ClockThứ Năm, 06/01/2011 09:52

“Đây chỉ là sự khởi đầu”

TTH - GS.TSKH Tô Ngọc Thanh:  "Hệ thống âm thanh (hệ thống nốt) của biên chung, biên khánh Hàn Quốc không giống Việt Nam, việc quan trọng tiếp theo là chúng ta phải chọn âm cho đúng với thang âm của âm nhạc Việt Nam..."
GS.TSKH Tô Ngọc Thanh
Cho đến những năm đầu thế kỷ 20, người ta vẫn còn nhìn thấy nhạc cụ này được sử dụng trong các cuộc lễ quan trọng của triều đình. Vậy mà ngày nay biên chung, biên khánh chỉ còn tồn tại như những mảnh vỡ của quá khứ...”, đó là điều mà Ths. Phan Thuận Thảo, người trực tiếp thực hiện hồ sơ khoa học về Biên chung, Biên khánh lo lắng khi thực hiện dự án “Bảo tồn và phát huy giá trị Nhã nhạc - Âm nhạc cung đình Việt Nam” (2005 - 2009). Nhân dịp đón nhận bộ biên chung, biên khánh do các bạn Hàn Quốc trao tặng, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện nhanh với GS.TSKH Tô Ngọc Thanh.
GS.TSKH Tô Ngọc Thanh là một trong những cố vấn chuyên môn quan trọng để chương trình hợp tác nghiên cứu và phục chế biên chung, biên khánh thành công. Ông gọi sự kiện này là “niềm vui lớn”, thoả được nỗi trăn trở lâu nay nên rất phấn khởi:

- Lịch sử của vấn đề này đã diễn ra cách đây 5-6 năm. Bấy giờ chúng ta bí lắm. Biên chung, biên khánh là loại nhạc khí quan trọng thường được biểu diễn trong các lễ tế trước đây của triều Nguyễn, nay đã thất truyền về công nghệ chế tác, chỉnh âm và diễn tấu. Nhã nhạc mà không có biên chung, biên khánh thì chưa thể nói là hoàn thiện. Bởi về mặt triết học, âm thanh biên chung, biên khánh mang ý nghĩa giao hoà với trời đất nên ngày xưa, người ta sử dụng trong các lễ tế. Qua những âm thanh ấy, con người gửi gắm niềm mong cuộc sống bình yên đến tất cả các thế lực siêu tự nhiên; là tiếng nói của chính quyền phong kiến đối với trời đất. Đó mới chính là cái hay, cái thiêng liêng của nhã nhạc, chứ không đơn giản chỉ là giai điệu, là âm thanh... Chiều sâu triết học của biên chung, biên khánh cũng ở điểm này. Tôi thường suy nghĩ về Nhã nhạc ở khía cạnh ấy nhiều hơn. Và có lẽ, chúng ta cần kính trọng Nhã nhạc bởi đó không chỉ là những tác phẩm âm nhạc, đó còn là một thứ tiếng nói rất thiêng liêng.


