ClockChủ Nhật, 30/10/2016 13:31

Dân dã như “cộ” heo - xôi

TTH - Chú em ở làng điện thoại nhắc: “Gần tới tháng 10 âm lịch rồi, anh coi thu xếp thời gian mà về dự chạp họ”. Chú em không nhắc thì tôi cũng nhớ ngày chạp họ hàng năm. Mà nhớ chạp họ là nhớ “cộ” (mâm) heo - xôi dân dã của quê nhà.

Con, cháu họ nhà tôi có đến mấy chục gia đình. Đông là vậy nên mỗi năm có một gia đình “đăng cai” lễ cúng chạp họ mà theo cách gọi của làng là “bô việc”. Nhớ có năm nhà tôi đảm trách “bô việc”, mọi thứ đã phải chuẩn bị từ nửa tháng trước. Nào là để lại mấy tạ nếp nấu xôi, đặt trước con heo cỏ của nhà hàng xóm, chuẩn bị đậu xanh để làm giá đỗ, đặt mua chục chai nước mắm hạng nhứt. Mạ tôi nói: “Heo nạc, xôi thơm cũng chưa đủ, phải có nước mắm thiệt ngon mấy bác trong họ mới ưng”.

Cộ heo – xôi sắp theo “công thức”: thịt côi – xôi dưới

Thịt heo và xôi là hai món chủ lực trong cúng chạp họ. Từ tờ mờ sáng, ngoài sân nhà tôi đã đỏ lửa với cái “hôn” (hoông) xôi hình bầu dục thiệt to. Cái hôn xôi cao quá đầu đứa con nít chỉ được sử dụng trong những dịp giỗ chạp lớn, không chỉ nấu được nhiều mà quan trọng hơn, xôi nấu bằng hôn thường dẻo hơn, chín đều hơn nấu bằng nồi. Lúc nấu, mạ tôi không quên bỏ trên nồi mấy ngọn lá chìa thơm (một thứ lá mùi có nhiều ở các vùng quê) để cho xôi thơm hơn, ngon hơn…

Trước sân thì “hôn” xôi, còn ngoài giếng thì mấy chú mổ heo. Heo mổ xong, chia thịt, làm lòng và luộc ngay. Đến khi trời sáng tỏ thì cả xôi và heo đều chín. Công việc còn lại của mấy chú “hậu cần” là phân cộ. Cái đầu heo, một miếng thịt nọng được dành để cúng mâm chính cùng với mấy dĩa xôi. Số thịt còn lại được chia đều thành từng “cộ” trên mỗi bàn. Cộ được lót bằng một miếng lá chuối xanh đã rửa sạch, theo “công thức”: thịt côi - xôi dưới; có thêm mấy tô xương xáo măng, mấy dĩa giá và tất nhiên là không thể thiếu chén nước mắm ớt, nước lèo…

Cái ngon của “cộ” heo - xôi đó là cách bài trí. Nhìn ngon mắt từ màu xanh của lá chuối, màu trắng của xôi và cả cách phối màu của thịt, của tiết, của lòng heo, nước mắm, nước lèo. Xôi ruộng, heo nhà, nước mắm cốt thơm nức mũi của biển và măng của rừng nữa… Bởi vậy, tuy đơn giản, mộc mạc nhưng “cộ” heo xôi là sự tổng hợp hương vị từ núi đến biển, từ đồng ruộng đến vườn…

Hồi trước, sau khi tan tiệc, mỗi người đều được chia phần heo - xôi, gói trong miếng lá chuối đưa về nhà cho mấy đứa nhỏ. Mà nay cũng vậy, không cầu kỳ, cũng chẳng của ngon vật lạ nhưng “cộ” heo – xôi luôn khiến tôi có cảm giác thòm thèm dù bụng đã no căng.

Bài, ảnh: PHI TÂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bánh ép và học trò

Tôi có hai cô bạn thân, mỗi khi gặp nhau, câu cửa miệng của chúng tôi là “Đi ăn bánh ép hè!”, thay cho lời chào. Ba đứa tôi thân với nhau từ thời trung học, thi thoảng buổi chiều tan trường, ba đứa ba chiếc xe đạp rong ruổi đến hàng bánh ép, vừa đi vừa huyên thuyên đủ chuyện. Món ăn bình dân đó là một phần trong ký ức thời đi học của tôi, vui vẻ và hồn nhiên. Mười năm trước, đồ ăn vặt cho giới trẻ không bùng nổ như bây giờ nên bánh ép đã trở thành một “ngôi sao” sáng chói!

Bánh ép và học trò
Cơm nắm muối mè

Cơm nắm muối mè là một món ăn rất đặc biệt, rất đáng ghi nhớ. Có thể coi đây là món đặc sản trong truyền thống ẩm thực người Việt.

Cơm nắm muối mè
Dân dã món rạm đồng xay của mẹ

Càng khôn lớn, càng được ăn nhiều của ngon vật lạ. Vậy mà đứa con xa nhà vẫn chỉ thèm thuồng nhớ nhung mùi vị món rạm đồng xay của mẹ.

Dân dã món rạm đồng xay của mẹ
Bánh ép o Kiều

Từ những cô cậu học trò đủ các cấp, sinh viên của nhiều trường đại học cho đến cả những bà mẹ, ông bố trẻ, ai đã thích món bánh ép thì đều thích “một cách mê tơi” - đó là câu trả lời của một bạn trẻ mà tôi tình cờ quen ở quán bánh ép O Kiều.

Bánh ép o Kiều
Return to top