khách du lịch đến tham quan nhiều nhất tại mọi thời điểm trong năm. Với cảnh vật lung linh huyền ảo mang đến một khoảng không gian rất bình yên đến lạ thường. Vì thế, nếu bạn đang băn khoăn chưa biết nên đi du lịch ở đâu trong thời gian tới thì mũi Cá Mập Côn Đảo là một gợi ý quá hoàn hảo. Cùng nghiên cứu bài viết sau để nắm rõ hơn về lịch trình di chuyển đến mũi Cá Mập nhé!

Khám phá mũi Cá Mập Côn Đảo với những vẻ đẹp hùng vĩ
THÔNG TIN DOANH NGHIỆP
Kinh nghiệm mua vé máy bay đi Côn Đảo

Nếu muốn sở hữu một tấm vé máy bay đi Côn Đảo với một mức giá cả phải chăng, hãy chắc chắn rằng bạn sẽ không bỏ lỡ bài viết dưới đây. Những thông tin hữu ích được khai thác về hành trình bay cũng như kinh nghiệm săn vé giá rẻ sẽ giúp bạn có một chuyến đi thật ưng ý. Thời gian gần đây, Côn Đảo là một trong những địa điểm du lịch vô cùng lý tưởng để nghỉ mát cho cả gia đình với những bãi biển đẹp và cực hoang sơ. Cùng tìm hiểu thêm với chúng tôi về địa điểm này nhé.

Kinh nghiệm mua vé máy bay đi Côn Đảo
Vận chuyển vaccine COVID-19 đến Côn Đảo

Chiều nay (11/12), một lô vaccine COVID-19 đã được hãng hàng không VASCO (đơn vị thành viên của Vietnam Airlines Group) vận chuyển an toàn đến Côn Đảo. Số vaccine sẽ được sử dụng để tiêm chủng cho người lớn và cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi trên địa bàn huyện.

Vận chuyển vaccine COVID-19 đến Côn Đảo
Return to top