ClockThứ Sáu, 22/10/2010 04:48

Di sản Huế với bảo tồn, hội nhập và phát triển

TTH - 1. Huế là một hiện tượng đặc biệt trong lịch sử phát triển đô thị Việt Nam: từ một vùng đất biên viễn nổi danh là xứ “Ô Châu ác địa” biến thành một trung tâm đô thị và văn minh mới của người Việt trên con đường Nam tiến từ thế kỷ 17 -18, trở thành kinh đô của đất nước thống nhất trong suốt thời Nguyễn ở thế 19 và nửa đầu thế kỷ 20, rồi thành cố đô cuối cùng còn được bảo lưu nguyên vẹn nhất tại Việt Nam.

Theo đánh giá của nhiều nhà nghiên cứu, cho đến nay, cố đô Huế là một trong những đô thị có quỹ kiến trúc di sản giàu có nhất không chỉ trong phạm vi khu vực Đông Nam Á.

Hòa quyện và tôn vinh thêm cho các di sản vật thể đó là kho tàng văn hóa phi vật thể đồ sộ. Bên cạnh Nhã nhạc cung đình đã được tôn vinh là Kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại, Huế còn có cả hệ thống lễ hội cung đình với Lễ tế Nam Giao, tế Xã Tắc, tế hưởng ở miếu Tổ, nghi thức đại triều, Lễ truyền lô, Lễ ban sóc… Các loại hình nghệ thuật cung đình như Tuồng cung đình, múa cung đình vẫn còn được bảo tồn hay đủ cơ sở để bảo tồn và phục hồi. Huế còn cả hệ thống lễ hội và nghệ thuật dân gian phong phú, hệ thống làng nghề thủ công truyền thống độc đáo, nghệ thuật ẩm thực tinh tế…

Chính vì vậy, Huế được mệnh danh là một đô thị di sản. Nguyên Tổng giám đốc UNESCO, ngài Mbow còn ngợi ca Huế là một “Kiệt “Kiệt nhân tạo với môi trường thiên nhiên.
 
2. Đô thị Huế nói riêng và Thừa Thiên Huế nói chung đã có những thay đổi to lớn sau 35 năm kể từ ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nhất là kể từ ngày đổi mới. Huế trở thành vùng đất đầu tiên có Di sản thế giới (cả vật thể và phi vật thể), thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam, được nâng cấp lên đô thị loại II, loại I và đang định hướng để nâng cấp thành Thành phố trực thuộc Trung ương. Huế đã và đang dần khẳng định vị thế của mình, một trung tâm văn hóa, khoa học, giáo dục, y tế của cả nước. Rõ ràng là trong sự thay đổi vị thế đó, di sản văn hóa đóng vai trò có tính quyết định. Di sản văn hóa là nền tảng để phát triển ngành du lịch dịch vụ, ngành kinh tế mũi nhọn trong cơ cấu phát triển kinh tế của Thừa Thiên Huế hiện nay.
 
Tuy nhiên, cũng có thể thấy rõ, cùng với những thay đổi và phát triển, đô thị di sản Huế đang đứng trước những thử thách to lớn.
Trước hết là một quy hoạch khoa học và chi tiết cho việc quản lý, gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị của hệ thống di sản vẫn còn yếu và thiếu.
 

Lăng Tự Đức

Trong phạm vi các khu di sản hiện nay có gần một nửa dân cư của TP Huế sinh sống (bên trong Thành Nội có 8,5 vạn; khu vực lân cận bên ngoài gần 2 vạn; khu vực các di tích lăng tẩm, đàn miếu, chùa quán.. có khoảng 4-5 vạn người nữa, tổng cộng khoảng 15 vạn/33 vạn cư dân toàn TP Huế), nhưng đến nay vẫn thiếu một lộ trình cụ thể để giải tỏa dân cư trong khu vực I và một quy hoạch rõ ràng để đảm bảo ổn định cuộc sống của người dân trong vùng di sản.
 
Việc phát triển hạ tầng đô thị ồ ạt, việc cao ốc hóa khu vực bờ nam sông Hương bằng nhiều dự án khách sạn, văn phòng, siêu thị… đã tạo nên áp lực rất lớn đối với khu đô thị cổ bên bờ Bắc và những lăng tẩm, đền miếu dọc đôi bờ sông Hương. Những áp lực này có lúc đã gây nên những phản ứng gay gắt của các nhà nghiên cứu và dư luận nói chung như dự án khu du lịch đồi Vọng Cảnh, Cồn Dã Viên, khách sạn Hoàng Đế… Liên tiếp trong 6 kỳ họp gần đây (từ kỳ họp lần thứ 28 năm 2004 đến kỳ họp thứ 32 năm 2009), Ủy ban Di sản thế giới của UNESCO liên tiếp đưa ra những khuyến nghị đối với Huế do tình trạng quản lý kém về phát triển hạ tầng đô thị và thiếu chương trình quản lý tổng thể cho các khu di sản. Đó thực sự là một điều đáng báo động đối với đô thị di sản Huế.
 
3. Trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, quy mô của Huế không chỉ còn nằm trong phạm vi 70km2 mà có thể tăng gấp hơn 70 lần, tức là gồm cả 5.033km2 diện tích của toàn tỉnh Thừa Thiên Huế hiện nay (tương đương với tổng diện tích của thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh). Sự nâng cấp về vị thế cùng sự mở rộng về quy mô chắc chắn sẽ tạo cho TP Huế trong tương lai những cơ hội to lớn để bảo tồn và phát huy giá trị di sản.
 
