ClockThứ Năm, 14/04/2011 09:41

Di sản văn hóa giúp dân tộc phát triển mà không vong bản

TTH - Từ 30/4 đến 3/5, Festival Nghề truyền thống Huế 2011 với chủ đề “Bếp Việt trong vườn Huế” sẽ diễn ra tại Huế. Tại Festival này, nhà nghiên cứu-sưu tầm cổ vật Trần Đình Sơn sẽ tham gia triển lãm, trưng bày các cổ vật liên quan đến ẩm thực Việt. Trước thềm Festival, ông Trần Đình Sơn đã dành cho TTH Cuối tuần cuộc trao đổi. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Xin ông vui lòng cho biết, lý do gì khiến ông nhận lời tham gia triển lãm tại Festival nghề Huế 2011?

Đây không phải là lần đầu tiên mà đã là lần thứ tư chúng tôi nhận lời tham gia Festival nghề truyền thống Huế. Chúng tôi nghĩ, đây là dịp tốt nhất để giới thiệu di sản văn hoá đến với quần chúng địa phương cũng như du khách trong và ngoài nước đến tham dự Festival. Như anh biết, Huế là quê nhà của tôi nên hễ có dịp để trở về Huế để thăm lại nhà thờ, phần mộ tổ tiên, gặp gỡ bà con bạn bè là niềm hạnh phúc rất lớn đối với tôi.
Công chúng và du khách sẽ được xem gì tại triển lãm sắp tới của ông?
Theo chủ đề của Festival Nghề truyền thống Huế 2011 “Bếp Việt trong vườn Huế”, chúng tôi sẽ trưng bày khoảng 200 cổ vật phục vụ cho việc ăn uống truyền thống của người Việt (từ thế kỷ I đến thế kỷ XX). Điều này giúp cho những người quan tâm nghiên cứu về ẩm thực Việt Nam thấy tận mắt kiểu cách nồi niêu, chén bát, ấm tách v.v... do người Việt chế tạo trải qua các giai đoạn lịch sử từ Bắc vào Nam. Đặc biệt đối với các bạn trẻ, du khách có dịp so sánh nét đặc trưng của nghệ thuật ẩm thực Huế với các vùng miền khác.
Qua bộ sưu tập tại triển lãm này, ông muốn chuyển tải đến người xem thông điệp gì?
Trước đây, do luật lệ về quản lý cổ vật chưa phù hợp đối với thực tế xã hội nên cổ vật phải “trốn” thật kỹ để lần lượt “di tản” ra nước ngoài, mà nhiều người vẫn thường gọi là hiện tượng chảy máu cổ vật. Nay, Nhà nước đã ban hành luật lệ phù hợp, có chính sách khích lệ, hỗ trợ cho các nhà sưu tập nên kết quả là khắp toàn quốc, phong trào sưu tầm, nghiên cứu, triển lãm rất sôi động để phục vụ sinh hoạt văn hoá xã hội. Bây giờ, thay vì “chảy máu” các nhà kinh doanh, sưu tầm phải “nhập máu” cổ vật từ nước ngoài về. Tại Hà Nội, Tp Hồ Chí Minh và các tỉnh thành lớn khác, chính quyền điạ phương đã yểm trợ để thành lập các bảo tàng tư nhân trưng bày nhiều bộ sưu tập quý hiếm. Huế là một trung tâm văn hoá lớn, nhưng tiếc là lại chưa làm được điều này.
Bộ sưu tập của ông tại triển lãm tới sẽ nhắn gửi điều gì cho hậu thế?
Theo tôi, cổ vật, di sản, di vật của tiền nhân để lại hàm chứa nhiều mật ngữ mà người đời sau không dễ gì thấu hiểu hết tình ý tàng ẩn bên trong. Mỗi người tuỳ vào kiến thức, tâm ý của mình mà thưởng ngoạn, chiêm nghiệm để phát hiện những điều lý thú về mỹ thuật, văn thơ, lịch sử... Họ chính là những nhà “ngoại cảm” thông qua cổ vật để trò chuyện với người xưa. Một bộ sưu tập theo từng chuyên đề nếu có cơ duyên tồn tại lâu dài thì người đời sau có cơ hội tiếp tục nghiên cứu quá khứ của ông cha để phát hiện thêm những điều mới mà người đi trước chưa cảm nhận hết. Di sản văn hoá như một sợi dây nối liền quá khứ với hiện tại. Sợi dây văn hoá thật cần thiết để dân tộc phát triển mà không vong bản, tiếp thu cái mới nhưng không bị đồng hoá mà vẫn giữ được bản sắc của mình.
Ông có thể tiết lộ một vài kỷ niệm vui buồn khi trót mang... “nghiệp” với cổ vật?

Bát dĩa in hình rồng Khánh Xuân thời Lê Trịnh-những cổ vật sẽ được trưng bày tại triển lãm tới.

Tôi có gần 50 năm gần gũi với đồ xưa vật cũ, chuyện buồn vui không ít, có thể để dành để viết một tập “Vui buồn với thú chơi đồ cổ” để lại cho vui. Xin nói thiệt tình, cũng vì say mê “đồ cổ” mà cho đến gần tứ tuần quanh tôi cũng chỉ có các mệ, một thời hương sắc lừng lẫy, như mệ Bích Tiên, mệ Mười Lăm, bà NPĐ... khiến bạn bè chế diễu tôi là toàn mê đồ... da rạn! Về sau, đồ cổ cũng đã làm cho mẹ và vợ tôi khổ không biết nói răng cho vừa... Thiệt là đồ cổ đôi khi biến thành đồ... khổ cũng không chừng! Vui phát rồ cũng nhờ nó mà buồn thúi ruột cũng vì nó.
Nhưng qua cơn bĩ cực đến hồi thái lai. Năm nay, cũng nhờ nhân duyên cổ vật mà tôi sẽ khăn gói mang theo chén, bát, ấm, tách... từ thuở Lý, Trần, Lê, Nguyễn cùng với bà xã gánh theo nồi, niêu, soong, chảo vượt núi băng đèo về tham dự Festival “Bếp Việt trong vườn Huế”. Suy đi nghĩ lại như rứa, còn chi vui hơn nữa...
Xin cảm ơn và chúc ông sẽ có cùng Huế một Festival với thật nhiều thành công, niềm vui và ý nghĩa.
Diên Thống (thực hiện)
 
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Cụ” bàng trong trường học được công nhận cây Di sản

Sáng 17/2, thầy giáo Nguyễn Văn Tuân, Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Phú Lộc (huyện Phú Lộc) cho biết, cây bàng cổ thụ trong trường vừa được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây Di sản Việt Nam.

“Cụ” bàng trong trường học được công nhận cây Di sản
Báo cáo nghiên cứu đầu tư dự án phục hồi di tích điện Cần Chánh

Chiều 12/1, tại Nhà hát Duyệt Thị Đường, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế tổ chức Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư dự án Tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích điện Cần Chánh. Tham dự, có các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hoá - lịch sử cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Báo cáo nghiên cứu đầu tư dự án phục hồi di tích điện Cần Chánh
Núi Bân & lễ hội Quang Trung tại Huế

Cùng với Hà Nội và Bình Định, Huế tự hào có khu tưởng niệm và lễ hội Quang Trung gắn với sự kiện Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế, xuất quân ra Bắc Hà, đánh tan 29 vạn quân Thanh xâm lược.

Núi Bân  lễ hội Quang Trung tại Huế
Return to top