ClockThứ Năm, 12/09/2013 05:35

Di sản nghệ thuật tạo hình thời chúa Nguyễn

TTH - Với tư cách là thủ phủ thời các chúa Nguyễn, nhưng sau nhiều biến động lịch sử, những gì được gọi là di sản nghệ thuật tạo hình thời chúa Nguyễn còn lại quá ít ỏi dù giai đoạn này từng tồn tại hơn hai thế kỷ và được phản ánh một cách sinh động trong nhiều thư tịch.

Từ những ngôi mộ táng

Bắt đầu bằng những lần điền dã ở lưu vực sông Ô Lâu - ranh giới giữa Quảng Trị và Thừa Thiên Huế hiện nay, nhóm cán bộ của Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam tại Huế phát hiện một nhóm mộ táng có chất liệu, hình dạng kiến trúc đặc thù với đầy đủ hoa văn trang trí, bia chí và hình dạng nấm mộ ở khu vực làng Văn Quỷ - xã Hải Tân - huyện Hải Lăng - Quảng Trị. Những thông tin trên văn bia bước đầu cho biết đây là mộ táng của một vị Cai hợp thuộc Tướng thần lại ty - một trong tam ty dưới thời các chúa Nguyễn.

Chiếc vạc đồng trước Tả Vu

Khánh đồng chùa Thiên Mụ

Từ phát hiện ban đầu này, địa bàn khảo sát đã được mở rộng đến khu vực thượng nguồn Ô Lâu. Nhiều dạng mộ táng tương tự đã được tìm thấy, trong đó, quan trọng nhất là ngôi mộ của vị Nguyễn Chiêu phi - một vị ái phi của chúa Nguyễn Phúc Chu và ngôi mộ của vị Đội trưởng họ Nguyễn ở khu vực Trầm Sơn thuộc xã Hải Sơn - huyện Hải Lăng - Quảng Trị.

Những phát hiện này đã đưa đến giả thiết bước đầu: có thể, những ngôi mộ kiến trúc bằng vôi hàu với dạng nấm hình trứng, kèo ngựa phổ biến trong khắp các làng xã miền Trung, thường được gọi một cách rất dân gian là mã Hời, mã Tàu, hay mã lạng v.v. chính là mộ của người Việt thời các chúa Nguyễn, mà hiện nay đã bị mất văn bia nên khó lòng nhận diện. Và cũng có thể đấy là mộ của người Hoa được làm theo phong cách mộ táng thời chúa Nguyễn.

Một phát hiện khác không kém phần quan trọng là nhóm mộ táng ở khu vực Hương Hồ - phường Hương Long - thị xã Hương Trà - Thừa Thiên Huế. Hay nhóm mộ của dòng họ Nguyễn Khoa ở khu vực Ngự Bình (An Cựu - Huế). Những biểu hiện ở nhóm mộ táng này cho thấy một sự tiếp nối, xác lập đặc trưng và chuyển giao cho giai đoạn tiếp theo: thời vua Nguyễn.

Hình ảnh ngôi mộ được phục dựng lại dưới thời Nguyễn

Trang trí chim Phụng trên trán bia Chiêu Nghi

Sau quá trình phát hiện, thông tin từ hệ bia chí đặc thù ở những khu mộ táng này, qua đối sánh đã mang đến những thông tin vô cùng quý giá từ chất liệu, kiểu dáng và hệ hoa văn trang trí đặc thù.

Ngoài dòng mộ táng và bia chí, hình ảnh ấn triện cũng xuất hiện rất nhiều trên những tác phẩm bằng chất liệu gỗ như là một dấu ấn riêng có và có thể xác lập thành tiêu chí nhận diện. Điển hình là bức hoành Linh thứu cao phong ở chùa Thiên Mụ do chính tay chúa Nguyễn Phúc Chu ngự bút, khắc bảo ấn của chúa vào năm 1714.

Từ hình ảnh chiếc vạc có thể xem là được đúc sớm nhất hiện nay - năm 1631, hiện được đặt trước Bảo tàng Mỹ thuật cung đình Huế cho đến những chiếc muộn hơn, có thể thấy được sự chuyển biến về hình dáng và hoa văn trang trí trên thân vạc. Chiếc vạc này có dáng như chiếc nồi đồng phóng lớn cả về kích thước lẫn quy mô, với hệ motif trang trí chủ đạo là cúc nút và liên đằng - hình ảnh gợi mở đến sự tiếp nối một cách toàn vẹn của mỹ thuật Lê. Những chiếc vạc về sau được đúc với thân thẳng, có quai, chân đế và hệ motif trở nên đa dạng hơn với nhiều chủ đề trang trí như động vật, thực vật, đồ vật, hiện tượng thiên nhiên, tự dạng - hồi văn... Bên cạnh những motif trang trí thuần Việt, trên những vạc đồng còn xuất hiện hệ motif mang ảnh hưởng của phương Tây, khá lạ lẫm và khó có thể lý giải trong nguyên nghĩa Việt. Trong nhiều công trình nghiên cứu, nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thông cho rằng: “Phải chăng sức mạnh về khoa học kỹ thuật một thời đã được lưu lại dấu ấn khi các chúa Nguyễn đã tỏ ra khá ưu ái với những người thợ đúc đồng đến từ Tây phương? Sự thừa nhận công năng của súng đồng trên chiến trường đã dẫn đến sự thừa nhận của bất kỳ những biểu hiện nào có liên quan đến nó trong tạo tác các đồ vật liên quan, như một sự mặc nhiên”. Có lẽ sẽ còn nhiều kiến giải khác, nhưng những motif trang trí kiểu dạng như thế này đã hình thành nên một tiêu chí để nhận diện những chiếc vạc đồng thời chúa Nguyễn.

