ClockThứ Năm, 14/11/2013 13:57

Đất trời xứ Huế nhớ Thi ông

TTH - Ngồi ở bến sông, trước chùa Thiên Mụ, ngó qua bờ sông đối diện thì làng Nguyệt Biều (Thủy Biều, TP Huế) như thu vào mắt trọn vẹn. Thú vị hơn khi làng quê xanh mướt hiền hòa ôm chân đồi Long Thọ thấp và gần, Thương Sơn cao mà xa, làm nên một bức tranh toàn cảnh phảng phất hồn Thi ông Thương Sơn.

Thi ông Tùng Thiện (1819-1870) là hoàng tử thứ mười của vua Minh Mạng, thân mẫu là bà Thục tần Nguyễn Thị Bửu. Thi ông có học hạnh cao và có tài thơ, được phong làm Tùng Quốc Công, mở phủ ở phường Liêm Năng, bên bờ sông An Cựu năm 1839. Năm 1854, mãn tang mẹ, ông được gia phong Tùng Thiện Công, giữ chức Tả Tôn Nhân phủ năm 1865. Năm sau, xảy ra sự biến “giặc Chày vôi”, do con rể ông là Đoàn Hữu Trưng chủ mưu nhằm lật đổ vua Tự Đức. Việc thất bại, Hữu Trưng và nhiều người bị hành hình. Thi ông trói con gái và cháu ngoại, quỳ trước bệ rồng, dâng sớ xin chịu tội. Vua Tự Đức không kết tội, chỉ dụ rằng: Thi ông “chọn rể không cẩn thận để mất thanh danh, nay trừ bổng trong tám năm”. Sự kiện này làm Thi ông day dứt không nguôi, lại thêm lúc bấy giờ một phần đất nước đã mất vào tay giặc Pháp xâm lược mà triều đình dầu cố gắng lấy lại nhưng bất lực làm Thi ông càng muộn sầu da diết… Ông mất ngày 30 tháng 3 năm Canh Ngọ (tức 30 tháng 4 năm 1870) lúc 51 tuổi, được vua Tự Đức gia tặng là Tùng Thiện Quận Vương vào năm 1878, vua Bảo Đại truy phong là Tùng Thiện Vương vào năm 1929. Ông là một thi gia nổi tiếng vào thế kỷ 19, đã để lại cho đời bộ “Thương Sơn thi tập” đồ sộ với 54 tập, viết bằng chữ Hán, được em trai, em gái và các con sắp xếp rồi cho khắc in vào năm 1872.

Các nhà nghiên cứu cho rằng, qua tác phẩm của Thi ông, thấy một hồn thơ phong phú và bình dị, yêu thiên nhiên, thích nhàn hạ, gần gũi người lao động, đằm thắm nồng hậu với người thân, có lòng trung quân ái quốc. Những năm tháng cuối đời, Thi ông muộn sầu u ẩn…

Cao Chu Thần, dẫu khinh thế ngạo vật nhưng là người tri kỹ của Thi ông, đã viết lời tựa cho tập thơ “Hà thượng”, trong “Thương Sơn thi tập”, ca ngợi tài đức của ông rất chân thành, khiêm tốn và hào sảng: “Sớm tối tôi sẽ từ biệt, nên tập thơ đưa lại đây, tôi chưa thể đọc hết được, chỉ xin đem ý kiến quê mùa phụ vào để đạo đạt lên, mong được dạy bảo thêm cho mà thôi. Tôi theo Quốc công chơi đã lâu. Thơ của Quốc công đâu phải đợi đến Quát này mới có thể nói được?

Sáng ngày mai, ở phía cầu Đốc Sơ, trông về phía nam, thấy phía nam cửa khuyết có ánh sáng rừng rực bốc lên trên nửa tầng không, đến tận trời xanh, mây trắng, nhìn xa mà không chán, đó không phải là núi Thương Sơn ư? Mua rượu uống rồi, cởi áo ở nơi trường đình, bồi hồi ngâm vịnh các bài thơ “Hà thượng” của Quốc công, lòng khách càng cảm thấy xa xăm man mác”.

Vài chiếc thuyền neo bến có bờ tre lả ngọn, la đà quét lên mặt sông, tưởng như người xưa hiện về ngâm bài “Nguyệt Biều dạ bạc” (Đêm đậu thuyền Nguyệt Biều). Dạo thuyền sông Hương vào một đêm trăng sáng, Thi ông neo thuyền ở bến sông làng Nguyệt Biều, ở bờ đối diện có chùa Thiên Mụ, Thi ông cảm xúc viết bài tứ tuyệt này.