Thành phố được mở rộng cũng tạo ra nhiều cơ hội để giải tỏa bớt áp lực phát triển và tình trạng dân cư sống trong vùng di sản. Hàng vạn người dân sống trong khu vực bảo vệ I di tích (khu vực bất khả xâm phạm theo Luật Di sản Văn hóa) sẽ được di dời đến nơi khác có điều kiện sống tốt hơn. Khu vực Thành Nội và các khu di tích khác sẽ được mở rộng không gian bảo vệ, đặc biệt là các yếu tố tự nhiên như thủy hệ, cây xanh…, những nhân tố vốn hết sức quan trọng trong kiến trúc truyền thống Huế.
 

Cửa Hiển Nhơn - Hoàng Thành Huế

Một điều rất quan trọng nữa là tác động của ngành du lịch-dịch vụ đối với công tác bảo tồn di sản. Di sản văn hóa là đối tượng chính của ngành kinh tế này (vốn đang được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh), nên việc mở rộng và phát triển kinh tế dịch vụ du lịch chắc chắn sẽ đòi hỏi phải xây dựng một mối quan hệ chặt chẽ giữa đôi bên. Trong tương lai, ngành du lịch –dịch vụ không chỉ biết khai thác di sản mà phải có trách nhiệm bảo tồn và tôn vinh di sản. Đó cũng là phương cách tốt nhất để giữ được mối quan hệ hài hòa giữa bảo tồn và phát triển.
 
4. Có rất nhiều bài học về sự thành công và thất bại trong việc giữ gìn và phát huy giá trị di sản của các đô thị lịch sử có nhiều nét tương đồng với Huế như Kyoto (Nhật Bản), Geongju (Hàn Quốc), Tô Châu, Tây An (Trung Quốc)… mà Cố đô Huế cần nghiên cứu, học hỏi để vừa tiếp thu được những kinh nghiệm quý, vừa tránh được những sai lầm, thất bại.
 
Tô Châu là một thành phố vườn, cũng từng là kinh đô của nhiều triều đại phong kiến với hệ thống di sản văn hóa phong phú. Trong thập niên 1960, để “hiện đại hóa” và “quét sạch tàn dư của chế độ phong kiến”, người ta đã đập phá thành Tô Châu (chu vi 14km, xây bằng gạch đá tương tự Kinh thành Huế) và một số kiến trúc cổ, xây dựng mới nhiều công trình hiện đại trong khu vực thành cổ (vùng lõi đô thị)… Cuối thế kỷ XX, từ khi các khu vườn cổ Tô Châu được công nhận là Di sản Thế giới, Thành phố Tô Châu đã chấp nhận trả một cái giá khá đắt để “sửa sai”. Chính quyền thành phố đã cố gắng bảo tồn lại khu vực thành cổ (kể cả việc xây dựng lại khoảng 1/3 tường thành Tô Châu), phục hồi các di sản văn hóa, tạo không gian cho các khu vườn có giá trị, đồng thời quy hoạch và xây dựng các khu đô thị hiện đại nằm cách xa vùng lõi đô thị cũ. Tô Châu hiện nay được đánh giá là một trong những thành phố đạt được nhiều thành tựu trong công tác bảo tồn và là thành phố phát triển hàng đầu của Trung Quốc.
 
Dĩ nhiên, Huế không hoàn toàn giống Tô Châu. Cơ hội để giữ gìn di sản Huế một cách toàn vẹn vẫn còn. Vì vậy, cần phải có một chiến lược đúng cùng những giải pháp phù hợp để vừa phát triển Huế (sau này là Thành phố Thừa Thiên Huế) trở thành một đô thị hiện đại mà vẫn bảo tồn tốt các di sản văn hóa. Có lẽ đây cũng là con đường phù hợp nhất để Huế cất cánh bằng chính tiềm năng và sức mạnh của chính mình.
 
 
Hiện nay Thừa Thiên Huế có 902 di tích lớn nhỏ, trong đó quần thể di tích cố đô đã được công nhận là Di sản văn hóa thế giới có 16 cụm di tích (nay được mở rộng lên gần 30 cụm di tích và đã được công nhận là Di tích đặc biệt cấp quốc gia), 118 di tích cấp quốc gia và di tích cấp tỉnh… Nhưng điều quan trọng nhất là tính nguyên vẹn có hệ thống của các di sản. Ít có nơi nào như ở Huế vẫn còn bảo tồn được gần như hoàn hảo một hệ kiến trúc thành trì pha trộn phong cách truyền thống và phong cách phương Tây; một hệ cung điện độc đáo...

 
 
TS. Phan Thanh Hải
 
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Cụ” bàng trong trường học được công nhận cây Di sản

Sáng 17/2, thầy giáo Nguyễn Văn Tuân, Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Phú Lộc (huyện Phú Lộc) cho biết, cây bàng cổ thụ trong trường vừa được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây Di sản Việt Nam.

“Cụ” bàng trong trường học được công nhận cây Di sản
Báo cáo nghiên cứu đầu tư dự án phục hồi di tích điện Cần Chánh

Chiều 12/1, tại Nhà hát Duyệt Thị Đường, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế tổ chức Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư dự án Tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích điện Cần Chánh. Tham dự, có các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hoá - lịch sử cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Báo cáo nghiên cứu đầu tư dự án phục hồi di tích điện Cần Chánh
Núi Bân & lễ hội Quang Trung tại Huế

Cùng với Hà Nội và Bình Định, Huế tự hào có khu tưởng niệm và lễ hội Quang Trung gắn với sự kiện Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế, xuất quân ra Bắc Hà, đánh tan 29 vạn quân Thanh xâm lược.

Núi Bân  lễ hội Quang Trung tại Huế
Return to top