ClockThứ Tư, 23/08/2017 14:33

Đa dạng, hiệu quả trong liên kết du lịch

TTH - Liên kết giữa Huế - Đà Nẵng – Quảng Nam được xem là “điển hình” của liên kết phát triển du lịch của cả nước, nhưng trên thực tế vẫn còn những trăn trở.

Doanh nghiệp Huế cần chủ động gây dựng các mối liên kết

Doanh nghiệp Huế không được tham gia

Giám đốc một doanh nghiệp (DN) du lịch ở Huế chia sẻ, gần đây có đoàn famtrip là những hãng lữ hành quốc tế lớn đến khảo sát tour tuyến khu vực miền Trung. Huế là điểm đến không thể bỏ qua của đoàn khảo sát vì thị trường khách này rất “mê” di sản. Giám đốc DN nói trên tâm trạng: “Đã là liên kết, cùng phát triển thì DN của các địa phương cùng nhau hợp tác, cung cấp dịch vụ và khai thác nguồn khách. Nhưng một ngày đêm ở Huế, các DN Huế không thể tiếp cận trực tiếp với đối tác, dù đã đặt vấn đề trước đó. Đây không phải là lần đầu, nhiều năm qua và cho đến hiện tại vẫn còn hiện tượng “ém” đối tác như thế”.

Khách Hàn Quốc đang tăng trưởng mạnh ở khu vực miền Trung. Trong 6 tháng đầu năm 2017, lượng khách Hàn Quốc đến Huế đạt khoảng 120 nghìn lượt, riêng Đà Nẵng, con số này gấp gần 5 lần Huế. Quảng bá, kích cầu thông qua các hội chợ ở Hàn Quốc đang được các địa phương trong khối liên kết tập trung đẩy mạnh. Theo nhiều DN, có hai dạng hội chợ. Hội chợ để lữ hành các nước cùng nhau gặp gỡ và bán các sản phẩm, tour tuyến cho nhau. Hình thức này đang được ba địa phương Huế - Đà Nẵng – Quảng Nam tham dự. Còn một hội chợ khác, chỉ để lữ hành và người dân Hàn Quốc mua tour thì Huế lại không góp mặt. Không góp mặt, dĩ nhiên các sản phẩm về Huế sẽ không được chào bán, hoặc có thì cũng rất hạn chế.

Ông Trương Thành Minh, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch cho rằng, sự liên kết ở mặt quản lý Nhà nước rất chặt chẽ. Ba địa phương đang luân phiên nhau làm trưởng nhóm, điều hành tất cả mọi công việc trong vòng một năm. Cuối năm đều có tổng kết và lên kế hoạch cho năm tiếp theo. Nhưng về phía liên kết giữa các DN thì có những “khoảng trống” còn tồn tại như trên. Điều này cũng khó có thể trách, bởi phía DN địa phương bạn có tiềm lực hơn. Họ bỏ kinh phí để tham gia hội chợ riêng ngoài quảng bá chung, và bỏ kinh phí mời các lữ hành quốc tế về khảo sát. Cơ quan quản lý Nhà nước có can thiệp thì chỉ một phần nào đó. Điều quan trọng là sự chủ động liên kết của DN của Huế và hai địa phương bạn bằng hình thức đối tác làm ăn.

Trong lịch trình tour đi Huế, nhiều DN chỉ thiết kế chọn ở Huế một đêm, thậm chí nhiều DN bạn chỉ để khách dừng chân tham quan, ăn trưa rồi di chuyển. Lý do khách quan là Huế chỉ giữ chân được khách một đêm vì thiếu sản phẩm. Nhưng cũng có nhiều ý kiến cho rằng, khách ở lại hay không là do các nhà làm tour. Nhiều DN không muốn để khách ở lại Huế. Nói như thế không phải để trách nhau, nhưng rõ ràng dù có liên kết song sự cạnh tranh vẫn còn rất lớn giữa các điểm đến, dù hơn 10 năm qua câu nói “ba địa phương – một điểm đến” đã trở thành cửa miệng.

Còn nhớ cuối năm 2016, ngày hội du lịch giữa ba địa phương lần đầu tiên được tổ chức để DN gặp gỡ và thắt chặt hơn trong việc cung ứng sản phẩm du lịch cho nhau. Gần đây hơn là ngày hội cung cầu giữa DN hai địa phương Huế và Đà Nẵng, nhưng sự quan tâm của DN Huế không được nhiều. Bằng chứng là chỉ vài DN tham dự, các DN cho rằng họ không tham gia vì không cùng định hướng phát triển. “Nói đi cũng cần nói lại, sự chủ động liên kết của DN Huế vẫn chưa được cao”, ông Trương Thành Minh nói.

