ClockThứ Hai, 06/03/2017 14:00

Đảm bảo an toàn cho du khách

TTH - Đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách là điều bắt buộc của mỗi điểm đến du lịch.

Tình trạng chèo kéo khách tái diễn

Còn nhiều hình ảnh chưa đẹp

Sau nhiều ngày dẫn tour, buổi cà phê cuối tuần, anh bạn hướng dẫn viên tỏ ra bức xúc: “Tôi mới dẫn tour đi lăng Minh Mạng. Đang đưa khách ra trước lăng để lên xe quay về thành phố thì thấy gần khu vực bán hàng lưu niệm có hai khách nước ngoài đang đổi tiền với hai người đàn ông khoảng 30 - 40 tuổi. Cảnh tượng này đã nhiều lần bắt gặp trước đó, cả bên đổi và bên được đổi đều hài lòng nên ai cũng thấy bình thường. Thế nhưng hôm đó, khi đổi tiền, rõ ràng thấy hai người đàn ông này đã dàn cảnh lừa tiền của khách. Hai vị khách đưa ra tờ 50 USD và nhận lại một xấp tiền Việt 10 và 20 nghìn đồng. Đếm tất cả chỉ được hơn 400 nghìn”. “Có báo cơ quan chức năng đến xử lý không”, tôi hỏi. “Có lực lượng chức năng ở đó mô mà báo, cũng chẳng tìm được số điện thoại đường dây nóng nào mà gọi, nên hai vị khách chấp nhận bị lừa”, anh bạn cho biết.

Chia sẻ của một giám đốc công ty lữ hành, có đoàn khách phản ánh, hôm đó trời bất ngờ đổ mưa, đoàn khách đi tham quan không có sự chuẩn bị. Ngay lập tức có một số người đến chào bán áo mưa. Hai bên thống nhất mỗi cái 20 nghìn đồng. Một số vị khách ban đầu được bán đúng giá, nhưng những người sau khi đưa tiền có mệnh giá lớn thì người bán không trả lại tiền thừa. Mọi người và hướng dẫn viên (là ngoại tỉnh) đến hỏi, những người này lý lẽ, những người đầu bán giá đó, còn những người sau không trả giá nên bán như vậy. Hai bên “giằng co” một lúc, thua lý nên đoàn khách đành ngậm ngùi bỏ đi.

Để khám phá Huế, không gì bằng đi xích lô. Ra khỏi khách sạn, hai vợ chồng chị Hồ Phương Trang (TP. Hồ Chí Minh) thuê chiếc xích lô do một “bác tài” khoảng 60 tuổi điều khiển. Không hề ngã giá, hai người lên xe thẳng qua Đại Nội. Sau thời gian tham quan, hai vị khách lại lên xe và được bác tài giới thiệu lên tham quan chùa Thiên Mụ. Thế là đi. Tổng cộng thời gian của chuyến đi hơn ba tiếng đồng hồ. Lúc trả khách về lại khách sạn, tài xế “chém” đẹp 600 nghìn đồng. Hai vị khách quá bất ngờ, nhưng do không hỏi giá trước nên đành chấp nhận.

Nếu khách đặt tour ở các công ty lữ hành, những trường hợp gây ảnh hưởng đến du khách thì có thể kịp thời xử lý vì các công ty lữ hành báo với cơ quan chức năng. Trong khi đó, đối với khách không đi theo tour thì rất khó được bảo vệ. Hiện nay, các đường dây nóng chưa được lắp đặt công khai ở các điểm tham quan, nên khi có sự việc xảy ra, du khách không biết kêu cứu ai. Ông Nguyễn Thái Hòa, Chánh Thanh tra Sở Du lịch thừa nhận, không dễ xử lý những trường hợp như trên; để xử lý phải phối hợp với nhiều bên liên quan. Khó khăn hơn, chỉ khi có sự việc xảy ra thì mới nhận được thông tin từ du khách và công ty du lịch, khi đó đã muộn nên rất khó xử lý. Ngoài truyền thông, báo chí thông tin và công bố trên website của Sở Du lịch, sở không có nhiều điều kiện để thường xuyên đưa đường dây nóng đến với du khách.