Có thể thấy, ranh giới giữa cung đình và dân gian trong trang trí dưới thời các chúa Nguyễn khá mong manh, khó phân định, thể hiện qua hình ảnh các dải trang trí mang tính rập khuôn trên nhiều hiện vật có chức năng và giá trị khác nhau. Nhiều motif trang trí trên thân chuông thể hiện rõ sự pha trộn bộ bát bửu của Nho - Phật và Lão như một sự dung hoà cần thiết trong một giai đoạn lịch sử.

Hé mở về một nhánh văn hóa

Sẽ còn rất nhiều hiện vật và di tích chưa được phát lộ, nhưng những gì đã và đang tồn tại cho thấy từng có một giai đoạn nghệ thuật tạo hình với những nét rất riêng đã được định hình trên đất Huế và vùng miền Trung.Bước đầu gợi mở và thăm dò dư luận về những phát hiện rất mới này, nhóm cán bộ Phân viện Văn hoá Nghệ thuật Việt Nam tại Huế đã tổ chức nhiều cuộc triển lãm và đã nhận được nhiều đánh giá tích cực từ phía công luận.

Trước những đặc thù của một giai đoạn lịch sử khi mà Hoành Sơn - Đèo Ngang từ ranh giới vùng trở thành biên giới quốc gia, nghệ thuật tạo hình thời các chúa Nguyễn đã không thể vì thế mà tách khỏi một nền tảng dân tộc xuyên suốt để tự thân lớn mạnh, mà không cần đến dòng máu mạch nguồn. Yếu tố để tạo nên văn hoá cũng như mỹ thuật thời các chúa Nguyễn chính là sự dung hợp nhiều yếu tố của cả địa phương và khu vực. Mặt khác, sự tác động của yếu tố tâm lý muốn đề kháng để biểu lộ thái độ đối lập và phủ nhận chính quyền Đàng Ngoài, các chúa Nguyễn đã làm nên một bình diện có tính toàn cục với một số yếu tố đặc thù để xác lập cái riêng. Trên nền tảng tư tưởng đó, mỹ thuật thời chúa Nguyễn còn tiếp thu những quan niệm thẩm mỹ, văn hoá của phương Tây một cách không chủ định và những dấu ấn này còn lưu lại vết dấu trong thời kỳ đầu của vương triều Nguyễn về sau.

Tuy vậy, cho dù có những biểu tầng văn hoá mang những nét khác biệt so với Đàng Ngoài, nhưng xét trên mặt cơ tầng, chủ nhân của giai đoạn nghệ thuật tạo hình thời chúa Nguyễn, suy cho cùng đều là những người Việt đến từ đất Bắc, trên vùng đất mới đã kiến tạo nên một nhánh văn hoá khác trên một cội nguồn văn hoá dân tộc.

Với đặc điểm như vậy, giai đoạn nghệ thuật tạo hình thời chúa Nguyễn đã đóng một vai trò rất quan trọng trong lịch sử phát triển của mỹ thuật Việt Nam nói riêng và văn hoá nói chung. Đây là thời kỳ chuyển tiếp truyền thống mỹ thuật từ các triều đại trước cho đến khi nhà Nguyễn thống nhất đất nước vào đầu thế kỷ 19.

Những tổng kết bước đầu về một giai đoạn nghệ thuật tạo hình thời các chúa Nguyễn đã được xác định. Hy vọng những công bố tiếp theo của nhóm nghiên cứu sẽ mang lại những hiểu biết đáng kể về một giai đoạn khá nhạy cảm nhưng cũng rất quan trọng này.

Bảo Đàn
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Cụ” bàng trong trường học được công nhận cây Di sản

Sáng 17/2, thầy giáo Nguyễn Văn Tuân, Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Phú Lộc (huyện Phú Lộc) cho biết, cây bàng cổ thụ trong trường vừa được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây Di sản Việt Nam.

“Cụ” bàng trong trường học được công nhận cây Di sản
Báo cáo nghiên cứu đầu tư dự án phục hồi di tích điện Cần Chánh

Chiều 12/1, tại Nhà hát Duyệt Thị Đường, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế tổ chức Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư dự án Tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích điện Cần Chánh. Tham dự, có các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hoá - lịch sử cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Báo cáo nghiên cứu đầu tư dự án phục hồi di tích điện Cần Chánh
Núi Bân & lễ hội Quang Trung tại Huế

Cùng với Hà Nội và Bình Định, Huế tự hào có khu tưởng niệm và lễ hội Quang Trung gắn với sự kiện Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế, xuất quân ra Bắc Hà, đánh tan 29 vạn quân Thanh xâm lược.

Núi Bân  lễ hội Quang Trung tại Huế
Return to top