Doanh nghiệp Huế và Đà Nẵng trao đổi thông tin tại hội nghị cung cầu vừa diễn ra ở Huế

Cụ thể và đa dạng hơn

Thành công lớn nhất của liên kết du lịch là tận dụng được sức mạnh tập thể để tăng cường quảng bá cho nhau, đến các thị trường mới mà nếu một mình Huế khó có thể tiếp cận. Theo đại diện Sở Du lịch, qua những mối liên kết đang có, phải nhìn nhận rằng cần tiếp tục hoàn thiện hơn nữa, ràng buộc hơn trong những nội dung, nhất là về sự kết nối giữa các DN. Chứ như hiện nay, các điều khoản vẫn còn chung chung. Dù gì chăng nữa, chính DN mới tạo ra những sản phẩm cụ thể, cung ứng dịch vụ cho nhau.

Ông Lê Ngọc Sanh, Chánh Văn phòng Sở Du lịch cho hay, sự liên kết giữa các địa phương chỉ mới dừng lại ở mặt quảng bá điểm đến. Còn chiều sâu là liên kết của các DN chưa được mạnh. Các DN có sự “ăn rơ” với nhau, cục bộ từng nhóm nên không dễ để các DN ngoài liên kết nhảy vào cùng khai thác. Đối với những đoàn famtrip do DN địa phương bạn tổ chức thì cũng khó để có sự can thiệp.

Theo ông Trương Thành Minh, đánh giá một cách khách quan, DN Huế còn nhỏ, tiềm lực kinh tế hạn chế, yếu thế hơn trong các mối liên kết là chắc chắn. Trong khi đó, những lợi thế khác của Huế vẫn chưa bằng, như sân bay và các sản phẩm du lịch khác, yếu tố cấu thành một điểm đến hấp dẫn. Thời gian qua, ngành du lịch đã nhiều lần trao đổi với DN cần mạnh dạn xây dựng những sản phẩm của riêng mình dựa trên những lợi thế của Huế. Khi khách đến Huế, sản phẩm của DN đủ sức hấp dẫn thì chắc chắn khách phải dừng chân, và bắt buộc các hãng lữ hành lớn sẽ “ghim” vào hành trình tour. Dĩ nhiên, DN Huế sẽ trở thành đối tác.

Như chương trình shows áo dài của Công ty VKstar, hầu như đêm nào cũng kín chỗ bởi du khách Hàn Quốc. Một phần nhờ vào sự chủ động kết nối với các hãng lữ hành, phần quan trọng hơn nhiều chính là sức hút của chương trình. Ở Huế đây là chương trình duy nhất, du khách muốn xem thì chỉ có đến đây. Để tạo sự đa dạng cho tour, các hãng lữ hành lớn cũng bắt đầu đưa chương trình vào tour của họ.

Sự chủ động liên kết của DN là rất cần thiết. Nhưng với những mối quan hệ có tính cạnh tranh hơn là hợp tác thì cơ quan Nhà nước phải giữ vai trò làm cầu nối. Cần có thêm những cam kết và ràng buộc nhau một cách cụ thể hơn giữa các DN, và Nhà nước phải có sự bảo hộ cho DN, khi đó, sự liên kết mới đạt hiệu quả và các địa phương đều cùng có quyền lợi.

Bài, ảnh: Đức Quang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hiệu quả từ đổi mới giáo dục tiểu học

Với mục tiêu đào tạo các thế hệ học sinh phát triển toàn diện, cùng với đầu tư cơ sở vật chất, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) TP. Huế triển khai nhiều giải pháp trong đổi mới giáo dục tiểu học (TH), giúp học sinh tiếp cận phương pháp giảng dạy hiên đại, phát triển các khả năng hội nhập, như kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, ngoại ngữ, giao tiếp…

Hiệu quả từ đổi mới giáo dục tiểu học
Phát triển du lịch nghỉ dưỡng

Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu sống hưởng thụ và chi tiêu cho trải nghiệm của con người ngày càng cao, chính vì vậy thay vì du lịch đơn thuần, nhiều người lựa chọn hình thức du lịch nghỉ dưỡng kết hợp cùng các hoạt động chăm sóc sức khỏe. Đây là cơ hội cho du lịch Huế.

Phát triển du lịch nghỉ dưỡng
Hợp tác vì sự phát triển và thịnh vượng

Mối quan hệ hữu nghị truyền thống đặc biệt giữa Thừa Thiên Huế với các địa phương của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tiếp tục được tăng cường và phát triển tốt đẹp, ngày càng gắn bó, tin cậy, hiệu quả và thiết thực.

Hợp tác vì sự phát triển và thịnh vượng
Phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững

Tiếp tục phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững, TP. Huế triển khai nhiều giải pháp nhằm phát triển toàn diện và đồng bộ các hoạt động quản lý, bảo vệ, trồng rừng, khai thác, chế biến lâm sản... trên cơ sở huy động mọi nguồn lực xã hội, góp phần tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường.

Phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững
Return to top