Tìm phương án tối ưu

Đường dây nóng đã có, sự phối hợp đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách khi có sự việc xảy ra cũng có. Điều cần làm là tăng cường những giải pháp tiếp nhận thông tin phản ánh của du khách. Ông Vũ Văn Chương, Giám đốc Công ty Footeps chi nhánh Huế góp ý, ở các biển chỉ dẫn du lịch, những bảng giới thiệu điểm du lịch, hay những ẩn phẩm giới thiệu nên đưa thêm đường dây nóng của thanh tra Sở Du lịch và số máy của Công an địa phương. Khi có những sự việc gây ảnh hưởng thì du khách dễ dàng tìm thấy số điện thoại nóng để phản ảnh và kịp thời được xử lý.

Một ý kiến được nhiều người làm du lịch đồng tình là thành lập các trạm tiếp nhận thông tin. Có thể kết hợp với các trạm cảnh sát giao thông, trạm bán vé, các nhà hàng, khách sạn… để tiết kiệm kinh phí. Tận dụng lực lượng thanh niên tình nguyện, sinh viên, các em sẽ trực ở các trạm tiếp nhận này, khi có thông tin phản ánh của du khách, nếu thông tin khẩn cấp sẽ gọi điện ngay với cơ quan chức năng đến xử lý, nếu thông tin phản ánh bình thường thì ghi vào sổ nhật ký để ngành biết và chấn chỉnh sau đó.

Sở Du lịch đang lên kế hoạch tổ chức “ống kính du lịch”. Sở tiếp nhận những thông tin, hình ảnh phản ánh của du khách và tất cả mọi người dân về các vấn đề liên quan đến du lịch. Sau đó, những hiện tượng đang làm ảnh hưởng đến du lịch Huế sẽ đăng tải lên website ngành du lịch; phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền hình đăng tải.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Du lịch cho hay, sở sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan hình thành đội phản ứng nhanh, có nhiệm vụ tiếp nhận thông tin, nhanh chóng đến hiện trường và xử lý những phản ánh của du khách, hy vọng sẽ đảm bảo an toàn cho du khách nói riêng và môi trường du lịch nói chung.

Nếu du khách có những phản ánh về môi trường du lịch, an ninh, an toàn, hãy liên hệ với đường dây nóng của Thanh tra Sở Du lịch: 0234. 3501111/ 0905.165843.

Bài, ảnh: Đức Quang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giải phóng mặt bằng, đảm bảo tiến độ thi công

Hiện tại khối lượng thi công của một số gói thầu thuộc Dự án (DA) Cải thiện môi trường nước TP. Huế còn hạn chế. Ban Quản lý dự án (QLDA) Cải thiện môi trường nước TP. Huế yêu cầu toàn bộ các nhà thầu tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi tăng cường nhân, vật lực, tăng mũi thi công, tăng ca để đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Giải phóng mặt bằng, đảm bảo tiến độ thi công
Hình ảnh làm xấu du lịch Huế

Một trong những hình ảnh không đẹp xuất hiện tại thành phố hiện nay là nhiều người vô ý thức biến nơi công cộng thành "nhà vệ sinh công cộng".

Hình ảnh làm xấu du lịch Huế
Người tạo “Avatar” cho làng hương Thủy Xuân

Nếu như “Avatar” là một thủ thuật của marketing để tạo dựng, củng cố hình ảnh cá nhân, nhận diện thương hiệu cho một hay nhóm sản phẩm nào đó, thì “Avatar” của làng hương Thủy Xuân được tạo ra theo một cách hết sức thú vị, ít ai ngờ tới.

Người tạo “Avatar” cho làng hương Thủy Xuân
Return to top