GS.TS Tô Ngọc Thanh và nghệ nhân Lữ Hữu Thi thử âm biên chung. Ảnh: Diên Thống

- Tại sao chúng ta lại hợp tác cùng Hàn Quốc trong lĩnh vực này?
- Cách đây 3 năm, tôi đã đến Hàn Quốc xem nghệ nhân Kim Huyn Kon làm biên chung, biên khánh. Sau đó, về trao đổi lại với lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế để các anh tìm hiểu khả năng thực hiện hoạt động chế tác nhạc cụ này thông qua chương trình hợp tác và tiếp tục về mặt ngoại giao. May quá, các bạn Hàn Quốc đồng ý giúp mình vì đất nước bạn vẫn giữ được kỹ thuật chế tác và kỹ năng sử dụng loại nhạc khí này. Trên cơ sở các nước đồng văn (cùng nền văn hiến của đạo Khổng), chúng ta đã gặp được một sự hợp tác nhiệt tình rất cao của các bạn Hàn Quốc. Họ có kỹ thuật đúc và bộ nhạc khí hôm nay họ tặng chỉ là cái khởi đầu, thử nghiệm. Sau này, nếu có điều gì không hài lòng, họ sẽ làm lại cho chúng ta. Chúng ta cảm ơn sự giúp đỡ của bạn và tin rằng, có thêm biên chung, biên khánh, Nhã nhạc của chúng ta càng thêm ý nghĩa, trọn vẹn.
- Nhạc khí đã có, vậy điều quan trọng với chúng ta tiếp theo là gì, thưa Giáo sư?
- Hệ thống âm thanh (hệ thống nốt) của biên chung, biên khánh Hàn Quốc không giống Việt Nam, việc quan trọng tiếp theo là chúng ta phải chọn âm cho đúng với thang âm của âm nhạc Việt Nam. Các bạn chỉ giúp mình kỹ thuật đúc, còn hệ âm thanh ấy gồm những nốt gì thì lại là những nỗ lực của chúng ta. Đó cũng là bước khó khăn nhất. Hiện, những thang âm của biên chung, biên khánh Việt Nam đã bị mất. Trong bảo tàng chỉ còn một vài cái chuông. Từ những cái chuông này, anh em chuyên môn mới khôi phục lại hệ thống làn âm thanh của mình để các bạn Hàn Quốc tiếp tục giúp về việc đo chỉnh âm. Cùng với việc sớm xác định được hệ âm thanh đó, chúng ta cũng phải nghiên cứu xem, ngày xưa, người ta đã đánh biên chung, biên khánh vào những bài nhạc nào để từng bước phục hồi và diễn tấu cho phù hợp. Tôi tin rằng, với những cán bộ chuyên môn rất tinh của Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, cùng với sự phối hợp của chúng tôi từ ngoài Bắc vào, những bước tiếp theo để bảo tồn và phát huy giá trị của loại nhạc khí này sẽ tốt đẹp.
 
Theo nghệ nhân Kim Huyn Kon, chỉnh âm biên chung, biên khánh khó hơn các nhạc cụ khác. Với những người đã có tay nghề cao, có thiên phú bẩm sinh và rèn luyện chăm chỉ thì phải mất 4 năm mới học được cách chỉnh âm. Thông thường, các chuông được đúc ra theo những độ dày nhất định, chẳng hạn 4 cm hay 5 cm. Đây chưa phải những sản phẩm hoàn hảo mà phải mài cho bằng, phải sửa lỗi, phải vừa mài vừa đánh để nghe xem âm có hay, có đẹp, có chuẩn không. Công đoạn mài cũng rất khó, mài quá độ thì sẽ làm hỏng cao độ, phải vừa mài vừa nghe để kiểm tra.
 
Đồng Văn
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Cụ” bàng trong trường học được công nhận cây Di sản

Sáng 17/2, thầy giáo Nguyễn Văn Tuân, Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Phú Lộc (huyện Phú Lộc) cho biết, cây bàng cổ thụ trong trường vừa được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây Di sản Việt Nam.

“Cụ” bàng trong trường học được công nhận cây Di sản
Báo cáo nghiên cứu đầu tư dự án phục hồi di tích điện Cần Chánh

Chiều 12/1, tại Nhà hát Duyệt Thị Đường, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế tổ chức Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư dự án Tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích điện Cần Chánh. Tham dự, có các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hoá - lịch sử cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Báo cáo nghiên cứu đầu tư dự án phục hồi di tích điện Cần Chánh
Núi Bân & lễ hội Quang Trung tại Huế

Cùng với Hà Nội và Bình Định, Huế tự hào có khu tưởng niệm và lễ hội Quang Trung gắn với sự kiện Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế, xuất quân ra Bắc Hà, đánh tan 29 vạn quân Thanh xâm lược.

Núi Bân  lễ hội Quang Trung tại Huế
Return to top