Đêm trăng, những khóm tre ở bờ sông in bóng, để mặt sông càng sáng vằng vặc. Làng quê hiền hòa chìm trong giấc ngủ an bình, mặc Thi ông ngồi ở mạn thuyền ngắm cảnh, không bận lòng về những bất trắc về đêm, ông hạ bút: “Trúc âm lương xứ, dạ đình thuyền” (Đêm neo thuyền nương bóng tre lành). Trong cảm thái tự tại, ông thả hồn vào trăng nước, đắm mình trong làn gió sông mát rượi, thể nhập với “trăng thanh gió mát”. Quên ngủ chẳng vì thao thức những sự đời buồn vui mà vì “chứng ngộ” như một “thiền nhân”: “Thủy nguyệt, giang phong vị nhẫn miên” (Trăng thanh gió mát ngủ sao đành). Trong cảm thức hòa nhập với thiên nhiên một cách “vô ngã”, đến tàn đêm thì tiếng chuông chùa Thiên Mụ ngân vang, tiếng chuông phát ra từ lầu chuông, ngân xa, trong trong như làm tan khói sương kết tụ nơi bờ xa thăm thẳm: “Cách dạ chung lâu Thiên Mụ tự/Thanh thanh xao phá viễn đình yên” (Tàn đêm, vẳng hồi chuông Thiên Mụ/ Tan khói mù xa tiếng thanh thanh).

Thi ông Miên Thẩm trước khi lìa đời, còn chút sức tàn đưa tay viết vào không khí bài tuyệt cú, con cháu trong đau đớn vẫn ghi được, có câu hỏi luyến thương đất trời quê hương: “Tiến Sảng (*) đinh ba, Thiên Mụ nguyệt/Thủy hương lâm ảnh hữu nhân vô” (Sóng nước Thúy Vân, trăng Thiên Mụ/ Bóng rừng hương nước nhớ người không?). Chiều nay bên sông, nhìn vầng trăng nhú lên trên đỉnh núi Thương (núi Kim Phụng), bóng tre hiền Nguyệt Biều lại hiện, một chiếc thuyền đánh cá lại neo, đời xa người khuất, làm sao sông Hương, núi Thương, tháp Phước Duyên, chuông Thiên Mụ… quên được Thi ông Thương Sơn Tùng Thiện vương Miên Thẩm.

(*): Tiến Sảng – một tên khác của Thúy Vân

Lãng Điền
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Vài chuyện ở địa danh Phủ Cam

Theo “Phủ Biên Tạp Lục” của Lê Quý Đôn, địa danh Phủ Cam ra đời cùng thời với Phủ Dương Xuân dưới thời các chúa Nguyễn. Cho nên phải gọi là Phủ Cam mới đúng.

Vài chuyện ở địa danh Phủ Cam
Tìm về truyền thống thủy quân ở làng xã vùng Huế

Trong lịch sử vùng Huế, những ngôi làng Việt cổ thường nằm dọc lưu vực sông Ô Lâu, sông Bồ và sông Hương. Từ làng xã “gốc” phát triển về thượng nguồn hoặc hạ lưu, hình thành những làng “ngọn”. Vùng đất Phú Lộc, ngoài lưu vực sông Truồi, còn có dải cồn cát ven biển và đầm phá có vị trí chiến lược, vành đai an ninh quốc phòng đặc biệt quan trọng, để bảo vệ Kinh đô Huế.

Tìm về truyền thống thủy quân ở làng xã vùng Huế
Vài nghi vấn từ bia mộ nhà chí sĩ yêu nước Tăng Bạt Hổ

Trong khuôn viên di tích nhà lưu niệm danh nhân Phan Bội Châu, ngoài di tích nhà ở, nhà thờ và lăng mộ của cụ Phan, còn có nhiều lăng mộ, bia tưởng niệm… của các chí sĩ yêu nước được đưa vào đặt, an táng ở đây; trong đó, có lăng mộ của nhà chí sĩ yêu nước Tăng Bạt Hổ, một trong những nhân vật được xem là biểu tượng của tinh thần chống Pháp bất khuất cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Cuộc đời và sự nghiệp của ông được nhiều người biết đến. Tuy nhiên, ít ai biết vì sao lăng mộ của ông lại được đưa vào an táng trong khuôn viên di tích nhà lưu niệm Phan Bội Châu.

Vài nghi vấn từ bia mộ nhà chí sĩ yêu nước Tăng Bạt Hổ
Return to top